Chương 2: VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TQVN THAM GIA XÂY DỰNG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC, CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ
2.4. VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TQVN TẬP HỢP XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN THAM
2.4.1. Mặt trận TQVN tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc là thực hiện tốt chính sách đối với các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, các chủ trương, chính sách, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước được thể hiện và cụ thể hoá trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, đối ngoại và đáp ứng cơ bản những lợi ích, nguyện vọng chính đáng của các giai tầng xã hội.
Luật Mặt trận TQVN cũng đã chỉ rõ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các
đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội. Nhận thức ý nghĩa sâu sắc lớn lao và tầm quan trọng của vấn đề này, để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở đồng thuận xã hội, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã thường xuyên ban hành và không ngừng hoàn thiện các quy chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân vừa thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, vừa thực hiện quyền dân chủ đại diện và chế độ tự quản của cộng đồng dân cư, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, để qua đó tăng cường đoàn kết toàn dân, củng cố sự nhất trí, sự đồng thuận về chính trị và tinh thần trong xã hội.
Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội được tăng cường và phát huy. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã chú ý lắng nghe, đối thoại với các tầng lớp nhân dân. Sự đồng thuận xã hội trong các vấn đề lớn của đất nước ngày càng được mở rộng và tăng cường; việc thực hành dân chủ trong Đảng và xã hội có nhiều tiến bộ; môi trường xã hội và các yếu tố giải phóng con người ngày càng được xác lập rõ hơn, đầy đủ hơn. Các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội từng bước được thực hiện hài hoà; truyền thống nhân nghĩa, khoan dung và hoà hiếu của dân tộc được đề cao… tạo điều kiện thuận lợi để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân và đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài; khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức tiếp tục được mở rộng và thống nhất theo mục tiêu chung; tính chủ động sáng tạo và tính tích cực của nhân dân đã được phát huy, điểm tương đồng trong nhân dân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh ngày càng được tăng cường. Đây là những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và chấn hưng đất nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trương đa dạng hoá các hình thức tập hợp thông qua nhiều phương thức khác nhau như:
- Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân qua việc phát triển thêm các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu trong các giai tầng xã hội tham gia Mặt trận. Hiện nay, Mặt trận TQVN có 44 tổ chức thành viên, trong những năm qua với sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường sâu sát cơ sở và nhân dân, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tập hợp và phát triển thêm được nhiều đoàn viên, hội viên.
- Việc tập hợp đoàn kết nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là hai cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo” có bước phát triển.
- Chăm lo và phát huy vai trò của những cá nhân tiêu biểu trong các giai tầng xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài: Xác định vai trò, vị trí của những cá nhân tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đối với việc tập hợp, đoàn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua Mặt trận các cấp đã chú trọng tập hợp các cá nhân tiêu biểu tham gia làm thành viên Uỷ ban Mặt trận các cấp; tham gia Hội đồng tư vấn và làm cộng tác viên của Mặt trận. Để tập hợp, đoàn kết chức sắc các tôn giáo, các cấp Mặt trận đã phối hợp với các cơ quan hữu quan của Đảng, Nhà nước tham gia xây dựng, từng bước hoàn thiện các chính sách, pháp luật về tôn giáo; thường xuyên tổ chức thăm hỏi chức sắc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo nhân các ngày lễ trọng của tôn giáo như Đại lễ Phật
đản, Lễ Giáng sinh…Mặt trận vận động các tổ chức tôn giáo hưởng ứng và tham gia thực hiện các cuộc vận động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước mang đặc trưng tôn giáo như: xây dựng “Chùa cảnh văn hoá” của Phật giáo; phong trào “Toàn dân xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” của Uỷ ban Đoàn kết tôn giáo; tập hợp tâm tư nguyện vọng của chức sắc và đồng bào tôn giáo để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước;
ủng hộ tạo điều kiện cho các tổ chức và chức sắc tôn giáo phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức và các giá trị tích cực khác của tôn giáo vào việc tham gia các công tác xã hội, hoạt động từ thiện nhân đạo, chăm sóc người già cô đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật… qua đó tăng cường khối đại đoàn kết giữa đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.