Vai trò tham gia phối hợp của Mặt trận TQVN với Viện kiểm sát nhân dân

Một phần của tài liệu Vai trò tham gia của mặt trận tổ quốc việt nam trong xây dựng nhà nước và pháp quyền xã hội chủ nghĩa qua thực tiễn tại tỉnh thừa thiên huế (Trang 77 - 81)

Chương 2: VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TQVN THAM GIA XÂY DỰNG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC, CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ

2.3. VAI TRÒ THAM GIA, PHỐI HỢP CỦA MẶT TRẬN TQVN ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP

2.3.2. Vai trò tham gia phối hợp của Mặt trận TQVN với Viện kiểm sát nhân dân

Trên cơ sở những quy định của Hiến pháp và pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân với MTTQ Việt Nam, các ngành, các cấp, các đoàn thể trong việc bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, thời gian qua, Mặt trận và Viện kiểm sát nhân dân đã cùng phối hợp với một số cơ quan hữu quan đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành Quy chế, chương trình phối hợp công tác giữa các Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp được ký kết hàng năm đề ra việc phối hợp công tác tập trung với các nội dung về đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiểm sát, giám sát các hoạt động tư pháp, tham gia hoạt động tố tụng, đặc biệt là phối hợp tổ chức kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở nơi tạm giữ của Công an. Trên cơ sở các văn bản đó, quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Uỷ ban MTTQ

trong lĩnh vực bảo vệ quyền dân chủ của công dân được tăng cường và đẩy mạnh và đã đạt được nhiều kết quả. Thể hiện trên một số lĩnh vực sau:

2.3.2.1. Phối hợp trong việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp với Viện kiểm sát trong việc dự kiến chương trình xây dựng pháp luật. Từ hoạt động thực tiễn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, MTTQ Việt Nam phát hiện kịp thời những chính sách, pháp luật liên quan đến quyền dân chủ của công dân, thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát không được thực thi hoặc không phù hợp thì đề nghị với các cơ quan Nhà nước nói chung, Viện kiểm sát nhân dân nói riêng đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Trong việc xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Viện kiểm sát chủ trì soạn thảo, đặc biệt là các dự thảo văn bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, đến các tầng lớp nhân dân do Ủy ban TWMTTQ Việt Nam trực tiếp vận động; đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam; đến tổ chức bộ máy Nhà nước, Viện kiểm sát luôn thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là tạo điều kiện để MTTQ tham gia đóng góp ý kiến và tiếp thu, giải trình đầy đủ theo quy định của pháp luật. Ủy ban MTTQ các cấp khi nhận được yêu cầu đã tích cực tổ chức góp ý kiến, huy động nhân dân tham gia đóng góp, đặc biệt các Hội đồng tư vấn của Mặt trận và gửi văn bản góp ý kiến kịp thời có chất lượng.

Viện kiểm sát và UBMTTQ còn phối hợp chặt chẽ trong việc góp ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo, nghị quyết, nghị định và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác do hai bên chủ trì soạn thảo.

Hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân cũng đã phối hợp với MTTQ ban hành quy chế, chương trình phối hợp công tác để tổ chức thực hiện những công

việc liên quan theo đề nghị của mỗi bên. Thông qua các hoạt động này, Mặt trận đã cùng với Viện kiểm sát đôn đốc, thúc đẩy nhanh quá trình ban hành văn bản pháp luật, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần thực hiện các quyền dân chủ của công dân.

2.3.2.2. Phối hợp trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phối hợp trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và những kiến nghị của nhân dân

Thực hiện nguyên tắc “Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật”, Viện kiểm sát nhân dân tổ chức tốt việc tiếp nhận các tin báo, tố giác về tội phạm do các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân chuyển đến. Mặt trận TQVN thông qua công tác vận động nhân dân thi hành chính sách, pháp luật, thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đã tích cực phối hợp với Viện kiểm sát, cơ quan điều tra vận động nhân dân phát hiện và cung cấp các tin báo tố giác tội phạm; tuyên truyền về những phương thức thủ đoạn của tội phạm nhất là những loại tội phạm tham nhũng... để động viên nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác tội phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững kỷ cương, pháp luật

Trong việc tiếp nhận và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, MTTQ cũng đã tích cực phối hợp với VKS khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến. Qua các hoạt động của mình, MTTQ tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ảnh với Đảng, Nhà nước nói chung, VKSND nói riêng và đã được Viện kiểm sát nhân dân tiếp thu từng bước giải quyết.

2.3.2.3. Về sự phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tư pháp, tham gia hoạt động tố tụng, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của công dân

Viện kiểm sát trong công tác kiểm tra việc tuân theo pháp luật đối với các hoạt động tư pháp đã có sự phối hợp chặt chẽ với MTTQ; mời đại diện UB MTTQ tham gia đoàn giám sát đối với những vấn đề liên quan đến quyền giám sát của MTTQ. Trong quá trình giám sát đó, khi phát hiện có biểu hiện vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp thì MTTQ kiến nghị bằng văn bản với các cơ quan đó để xử lý, đồng thời đôn đốc, giám sát Viện kiểm sát tiến hành các thủ tục kháng nghị theo luật định.

Theo quy định của pháp luật, MTTQ và các tổ chức thành viên có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng hình sự, dân sự, lao động, hành chính, kinh tế... để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức mình, của công dân, của hội viên, đoàn viên, đồng thời thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng; cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình. Trong hoạt động này, MTTQ và VKSND đã có mối quan hệ chặt chẽ và hiệu quả. Đặc biệt đối với những vụ án lớn, nhất là những vụ việc có tác động đến dư luận nhân dân hoặc có liên quan đến đối tượng là những người tiêu biểu như chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài, MTTQ đều có sự quan tâm, theo dõi và kịp thời kiến nghị với VKSND và các cơ quan có thẩm quyền khác xem xét, đảm bảo sự công bằng, công minh của pháp luật.

Trong các giai đoạn của tố tụng, MTTQ và các tổ chức thành viên phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng đã kiến nghị với VKSND và các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý.... VKSND còn phối hợp với MTTQ trong việc tổ chức kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án...

2.3.2.4. Về sự phối hợp trong công tác chuẩn bị nhân sự bổ nhiệm kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp

Trong thành phần Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên VKSND tối cao, kiểm sát viên VKSQSTW, kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh, huyện đều có đại diện Uỷ ban Mặt trận và BCH Hội luật gia Việt Nam cấp tương đương là uỷ viên. HĐ tuyển chọn KSV VKSND có nhiệm vụ: tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm KSV VKSND; xem xét những trường hợp KSV có thể được miễn nhiệm, cách chức chức danh kiểm sát viên. Sự tham gia của MTTQ vào quá trình này đã góp phần vào việc đảm bảo tính nhân dân của bộ máy Viện kiểm sát, bảo đảm sự giám sát đối với các cơ quan đó cũng chính là nhằm bảo đảm phục vụ tốt hơn quyền dân chủ của công dân.

Một phần của tài liệu Vai trò tham gia của mặt trận tổ quốc việt nam trong xây dựng nhà nước và pháp quyền xã hội chủ nghĩa qua thực tiễn tại tỉnh thừa thiên huế (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)