PHẦN II. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH SẢN XUẤT, NGHIÊN CỨU HOA LILIUM
II. Tình hình sản xuất hoa Lilium trên thế giới và ở Việt Nam
2.1.1. Sản xuất củ giống
Sản xuất củ giống hoa Lilium trên thế giới tập trung ở 10 nước, trong đó Hà Lan có diện tích sản xuất lớn nhất với 4.280 ha (77%), theo sau là Pháp (401ha;
0,8%); Chile (205ha; 0,4%); Mỹ (200ha; 0,4%); Nhật Bản (189ha; 0,3%) và New Zealand (110ha; 0,2%) (Đặng Văn Đông, 2010) [5].
Ở Hà Lan, thương mại củ giống hoa bắt đầu có từ thế kỷ XVI và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Hà Lan là nước sản xuất củ giống hoa Lilium quan trọng nhất trên thế giới. Diện tích sản xuất củ hoa Lilium đã tăng một cách nhanh chóng từ 3500ha năm 1995 lên 4500ha năm 2000 (Đặng Văn Đông, 2010) [5].
2.1.2. Sản xuất hoa cắt cành
Thương mại quốc tế hoa cắt tập trung ở các thị trường EU, Nhật Bản và Mỹ với giá trị bán lẻ tương ứng lần lượt là 955; 6.500 và 3.800 triệu euro. Hà Lan, Kenya, Israel, Columbia và Ecuador là những nước xuất khẩu hoa cắt lớn. Đức là nước nhập khẩu hoa cắt lớn nhất thế giới. Các nước sản xuất mới như: Guatemala, Chile, Uganda, Tanzania, Ấn Độ và Việt Nam cũng đang là những thị trường mới nổi lên (Đặng Văn Đông, 2010) [5].
Ở Hà Lan, hoa Lilium xếp vị trí thứ 4 trong số 10 cây hoa cắt quan trọng, chỉ xếp sau hoa hồng, cúc và Tulip. Doanh thu bán lẻ của hoa Lilium năm 2005 chiếm 7% (164 triệu euro) trong tổng số doanh thu bán lẻ của các loại hoa. Doanh thu này tăng 3,7% so với năm 2004. Sản lượng hoa cắt năm 2005 là 373 triệu cành, giảm 9,8% so với năm 2004. Hầu hết hoa Lilium được trồng ở Hà Lan là phục vụ cho xuất khẩu sang các nước láng giềng như Pháp, Đức và Anh; chỉ có 5% hoa sản xuất ra là phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước (Đặng Văn Đông, 2010) [5].
Ngoài Hà Lan thì các nước khác như: Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng có ngành trồng hoa Lilium rất phát triển.
Ở Italia, Lilium là một trong những cây hoa cắt có giá trị kinh tế quan trọng nhất, chiếm diện tích khoảng 280 – 300ha, với tổng giá trị sản xuất là 71 triệu đô la.
Tất cả các củ giống, ước chừng khoảng 152 triệu, sử dụng cho sản xuất hoa cắt, chủ yếu nhập khẩu từ Hà Lan.
Ở Hàn Quốc, Lilium là cây hoa cắt cành có vị trí quan trọng thứ 4. Diện tích sản xuất đã tăng lên 223ha năm 1992 so với 32ha năm 1985. Khoảng 15% củ giống sử dụng cho sản xuất hoa cắt và các giống mới được nhập khẩu từ Hà Lan. Năm 1992, có 8 triệu củ (1,6 triệu đô la) được nhập khẩu cho sản xuất hoa cắt, trong khi đó xuất khẩu hoa cắt lần đầu là 580.000 cành hoa (1 triệu đô la) tới Nhật Bản năm 1993 (Kim, 1994) [37].
Ở Nhật Bản, năm 1937, đã nhập khẩu 40 triệu củ giống. Con số này đã tăng lên 122,9 triệu vào năm 1972 và khoảng 200 triệu vào năm 2001. Ngoài ra nước này cũng sản xuất 34,8 triệu củ giống Lilium cho thị trường nội địa (Đặng Văn Đông, 2010) [5].
Ở Trung Quốc, có khoảng 50 giống hoa Lilium của Hà Lan được nhập nội vào thị trường Trung Quốc khi sản xuất hoa Lilium bắt đầu tăng với quy mô lớn vào năm 1999. Diện tích sản xuất hoa Lilium năm 2003 là 600ha, sản lượng hoa cắt là 220.000.000 cành; trong đó sản xuất hoa Lilium tập trung chủ yếu ở các tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đây là vùng có các điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp với sản xuất hoa Lilium cắt cành, với năng suất là 24.000 cành/mu (1 mu = 1/15ha) (Đặng Văn Đông, 2010) [5].
Do nhu cầu tiêu dùng hoa Lilium trên thế giới ngày càng tăng nên hoa Lilium ngày càng trở nên phổ biến hơn. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều nước khác như:
Chile, Kenya, Brazil, Costa Rica… cũng đã mở rộng diện tích trồng hoa Lilium với
những thuận lợi như có điều kiện chiếu sáng phù hợp, chi phí sản xuất và nhân công rẻ hơn so với Hà Lan (Đặng Văn Đông, 2010) [5].
2.2. Tình hình sản xuất hoa Lilium ở Việt Nam 2.2.1. Tình hình sản xuất hoa lily ở Việt Nam
Đà Lạt là nơi hiện đang có diện tích trồng lily nhiều nhất so với các địa phương khác trên cả nước (chiếm khoảng 8% trong tổng diện tích trồng hoa). Những vùng sản xuất hoa lily truyền thống như Đà Lạt mỗi năm sản xuất được khoảng 1,5 triệu cành. Trong đó gần 1 triệu cành được xuất khẩu bởi công ty hoa Đà Lạt Hasfam (Đặng Văn Đông, 2004) [2].
Trước năm 2000, hoa lily được trồng chủ yếu ở Đà Lạt nhưng đến năm 2010, hoa lily đã được trồng ở hầu hết các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, SaPa, Hải Phòng, Sơn La, Yên Bái, Bắc Ninh, Quảng Ninh và một số tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Thanh Hóa, Huế… nơi có nhiệt độ phù hợp với cây hoa lily vào vụ thu và vụ đông.
Theo số liệu điều tra Viện nghiên cứu rau quả: năm 2007, Viện Nghiên cứu Rau quả đã triển khai xây dựng mô hình trồng hoa lily cho 70 doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ gia đình ở 12 tỉnh thành với quy mô 220.000 củ giống. Kết quả tất cả 100% sản phẩm đều được tiêu thụ hết, tỷ lệ lợi nhuận gấp 2,2 lần (trong thời gian 3,5 tháng).
Từ kết quả trên, năm 2008 Viện phát triển mô hình ra 22 tỉnh từ Phú Yên trở ra với tổng số lượng khoảng 400.000 củ giống (Đặng Văn Đông, 2007) [3].
Trong cơ cấu, chủng loại hoa năm 2000 và 2005, tỷ trọng cây hoa lily đã tăng từ 3% lên 5%.
Từ nhiều năm nay, các giống hoa lily thường được trồng ở Việt Nam chủ yếu là các giống: Sorbonne, Tiber, Acapulco…Nhìn chung những giống hoa này sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng hoa cao, tương đối thích hợp với điều kiện trồng trọt tại Việt Nam. Tuy nhiên số lượng giống vẫn còn ít, giá thành nhập khẩu còn cao, chất lượng vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài. Vì vậy, ngành sản xuất hoa Việt Nam vẫn chưa chủ động được trong sản xuất cũng như cung ứng hoa cho thị trường nội địa (Đặng Văn Đông, 2004) [2].
2.2.2. Tình hình sản xuất hoa loa kèn ở Việt Nam
Ở Việt nam, cây hoa loa kèn hiện đang được trồng phổ biến tại Đà Lạt, Nam Định, Hà Nội, Hải phòng và một số tỉnh thành khác với tổng diện tích trên 100 ha, mỗi năm có khoảng 30 vạn củ giống được xử lý cho sản xuất trái vụ. Riêng Đà Lạt hàng năm sản xuất hàng triệu cành hoa loa kèn cắt nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha [53].
Theo số liệu thống kê của nhóm nghiên cứu bộ môn sinh lý, sinh hóa trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, năm 2004, diện tích trồng hoa loa kèn chỉ khoảng 100ha, tập trung chủ yếu ở Đà Lạt, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình và một số tỉnh khác. Giống hoa chủ yếu được trồng ở thời gian này là giống loa kèn “ta” hay giống loa kèn “Trắng địa phương”. Giống hoa này rất dễ trồng, dễ chăm sóc, hoa nở đồng đều nhưng chỉ tập trung vào tháng 4, tháng 5. Vào thời điểm này giá bán hoa rất rẻ, thậm chí có nhiều nơi tiêu thụ không hết nên hiệu quả sản xuất rất thấp.
Năm 2009, giống loa kèn Tứ Quý (loa kèn chịu nhiệt, Raizan) do Viện nghiên cứu Rau quả chọn tạo đã được công nhận là giống sản xuất thử và được trồng rộng
rãi ngoài sản xuất [58].
Trong dự án “Trồng thử nghiệm hoa loa kèn Tứ Quý tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh” được nghiệm thu đầu tháng 12-2008, TS. Đặng Văn Đông, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu hoa và cây cảnh - Viện NC Rau quả cho biết: với giá bán trung bình từ 4-6 ngàn đồng/cành, trên diện tích 2.000m2 mô hình có tổng chi phí hết 62 triệu đồng, tổng thu 107 triệu đồng, lãi thuần 45 triệu đồng. Theo đánh giá của Công ty CP Hoa Nhiệt đới thì trồng hoa loa kèn Tứ Quý cho hiệu quả cao gấp 1,5-2 lần so với giống loa kèn cũ (loa kèn ngang) [55].
Tháng 10/2009, Trung tâm khuyến nông Hà Nội đã nghiệm thu “Dự án trồng hoa loa kèn chịu nhiệt tại xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm” với diện tích là 1.000 m2. Kết quả cho thấy: sau 64 ngày trồng và chăm sóc cây hoa loa kèn, đến nay cây hoa đã cho thu hoạch, trung bình mỗi cây cho 2- 3 cành hoa. Vào thời điểm 20/10/2009, hoa loa kèn bán được 10.000 đồng/cành, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng hoa (theo Thôn Trang - TTKN Hà Nội) [56].
Tháng 11-2009, tại xã Ái Quốc, thành phố Hải Dương, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương) đã tổ chức đánh giá việc sản xuất thử nghiệm cây hoa loa kèn Tứ Quý. Qua trồng thử cho thấy giống hoa loa kèn Tứ Quý có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt và sau khi trồng khoảng 60 ngày thì bắt đầu cho thu hoạch. Một cây hoa có thể cho từ 3 đến 5 hoa. Một sào có thể cho 25.500 đến 27.000 tai hoa, với giá bán trung bình khoảng 1 nghìn đồng/hoa thì một sào một vụ người trồng hoa cũng thu về từ 25 đến 27 triệu đồng, trừ chi phí người trồng hoa thu về khoảng từ 9 đến 10 triệu đồng mỗi vụ [57].
Tuy hoa loa kèn đem lại giá trị kinh tế rất cao cho người sản xuất nhưng ở nước ta do hoa loa kèn mới được phát triển nên gặp không ít khó khăn về giống, sâu bệnh và cả điều kiện tự nhiên nên nghề trồng hoa loa kèn chưa phát triển mạnh, diện tích hoa loa kèn trong tổng diện tích trồng hoa nói chung còn hạn chế.