Phương pháp can thiệp

Một phần của tài liệu Can thiệp tâm lý cho một trường hợp có rối loạn Ám Ảnh cưỡng chế (Trang 32 - 36)

CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN VỀ RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ

1.3 Phương pháp đánh giá và can thiệp

1.3.2 Phương pháp can thiệp

Liệu pháp được sử dụng chủ yếu để can thiệp cho thân chủ được nhắc tới trong đề án này là liệu pháp Nhận thức - Hành vi. Bằng cách xem xét tình huống của thân chủ dựa trên lý thuyết của liệu pháp này , học viên đã xây dựng cơ sở lý luận, đồng thời có được những gợi ý về kỹ thuật được sử dụng trong tiến trình can thiệp cho thân chủ. Các kỹ thuật đã được áp dụng cho thân chủ được trình bày dưới đây.

Kỹ thuật Giáo dục tâm lý

Kỹ thuật giáo dục tâm lý là một trong những yếu tố quan trọng của trị liệu nhận thức - hành vi, tập trung vào việc cung cấp các thông tin cần thiết cho thân chủ về vấn đề cần được can thiệp và tiến trình can thiệp dự kiến của nhà tâm lý (Khoury và Ammar, 2014). Kỹ thuật này giúp thân chủ hiểu rõ về các vấn đề của mình, từ đó dễ tuân thủ và cam kết hơn trong tiến trình, giúp cải thiện hiệu quả trị liệu (Marschall, 2023).

Abramowitz và cộng sự (2002) chỉ ra rằng việc nhấn mạnh vào Giáo dục tâm lý là nền tảng cơ sở của sự thành công trong những lần thân chủ có OCD thực hiện Phơi nhiễm không phản ứng. Khi kỹ thuật này được thực hiện, thân chủ sẽ được cung cấp thông tin về vấn đề OCD (khái quát về OCD, nguyên nhân của vấn đề) và các thông tin sơ bộ về kỹ thuật Phơi nhiễm không phản ứng (giới thiệu về kỹ thuật, các nội dung của kỹ thuật, những khó chịu mà thân chủ có thể phải trải qua, cơ chế của kỹ thuật trong giải quyết vấn đề, mức độ đầu tư mà thân chủ cần có đối với kỹ thuật) (Foa và cộng sự, 2012).

Kỹ thuật Tái cấu trúc nhận thức

Kỹ thuật tái cấu trúc nhận thức là một yếu tố quan trọng khác trong can thiệp nhận thức - hành vi. Nó là quá trình mà ở đó, các nhận thức được lựa chọn sẽ được xem xét như những giả thuyết, và xem xét những thông tin liên quan để chứng minh (hoặc phản chứng) chứ không chỉ là những thông tin có sẵn do các quá trình chú ý, ghi nhớ,

31

học tập tự động. Cốt lõi của tái cấu trúc nhận thức cho rằng ý nghĩa của một sự kiện chịu ảnh hưởng của các quá trình nhận thức, do đó cách nhận thức của cá nhân sẽ ảnh hưởng đến các cảm xúc, hành vi của cá nhân đối với sự kiện đó. Vì nhận thức có thể thay đổi được, nên độ chính xác và hiệu quả của hoạt động nhận thức sẽ được đánh giá, và kỹ thuật này sẽ đạt hiệu quả tốt nhất khi xác định được các lỗi nhận thức cần tái cấu trúc.

Để xác định được các mục tiêu đó, cần có định hình chắc chắn và sự hợp tác tốt giữa nhà tâm lý và thân chủ (Purdon, 2021).

Trong trường hợp của vấn đề OCD, kỹ thuật này sẽ giúp thân chủ nhìn nhận và thách thức các niềm tin phi lý đang duy trì vấn đề của họ. Một số mẫu niềm tin phi lý ở người có OCD được Wilson và Roman (2007) đưa ra bao gồm: Cảm giác quá mức về trách nhiệm, Xu hướng đề cao quá mức về ý nghĩ, Nhu cầu kiểm soát ý nghĩ, Đánh giá quá cao về nguy cơ, Chủ nghĩa hoàn hảo và Sự khó chấp nhận với những điều không chắc chắn.

Kỹ thuật Phơi nhiễm không phản ứng

Phơi nhiễm không phản ứng (tạm dịch từ Exposure and Response Prevention/EXRP) là kỹ thuật đặc trưng của OCD. Nhà tâm lý và thân chủ sẽ cùng nhau xây dựng một “tháp” nỗi sợ với các tình huống kích hoạt ý nghĩ ám ảnh của thân chủ, sau đó lần lượt tiếp xúc với các tình huống mà ý nghĩ ám ảnh được kích hoạt. Khi ý nghĩ ám ảnh được kích hoạt, thân chủ sẽ không thực hiện hành vi cưỡng chế đi kèm với ý nghĩ ám ảnh đó (Foa và cộng sự, 2012).

Cơ chế tác động của kỹ thuật này được chia thành ba phần, bao gồm: (1) Tiềm năng dập tắt các phản ứng lo âu đã được điều kiện hóa thông qua việc không thực hiện các hành vi cưỡng chế mặc dù ý nghĩ ám ảnh được kích hoạt, (2) Xác định và điều chỉnh các ý nghĩ sai lệch duy trì xuyên suốt trong quá trình thực hiện các hành vi cưỡng chế và (3) Cải thiện mức độ đánh giá của bản thân thân chủ về năng lực của mình. Khi mối liên hệ giữa tình huống kích hoạt ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế của thân chủ bị dập tắt, các niềm tin cũ sai lệch sẽ không còn, và các niềm tin mới đúng đắn hơn, lành mạnh hơn sẽ được hình thành trong hệ thống niềm tin của thân chủ (Wilson và Roman, 2007).

Kỹ thuật Điều chỉnh hành vi

32

Điều chỉnh hành vi là một kỹ thuật thuộc nhóm các kỹ thuật trị liệu hành vi.

Skinner cho rằng các hành vi của con người chịu ảnh hưởng của hai quá trình là củng cố và trừng phạt. Các hình thức củng cố sẽ giúp các hành vi tăng khả năng được thực hiện trong lần tiếp theo, trong khi các hình thức trừng phạt sẽ giảm khả năng hành vi đó tái xuất hiện. (Scott và cộng sự, 2023). Có thể thấy rằng việc điều chỉnh hành vi sẽ nhắm vào việc củng cố các hành vi mong muốn và trừng phạt các hành vi không mong muốn.

Buick và cộng sự (2021) đã mô tả về một tiến trình điều chỉnh hành vi đối với các vấn đề OCD đặc thù, bao gồm các vấn đề OCD mà trị liệu không có hiệu quả, vấn đề OCD đồng diễn với rối loạn phổ tự kỷ hoặc đồng diễn với rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế. Điều chỉnh hành vi được thực hiện để hướng tới việc giảm thời gian cho các hành vi cưỡng chế. Kỹ thuật này được sử dụng do có một số triệu chứng OCD ở thân chủ không đáp ứng tốt với kỹ thuật Phơi nhiễm không phản ứng.

Các kỹ thuật thư giãn

Thân chủ được hướng dẫn hai kỹ thuật thư giãn là Quét cơ thể (Body scan) và Căng chùng cơ tuần tiến (Progressive Muscle Relaxation). Quét cơ thể là một kỹ thuật thuộc trường phái chánh niệm do Kabat-Zinn phát triển để giúp kiểm soát căng thẳng.

Kỹ thuật này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giúp cá nhân thư giãn và giảm bớt một số vấn đề tâm lý (Morton, 2021). Căng chùng cơ tuần tiến cũng đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có hiệu quả trong việc thư giãn và cải thiện sức khỏe tinh thần (Toussaint và cộng sự, 2021). Hai kỹ thuật này được hướng dẫn cho thân chủ để thư giãn và cải thiện sức khỏe, giảm stress trong quá trình can thiệp.

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1, học viên đã trình bày cơ sở lý luận về vấn đề OCD. OCD là một rối loạn trong hoạt động tâm trí được đặc trưng bởi sự tồn tại của ý nghĩ ám ảnh – các hình ảnh, xung động, suy nghĩ không mong muốn mà cá nhân trải nghiệm lặp đi lặp lại, và các hành vi cưỡng chế để xoa dịu, trung lập hóa các ý nghĩ ám ảnh đó. Các nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng OCD có tác động đến 1,3% dân số trên thế giới trong toàn bộ cuộc sống của họ, với tỷ lệ nữ cao hơn so với nam ở các nhóm mẫu tiêu biểu. Các quan điểm khác nhau về nguyên nhân của vấn đề OCD cũng được trình bày. Quan điểm sinh học cho rằng những trục trặc trong não bộ gây ra vấn đề OCD, hoặc có một số yếu

33

tố liên quan đến di truyền. Bên cạnh đó, quan điểm tâm lý học lại cho rằng OCD là do một số yếu tố như nhận thức, hành vi hoặc quá trình tiến hóa gây ra. Các hậu quả của vấn đề này chủ yếu xoay quanh các khía cạnh của hoạt động chức năng và các yếu tố liên quan đến một số triệu chứng đặc thù như rửa tay hoặc hành vi nghi thức. Các liệu pháp có hiệu quả với vấn đề OCD là liệu pháp hóa dược – chủ yếu là nhóm thuốc SSRI, clomipramine và liệu pháp tâm lý trên quan điểm của thuyết Nhận thức – Hành vi.

34

Một phần của tài liệu Can thiệp tâm lý cho một trường hợp có rối loạn Ám Ảnh cưỡng chế (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)