Giai đoạn 1: Xây dựng mối quan hệ lâm sàng, đánh giá ban đầu, hướng dẫn thư giãn cải thiện chất lượng cuộc sống, điều chỉnh nhanh một số vấn đề phụ

Một phần của tài liệu Can thiệp tâm lý cho một trường hợp có rối loạn Ám Ảnh cưỡng chế (Trang 59 - 74)

CHƯƠNG 2. TIẾN TRÌNH CAN THIỆP TÂM LÝ CHO MỘT TRƯỜNG HỢP RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ

2.5 Thực hiện can thiệp

2.5.2 Giai đoạn 1: Xây dựng mối quan hệ lâm sàng, đánh giá ban đầu, hướng dẫn thư giãn cải thiện chất lượng cuộc sống, điều chỉnh nhanh một số vấn đề phụ

2.5.2.1 Thời gian thực hiện giai đoạn 1

Giai đoạn 1 được tiến hành trong 3 buổi làm việc đầu tiên (09/07/2023 – 23/07/2023) với tần suất 1 tuần/buổi. Buổi làm việc thường kéo dài khoảng 90 phút.

2.5.2.2 Mục tiêu làm việc

Giai đoạn 1 tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ lâm sàng với TC, tiến hành đánh giá tâm lý thông qua hỏi chuyện và quan sát, đồng thời thực hiện trắc nghiệm vết mực loang Rorschach và thang đo DASS. Hoạt động đánh giá, chẩn đoán, định hình trường hợp ban đầu cũng được thực hiện ở giai đoạn này.

Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến bản sắc được nhắc đến và giải quyết ngay trong giai đoạn này. Kỹ thuật thư giãn quét cơ thể cũng được hướng dẫn để TC thực hiện nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và thư giãn trong trường hợp cảm xúc kịch tính. Cuối giai đoạn này học viên và TC thống nhất với 4 mục tiêu đầu ra cho tiến trình làm việc sau này, bao gồm (1) Cải thiện chất lượng đời sống liên quan đến các ám ảnh, (2) Thay đổi các lối suy nghĩ gây phản ứng lo lắng, (3) Cắt giảm và điều chỉnh các hành vi cưỡng chế và (4) Dự phòng nguy cơ tái phát trong tương lai.

2.5.2.3 Kỹ thuật/kỹ năng được sử dụng trong giai đoạn 1

Trong giai đoạn này, học viên chủ yếu sử dụng các kỹ năng liên quan đến hoạt động đánh giá tâm lý như hỏi chuyện lâm sàng, quan sát lâm sàng, lắng nghe, phản hồi, tóm lược, đặt câu hỏi, đánh giá tâm lý bằng trắc nghiệm… Các kỹ thuật được sử dụng chủ yếu là kỹ thuật thư giãn, điều chỉnh hành vi.

2.5.2.4 Diễn biến chính của giai đoạn 1 Phiên làm việc thứ nhất

Trong buổi làm việc đầu tiên, học viên chờ đợi TC ở điểm hẹn. TC đến muộn khoảng 5 phút, và khi thấy học viên đang chờ, TC đã thể hiện rõ sự lo lắng. TC liên tục xin lỗi về việc mình đến muộn, và khi được xác nhận là điều này không làm ảnh hưởng

58

đến chất lượng làm việc cũng như cảm xúc của học viên, TC thở ra một hơi dài và điều chỉnh trạng thái trước khi bắt đầu làm việc. Học viên giới thiệu bản thân lại một lần nữa, cũng như trao đổi với TC về nguyên tắc bảo mật trong hoạt động tâm lý. Sau khi TC đã xác nhận rằng mình hiểu và đồng ý với các nguyên tắc này, học viên bắt đầu tiến hành thu thập thông tin và đánh giá.

TC: Em chào anh ạ. (thở hổn hển)

Học viên: Chào em. Em là L đúng không?

TC: Dạ.

Học viên: Chào L. Em ngồi đi.

TC: Dạ. (ngồi xuống) Em xin lỗi anh vì em đến hơi muộn giờ so với lịch hẹn ạ.

Học viên: Không sao đâu. Em chỉ đến muộn một chút thôi, mà trong cuộc sống thì đôi khi cũng có nhiều chuyện không như ý mà.

TC: Dạ. Nhưng em vẫn thấy hơi có lỗi với việc đó ạ.

Học viên: Em yên tâm. Anh sẽ không vì điều đó mà có cái nhìn khác về em. Nhà tâm lý như anh sẽ cần đảm bảo không phán xét về thân chủ, đúng không nào?

TC: Dạ. (Thở mạnh, điều chỉnh cơ thể). Em cảm ơn anh.

Học viên: Vậy chúng ta sẽ giới thiệu một chút nhé. Như đã giới thiệu trước đó trong mail thì anh là Trương Hàn Đan, tham vấn viên tập sự đang làm việc tại Giúp Mình Hiểu Mình. Anh là học viên cao học tâm lý lâm sàng tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở khu Nguyễn Trãi á.

TC: Dạ. Em là L. Hiện tại thì em là sinh viên ở trường […].

Học viên: Ok. Trước khi chúng ta bắt đầu em có câu hỏi nào không?

TC: Em vẫn thấy có lỗi… nhưng chắc không sao đâu ạ. Em nghĩ là chúng ta bắt đầu thôi.

Học viên: Ok. Nếu vậy thì anh sẽ trao đổi về một số nguyên tắc liên quan đến bảo mật nhé.

Những biểu hiện của TC cho thấy những sự lo lắng nhất định, gợi ý về các cảm giác trách nhiệm hoặc xu hướng quan tâm đến cảm nhận của người khác. Sự vội vàng đến khi bị muộn lịch hẹn cũng cho thấy sự nghiêm túc và tinh thần cầu tiến, mong muốn

59

được giải quyết vấn đề của TC. Học viên cũng đã tiến hành xoa dịu và hỗ trợ TC, tạo cảm giác dễ chịu để từ đó giúp TC ổn định và bắt đầu làm việc.

Câu hỏi đầu tiên TC nhận được là về “rối loạn lo âu” mà TC có cung cấp thông tin cho học viên trước đó trong quá trình liên hệ và làm quen. TC cho biết mình thường xuyên “quên, lo lắng” về việc không biết mình đã khóa cửa hay chưa. Vì điều đó, TC thường phải chụp ảnh khóa cửa lại trước khi ra khỏi nhà để đảm bảo rằng mình đã khóa cẩn thận. Điều này chỉ xảy ra khi TC là người cuối cùng ra khỏi nhà, vì TC cho rằng

Nếu em là người cuối cùng ra khỏi nhà thì em phải chịu trách nhiệm cho mọi thứ liên quan đến cánh cửa của phòng em”. Nỗi sợ thường gặp của TC là cảm giác sẽ có trộm vào phòng trọ của mình và lấy hết đồ có giá trị cao đi khỏi phòng, và TC không thể đền được, không thể chịu trách nhiệm được cho những mất mát này. Khi nỗi sợ đó xuất hiện, TC sẽ phải lấy tấm ảnh mình đã chụp lúc ra khỏi nhà để kiểm tra, soi kỹ vào một số chi tiết của ảnh (“em sẽ zoom khoảng 2 3 lần gì đó để chắc chắn là em đã khóa cẩn thận”) để đảm bảo là mình đã khóa cửa cẩn thận. Sự kiện này bắt đầu từ sau một lần TC quên chưa khóa cửa. Trong lần đó, TC đã đi ra khỏi phòng trọ, sau đó “sực nhớ ra hình như mình chưa khóa cửa”, và vội vàng quay lại để kiểm tra cửa nhà và đúng là TC đã quên chưa khóa. Từ ngày đó, TC bắt đầu có các nghi ngờ nhiều hơn về việc mình chưa khóa cửa. Tình trạng này đã kéo dài khoảng hơn một năm, bắt đầu từ khoảng thời gian các hạn chế liên quan đến Covid-19 được gỡ bỏ (cũng là khoảng thời gian mà TC có lần quên khóa cửa trước đó).

Một mô tả khác về cảm giác lo lắng, hay TC gọi là “rối loạn lo âu” là việc mình luôn luôn quá lo lắng để có thể bắt xe từ quê lên Hà Nội – quê TC cách Hà Nội khá xa, và TC thường chần chừ trong việc đặt xe của người quen vì lo lắng liệu mình có mang quá nhiều thứ lên xe và làm ảnh hưởng đến công việc của người quen đó hay không. Vì lý do này, TC thường không đặt xe kịp và luôn bị bố mẹ giục, cũng như thường xuyên phải đi xe ngoài đắt hơn để lên Hà Nội.

Học viên: Vậy, sau khi chúng ta đã bàn qua về một số nguyên tắc bảo mật và em đã đồng ý với những nguyên tắc này, thì đến lúc chúng ta phải vào việc rồi. Em muốn tự chia sẻ hay để anh hỏi?

TC: Dạ… em nghĩ là anh hỏi đi ạ. Em cũng không biết bắt đầu từ đâu.

60

Học viên: Ok. Anh thấy em có báo cáo với chương trình Giúp Mình Hiểu Mình về việc em có “rối loạn lo âu”. Điều gì khiến em nghĩ rằng mình bị rối loạn lo âu?

TC: Dạ… Lúc em tìm hiểu thì em thấy là trong rối loạn lo âu thì hay có sự lo lắng quá mức ấy anh, mà nhiều khi lo lắng rất vô lý ấy ạ.

Học viên: Đúng là trong rối loạn lo âu sẽ có những đặc điểm đó. Dù vậy, anh sẽ muốn biết là em thường lo lắng về điều gì.

TC: Dạ. Em thường hay lo lắng về việc mình quên khóa cửa ạ.

Học viên: Em có thể mô tả thêm không? Thông thường thì mọi người thỉnh thoảng sẽ lo lắng về việc quên khóa cửa mà.

TC: Dạ. Nhưng mà… Em không thể hết lo được ấy. Em đi làm, ở chỗ làm mà nghe mọi người nói gì đến việc quên chìa khóa, mà có khi là lúc đang làm luôn, thì em cũng tự dưng có những cảm giác như là “hình như mình quên chưa khóa cửa”.

Học viên: Vậy là chuyện này sẽ xảy ra mỗi khi em ra ngoài?

TC: Dạ không ạ. Chỉ khi nào em là người cuối cùng ra khỏi nhà thôi ạ.

Học viên: Có điều gì khác biệt giữa việc em ra khỏi nhà cuối cùng và những lần khác?

TC: Thì là vì em là người cuối cùng nên nếu mà em khóa không cẩn thận thì em sẽ phải chịu trách nhiệm nếu mà trộm vào nhà lấy đồ ạ. Trong phòng em ở thì mọi người hay để đồ đắt tiền như laptop, hoặc gì đó nên nếu mà trộm lấy mất thì em sẽ không đền được ạ.

Học viên: Nếu vậy thì có vẻ sẽ không dễ dàng nhỉ. (TC gật đầu) Em thường làm gì khi có những sự lo lắng về việc chưa khóa cửa nhà như thế?

TC: Ừm… Em sẽ chụp ảnh khóa cửa lúc em ra ngoài, rồi sau đó thì khi em lo lắng em sẽ kiểm tra lại. Em sẽ zoom khoảng 2 3 lần gì đó để chắc chắn là em đã khóa cẩn thận.

Học viên: Hiện tượng này xuất hiện từ khi nào?

TC: Chắc được một thời gian rồi ạ. Em nghĩ là từ cuối đợt Covid vừa rồi. Có một lần em đi ra ngoài thì em bị quên khóa cửa lúc xuống nhà lấy xe. Xong em chạy vội lên thì đúng là quên khóa cửa nhà thật. Từ đó thì em cứ liên tục lo lắng như thế thôi.

61

Học viên: Nếu vậy thì đó có thể là một vấn đề mà anh sẽ cần hỗ trợ em giải quyết.

Ngoài ra, liệu có còn vấn đề nào liên quan đến lo lắng ở em nữa không?

TC: Ở Hà Nội thì cái đó là nổi bật nhất ạ. Nếu mà lo lắng thì em cũng hay bị lo lúc từ quê lên Hà Nội nữa.

Học viên: Em mô tả rõ hơn cho anh biết được không?

TC: Thì… Mỗi khi em từ quê lên em sẽ bị lo lắng. Kiểu, em mỗi lần từ quê lên thì xách một đống đồ bố mẹ cho lên. Nhưng mà nó hơi nhiều, thành ra em cứ bị lo về việc liệu mình có mang quá nhiều lên xe không. Rồi thì em sẽ bị phân vân, không dám đặt xe người quen của bố mẹ em. Xong em sẽ hay bị mắng vì lúc em quyết định đặt thì hết chỗ ngồi mất rồi, thế nên em sẽ phải đi xe ngoài đắt tiền hơn.

Học viên: Nếu vậy thì có vẻ sự lo lắng của em xoay khá nhiều quanh những cảm giác về trách nhiệm của em với những người khác. (TC gật đầu)

Những mô tả của TC cho thấy những lo lắng với một số chủ đề khác nhau liên quan đến cảm giác trách nhiệm mà TC có với người khác. Những cảm giác này đang làm phiền TC, khiến TC gặp nhiều khó khăn trong đời sống cá nhân, và thường chịu thiệt do mất quá nhiều thời gian cho sự lo lắng.

Vấn đề tiếp theo mà TC nhắc đến là những cảm giác lạc lõng, mất định hướng trong cuộc sống mà TC có. TC cho biết mình chọn trường Đại học hiện tại là chọn theo mong đợi của bố mẹ chứ thực ra TC cũng không biết lựa chọn thế nào. TC cũng nói rằng mình đã thống nhất thi vào ngành ngân hàng với bố mẹ. Dù vậy, TC tỏ ra không chắc chắn lắm về quyết định này. Khi được hỏi về việc liệu TC đang sống vì mình hay vì người khác, TC đã bật khóc. Học viên đã tiến hành xoa dịu và cho TC khóc một thời gian. Khi TC đã ổn định trở lại, học viên và TC thống nhất về việc TC sẽ xem xét lại những giá trị của bản thân để từ đó tìm ra điều mình thực sự muốn, điều mình thực sự đang hướng tới.

Học viên: Vậy đó là một số vấn đề liên quan đến sự lo lắng mà em trải qua. Bên cạnh những sự lo lắng đó, liệu ở em có còn những sự lo lắng về vấn đề khác không?

TC: Em nghĩ là như vậy đã ạ. Chủ yếu là hai cái đó, em nghĩ thế.

Học viên: Nếu vậy thì theo em thấy trong đời sống tâm lý của em còn có những vấn đề nào khác nữa?

62

TC: Dạ. Chắc là việc em thấy hơi lạc lõng trong đời sống.

Học viên: Em có thể mô tả rõ hơn không?

TC: Ừm… em với bố mẹ có mâu thuẫn về định hướng tương lai một chút. Bố mẹ thì mong em ổn định làm công ăn lương, còn em thì không thích vào nhà nước. Em với bố mẹ có thống nhất với nhau về việc em thi vào ngân hàng sau khi ra trường rồi.

Học viên: Nếu thế thì có vẻ em đã có định hướng tương đối rõ ràng chứ?

TC: Thực ra… Em không nghĩ thế. Em không chắc về việc em có muốn làm ngân hàng hay không… thực ra em cũng không biết nữa.

Học viên: Vậy điều gì khiến em đưa ra quyết định học ở trường hiện tại? Theo những nhận định thông thường về trường đó thì có vẻ ngân hàng là một lựa chọn phù hợp.

TC: Em vào theo ý bố mẹ mà. Hồi đó thi Đại học thì cũng không có nguyện vọng cụ thể nào, nên em cứ chọn theo cái bố mẹ hướng thôi. Vào đây cũng được, em học Toán cũng ok, với lại tiếng Anh có sẵn nữa thì học Toán cũng tốt.

Học viên: Nếu vậy thì có vẻ lựa chọn của em là do bố mẹ, và bố mẹ em đang quyết định cuộc đời em.

TC: Em nghĩ vậy.

Học viên: Nếu vậy thì em đang sống cho bản thân em hay sống cho người khác?

TC: Em đang sống cho… (bật khóc) em không biết. Em không biết ạ.

Học viên: Có lẽ chúng ta sẽ cho em một chút thời gian để ổn định cảm xúc nhé.

TC: Dạ (lau nước mắt trong khi khóc khoảng 5 phút).

Học viên: Vậy là anh và em sẽ cùng nhau tìm ra ý nghĩa cuộc sống, những giá trị quan trọng cho em.

TC: Dạ.

Học viên: Nếu thế thì câu hỏi cho em là “Em là ai, em muốn trở thành người như thế nào?” nhé. Không cần trả lời ngay, nhưng sẽ cần xem xét.

TC: Dạ anh.

Những mô tả này cho thấy những sự lạc lối và thiếu định hướng của TC. Những biểu hiện của TC cũng cho thấy những mong muốn làm chủ được bản thân và nắm được con đường mình sẽ đi thay vì bị kiểm soát bởi các yếu tố khác. Các câu hỏi gợi mở đã

63

được học viên sử dụng để giúp TC nhận định được những cảm nhận của bản thân, và tạo động lực cho TC tự tìm được định nghĩa về bản thân.

Sau vấn đề bản sắc, học viên trao đổi thêm về những vấn đề khác. TC cho biết mình luôn cảm thấy mình có trách nhiệm phải đáp trả lại những điều tích cực mà người khác đã mang lại cho mình. TC cảm thấy điều này có phần quá mức, “dù người ta chỉ giúp em có một chút”. Điều này cũng khiến TC không muốn nhận sự hỗ trợ nhiều từ người khác, kể cả bố mẹ, vì “em nhận rồi mà em không đáp lễ lại gì đó thì em không chấp nhận được”. Kể cả khi học viên nhắc nhở TC rằng TC đang được hỗ trợ tại một dự án cộng đồng, thì TC vẫn cho biết rằng TC sẽ tìm cách trả công cho học viên theo cách nào đó.

Khi được hỏi về thời điểm bắt đầu có những ý nghĩ này, TC cho biết mình bắt đầu có những vấn đề này vào khoảng năm lớp 11, khi TC cảm thấy kết quả học tập của mình đi xuống. Lúc đó, TC cho rằng “mình sẽ tìm mọi cách để không nhận thêm hỗ trợ từ bố mẹ, vì nếu bố mẹ hỗ trợ thế mà mình thi không đỗ thì sẽ phí công lao bố mẹ”. Sau khi mô tả điều đó, TC có phần ngập ngừng, thể hiện sự lo lắng và phân vân, muốn nói một điều gì đó. Khi được hỏi về việc muốn chia sẻ điều gì đó, TC đã hít một hơi sâu và nói tương đối nhanh “Lúc đó em đã có ý muốn tự tử”. Khi được hỏi thêm về ý định tự sát tại thời điểm đó, TC cho biết “thì lúc đó em muốn chết do em thấy em bất lực quá thôi”. TC cũng cho biết việc nghĩ đến công lao của bố mẹ trong việc nuôi dưỡng mình đã giúp TC chống lại ý định đó và nỗ lực để học tập, cải thiện bản thân. Tại thời điểm của buổi làm việc thứ nhất, TC không có ý nghĩ tự sát.

Học viên: Bên cạnh những vấn đề em vừa chia sẻ với anh, em có muốn chia sẻ gì thêm không?

TC: Em nghĩ là em có cảm giác mình có trách nhiệm hơi quá nữa. Kiểu em sẽ rất ngại khi nhận một sự hỗ trợ nào đó từ người khác ấy. Dù người ta chỉ giúp em một chút thôi thì em cũng không thấy thoải mái, và em sẽ phải tìm cách trả lại cho họ.

Học viên: Có vẻ là cảm giác mình không thể nhận không sự hỗ trợ của người khác của em khá mạnh.

TC: Vâng.

Một phần của tài liệu Can thiệp tâm lý cho một trường hợp có rối loạn Ám Ảnh cưỡng chế (Trang 59 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)