Giai đoạn 4: Dự phòng tâm lý cho TC trong tương lai, kết thúc ca và theo dõi

Một phần của tài liệu Can thiệp tâm lý cho một trường hợp có rối loạn Ám Ảnh cưỡng chế (Trang 102 - 107)

CHƯƠNG 2. TIẾN TRÌNH CAN THIỆP TÂM LÝ CHO MỘT TRƯỜNG HỢP RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG CHẾ

2.5 Thực hiện can thiệp

2.5.5 Giai đoạn 4: Dự phòng tâm lý cho TC trong tương lai, kết thúc ca và theo dõi

2.5.5.1 Thời gian thực hiện giai đoạn 4

Giai đoạn 4 được thực hiện trong buổi làm việc số 46 ngày 16/06/2024, cũng là buổi làm việc cuối cùng kéo dài 60 phút.

2.5.5.2 Mục tiêu của giai đoạn 4

101

Giai đoạn 4 tập trung vào việc cung cấp các thông tin và liên hệ cần thiết cho TC để liên lạc trong tình huống khẩn cấp, cũng như hướng dẫn TC nhận biết sự tái xuất hiện của ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế mới trong tương lai, và có những cách ứng phó cũng như xử lý phù hợp với sự xuất hiện này. Việc tiến hành lại trắc nghiệm Y-BOCS để đánh giá cải thiện của TC cũng được thực hiện.

2.5.5.3 Kỹ năng/kỹ thuật sử dụng trong giai đoạn 4

Trong giai đoạn này, các kỹ năng được sử dụng chủ yếu liên quan đến hoạt động thu thập thông tin như hỏi chuyện lâm sàng, quan sát lâm sàng, lắng nghe, phản hồi, tóm lược, đặt câu hỏi … Kỹ thuật được sử dụng chủ yếu là kỹ thuật giáo dục tâm lý.

2.5.4.4 Diễn biến chính của giai đoạn 4

Toàn bộ tiến trình đã qua được trao đổi lại với TC để xem xét cũng như chuẩn bị cho một hành trình mới ở TC. Bên cạnh đó, như mục tiêu đã trình bày ở trên, việc hướng dẫn về việc nhận biết vấn đề OCD trong tương lai cũng như cung cấp các liên hệ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp là nội dung chính của giai đoạn 4. Dưới đây là các nội dung chính của giai đoạn 4.

- Đánh giá lại bằng trắc nghiệm Y-BOCS về các triệu chứng của TC

Kết quả trắc nghiệm Y-BOCS ở thời điểm này ở mức 18/40 điểm, tương đương với mức trung bình của các triệu chứng OCD, cho thấy sự sụt giảm so với mức 22 điểm trước phơi nhiễm. Mặc dù các triệu chứng OCD vẫn ở mức trung bình, nhưng điều này cho thấy sự cải thiện nhất định ở TC.

- Tóm tắt lại tiến trình, dự phòng tâm lý cho TC

Hoạt động này được thực hiện với mục đích nhìn lại quá trình cũng như cung cấp một số dự phòng tâm lý cho TC trong tương lai, từ đó chuẩn bị cho TC trong trường hợp các vấn đề tâm lý nói chung (bao gồm cả OCD) khiến TC gặp khó khăn.

Học viên: Chúng ta đã đi qua một khoảng thời gian làm việc với nhau.

TC: Dạ.

Học viên: Em thấy sao về quá trình này?

TC: Thực ra em cũng nghi ngờ về tiến trình, vì suốt đoạn cuối lúc bắt đầu làm phơi nhiễm không phản ứng thì em cũng… nôn hơi nhiều. Mặc dù biết đây là phản ứng không tự chủ, nhưng em vẫn thấy khó chịu. Mà… thực ra thì em thấy vấn đề của mình

102

đã cải thiện rất nhiều, nên em nghĩ nó là một quá trình đau khổ, nhưng thành quả thì khá ổn. Em cảm ơn anh ạ.

Học viên: Thật may là em đã cảm thấy tiến trình này có ý nghĩa với em. Chúng ta sẽ bàn luận về một vài điều cuối cùng trước khi anh và em không còn gặp nhau nữa và bắt đầu một hành trình mới nhé.

TC: Dạ.

Qua những mô tả của TC, có thể thấy rằng trải nghiệm của TC trong toàn bộ quá trình trước đó không mấy dễ chịu. Dù vậy, các triệu chứng OCD của TC đã có sự cải thiện và cuộc sống của TC đã dễ chịu hơn, do đó TC vẫn có một cảm nhận tích cực về tiến trình trị liệu đã qua.

Học viên: Đây. Như em đã từng trải nghiệm, những ý nghĩ ám ảnh sẽ là những ý nghĩ mà đôi khi nó nhảy vào đầu của chúng ta, nó khiến chúng ta cảm thấy lo lắng, căng thẳng, khó chịu, tạo ra cho chúng ta cảm giác về nguy cơ, thúc đẩy chúng ta làm một việc gì đó để đáp ứng với nó và nguy cơ mà nó tạo ra.

TC: Dạ, em hiểu.

Học viên: Dù vậy thì chủ đề của các ý nghĩ này sẽ rất đa dạng, và việc dự phòng cho các ý nghĩ này sẽ khá khó. Nhưng có một điều mà các ý nghĩ này có điểm chung, đó là nguy cơ gây hại cho bản thân hoặc cho người khác mà chúng nó mang lại cho em.

TC: Dạ. Nếu vậy thì có cách nào để xử lý chúng nó không ạ?

Học viên: Thực ra thì con người khá khó để kiểm soát được chúng nó. Đến cả những người hoàn toàn khỏe mạnh, không gặp vấn đề về mặt tâm lý vẫn sẽ trải qua các ý nghĩ như thế mà.

TC: Vậy em sẽ đối phó với chúng nó như thế nào ạ?

Học viên: Chúng ta sẽ tập trung vào việc xử lý các phản ứng của em đối với nó.

Như em thấy đó, những ý nghĩ về nguy cơ như vậy luôn yêu cầu em phải làm một cái gì đó để đối mặt với nó và loại bỏ hoặc xử lý nguy cơ mà nó mang lại cho em.

TC: Dạ.

Học viên: Do đó chúng ta sẽ xem xét các hành vi cưỡng chế thường được sử dụng để chống lại các ý nghĩ này, và sẽ đặt ra nguyên tắc liên quan đến các hành vi đó.

TC: Cụ thể là như nào ạ?

103

Học viên: Đối với nhóm hành vi Dọn/Rửa thì em sẽ làm theo đúng nguyên tắc thông thường – chỉ dọn một lần, rửa một lần, không kéo dài, làm hết thì thôi và không lặp lại.

TC: Dạ, em hiểu.

Học viên: Với nhóm hành vi Kiểm tra, mà em vướng phải đó, (TC gật đầu) em sẽ cần chỉ kiểm tra một lần với những gì hợp lý, và không kiểm tra thứ gì không hợp lý dù cho em có khó chịu thế nào.

TC: Anh mô tả rõ hơn được không ạ?

Học viên: Chúng ta xem xét ví dụ này nhé. Nếu em đi ra khỏi nhà và nghi ngờ về việc quên chưa tắt đèn thì sao nhỉ?

TC: Em sẽ về nhà để kiểm tra một lần ạ.

Học viên: Đúng, nhưng chưa đủ. Chính xác là em sẽ về nhà kiểm tra nếu em ở gần, và không về kiểm tra nếu như em ở xa. Ngoài ra, nếu em đã kiểm tra một lần rồi thì em sẽ không kiểm tra những lần sau nữa, vì những lần sau đều không hợp lý.

TC: Dạ em hiểu ạ.

Học viên: Chúng ta tiếp tục nhé. Đối với việc sắp xếp theo đúng thứ tự, nguyên tắc để tránh nguy cơ nào đó xảy ra thì sao?

TC: Em không biết…

Học viên: Chúng ta sẽ xếp hỗn loạn và chủ động đối mặt với nỗi sợ đó để xem có chuyện gì không may xảy ra nhé.

TC: Dạ.

Học viên: Chúng ta cũng cần xem xét thêm một số hành vi trong tâm trí nữa. Các hành vi này không biểu lộ ra ngoài, mà chủ yếu là ở bên trong tâm trí, thể hiện qua các hoạt động suy nghĩ của em. Em có nhớ lần trước khi em khó chịu quá em phải nhẩm bảng cửu chương ở trong đầu không?

TC: Dạ có, đó là một loại hành vi tâm trí hả anh.

Học viên: Đúng rồi.

TC: Dạ.

Học viên: Với hành vi tâm trí thì chúng ta sẽ đơn giản là không làm nó thôi.

Không đếm, không lẩm nhẩm nội dung nào đó, không thì thầm, không tưởng tượng,…

104

TC: Dạ.

TC được dự phòng tâm lý về cách nhận biết các ý nghĩ ám ảnh để có những biện pháp ứng phó phù hợp trong tương lai. Vì các hành vi cưỡng chế ở vấn đề OCD có nhiều tính chất khác nhau, do đó TC được cung cấp đầy đủ các biểu hiện và cách hành động phù hợp để giúp TC ứng phó với các cảm giác mà ý nghĩ ám ảnh trong tương lai có thể tạo ra.

Học viên: Chúng ta sẽ tập trung vào các liên hệ em có thể cần đến trong tương lai.

TC: Dạ.

Học viên: Thực ra thì OCD là một loại rối loạn có xu hướng mãn tính nếu kéo dài quá lâu, do đó câu chuyện sau này chủ yếu tập trung vào việc em xử lý các vấn đề của mình để em có thể tận hưởng được cuộc sống thôi. Nếu có một thời điểm nào đó em cần được hỗ trợ thì em có thể liên hệ lại với anh hoặc dự án nhé. Việc đi khám ở một số bệnh viện về tâm thần cũng có thể cho em thêm thuốc, và em sẽ cần nó nếu các triệu chứng quá mạnh.

TC: Dạ.

Học viên: Thực ra đấy là tất cả các nội dung anh muốn truyền đạt cho em trong buổi làm việc cuối cùng này rồi. Chúng ta đã nói gì với nhau nào?

TC: Dạ. Anh có dặn em về những dấu hiệu của ý nghĩ ám ảnh là các ý nghĩ liên quan đến nguy cơ xảy ra với mình hoặc người khác, và cách để xử lý các hành vi cưỡng chế nếu chúng nó có xuất hiện trở lại ạ.

Học viên: Cụ thể hơn một chút nào?

TC: Nếu là dọn, rửa thì em sẽ chỉ làm một lần ở mức thông thường của mọi người. Nếu là kiểm tra thì một lần với những thứ hợp lý, và không kiểm tra với thứ không hợp lý. Nếu là sắp xếp thì em sẽ xếp hỗn loạn và chủ động thách thức các thứ tự để nỗi sợ tăng lên. Còn nếu là hành vi tâm trí thì em sẽ không làm ạ.

Học viên: Đúng rồi. Chúng ta sẽ liên hệ với ai khi cần được hỗ trợ trong tương lai nhỉ?

TC: Em sẽ liên hệ lại với anh hoặc bên dự án ạ. Nếu các vấn đề quá nặng hay gây khó chịu đáng kể thì em sẽ đi khám uống thuốc tâm thần ạ.

105

Học viên: Tốt rồi. Em có còn câu hỏi nào không?

TC: Em không ạ. Cảm ơn anh vì thời gian qua đã hỗ trợ cho em ạ.

Học viên: Cảm ơn em vì đã kiên nhẫn và đồng hành cùng anh trên con đường của em. Bây giờ là lúc chúng ta bắt đầu một hành trình mới thôi.

TC: Dạ, em chào anh.

Học viên: Chào em.

Một số liên hệ đã được cung cấp cho TC, bao gồm liên hệ của học viên, của chương trình Giúp Mình Hiểu Minh (nơi học viên và TC gặp nhau), cũng như một số bệnh viện để TC có thể liên hệ khi cảm thấy cần được hỗ trợ.

Ở giai đoạn 4, TC và học viên đã cùng nhau nhìn nhận lại tiến trình đã qua, đồng thời TC cũng được cung cấp cách để ứng phó với các ý nghĩ ám ảnh trong tương lai.

Ngoài ra, TC cũng được cung cấp các liên hệ cần thiết trong trường hợp cần được hỗ trợ.

Nhìn chung, qua tiến trình can thiệp, TC đã hiểu về bản chất sinh học thần kinh của ám ảnh, có sự thuyên giảm về triệu chứng, cũng như có sự điều chỉnh trong một số hành vi cưỡng chế cho phù hợp. TC cũng đã được dự phòng tâm lý để ngăn chặn nguy cơ tái phát OCD trong tương lai và có được các liên hệ trong trường hợp cần được hỗ trợ.

Một phần của tài liệu Can thiệp tâm lý cho một trường hợp có rối loạn Ám Ảnh cưỡng chế (Trang 102 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)