1.3.1.1. Khái niệm về Du lịch
Theo Mathieson và Wall (1982) thì cho rằng Du lịch là sự chuyển động tạm thời của con người tới những nơi ngoài những chỗ bình thường của họ, gồm những hoạt động giải trí và các phương tiện được tạo ra để cung cấp nhu cầu.
Theo Macintosh và Goeldner (1986) thì cho rằng Du lịch là tập hợp của tất cả các hiện tượng và những mối quan hệ xuất hiện từ khách Du lịch và nhà cung cấp.
Theo Luật Du lịch Việt Nam 2005, Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định.
a. Sản phẩm Du lịch
Sản phẩm Du lịch là sự kết hợp những dịch vụ và phương tiện vật chất trên cơ sở khai thác các tiềm năng Du lịch nhằm cung cấp cho du khách một khoảng thời gian thú vị, một kinh nghiệm Du lịch trọn vẹn và một sự hài lòng.
Sản phẩm Du lịch là tổng thể bao gồm các thành phần không đồng nhất, hữu hình và vô hình. Sản phẩm Du lịch có thể là một món hàng cụ thể như thức ăn, hoặc một món hàng không cụ thể như chất lượng phục vụ, bầu không khí tại nơi nghỉ mát.
b. Đặc tính của sản phẩm Du lịch
Tính vô hình: Sản phẩm Du lịch là vô hình, không cụ thể. Thực ra nó là một kinh nghiệm Du lịch hơn là một món hàng cụ thể mặc dù trong cấu thành sản phẩm Du lịch có hàng hóa. Phần lớn khách mua sản phẩm trước khi thấy sản phẩm.
Tính dễ bắt chước: Sản phẩm Du lịch là không cụ thể nên dễ bị sao chép, bắt chước. Việc tạo dựng lợi thế cạnh tranh theo hướng khác biệt hóa khó khăn hơn rất nhiều so với kinh doanh hàng hóa.
Tính đồng nhất giữa sản xuất và tiêu dùng: Thời gian mua và sử dụng sản phẩm cùng một lúc, du khách góp phần tạo nên sản phẩm. Việc tiêu dùng sản phẩm diễn ra cùng một thời gian và địa điểm sản xuất ra chúng, do đó không thể đưa sản phẩm Du lịch đến với khách hàng mà khách hàng phải đến nơi sản xuất ra sản phẩm Du lịch.
Tính khó phân biệt: Do sản phẩm Du lịch chủ yếu là dịch vụ, vì vậy mà khách hàng không thể kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi mua, gây khó khăn cho việc chọn sản phẩm. Do đó vấn đề quảng cáo trong hoạt động Du lịch là rất quan trọng.
Tính tổng hợp: Sản phẩm Du lịch là sản phẩm tổng hợp của nhiều ngành kinh doanh khác nhau.
Tính dễ phân hủy: Sản phẩm Du lịch chủ yếu là dịch vụ như dịch vụ lữ hành, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống...do đó về cơ bản sản phẩm Du lịch không thể tồn kho, không dự trữ được và rất dễ hư hỏng.
Tính khả biến: Sản phẩm Du lịch phụ thuộc vào nhu cầu thị trường mà nhu cầu thì luôn luôn thay đổi nên sản phẩm Du lịch phải luôn luôn đổi mới.
1.3.1.2. Khái niệm Du lịch sinh thái
Du lịch sinh thái là một khái niệm tương đối mới và ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu khác nhau, tiếp cận ở những góc độ khác nhau và đưa ra các định nghĩa khác nhau.
Laarman và Durst định nghĩa: “Du lịch sinh thái với tư cách là Du lịch tự nhiên, loại hình mà du khách bị thu hút tới một điểm Du lịch bởi vì sở thích của họ về một hay nhiều đặc điểm về nguồn gốc tự nhiên của nơi đó. Chuyến viến thăm này bao gồm sự giáo dục, giải trí và thường kèm theo các yếu tố mạo hiểm”.
Theo tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thì: “Du lịch sinh thái là một loại hình Du lịch tham quan có trách nhiệm với môi trường tại những vùng còn tương đối nguyên sơ để thưởng thức và hiểu biết thiên nhiên, có hỗ trợ đối với bảo tồn, giảm thiểu tác động từ du khách, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của người dân địa phương”.
Trong bản tuyên ngôn Quebec (UNEP/WTO 2002) vào cuộc họp chót của năm Du lịch quốc tế về Du lịch sinh thái, đề nghị 5 tiêu chí tiêu biểu được sử dụng đề định nghĩa Du lịch sinh thái là: (1) Sản phẩm dựa vào thiên nhiên, (2) Quản lý ảnh hưởng tối thiểu, (3) Giáo dục môi trường, (4) Đóng góp bảo tồn và (5) Đóng góp vào cộng đồng.
Theo Luật Du lịch Việt Nam: “Du lịch sinh thái là hình thức Du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững”.
Các định nghĩa trên, mặc dù chưa thống nhất với nhau hoàn toàn nhưng đã tập trung vào việc giải thích Du lịch sinh thái phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa những giá trị tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa địa phương với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn những giá trị đó đồng thời nhấn mạnh vai trò, quyền lợi của cộng đồng dân cư địa phương trong hoạt động Du lịch sinh thái [7, tr. 4].
1.3.2. Đặc điểm và nguyên tắc kinh doanh Du lịch sinh thái 1.3.2.1. Những đặc trưng cơ bản của kinh doanh Du lịch sinh thái
Bên cạnh những đặc điểm của Du lịch nói chung, Du lịch sinh thái có những đặc điểm riêng có về tài nguyên Du lịch sinh thái, về sản phẩm Du lịch sinh thái và các đối tượng tham gia Du lịch sinh thái.
a. Đặc điểm của tài nguyên Du lịch sinh thái
- Tài nguyên Du lịch sinh thái phong phú, đa dạng, đặc sắc và có tính hấp dẫn cao. Những giá trị thiên nhiên phải được gắn liền với những giá trị văn hóa địa phương (phong tục tập quán, kiến thức canh tác, tín ngưỡng, kiến trúc,…) được hình thành xuất phát từ những điều kiện tự nhiên ấy.
- Tài nguyên Du lịch sinh thái có thời gian khai thác không giống nhau: có loại có thể được khai thác quanh năm nhưng cũng có loại thời gian khai thác mang tính thời vụ vì nó lệ thuộc vào quy luật diễn biến của khí hậu, của mùa di cư, mùa sinh sản, của các loài sinh vật, đặc biệt là những loài đặc hữu và quý hiếm.
- Tài nguyên Du lịch sinh thái thường nằm ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, được khai thác tại chỗ để tạo ra các sản phẩm Du lịch nhằm thỏa mãn các nhu cầu của khách Du lịch. Đặc điểm này dẫn đến hoạt động Du lịch sinh thái đôi khi còn mang tính mạo hiểm.
- Tài nguyên Du lịch sinh thái thường rất nhạy cảm đối với các tác động từ bên ngoài, trong đó có sự phát triển của Du lịch. Sự thay đổi tính chất của một số hợp phần tự nhiên hoặc sự suy giảm hay mất đi của một số loài sinh vật cấu thành nên hệ sinh thái nào đó dưới tác động của con người sẽ là nguyên nhân làm thay đổi hoặc mất đi hệ sinh thái đó và điều đó làm ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của tài nguyên Du lịch sinh thái ở những mức độ khác nhau [7, tr. 8].
b. Đặc điểm của khách Du lịch sinh thái
Trong cùng một chuyến đi Du lịch, khách Du lịch có thể tham gia vào nhiều loại hình Du lịch khác nhau: Du lịch công vụ, Du lịch văn hóa, Du lịch thể thao,…
và sẽ trở thành khách Du lịch sinh thái khi họ tham gia vào các điểm Du lịch sinh thái trong chuyến đi của họ. Đặc điểm của khách Du lịch sinh thái xuất phát từ những đặc điểm về nhu cầu Du lịch sinh thái.
- Nhu cầu Du lịch sinh thái là loại nhu cầu đặc biệt, nó không có giới hạn về số lần và thời gian tham gia vì ngoài nhu cầu tham quan, tìm hiểu còn đáp ứng nhu cầu giải trí, tái tạo sức khỏe con người. Chính vì vậy mà cùng một tài nguyên Du lịch sinh thái, một khách Du lịch có thể tham gia nhiều lần mà không thấy nhàm chán nếu như những sản phẩm Du lịch sinh thái cung cấp đạt được những yêu cầu nhất định.
- Nhu cầu về Du lịch sinh thái thường khác nhau giữa các loại khách khác nhau, tính thời vụ của Du lịch sinh thái cũng khác nhau giữa các loại khách khác nhau tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, thời tiết của cả điểm đi và điểm đến của khách Du lịch.
- Các nhu cầu về dịch vụ tại các điểm Du lịch sinh thái không cầu kỳ mà đơn giản và mộc mạc. Đặc điểm này đòi hỏi những người làm Du lịch sinh thái cần nghiên cứu kỹ lưỡng những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc, tận dụng những điều kiện tự nhiên kỳ thú để thu hút khách Du lịch.
- Đặc trưng cơ bản của nhu cầu Du lịch sinh thái là nhu cầu đóng góp cho việc bảo tồn những giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đặc điểm này đòi hỏi trong tổ chức hoạt động Du lịch sinh thái, bên cạnh việc thu nhận những đóng góp của khách Du lịch cho công tác bảo tồn, các điểm Du lịch sinh thái cần phải thể hiện thiện chí cho việc bảo tồn. Vì vậy, việc xây dựng đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, cơ sở lưu trú… phải đặc biệt tôn trọng tính tự nhiên của tài nguyên Du lịch, không làm ảnh hưởng quá mức đến các giá trị thiên nhiên và văn hóa bản địa [7, tr. 12].
c. Đặc điểm của sản phẩm Du lịch sinh thái.
Những sản phẩm Du lịch sinh thái cơ bản hiện nay bao gồm: Dã ngoại, leo núi, đi bộ trong rừng, tham quan, nghiên cứu đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng, tham quan miệt vườn, quan sát sân chim, thăm bản làng dân tộc và các loại sản phẩm Du lịch sinh thái khác…
Đặc điểm của sản phẩm Du lịch sinh thái xuất phát từ đặc điểm của tài nguyên Du lịch sinh thái và đặc điểm của khách Du lịch sinh thái. Sản phẩm Du lịch sinh thái gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân bản địa.
Sản phẩm Du lịch sinh thái thường mang tính tổng hợp, gắn liền giữa thiên nhiên với con người, sản phẩm Du lịch sinh thái góp phần giảm thiểu sự tác động của con người đối với tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên thiên nhiên, đời sống người dân, văn hóa địa phương càng độc đáo, càng nguyên sơ thì sản phẩm Du lịch sinh thái càng hấp dẫn. Các loại sản phẩm Du lịch sinh thái có thể được thực hiện một cách độc lập cho từng chuyến đi hoặc có thể được kết hợp với các hình thức Du lịch khác [7, tr. 14].
1.3.2.2. Nguyên tắc của hoạt động kinh doanh Du lịch sinh thái
a. Nguyên tắc phát triển Du lịch dựa vào những giá trị của thiên nhiên và bản sắc văn hóa địa phương
Những tài nguyên thiên nhiên và những giá trị văn hóa địa phương được coi là đối tượng khai thác của Du lịch sinh thái. Những giá trị của thiên nhiên bao gồm những tài nguyên Biển, Núi, Sông, Hồ, Suối, Khí hậu…và những tập quán văn hóa của những cộng đồng dân cư chính là nền tảng của Du lịch sinh thái.
Du lịch sinh thái là đưa con người về với thiên nhiên, trực tiếp sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở trạng thái nguyên sơ và những giá trị văn hóa tương ứng với tài nguyên thiên nhiên ấy, phục vụ cho nhu cầu tham quan giải trí và nghiên cứu con người. Du lịch sinh thái phải có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng dân cư bản địa, đề cao các giá trị, lợi ích của cộng đồng. Tăng cường công tác bảo tồn để đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ và bền vững [7, tr. 18].
b. Nguyên tắc có diễn giải, giáo dục môi trường trong hoạt động Du lịch
Trong hoạt động Du lịch sinh thái, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Du lịch, các cơ quan quản lý, cơ quan bảo tồn và du khách tham gia vào Du lịch sinh thái có trách nhiệm tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động tiêu cực của Du lịch đối với môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa. Đây là nguyên tắc cơ bản giúp ta phân biệt Du lịch sinh thái với các loại hình Du lịch khác nên Du lịch sinh thái được xem là loại hình Du lịch có trách nhiệm.
Các chương trình hoạt động của Du lịch sinh thái chủ yếu do các hướng dẫn viên người địa phương, những người có kiến thức sâu rộng và am hiểu về giá trị của những tài nguyên thiên nhiên tại địa phương để có thể truyền đạt lại cho Du khách.
Những hướng dẫn viên này giử vai trò là người trung gian giữa địa phương với Du khách. Việc sắp xếp các phương tiện hỗ trợ các chương trình Du lịch sinh thái như hệ thông tin, liên lạc, giao thông, cơ sở lưu trú, ăn uống và các tài liệu khác phục vụ cho du khách cũng mang tính giáo dục, diễn giải về môi trường. Chính vì vậy, thông qua Du lịch sinh thái, du khách có thêm những hiểu biết về môi trường tự nhiên và nâng cao được ý thức bảo về môi trường và tôn trọng văn hóa bản địa [7, tr. 18].
c. Nguyên tắc đóng góp cho bảo tồn để quản lý về môi trường sinh thái
Việc đóng góp cho bảo tồn là một trong những đặc trưng của Du lịch sinh thái nhằm gìn giử những giá trị của tài nguyên Du lịch cũng như giá trị của văn hóa địa phương bởi vì tài nguyên Du lịch sinh thái rất nhạy cảm với những tác động từ hoạt động khai thác Du lich [7, tr. 19].
d. Nguyên tắc mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư và đóng góp cho sự phát triển bền vững
Nguyên tắc này đòi hỏi hoạt động Du lịch sinh thái đem lại lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng. Trước hết phải tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia vào các hoạt động Du lịch từ việc tham gia góp ý tưởng, thiết kế, quy hoạch phát triển Du lịch sinh thái đến việc tham gia vào quản lý và hoạt động Du lịch sinh thái tại điểm Du lịch sinh thái. Ngoài ra, người dân còn có thể trực tiếp cung cấp các dịch vụ ăn uống, ngủ nghĩ và sinh hoạt và đi lại cho khách Du lịch [7, tr. 19].
1.3.3. Yêu cầu và mục tiêu phát triển Du lịch sinh thái 1.3.3.1. Yêu cầu của phát triển Du lịch sinh thái
Các nhà điều hành kinh doanh Du lịch sinh thái vừa có trách nhiệm đảm bảo lợi ích của tổ chức kinh doanh Du lịch vừa phải đảm bảo các nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững của hoạt động Du lịch sinh thái.
Phát triển Du lịch sinh thái phải căn cứ trên các yếu tố khác như các chủ trương, chính sách phát triển Du lịch và Du lịch sinh thái của quốc gia, của vùng,
của địa phương. Khai thác Du lịch sinh thái trên cơ sở bảo tồn và phát huy những cảnh quan tự nhiên, đảm bảo sự cân bằng giữa các giá trị về tự nhiên và nhu cầu thiết yếu của hoạt động Du lịch. Ngoài ra, yếu tố con người (đội ngũ hướng dẫn viên Du lịch) cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của một sản phẩm Du lịch sinh thái.
1.3.3.2. Mục tiêu của phát triển Du lịch sinh thái
Phát triển Du lịch bền vững là hoạt động Du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách Du lịch và người dân bản địa trong hiện tại mà vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế - xã hội, thẩm mỹ của con người trong tương lai thông qua việc duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con người. Du lịch sinh thái có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển Du lịch bền vững của một vùng hay một quốc gia, phù hợp với xu hướng hiện nay trên thế giới. Những đóng góp của Du lịch sinh thái được thể hiện qua các mặt sau.
a. Mục tiêu về kinh tế
Phát triển loại hình Du lịch sinh thái đúng nghĩa sẽ góp phần làm tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập quốc dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp – Dịch vụ - Nông nghiệp được thực hiện.
Phát triển Du lịch sinh thái sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ có điều kiện đầu tư theo hướng hiện đại hóa, giảm sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế và mức sống dân cư giữa các vùng, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa bản địa, các làng nghề truyền thống được duy trì, phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng cũng như lợi ích quốc gia.
b. Mục tiêu về xã hội
Du lịch sinh thái luôn gắn liền với một phạm vi lãnh thổ nhất định mà sự gắn kết cộng đồng được xem là nền tảng, là đặc tính hàng đầu trong đời sống văn hóa bản địa. Hoạt động Du lịch sinh thái sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư địa