Tăng cường vai trò chủ đạo của tổ chức Đoàn thanh niên trong hoạt động giáo dục kỹ năng sống thông qua các chủ đề sinh hoạt đoàn, đặc biệt các tổ chức diễn ra vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ cho học sinh

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục kĩ năng sống ở trường trung học phổ thông nội trú Đồ Sơn thành phố Hải Phòng (Luận văn thạc sĩ) (Trang 90 - 95)

Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NỘI TRÚ ĐỒ SƠN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

3.2. Nội dung biện pháp quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học

3.2.4. Tăng cường vai trò chủ đạo của tổ chức Đoàn thanh niên trong hoạt động giáo dục kỹ năng sống thông qua các chủ đề sinh hoạt đoàn, đặc biệt các tổ chức diễn ra vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ cho học sinh

a. Mục tiêu biện pháp

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của Thanh niên Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên.

Trong trường THPT, Đoàn luôn chăm lo bồi dưỡng lí tưởng xã hội chủ nghĩa, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho đoàn viên; tổ chức mọi hoạt động nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị. Đây là môi trường hoạt động phù hợp với tâm sinh lý thanh niên học sinh. Vì vậy việc quản lý giáo dục KNS cho học sinh cần phải phối kết hợp tốt, giúp đỡ, cố vấn để Đoàn đổi mới nội dung, hình thức hoạt động và cách đánh giá thi đua khen thưởng.

b. Nội dung biện pháp

Tổ chức Đoàn thanh niên trong trường THPT có đội ngũ đông đảo nhất. Có tổ chức đoàn của các nhà giáo và của học sinh thực hiện chức năng giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng, ý thức công dân. Thông qua các hoạt động của Đoàn góp phần nâng cao chất lượng học tập, giúp các em xác định động cơ, thái độ đúng đắn trong học tập, tạo hứng thú, niềm say mê tìm tòi, ham hiểu biết, rèn luyện tính kỷ luật, nề nếp, thói quen tốt trong học tập, làm quen với sinh hoạt tập thể và tạo cơ hội phát triển về khả năng giao tiếp, tăng thêm bản lĩnh và tạo cơ hội phát triển năng khiếu sở trường của các em; giúp các em gắn bó yêu thương nhau, tạo điều kiện để các em rèn luyện trưởng thành và hoàn thiện nhân cách.

Đoàn thanh niên là môi trường thuận lợi nhất để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, là môi trường để khuyến khích, động viên đoàn viên, thanh niên lập thân lập nghiệp. Thông qua các hoạt động, các chương trình hành động cụ thể đoàn viên thanh niên được trang bị thêm những kiến thức và hiểu biết về khả năng giao tiếp, kỹ năng ứng phó, đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, kỹ năng đạt các mục tiêu. Đoàn trường là nơi tổ chức các nội dung sinh hoạt lành mạnh, sôi nổi, trẻ trung, ở đó học sinh có điều kiện rèn luyện KNS và tự khẳng định mình. Vì thế mọi tổ chức trong nhà trường (Chi bộ, Ban giám hiệu...) cần quan tâm, tạo mọi điều kiện cho Đoàn và Hội hoạt động. Thông

qua các hoạt động hội thảo, thi tìm hiểu, dã ngoại, cắm trại giao lưu với các đoàn trường bạn, giáo dục lý tưởng cách mạng, KNS và hình thành ước mơ cao đẹp cho học sinh.

c. Cách thức tiến hành biện pháp

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tổ chức đoàn trong nhà trường. Người quản lý cần tập trung những vấn đề sau:

- Phối hợp với Đoàn trường trong tổ chức các hoạt động, phát động các phong trào thi đua, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của tổ chức Đoàn trong các hoạt động giáo dục học sinh.

- Tham mưu cho cấp uỷ thông qua tổ chức Đảng quan tâm, chỉ đạo sát sao các hoạt động của Đoàn cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa nhà trường với tổ chức Đoàn và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường phù hợp.

- Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian cho các hoạt động của Đoàn; tạo điều kiện cho cán bộ đoàn học tập, công tác, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; có chế độ đãi ngộ thích đáng cho cán bộ Đoàn và tổ chức của họ.

- Hàng năm xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, năng nổ nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm có những đổi mới sáng tạo trong công việc và không ngại “va chạm”, tất cả vì tập thể.

- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội liên hiệp thanh niên trong nhà trường có trách nhiệm trước Chi bộ, Ban giám hiệu trong việc giáo dục mục tiêu lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên trong nhà trường thông qua nhiều hình thức hoạt động như: phát động mỗi đoàn viên, thanh niên viết nhật ký làm theo lời Bác, tổ chức học tập 6 bài lý luận chính trị, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, giao lưu với trường bạn...Qua đó các em lĩnh hội kiến thức và hình thành ở các em những ước mơ hoài bão cao đẹp.

- Trong mỗi năm học phải bám sát nhiệm vụ năm học của nhà trường và của Đoàn trường học để từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể. Tổ chức các đợt thi đua theo từng chủ đề, thi đua dài hạn và ngắn hạn, đánh giá chất lượng hoạt động các phong trào để có sự động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân kịp thời; bên cạnh đó phê bình khiển trách, điều chỉnh, uốn nắn những tập thể, cá nhân vi phạm. Thành lập ban nề nếp, đội cờ đỏ mà thành viên chủ yếu là các giáo viên trẻ thuộc chi đoàn giáo viên và những học sinh nhiệt tình với công tác đoàn để quản lý nề nếp và làm công tác an ninh trường học.

- Xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động giữa Đoàn trường với Ban đại diện cha mẹ học sinh, Đoàn thanh niên các xã có con em học tại trường để tạo ra các hoạt động bổ ích góp phần giáo dục KNS cho học sinh đạt hiệu quả cao như:

+ Thăm hỏi các gia đình thương binh liệt sỹ nhân ngày 27/7, ngày 22/12. Thăm hỏi và chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tu bổ và thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ.

+ Hàng năm làm tốt công tác trao quỹ học bổng cho học sinh nghèo, học sinh mồ côi vượt khó vươn lên học giỏi. Tham gia tốt các phong trào từ thiện, nhân đạo. Tổ chức tốt tháng thanh niên hành động theo các chủ đề cho đoàn viên, thanh niên.

+ Tổ chức các buổi lao động công ích xây dựng các công trình thanh niên và tạo nguồn quỹ hoạt động. Từ đó giúp cho đoàn viên thanh niên có ý thức làm chủ, có tình yêu thương ý chí cộng đồng. Bồi dưỡng lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý. Rèn luyện đức tính cần cù, sáng tạo, năng động, ham học hỏi, độc lập suy nghĩ và quyết đoán trong hành động.

- Phối hợp với Công an quận Đồ Sơn thường xuyên tuyên truyền pháp luật, luật lệ khi tham gia giao thông; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên kí cam kết không tham gia vào các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật và an toàn giao thông.

- Xây dựng phong trào tự quản của các lớp: Đoàn trường xây dựng kế hoạch cụ thể về nội dung, tiêu chuẩn của một tập thể HS tự quản. Trên cơ sở đó, giúp HS hiểu được trách nhiệm của mình trong tập thể, biết tự quản trong mọi hoạt động học tập, lao động, vui chơi, rèn luyện trong giờ chính khóa cũng như các buổi ngoại khóa. HS biết chủ động, tự giải quyết sáng tạo những tình huống nảy sinh, tự điều hành hoạt động của tập thể lớp, tự biết điều chỉnh hoạt động của mình để phù hợp với mục đích chung đề ra để hoạt động của lớp học đạt hiệu quả cao.

Các hoạt động tự quản bao gồm: tự QL nề nếp học tập ở lớp, ở khu nội trú; hình thành tổ nhóm học tập ở nhà, thành lập nhóm bạn giúp nhau tiến bộ; tổ chức cho tập thể lớp hưởng ứng các phong trào thi đua của nhà trường, tham gia đội tự quản của trường; tự kiểm tra đánh giá kết quả thi đua hàng tuần; tự tổ chức các cuộc họp lớp, mở câu lạc bộ, hội thi, hội thảo, hội trại, các hoạt động vui chơi giải trí; tự tổ chức các buổi lao động vệ sinh định kỳ, lao động tình nguyện, tự đề xuất ý kiến, đề ra các biện pháp xây dựng các phong trào thi đua của lớp; tự tổ chức cho tập thể lớp tham gia các phong trào tình nguyện của Đoàn, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hoạt động từ thiện…

- Tổ chức tốt lễ ký kết bàn giao các đoàn viên học sinh cho các cơ sở đoàn địa phương trong dịp hè. Căn cứ vào kết quả hoạt động hè tại địa phương để đánh giá nhận xét ý thức của đoàn viên trong dịp hè.

d. Điều kiện thực hiện biện pháp

- Cấp ủy và BGH nhà trường cần chỉ đạo Ban chấp hành đoàn trường cùng với giáo viên chủ nhiệm tiến hành chọn lựa, bồi dưỡng xây dựng ban cán sự lớp và Ban chấp hành chi đoàn vững mạnh, đoàn kết, năng động, sáng tạo có khả năng tổ chức và có tinh thần trách nhiệm cao với các hoạt động đồng thời là những học sinh học tập tốt, gương mẫu được tập thể tín nhiệm.

- Phát huy tính chủ động, sáng tạo, không khí dân chủ, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện, biết đoàn kết, giúp đỡ chia sẻ đối với những học sinh có khó khăn trong học tập và rèn luyện; xây dựng tinh thần tương thân tương ái.

- Xây dựng tinh thần tích cực đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong học sinh. Nhà trường thông qua các đoàn thể nhất là Đoàn thanh niên xây dựng các kênh thông tin để thu thập và nắm bắt các vấn đề về tâm sinh lý và các hoạt động giáo dục của học sinh.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động giáo dục kĩ năng sống ở trường trung học phổ thông nội trú Đồ Sơn thành phố Hải Phòng (Luận văn thạc sĩ) (Trang 90 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)