Ý nghĩa thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

Một phần của tài liệu Thẩm quyền của hội Đồng xét xử sơ thẩm vụ Án hành chính (Trang 28 - 31)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ THẨM QUYỀN CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

1.1. Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

1.1.3. Ý nghĩa thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

Trước hết, việc quy định về thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm có vai trò rất quan trọng trong tiến trình tố tụng vì nó đặt ra nền tảng pháp lý rõ ràng để các chủ thể tiến hành tố tụng lẫn các chủ thể tham gia tố tụng thuận lợi hơn trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình nhằm làm sáng tỏ bản chất vụ án. Một bản án công bằng, đúng pháp luật luôn là mục tiêu cuối cùng mà các chủ thể hướng đến khi tham gia vào quan hệ tố tụng. Để có được một phán quyết chính xác đòi hỏi chủ thể ra quyết định ở đây là HĐXX sơ thẩm phải hiểu rõ được quyền hạn của mình khi tiến hành giải quyết vụ án.

Bởi lẽ, bản án được tuyên chính là kết quả của việc áp dụng những quy định về thẩm quyền trong Luật TTHC vào việc giải quyết một vụ án cụ thể trên thực tế. Như vậy, quy định về thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm đóng vai trò là “ngọn đuốc” để Toà án xác định đúng thẩm quyền của mình theo Luật định, từ đó có được hướng đi đúng đắn trong việc giải quyết vụ án nhằm đảm bảo bản án, quyết định sơ thẩm VAHC được tuyên đúng pháp luật, hợp lý, hợp tình, không bị kháng cáo, kháng nghị, có thể phát sinh hiệu lực và được thi hành ngay, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, củng cố niềm tin của người dân vào cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính theo con đường tư pháp tại Toà án.

Bên cạnh đó, công tác xét xử sơ thẩm nói chung và việc vận dụng quy định về thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm nói riêng được xem là bước khởi đầu, là “mắc xích”

đầu tiên trong tiến trình tố tụng vì “sản phẩm” của nó là phán quyết được đưa ra trong giai đoạn này sẽ là đối tượng được xem xét ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo (nếu có).

Thật vậy, nếu quy định về thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm được vận dụng chính xác, VAHC được giải quyết đúng đắn thì sẽ hạn chế việc phải đưa vụ án đó ra xét xử ở cấp phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm (nếu có), mà cho dù bản án, quyết định sơ thẩm đó có bị kháng cáo, kháng nghị thì đây cũng sẽ là cơ sở để các giai đoạn xét xử sau này được tiến hành thuận lợi hơn. Trái lại, nếu chất lượng xét xử ở giai đoạn sơ thẩm thấp hay nói cách khác quy định về thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm được vận dụng không đúng đắn thì sẽ dẫn đến nhiều trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm bị huỷ để xét xử lại, gây tốn kém cả về thời gian, công sức lẫn tiền bạc, làm nảy sinh tâm lý tiêu cực,

cũng như làm suy giảm lòng tin của các đương sự vào Nhà nước và pháp luật. Không những vậy, thông qua việc vận dụng quy định về thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm, trình độ nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, kĩ năng tố tụng cũng như kinh nghiệm xét xử của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, thư ký Toà án không ngừng được tích luỹ, trau dồi và nâng cao.

Hai là, đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện

Nhằm khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại, có hai phương thức mà cá nhân, cơ quan, tổ chức lựa chọn để giải quyết VAHC, đó là khiếu nại đến chủ thể có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra TAND. Đối với phương thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục khiếu nại thì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mang tính hành pháp thuần tuý, do đó không đảm bảo được tính khách quan và bình đẳng giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại. Trái lại, phương thức giải quyết tranh chấp theo con đường tư pháp bằng Toà án theo nguyên tắc “dùng quyền tư pháp để kiểm soát quyền hành pháp” dựa trên việc vận dụng quy định về thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm một mặt vừa đảm bảo được tính chuyên trách trong quá trình giải quyết, mặt khác giúp cho người khởi kiện thể hiện được quyền bình đẳng đối với người bị kiện. Theo đó, quy định về thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm VAHC giúp cho người khởi kiện nắm được phạm vi xem xét và giải quyết của HĐXX sơ thẩm đối với đối tượng khởi kiện, đây là cơ sở để HĐXX đi đến kết luận và ra phán quyết. Như vậy, có thể nói thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm VAHC chính là căn cứ giúp cho người khởi kiện có thể lựa chọn phương thức tối ưu nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bên cạnh đó, quy định về thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm VAHC còn là cơ sở để người khởi kiện “chuẩn hoá” yêu cầu khởi kiện của mình sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đây là căn cứ làm

“khởi phát” VAHC, HĐXX sẽ căn cứ vào yêu cầu của người khởi kiện để tiến hành giải quyết VAHC. Nếu người khởi kiện đưa ra yêu cầu không đầy đủ, HĐXX chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của họ, do đó không thể giải quyết được triệt để vụ án dẫn đến quá trình TTHC bị kéo dài, không thể bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của họ. Trái lại, nếu yêu cầu của người khởi kiện vượt quá thẩm quyền giải quyết của HĐXX thì HĐXX cũng không thể giải quyết được yêu cầu đó. Mặt khác, “xác định cụ thể thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm còn là căn cứ để đương sự theo dõi quyết định, bản án mà

HĐXX sơ thẩm đã ra để giải quyết vụ án, từ đó họ có cơ sở để chống lại bản án, quyết định đó theo quy định pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”50.

Ba là, đối với cơ quan nhà nước

Quy định về thẩm quyền của HĐXX sơ thẩm VAHC có vai trò quan trọng đối với kiểm soát việc thực thi quyền hành pháp, ổn định, củng cố và thúc đẩy hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, cũng như nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức. Thật vậy, quy định này chính là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho tình trạng áp đặt tuỳ tiện, quản lý theo mệnh lệnh đơn thuần từ phía cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, bởi lẽ họ chính là chủ thể ban hành các QĐHC hoặc thực hiện các HVHC bị khiếu kiện. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải có trách nhiệm hơn khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình, tránh tình trạng QĐHC mà họ ban hành bị tuyên huỷ, HVHC mà họ đã thực hiện bị tuyên trái pháp luật, từ đó tạo ra dư luận không tốt về hoạt động quản lý nhà nước.

Ngoài ra, qua việc phát hiện và chỉ ra những khiếm khuyết, hạn chế trong hệ thống pháp luật về quản lý hành chính nhà nước thì HĐXX sơ thẩm trong phạm vi thẩm quyền của mình sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho người bị kiện có thể nhanh chóng khắc phục sai sót của mình thông qua quyền kiến nghị cách thức xử lý đối với QĐHC trái pháp luật đã bị huỷ, xem xét trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, kiến nghị về VBQPPL, văn bản hành chính có liên quan. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc hoàn thiện pháp luật về quản lý hành chính nhà nước nói riêng mà còn cả hệ thống pháp luật nói chung.

Bên cạnh đó, khi phát hiện có sự sai sót trong việc ra phán quyết của HĐXX sơ thẩm VAHC như tuyên án trái thẩm quyền, tuyên án vượt quá thẩm quyền,... thì quy định về thẩm quyền trên sẽ là cơ sở để người bị kiện có thể kháng cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp cần thiết.

50 Nguyễn Cảnh Hợp (chủ biên)(2017), Giải thích và bình luận Luật TTHC năm 2015, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr.307.

Một phần của tài liệu Thẩm quyền của hội Đồng xét xử sơ thẩm vụ Án hành chính (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)