Chương 1: LÝ LUẬN VỀ MIỄN TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG
1.3. Khái niệm, bản chất, ý nghĩa của miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
1.3.3. Các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Pháp luật quy định bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; Xảy ra sự kiện bất khả kháng; Hành vi vi phạm của một bên hoàn
25
toàn do lỗi của bên kia; Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Miễn trách nhiệm theo thỏa thuận, pháp luật thương mại đề cao tính tự do trong hợp đồng. Do vậy, các bên được quyền tự thỏa thuận các trường hợp miễn trách nhiệm khi giao kết hợp đồng thương mại. Thỏa thuận giữa các bên về trường hợp miễn trách nhiệm phải tồn tại trước khi xảy ra vi phạm và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài. Khi hợp đồng được giao kết bằng văn bản, thì thỏa thuận miễn trách nhiệm được ghi nhận trong nội dung hợp đồng hoặc trong phụ lục hợp đồng. Nhưng kể cả khi hợp đồng đã ký kết các bên vẫn có thể thỏa thuận bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng các trường hợp miễn trách nhiệm. Khi hợp đồng được giao kết bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể thì thỏa thuận miễn trách nhiệm cũng có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể. Tuy nhiên, việc chứng minh sự tồn tại một thỏa thuận không bằng văn bản sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Thực tiễn trong giao kết hợp đồng thương mại cho thấy ít khi các bên chấp nhận việc thỏa thuận trực tiếp và rõ ràng về các trường hợp miễn trách nhiệm, vì có thể bên vi phạm sẽ vin vào điều này để không tuân thủ hợp đồng.
Do đó, các bên có thể thỏa thuận gián tiếp miễn trách nhiệm ở một chừng mực nhất định.
Miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, theo quy định của pháp luật thương mại, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Điều này có nghĩa là dù hợp đồng có quy định hay không thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc vi phạm hợp đồng, bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được
26
và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Theo đó, để được xem là bất khả kháng thì một sự kiện cần thỏa mãn 3 nội dung sau:
Thứ nhất, là sự kiện khách quan xảy ra sau khi ký hợp đồng. Tức là sự kiện nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng như các hiện tượng tự nhiên: Bão, lụt, sóng thần… các sự kiện chính trị, xã hội: đình công, bạo loạn, chiến tranh…, ngoài ra còn có các trường hợp như hỏa hoạn phát sinh từ khu vực bên ngoài lan sang và thiêu rụi nhà máy…;
Thứ hai, là sự kiện xảy ra không thể dự đoán trước được. Năng lực đánh giá xem xét một sự kiện có xảy ra hay không được xét từ vị trí của một thương nhân bình thường chứ không phải một chuyên gia chuyên sâu. Ví dụ khu vực nhà máy của bên vi phạm thường xuyên có bão vào mùa mưa nhưng do tính bất ngờ và khó kiểm soát của bão nên việc dự đoán bão có xảy ra hay không đối với một thương nhân là không thể lường trước được (chiến tranh, bạo loạn, đình công… hay các thảm họa thiên nhiên khác);
Thứ ba, là sự kiện xảy ra mà hậu quả để lại không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, là sự kiện xảy ra mà chúng ta không thể tránh được về mặt hậu quả. Tức là sau khi bên vi phạm đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết những vẫn không khắc phục được hậu quả thì mới đáp ứng điều kiện này. Tuy nhiên, nếu như bên vi phạm không thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả nhưng chứng minh được rằng dù có hành động vẫn không thể khắc phục được hậu quả thì xem như đã thỏa mãn điều kiện này.
Để được áp dụng miễn trừ do sự kiện bất khả kháng thì bên có hành vi vi phạm phải chứng minh được sự cố dẫn đến vi phạm hợp đồng thõa mãn 3 điều kiện vừa nêu.
Khi xảy ra trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài
27
thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; trừ các hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.
Nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:
- 05 tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá 12 tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
- 08 tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên 12 tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.
Tuy nhiên, nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá thời hạn nêu trên thì các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại. Bên từ chối thực hiện hợp đồng phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng trong thời hạn 10 ngày.
Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm, căn cứ miễn trách nhiệm trong trường hợp này phải do lỗi của bên bị vi phạm. Lỗi này có thể là hành động hoặc không hành động của bên bị vi phạm. Ngoài ra, cũng có thể là một hành vi vi phạm hợp đồng của bên bị vi phạm, tức là cả hai bên đều có hành vi vi phạm hợp đồng.
Ví dụ: Công ty A kí kết với công ty B hợp đồng mua bán 100 tấn xi măng. Theo đó, công ty A phải thanh toán đúng hạn khoản tiền bằng 30% giá trị hợp đồng để công ty B mua nguyên vật liệu sản xuất. Tuy nhiên, công ty A đã không thanh toán đúng hạn dẫn đến việc đình trệ sản xuất khiến cho việc giao hàng của công ty B bị chậm trễ.
Trong trường hợp này, nếu như trong hợp đồng không có thỏa thuận khác về việc chậm thanh toán và việc chậm thanh toán của công ty A không
28
phải do bất khả kháng hoặc do quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì xem như công ty A đã có lỗi khiến cho công ty B không thể thực hiện đúng hợp đồng nên công ty B được miễn trách nhiệm.
Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước, miễn trách nhiệm chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Nếu như các bên đã biết về việc thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng mà vẫn đồng ý giao kết hợp đồng thì không được áp dụng miễn trách nhiệm.
Quyết định của cơ quan nhà nước phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm, tức là phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định nào đó dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng.
Ví dụ: Công ty M chuyên sản xuất và cung cấp trứng gà cho nhà phân phối K. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của công ty M bị tuyên bố thuộc vùng dịch bệnh. Theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh, công ty M phải hủy toàn bộ cơ sở sản xuất để tránh lây lan bệnh dịch. Thực hiện quyết định này khiến cho công ty M không thể cung cấp trứng gà cho nhà phân phối K theo hợp đồng đã giao kết. Trong trường hợp này, công ty M được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng của mình.
Theo hệ thống pháp luật lục địa (Civil Law), yếu tố lỗi là cơ sở của trách nhiệm hợp đồng. Nếu không có lỗi, người vi phạm nghĩa vụ có thể được miễn trừ trách nhiệm hợp đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào yếu tố lỗi cũng được đặt ra. Trong trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiện hợp đồng mặc dù có khả năng thực hiện thì không cần phải xem xét yếu tố có lỗi, vì khi đó họ đương nhiên là có lỗi. Theo quy định của Bộ luật dân sự Pháp các trường hợp sau sẽ được coi là miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Thứ
29
nhất, trường hợp không thể dự kiến được, tức là người có nghĩa vụ không thể dự kiến trước hay nhìn thấy trước sự kiện đó. Việc đánh giá sự kiện có thể dự kiến được hay không thể dự kiến được là theo những tiêu chí chung và vào thời điểm ký kết hợp đồng. Thứ hai, đó là sự kiện xảy ra do một nguyên nhân khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể có nghĩa vụ, tức là sự kiện đó không có mối liên hệ nào với nhân thân hay hoạt động của người có nghĩa vụ. Thứ ba, đó là sự kiện không thể khắc phục được, thức là sự kiện xảy ra phải làm cho nghĩa vụ trở nên không thể thực hiện được trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo quy định của Liên bang Nga, xuất phát từ nguyên tắc truy cứu trách nhiệm dân sự trên cơ sở phạm lỗi, tại Điều 401 và Điều 416 Bộ luật dân sự Liên bang Nga năm 1994 đã đưa ra quy định có tính chất nền tảng về các căn cứ miễn trừ trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ, theo đó, nếu người có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ do hậu quả của những trở ngại khách quan, thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật Nga bao gồm hai dấu hiệu: Thứ nhất, đó phải là những sự kiện đặc biệt bất thường; thứ hai, đó phải là những sự kiện không thể khắc phục được. Nếu thiếu một trong hai dấu hiệu này thì không được thừa nhận là sự kiện bất khả kháng [5, tr.506].
Công ước Viên tại Điều 79 quy định về điều kiện miễn trừ trách nhiệm để áp dụng đối với hình thức trách nhiệm bồi thường thiệt hại (mà không áp dụng đối với các hình thức trách nhiệm khác), theo đó, bên không thực hiện nghĩa vụ sẽ được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại “nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hoặc là trách được hay khắc phục các hậu quả của nó” [6].
30
Cách tiếp cận về miễn trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 79 Công ước Viên có tính đến các cách tiếp cận của học thuyết “sự vô ích của hợp đồng” ở các nước theo hệ thống Common Law và học thuyết “không thể thực hiện được hợp đồng” theo hệ thống Civil Law, tuy không trùng lặp hoặc đồng nhất với bất kỳ học thuyết nào nêu trên.
31
Kết luận chương 1
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là một chế tài dân sự được áp dụng nhằm bù đắp những thiệt hại thực tế mà bên vi phạm đã gây ra cho bên bị vi phạm. Bản chất của bồi thường thiệt hịa là việc bên có quyền yêu cầu bên vi phạm nghĩa vụ trả một khoản tiền do vi phạm hợp đồng gây ra.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải bất kể trường hợp nào vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cũng phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chính vì vậy, khi tiến hành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quan hệ hợp đồng chúng ta cần phải xem xét đến những trường hợp được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Do đó, miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được hiểu là bên đã vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng không bị buộc phải trả một khoản tiền để nhằm bù đắp những thiệt hại gây ra cho bên có quyền do họ không có lỗi trong việc không thực hiện các nghĩa vụ đó. Việc quy định về căn cứ miễn trừ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng có ý nghĩa vô cùng lớn trong quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh đối với các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng. Các trường hợp về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng như: Miễn trách nhiệm theo thỏa thuận, trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm và hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Những quy định này phần nào đã giúp cho quá trình giải quyết những tranh chấp hợp đồng được tiến hành một cách thuận lợi và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cho các bên chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng.
32 Chương 2
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ MIỄN TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG
2.1. Lịch sử của chế định pháp luật về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng ở Việt Nam
Trong thực tiễn hình thành và phát triển của xã hội, hành vi gây thiệt hại thì phải bồi thường là điều tất yếu nếu đối tượng bị xâm phạm, bị thiệt hại là lợi ích được cộng đồng, nhà nước bảo vệ, nhưng cũng có những trường hợp có thiệt hại xảy ra, chủ thể có nghĩa vụ bồi thường lại được miễn trách nhiệm.
Do vậy, miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một trong những chế định pháp lý quan trọng trong lịch sử pháp luật dân sự của quốc gia khác nhau trong đó có Việt Nam.
Pháp luật về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại ở hai thời kỳ cổ đại và thời kỳ trung đại còn mang yếu tố tự phát. Phải đến thời kỳ hiện đại, khi mà bộ máy nhà nước cũng như các chế định pháp luật đã hoàn thiện, đồng bộ, có sự phân biệt rạch ròi về trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính, quản lý xã hội bằng luật pháp, thì các trường hợp để miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại mới được quy định rõ ràng.
Ở Việt Nam, pháp luật về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với quá trình và sự phát triển của hệ thống pháp luật. Căn cứ vào các tài liệu mà sử sách để lại có thể thấy, trong Bộ luật Hồng Đức đã có những quy định về căn cứ miễn giảm trách nhiệm dân sự. Nhưng ở đây chỉ dừng lại ở những quan hệ pháp luật dân sự mà chưa đi sâu vào những vấn đề liên quan đến hợp đồng. Chính vì vậy, có thể chia quá trình hình thành và phát triển của pháp luật về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam thành một số giai đoạn chủ yếu sau:
33
Giai đoạn đầu tiên, theo Luật Hồng Đức đây được coi là một trong những bộ luật phong kiến tiến bộ nhất và đặc sắc nhất trong lịch sử pháp luật Việt Nam.
Bộ luật đánh dấu thời kỳ hoàng kim nhất, rực rỡ nhất của chế độ phong kiến Việt Nam dưới triều đại Lê sơ, đặc biệt là dưới thời vua Lê Thánh Tông. Luật Hồng Đức đuợc các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rất cao về tư tưởng và trình độ lập pháp, vượt xa so với khuôn mẫu tư duy của thời đại phong kiến và để lại những dấu ấn sâu đậm cho đến tận ngày nay, và một trong những nội dung đó là trách nhiệm của các bên trong quan hệ pháp luật.
Chế định trách nhiệm là nét đặc sắc, độc đáo đáng quan tâm trong Luật Hồng Đức. Mặc dù về tính chất, đây là bộ luật hình sự (Quốc triều hình luật), nhưng Luật Hồng Đức chứa đựng trong đó những yếu tố khá tiến bộ trong việc điều chỉnh quan hệ phát sinh trong đời sống hàng ngày, quy định, dự liệu phong phú các trường hợp về tổn thất, thiệt hại trong thực tế cả về vật chất lẫn tinh thần từ đó xác định trách nhiệm hình sự và dân sự.
Chế định trách nhiệm trong quan hệ pháp luật được quy định trong Luật Hồng Đức đưa tầm vóc của bộ luật lên tầm cao hơn so với tư duy lập pháp phong kiến. Sự dự liệu sinh động, đầy tính thực tiễn của nó vẫn còn dư âm mạnh mẽ cho đến ngày nay, có ý nghĩa lớn trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật hiện đại. Qua đây có thể thấy được tính dự liệu và bao quát của Luật Hồng Đức đối với cuộc sống hàng ngày cũng như những vấn đề có thể phát sinh trong đời sống.
Đối với những quy định về trách nhiệm trong quan hệ pháp luật, Luật Hồng Đức không có quy định riêng hoặc gọi đích danh về chế định này, tuy nhiên qua đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, qua phân tích dưới góc độ khoa học pháp lý, có thể phân chia những nội dung về trách nhiệm được thể hiện trong Luật Hồng Đức qua những quy định về:
Tổn thất trên thực tế; Lỗi; Trường hợp đặc biệt phát sinh trách nhiệm;