Mọi khái niệm đều có cấu trúc gồm hai phần là: nội hàm khái niệm và ngoại diên khái niệm.
3.1. Nội hàm khái niệm
Sản phẩm của quá trình tư duy nhận thức về đối tượng, là đưa ra các dấu hiệu bản chất về đối tượng, để chỉ ra đối tượng đó là gì. Những dấu hiệu bản chất về đối tượng như vậy được gọi là nội hàm khái niệm.
Vậy, nội hàm của khái niệm là tập hợp các dấu hiệu bản chất khác biệt của đối tượng được phản ánh trong khái niệm.
Xác định dấu hiệu nội hàm là xác định về mặt chất của đối tượng, dấu hiệu nội hàm cho ta biết đối tượng đó có những điểm chính gì, và có sự khác biệt như thế nào đối với các đối tượng khác.
Ví dụ, khái niệm “hàng hóa” thì nội hàm của nó gồm hai dấu hiệu là: giá trị và giá trị sử dụng, hai thuộc tính này nhằm phân biệt hàng hóa với các sản phẩm khác. Hay khái niệm “sinh viên”, thì dấu hiệu nội hàm là những người đang học cao đẳng và đại học.
Như vậy, dấu hiệu nội hàm của khái niệm cho ta biết được đối tượng đó là gì, bên cạnh đó các dấu hiệu nội hàm còn là cơ sở để phân tích đi vào nghiên cứu đối tượng thông qua khái niệm. Ví dụ, khi bàn về khái niệm “vật chất”, thì có ba dấu hiệu cơ bản, là phạm trù triết học, tồn tại khách quan và được cảm giác con người phản ánh. Do vậy,
khi nghiên cứu về vật chất, để tránh lan man và không tập trung vào các điểm cơ bản ta cần bám sát các dấu hiệu bản chất trong nội hàm khái niệm để phân tích. Điều này có ý nghĩa quan trong nhận thức khoa học, cũng như trong tiến trình phát triển tư duy lý luận.
Khi một khái niệm được thành lập, thì đã có nội hàm khái niệm, song số lượng dấu hiệu trong nội hàm không phải là cái bất động, và có sự vận động đi lên theo xu hướng, số lượng dấu hiệu ngày càng đầy đủ, tính cơ bản của dấu hiệu ngày càng sâu sắc, điều này phụ thuộc trình độ, năng lực nhận thức của nhân loại. Ví như khi năng lực nhận thức khoa học còn hạn chế, thời kì cổ đại cho rằng, vật chất có đặc tính là con người cảm giác được, sự tồn tại của nó chiếm một không gian nhất định. Về sau, năng lực tư duy con người phát triển, thì không phải những gì ta không nhìn thấy thì không tồn tại, mà có những dạng tồn tại vật chất con người không thể cảm nhận chúng bằng hệ thống các giác quan. Do vậy, những dấu hiệu nội hàm trong khái niệm vật chất được bổ sung là, tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý thức và ý chí của con người.
Trong hệ thống các dấu hiệu nội hàm của khái niệm, thông thường được chia theo hệ thống, nghĩa là có những dấu hiệu chung đại diện cho một lớp đối tượng, và có những dấu hiệu bản chất riêng biểu thị cho một loại, hay một đối tượng tồn tại cụ thể nào đó.
Ví dụ, Hình vuông là hình tứ giác có 4 góc vuông và 4 cạnh bằng nhau. Thì ở đây, dấu hiệu chung là tứ giác có 4 góc bằng nhau thì đó có thể là hình chữ nhật, hay tứ giác có 4 cạnh bằng nhau thì đó có thể là hình thoi. Dấu hiệu bản chất khác biệt là, vừa có 4 góc vuông, vừa có 4 cạnh bằng nhau, dấu hiệu này để phân biệt hình vuông với hình chữ nhật, và hình thoi. Việc phân chia thành các dấu hiệu nội hàm như vậy cho thấy, đối tượng luôn tồn tại trong quan hệ với các đối tượng cùng loại và hạng, song bản thân nó cũng thể hiện sự khác biệt bản chất với các đối tượng khác. Đây là điều cần thiết, ý nghĩa cho việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu về bản chất của đối tượng.
3.2. Ngoại diên khái niệm
Nội hàm khái niệm được xác định thì đồng thời ngoại diên khái niệm cũng được xác lập. Ngoại diên khái niệm là đối tượng, hay tập hợp đối tượng được khái niệm phản ánh tới, thỏa mãn các dấu hiệu của nội hàm khái niệm. Do vậy, ngoại diên đối tượng là dùng chỉ phạm vi đối tượng mà khái niệm nói tới, số lượng đó có thể lượng hóa được cụ thể nếu nó là hữu hạn, còn không người ta có thể mô tả được đối tượng ngoại diên dựa trên các dấu hiệu bản chất của nội hàm.
Ví dụ, khái niệm “công dân Việt Nam”, là một khái niệm hữu hạn nên có thể lượng hóa được cụ thể. Song khái niệm, “số chia hết cho hai”, dấu hiệu nội hàm là số chẵn, nó là số vô hạn nên không thể lượng hóa cụ thể mà chỉ có thể mô tả nó, là số chẵn.
Từ dấu hiệu nội hàm để xác định số lượng ngoại diên đối tượng là một yêu cầu quan trọng trong nghiên cứu và nhận thức khoa học, số lượng ngoại diên cho phép ta sắp xếp và xác định các đối lượng, lớp đối tượng. Bên cạnh đó, còn cho thấy có những có những lớp đối tượng ta không thể xác định chúng được một cách cụ thể, ví dụ nói về khái niệm vật chất, thì ta không thể đếm số lượng của chúng được, mà chỉ
dựa trên ba dấu hiệu nội hàm như ở phần trên để mô tả nó.
3.3. Quan hệ giữa nội hàm và ngoại diên khái niệm
Nội hàm và ngoại diên là hai mặt cấu thành nên khái niệm, do vậy giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ. Nội hàm thể hiện mặt chất của khái niệm, ngoại diên thể hiện mặt lượng của khái niệm. Quan hệ giữa nội hàm và ngoại diên của khái niệm là quan hệ tỉ lệ nghịch. Nghĩa là, nếu dấu hiệu nội hàm tăng thì ngoại diên khái niệm sẽ bị thu hẹp, ngược lại, nếu dấu hiệu nội hàm khái niệm giảm thì ngoại diên khái niệm sẽ tăng.
Ví dụ, khái niệm sinh viên, dấu hiệu nội hàm là những người học cao đẳng và đại học, vậy ngoại diên khái niệm là tất cả những người học cao đẳng và học đại học. Nếu ta thêm một dấu hiệu nội hàm, là có giới tính nam thì phạm vi ngoại diên của khái niệm sẽ giảm xuống, lúc này ngoại diên sẽ loại trừ những người học cao đẳng, đại học mà giới tính nữ. Vậy là, tăng dấu hiệu nội hàm thì phạm vi ngoại diên khái
niệm sẽ giảm xuống. Cũng khái niệm sinh viên, giờ ta tiến hành bỏ bớt đi khái niệm học cao đẳng và đại học, ta chỉ giữ lại dấu hiệu, là người đi học thì lúc này ngoại diên của khái niệm sẽ mở rộng ra rất nhiều, đó là tất cả những người đi học ở tất cả các cấp học của phổ thông, học nghề, học cao đẳng, học đại học.