Khái niệm bao gồm hai thành phần: nội hàm khái niệm và ngoại diên khái niệm, định nghĩa khái niệm là quá trình nghiên cứu về nội hàm khái niệm, phân chia khái niệm là quá trình nghiên cứu về ngoại diên khái niệm.
8.1. Nguồn gốc và bản chất của quá trình phân chia khái niệm Phân chia khái niệm là thao tác logic của tư duy tác động vào ngoại diên khái niệm nhằm xác định các yếu tố hợp thành ngoại diên khái niệm. Trong hoạt động thực tiễn, phân chia đã hình thành khi con người tham gia vào quá trình lao động, những sản vật thu được sẽ phân phát, chia sẻ cho mọi người, nghĩa là trong thực tiễn vật chất, thì đã có quá trình chia nhỏ đối tượng, từ cái tổng thể thành cái bộ phận. Quá trình này, khi được phản ánh vào trong tư duy, được tinh thần hóa sẽ
trở thành thao tác của tư duy, vì vậy xét về mặt nguồn gốc, quá trình phân chia khái niệm có nguồn gốc từ thao tác vật chất của con người.
Cơ sở để phân chia khái niệm là tính xác định về chất của khái niệm mang ra phân chia và các khái niệm nhỏ hợp thành ngoại diên của khái niệm. Ở đây, cần phân biệt giữa phân chia khái niệm, và phân nhỏ cái tổng thể thành cái bộ phận hợp thành nó. Phân chia khái niệm là quá trình phân nhỏ khái niệm, nhưng chất của khái niệm không thay đổi, nghĩa là từ khái niệm loài ta phân chia thành các khái niệm giống, ví dụ, khái niệm Quốc gia ta có thể phân chia thành Việt Nam, Lào, Mỹ, v.v. phân nhỏ, chia nhỏ đối tượng từ cái tổng thể tồn tại trong một chỉnh thể thành các bộ phận hợp thành nó, ví dụ, khái niệm con người ta chia nhỏ thành: chân, tay, đầu, thân thì đây không phải là phân chia khái niệm, bởi chất của khái niệm đã thay đổi. Trong quá trình phân chia, tư duy phải luôn ý thức được hai hoạt động này, nếu không quá trình phân chia là sai.
8.2. Kết cấu của phân chia khái niệm
Phân chia khái niệm là thao tác logic của tư duy, quá trình phân chia bao gồm ba bộ phận: khái niệm được phân chia, cơ sở phân chia,
khái niệm thu về sau quá trình phân chia. Khái niệm được hoặc bị phân chia là khái niệm trong bản thân nó chứa nhiều phần tử, nên được mang ra để phân chia, ta ký hiệu là A. Cơ sở phân chia khái niệm là cơ sở, căn cứ hay dấu hiệu để phân chia khái niệm, trong quá trình phân chia khái niệm, cơ sở khái niệm là căn cứ để thu về các khái niệm, cơ sở này quyết định đến kết quả phân chia khái niệm. Khái niệm thu về sau quá trình phân chia là hệ quả của hai quá trình trên, nó là số lượng các khái niệm hợp thành khái niệm được mang ra phân chia (A1, A2, A3, v.v.). Trong quá trình phân chia khái niệm, việc lựa chọn cơ sở phân chia nào phụ thuộc vào mục đích, yêu cầu của chủ thể, và từ đó quyết định đến những khái niệm thu về trong quá trình phân chia.
Ví dụ, Người là một khái niệm được mang ra phân chia, ta lựa chọn cơ sở phân chia: màu da, giới tính, lứa tuổi v.v. ở đây là lấy màu da làm cơ sở phân chia, thì thu về được khái niệm: người da đen, người da đỏ, người da vàng, người da trắng. Song nếu, ta lựa chọn lứa tuổi làm cơ sở để phân chia, thì khái niệm thu về bao gồm: nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, trung niên, người cao tuổi. Còn nếu ta lựa chọn châu lục làm cơ sở phân chia thì sẽ có các khái niệm: người châu Á, người châu Âu, người châu Phi, người châu Mỹ, người châu Úc. Như vậy, cùng một khái niệm được mang ra phân chia, việc sản phẩm các khái niệm được thu về phụ thuộc vào cơ sở ta lựa chọn để phân chia khái niệm. Có thể nói, phân chia khái niệm là quá trình giúp chủ thể nhận thức hiểu đầy đủ, cặn kẽ hơn về ngoại diên khái niệm, từ đó hướng tới nâng cao hoạt động thực tiễn của con người với đối tượng.
8.3. Các quy tắc phân chia khái niệm
Phân chia khái niệm là một thao tác logic của tư duy, do vậy trong quá trình phân chia, tư duy phải tuân thủ các quy tắc của logic hình thức, nếu không quá trình phân chia sẽ bị các lỗi như bỏ sót đối tượng, nhầm lẫn giữa các đối tượng, v.v.
Thứ nhất, phân chia khái niệm phải cân đối. Quy tắc này yêu cầu, sau khi phân chia xong khái niệm thì ngoại diên của khái niệm bị phân chia phải bằng tổng ngoại diên của các khái niệm thu về, tức
1 2 3 n
A A A A A . Nếu vi phạm quy tắc sẽ rơi vào các lỗi:
chia thiếu thành phần tức bỏ sót đối tượng, ví dụ, khái niệm sinh viên dựa trên cơ sở học lực, ta phân chia thành: sinh viên giỏi, sinh viên yếu, sinh viên trung bình. Phân chia như vậy là ta bỏ sót đối tượng, bởi vẫn còn những sinh viên khá, sinh viên xuất sắc, ngoại diên thu về của các khái niệm thu về nhỏ hơn ngoại diên khái niệm mang ra phân chia.
Phân chia thừa thành phần, nghĩa là có những thành phần không thuộc ngoại diên khái niệm, ví dụ khái niệm được mang ra phân chia là sinh viên ta thu về các khái niệm: sinh viên nam, sinh viên nữ, sinh viên khá. Ở đây, khái niệm sinh viên khá là thành phần thừa của khái niệm mang ra phân chia, bởi sinh viên nam và sinh viên nữ đã bao phủ toàn bộ ngoại diên của khái niệm sinh viên.
Phân chia vừa thiếu vừa thừa các thành phần khái niệm, ví dụ khái niệm sinh viên được mang ra phân chia thành: sinh viên giỏi, sinh viên khá, sinh viên yếu, sinh viên nam. Khi phân chia như vậy, nếu căn cứ trên học lực thì là thiếu thành phần, căn cứ trên giới tính là thiếu thành phần, và lại thừa thành phần vì sinh viên nam có cả sinh viên giỏi, sinh viên khá và sinh viên yếu. Do vậy, trong quá trình phân chia, logic hình thức yêu cầu tính cân đối về ngoại diên khái niệm là quy tắc tiên quyết.
Thứ hai, quá trình phân chia khái niệm phải dựa trên một cơ sở
phân chia. Trước khi đi vào phân chia khái niệm, chủ thể có nhiều cơ sở để lựa chọn, tùy vào mục đích của chủ thể để xác định cơ sở phân chia. Song, khi đi vào phân chia, thì phải nhất quán về cơ sở từ khi phân chia đến kết thúc, không được tự ý thay cơ sở phân chia trong suốt quá trình. Nếu vi phạm quy tắc này, có thể dẫn đến bỏ sót đối tượng, các khái niệm có những phần tử ngoại diên trùng nhau, dẫn đến mất cân đối trong quá trình phân chia. Ví dụ, khái niệm kiểm tra được mang ra phân chia, ta có thể thu được các khái niệm: kiểm tra 60 phút, kiểm tra 120 phút hoặc kiểm tra trắc nghiệm, kiểm tra tự luận, kiểm tra vấn đáp. Ở đây, khái niệm kiểm tra được phân chia theo hai cơ sở
khác nhau, cơ sở đầu tiên để phân chia khái niệm kiểm tra là dựa vào thời gian; cơ sở thứ hai là dựa vào hình thức để phân chia. Quy tắc yêu cầu, trong quá trình phân chia như vậy, việc lựa chọn cơ sở để phân chia phải nhất quán từ đầu đến kết thúc.
Thứ ba, các khái niệm thành phần sau khi phân chia phải có quan hệ ngang hàng cùng phụ thuộc. Nghĩa là ngoại diên của chúng không được có quan hệ hợp với nhau, nếu vi phạm quy tắc này quá trình phân chia sẽ mất cân đối. Ví dụ, phân chia khái niệm hình thái kinh tế xã hội, ta có: công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, chủ nghĩa tư bản và cộng sản chủ nghĩa. Ở đây, các khái niệm sau khi phân chia có quan hệ ngang hàng, cùng phụ thuộc vào khái niệm được phân chia là hình thái kinh tế xã hội. Hoặc phân chia khái niệm nhà nước thành: nhà nước phong kiến, nhà nước tư bản, nhà nước cộng hòa, đây là một sự phân chia không đúng, bởi khái niệm nhà nước cộng hòa nằm trong quan hệ hợp với nhà nước phong kiến và nhà nước tư bản, do vậy phần ngoại diên của các khái niệm là bị trùng nhau. Do vậy, trong quá trình phân chia khái niệm, quy tắc này phải được tuân thủ, tránh trường hợp sai lầm.
Thứ tư, quá trình phân chia khái niệm phải liên tục. Quy tắc này yêu cầu quá trình phân chia phải tuần tự, các khái niệm đi từ ngoại diên rộng đến những khái niệm có ngoại diên hẹp hơn, và như vậy cho kết thúc quá trình phân chia. Nếu quy tắc này vi phạm, sẽ dẫn đến nhảy vọt trong phân chia, quá trình không liên tục, bị gián đoạn làm mất khái niệm. Ví dụ, phân chia khái niệm “câu”.
Quá trình phân chia như vậy được gọi là phân chia liên tục, đi từ khái niệm giống đến khái niệm loài gần nhất, sau mới đến loài tiếp theo, quá trình phân chia như vậy, giúp cho khái niệm không bị nhảy vọt, không bỏ sót đối tượng.
8.4. Các hình thức phân chia khái niệm
Trong quá trình nhận thức, để tạo ra tính hệ thống trong nhận thức, sắp xếp, nhóm các khái niệm, người ta thực hiện phân chia khái niệm. Quá trình phân chia khái niệm bao gồm các hình thức cơ bản là:
phân đôi khái niệm và phân chia hay phân loại khái niệm.
Phân đôi khái niệm là hình thức đặc biệt trong phân chia khái niệm, ở đó khái niệm được phân chia bị chia đôi thành hai khái niệm có quan hệ mâu thuẫn với nhau, ở đó phần tử thuộc ngoại diên khái niệm này không thể nằm ở ngoại diên khái niệm kia. Ví dụ, khái niệm sinh viên, nếu phân đôi sẽ thành sinh viên nam và sinh viên nữ, hay khái niệm động vật khi bị phân đôi sẽ thành, động có xương sống và động vật không có xương sống. Ưu điểm của phân đôi khái niệm là thực hiện nhanh và chính xác, do vậy khi cần nhanh và chính xác thì người ta thường sử dụng hình thức này trong khoa học và đời sống, tuy nhiên, phân đôi khái niệm yêu cầu người thực hiện phân đôi khái niệm phải có sự hiểu biết đầy đủ về đối tượng, nếu không sẽ dẫn đến hiện tượng hai khái niệm bị phân đôi không mâu thuẫn, loại trừ nhau.
Khi thực hiện thao tác phân đôi khái niệm, phải đảm bảo các quy tắc trong phân chia khái niệm, đặc biệt là tính nhất quán về cơ sở phân chia, và tính cân đối giữa khái niệm được phân chia và khái niệm thu về sau khi phân chia.
Phân chia khái niệm theo giống và loài, đây là dạng phân chia phổ biến, quá trình phân chia khái niệm giống thành các khái niệm loài khác nhau. Phân loại khái niệm là thao tác logic phân chia từ khái niệm giống, thành các khái niệm loài khác nhau, và mỗi loài chiếm lĩnh một vị trí khác nhau trong tổng nội hàm, ngoại diên khái niệm giống. Trong phân loại khái niệm, việc lựa chọn cơ sở phân chia tùy thuộc vào mục đích của chủ thể muốn phân chia, đó có thể là các dấu hiệu, cơ sở bản chất, hoặc cái bề ngoài. Ví dụ, khái niệm con người được mang ra phân
chia, người ta có thể lựa chọn dấu hiệu cơ sở logic là màu da, thì thành các khái niệm da đen, da trắng, da vàng, da đỏ. Trong phân loại khái niệm, còn có phân nhóm đối tượng, đây là trường hợp các khái niệm có cùng nhau về dấu hiệu nội hàm thì được gộp thành một nhóm có vị trí xác định với các nhóm khác. Ví dụ, bảng tuần hoàn hóa học của Mendeleev là minh chứng đầy đủ nhất cho việc phân nhóm đối tượng, những nguyên tố có cùng hóa trị, cùng tính chất hóa học được xếp vào một nhóm. Việc thực hiện phân chia khái niệm theo phân nhóm có vai trò hệ thống hóa đối tượng, khi một đối tượng được xác định có những tính chất như nhau trong một nhóm thì ta sẽ đưa nó vào nhóm đó, đây là hình thức được áp dụng khá rộng rãi trong sinh học, hóa học, ngôn ngữ học.
Câu hỏi thảo luận và ôn tập
Câu 1. Trình bày nguồn gốc và bản chất của khái niệm? Phân biệt khái niệm và từ? Cho ví dụ minh họa?
Câu 2. Trình bày nội hàm và ngoại diên của khái niệm? Lấy ví dụ và phân tích nội hàm và ngoại diên của khái niệm?
Câu 3. Trình bày mối quan hệ giữa nội hàm và ngoại diên khái niệm theo logic hình thức? Lấy ví dụ phân tích về mối quan hệ trên?
Câu 4. Trình bày các hình thức phân loại khái niệm theo nội hàm và ngoại diên? Lấy ví dụ minh họa?
Câu 5. Trình bày mối quan hệ giữa các khái niệm theo nội hàm và ngoại diên? Lấy ví dụ minh họa phân tích?
Câu 6. Phân tích các quy tắc phân chia khái niệm? Lấy ví dụ trong khoa học cho thấy sự phân chia sai khi vi phạm các quy tắc?
Bài tập Câu 1. Cho các câu sau:
a, Trái đất là hành tinh.
b, Con người là động vật bậc cao.
c, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hỏi: trong mỗi câu trên phản ánh bao nhiêu khái niệm và chúng thuộc loại nào?
Câu 2. Hãy sắp xếp các khái niệm sau theo thứ tự ngoại diên thu hẹp dần: Con người, sinh viên, thanh niên, sinh viên trường Đại học Sư phạm.
Câu 3. Mô hình hóa quan hệ giữa các khái niệm sau bằng sơ đồ Venn:
a, Thanh niên, sinh viên, công dân.
b, Giáo viên, nhà khoa học, thanh niên.
c, Thanh niên, vận động viên, sinh viên.
Câu 4. Hãy mở rộng và thu hep 2 bậc các khái niệm sau: Sinh viên Đại học Đà Nẵng, thanh niên Việt Nam, đồng phục?
Câu 5. Các định nghĩa sau là đúng hay sai? Nếu sai chúng vi phạm quy tắc nào?
a, Mẹ là người phụ nữ đã có chồng.
b, Giáo viên không phải là học sinh.
c, Khái niệm là hình thức tồn tại cơ bản của tư duy.
Câu 6. Hãy phân chia các khái niệm: tư duy, chiến tranh, tình yêu theo ít nhất ba căn cứ khác nhau?
Câu 7. Hãy chỉ ra các lỗi logic trong phân chia các khái niệm dưới đây:
“Sinh viên” được phân chia thành: sinh viên nam, sinh viên giỏi, sinh viên khá, sinh viên trung bình.
“Con người” được phân chia thành: người da trắng, người da đen, người châu Á, người châu Âu.