Chương 2: THỰC TRẠNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH TIẾNG THÁI DÀNH
2.2 Phân tích những nội dung chính trong các chương trình truyền hình tiếng Thái
2.2.1 Nhóm nội dung thông tin về đời sống xã hội chiếm ưu thế
Qua khảo sát cho thấy nội dung thông tin thuộc lĩnh vực đời sống xã hội ở các đơn vị chiếm tỷ lệ cao hơn so với các lĩnh vực nội dung khác. Cụ thể ở Đài PT-TH Điện Biên thông tin về đời sống xã hội chiếm tỷ lệ cao nhất là 31,9%, tỷ lệ này ở Đài PT-TH Sơn La cũng cao nhất với 40,5%, ở kênh VTV5 là 33,9%.
Vấn đề đã được đề cập thuộc lĩnh vực đời sống xã hội thường rất rộng và gồm nhiều vấn đề như: giáo dục; y tế; chăm sóc sức khỏe cho người dân; vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường sống ở cộng đồng dân cư; phòng chống dịch bệnh; công tác xóa đói giảm nghèo; phòng chống các tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy; công tác giữ gìn an ninh trật tự; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; hoạt động đoàn thanh niên, phụ nữ, hội nông dân, hoạt động của thiếu nhi… Những thông tin xã hội thể hiện rất rõ quan điểm, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo chủ trương chính sách, định hướng phát triển văn hóa xã hội mang sắc thái địa phương. Thông tin xã hội gắn liền với đời sống của nhân dân do vậy nó chiếm tỷ lệ lớn cũng là điều dễ hiểu.
Theo số liệu khảo sát cho thấy Sơn La là đài có tỉ lệ thông tin đời sống xã hội cao nhất với 40,5% tổng lượng thông tin. Là đài địa phương với nhân sự hạn chế, nhưng Đài PT-TH Sơn La lại có hệ thống chương trình truyền hình tiếng Thái rất đa dạng, phong phú. Với bản tin thời sự cùng 7 loại chuyên đề khác nhau chương trình tiếng Thái của đài đã phủ rộng thông tin hàng ngày. Với cách làm chương trình như vậy, nếu khán giả người Thái nào không thông thạo tiếng phổ thông, thì qua các chương trình tiếng Thái của đài họ vẫn có thể cập nhật đầy thông tin hàng ngày ở tất cả các phương diện của cuộc sống trong địa bàn tỉnh.
Chương trình truyền hình tiếng Thái ở các đài phản ánh thông tin rất đa dạng ở mọi khía cạnh như: y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, tấm gương điển hình…
Cụ thể:
48 Thông tin giao thông
Thông tin về giao thông thường được đề cập thường xuyên trong các chương trình truyền hình tiếng Thái,do những người làm chương trình hiểu rõ được địa bàn và những khó khăn mà người dân gặp phải. Với đặc thù địa hình dốc, đồi núi, mặc dù đã được nhà nước đầu tư về giao thông nhưng đường xá đi lại ở các tỉnh vùng sâu vùng xa ở Tây Bắc còn gặp rất nhiều khó khăn. Chương trình đã có những tác phẩm phản ánh chân thực và rõ nét về những bất cập mà bà con gặp phải khi tham gia giao thông như: đường cua gấp, đường gập ghềnh nhiều sỏi đá, đường bị ngập, lún sạt lở khi gặp mưa bão… đồng thời, tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Ví dụ các phóng sự Giao thông Na Son sau lũ bị phá hỏng (tác phẩm phản ánh thực tế các đoạn đường di chuyển từ trung tâm thị trấn Na Son và các điểm bản ở Huyện Điện Biên Đông sau lũ đã bị sạt đất lấn hết đường, có nhiều đoạn nước lũ cùng đất bùn đã khiến đường sình lầy, giao thông di chuyển bị gián đoạn) phát sóng ngày 19/10/2015, và Xã Pá Mỳ giao thông còn khó khăn (tác phẩm phản ánh thực tế những khó khăn của giao thông trên địa bàn xã Pá Mỳ như đường sườn đồi nhỏ hẹp, nhiều đoạn cua gấp, vào những ngày mưa đất núi sạt ở khiến người dân khó khăn trong đi lại, những đoạn đường bê tông ở trung tâm đã bị nứt, lún trơ nhiều sỏi đá gây nguy hiểm cho người di chuyển) phát sóng ngày 26/10/2015 của Đài PT-TH Điện Biên đã giúp khán giả hình dung được sự khó khăn trong việc đi lại của bà con, nhờ các phóng sự này các cơ quan quản lý cũng sẽ quan tâm hơn tới giao thông nơi đây để giúp việc đi lại của nhân dân thêm thuận tiện.
Cùng đưa tin về lĩnh vực này, nhưng Đài PT-TH Sơn La không chỉ đưa thông tin một cách phản ánh những khó khăn chung chung như Đài PT-TH Điện Biên mà chương trình biết tập trung khai thác các thông tin có tính thời sự cao, phạm vi không bó hẹp trong địa bàn tỉnh, đồng thời còn góp phần tuyên truyền người dân nâng có ý thức khi tham gia giao thông. Ví dụ, chương trình truyền hình tiếng Thái của Đài PT-TH Sơn La có phát bản tin Đẩy mạnh đảm bảo an toàn giao thông khu vực Tây Bắc (tác phẩm thông tin về chiến lược và công tác thực hiện của các cấp
49
ban ngành cùng đồng bào nhân dân về vấn đề an toàn giao thông trên địa bàn Tây Bắc trong đó có tỉnh Sơn La) vào ngày 02/11/2015. Ngày 4/11/2015 chương trình lại có phóng sự ngắn Cần sớm khắc phục tình trạng không có nắp cống trên đường Lê Duẩn (phản ánh sự việc trên đường Lê Duẩn có một số nắp cống bị biến mất, gây bất tiện và nguy hiểm cho người đi đường, đặc biệt là di chuyển vào buổi tối, chương trình đã phản ảnh để cơ quan chức năng có nhiệm vụ khắc phục sớm hiện trạng này đồng thời cảnh báo người dân cẩn thận hơn khi di chuyển trên đoạn đường Lê Duẩn). Đề tài này rất bình dị trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân vì thế thông tin đảm bảo yếu tố thời sự, thiết thực và hấp dẫn với bà con.
Bên cạnh thông tin đề cập những khó khăn và tuyên truyền về an toàn giao thông, các đài cũng đã nêu lên những tấm gương sáng trong phương diện này, điển hình có thể nhắc đến phóng sự Nông dân tự nguyện hiến đất làm đường xây dựng Nông thôn mới phát sóng ngày 26/03/2016 trên Đài PT-TH Điện Biên. Tác phẩm thể hiện rõ nét sự đồng thuận cùng xây dựng xã hội của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời nêu cao tinh thần đoàn kết vượt khó, cùng nhau tạo dựng cuộc sống tốt đẹp của bà con.
Thông tin giáo dục
Với đặc thù trình độ dân trí còn thấp nên Nhà nước và chính quyền địa phương từ cao xuống thấp đều rất chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục cho đồng bào miền núi. Với chức năng thông tin tuyên truyền, chương trình truyền hình tiếng Thái của các đài cũng rất tích cực khai thác thông tin trên phương diện này nhằm cung cấp góc nhìn đa chiều cho các cấp lãnh đạo, quản lý và người dân về thực trạng giáo dục của tỉnh, trên phương diện đó hoàn thiện những thiếu sót và phát huy những thành tựu đã đạt được, đây cũng chính là kênh thông tin để các đơn vị giáo dục trên toàn tỉnh tiếp thu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Thông tin về lĩnh vực giáo dục được khai thác đa dạng các khía cạnh: kết quả của các chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương; mô hình giáo dục tiên tiến; tấm gương điển hình trong lĩnh vực giáo dục; đời sống của giáo viên và học sinh…
Thông tin môi trường
50
Với đặc thù diện tích núi rừng lớn nên thông tin trên phương diện môi trường của chương trình truyền hình tiếng Thái đề cập tới các nội dung thông tin tập trung vào tuyên truyền bảo vệ môi trường rừng; phòng chống cháy rừng; bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của người dân; giữ gìn môi trường sinh thái; đảm bảo cảnh quan trong môi trường sinh hoạt dân cư… Bên cạnh đó, chương trình cũng tập trung phản ánh những vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế, trong đời sống dân sinh từ đó giúp địa phương và cơ quan ban ngành nhận biết được vấn đề môi trường bất cập để khắc phục sớm.
Thông tin Y tế
Về vấn đề y tế, chương trình tiếng Thái của các đài tập trung đưa thông tin rất đa dạng như: chăm sóc sức khỏe con người; phòng chống dịch bệnh theo mùa, dịch bệnh nguy hiểm; tuyên truyền nêu gương các thông tin điểm sáng trong lĩnh vực này. Do địa bàn người Thái sinh sống là vùng sâu vùng xa còn hạn chế về trình độ dân trí và phức tạp về khí hậu địa hình nên nơi đây còn gặp nhất nhiều bất cập về vấn đề chăm sóc y tế cho bà con vì thế các chương trình này của đài cũng góp phần hiệu quả và tích cực vào việc củng cố nâng cao sự hiểu biết của đồng bào.
Về cách thức đưa thông tin trên mọi khía cạnh của lĩnh vực đời sống xã hội, các chương trình tiếng Thái không chỉ có những tin bài gần gũi với những vấn đề hàng ngày của bà con, mà còn có nhiều loạt tin bài theo chủ đề, cập nhật liên tục tạo được hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân. Có thể kể đến các ví dụ: phóng sự Tích cực phòng chống dịch cúm gia cầm H5N6 trên địa bàn xã Hua La (thông tin về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Hua La – nơi có số lượng gia cầm lớn, các biện pháp cách ly, tiêu hủy, tăng sức đề kháng cho đàn gia cầm được các nhân viên y tế hướng dẫn đầy đủ cho bà con) phát sóng ngày 28/11/2015; tin Thành phố Sơn La tiêu hủy 300 con gia cầm cúm H5N6 (thông tin về việc Sơn La đẩy mạnh công tác chống dịch H5N6, nhanh chóng tiêu hủy số lượng lớn gia cầm bị bệnh) phát sóng ngày 29/11/2015; phóng sự Sơn La nhanh chóng khống chế dịch cúm H5N6 trên đàn gia cầm (thông tin về kết quả phòng tránh và khống chế dịch H5N6 trên địa bàn Sơn La) phát sóng ngày 01/12/2015 trên chương trình tiếng Thái của Đài
51
PT-TH Sơn La. Như vậy trong khoảng thời gian rất gần chỉ 4 ngày, chương trình tiếng Thái của Đài PT-TH Sơn La đã có một chuỗi tin/bài cập nhật liên tục về tình trạng dịch cúm gia cầm trên địa bàn, bắt đầu bằng việc thông tin về công tác phòng chống khi dịch bệnh xảy ra, thông tin tiếp về tình trạng xử lý hậu quả dịch bệnh và kết thúc bằng thông tin về kết quả của chiến dịch chống dịch bệnh này. Như vậy có thể thấy, thông tin chương trình cung cấp luôn bám sát thực tiễn và đưa tin có trọng điểm, theo sát chuỗi sự kiện, sự việc. Việc đưa thông tin một thời sự và toàn diện như vậy được chương trình của Đài PT-TH Sơn La làm rất tốt, trong khi đó ở chương trình của kênh VTV5 và Đài PT-TH Điện Biên thì cách thức đưa tin này không thực sự là thế mạnh.
Đối với các tin, bài được tự sản xuất các chương trình rất chú trọng khai thác những thông dành riêng cho đồng bào, trong tất cả các tác phẩm tự sản xuất chương trình đều khai thác thông tin thực tế đời sống liên quan trực tiếp đến đồng bào dân tộc Thái. Nổi bật nhất có thể nhắc đến phóng sự Tìm lời giải bài toán mũ bảo hiểm dành cho phụ nữ Thái phát sóng ngày 1/11/2015 trên Đài PT-TH Sơn La. Nội dung phóng sự nêu lên bài toán về cách thức đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của phụ nữ Thái. Do tục búi tóc lên cao là nghi lễ bắt buộc của cô dâu Thái trước khi về nhà chồng, nên hầu hết những người phụ nữ Thái (Thái đen) đều có búi tóc cao và to vì thế khi đội mũ bảo hiểm rất khó khăn, thậm chí chỉ đội được nửa đầu, nếu đội mũ trùm đầu còn không thể đội được, mặt khác búi tóc lại không thể tháo ra tạm thời do được búi rất cầu kỳ. Vì thế, nhiều người dù tuân thủ luật giao thông nhưng vẫn phải cầm mũ trên tay vì không thể đội vừa, hoặc có đội nhưng mang tính chất hình thức không thực sự đảm bảo an toàn khi di chuyển. Hiểu biết được văn hóa của đồng bào Thái nên chương trình đã phát hiện ra đề tài rất thú vị này. Phóng sự vừa là dịp giới thiệu nét đẹp văn hóa của tục búi tóc, đồng thời nêu ra được khó khăn của người phụ nữ Thái khi đội mũ bảo hiểm. Phóng sự ngắn nhưng đề cập đúng vấn đề trăn trở của người dân nên rất được đồng bào quan tâm.
Trong khi chương trình truyền hình tiếng Thái của Đài PT-TH Điện Biên và Sơn La tập trung phản ánh thông tin đời sống xã hội ở địa phương mình thì chương trình
52
truyền hình tiếng Thái của kênh VTV5 lại có phạm vi thông tin rộng lớn hơn. Điều này dễ hiểu bởi kênh VTV5 là đài truyền hình quốc gia, bởi vậy việc chọn lọc thông tin không có sự giới hạn về địa lý và lĩnh vực thông tin (đời sống, lịch sử, giao thông, môi trường, du lịch, thế giới động vật.v.v.). Có thể nhận thấy điều đó ở ví dụ:
phóng sự Quốc đảo sư tử Singapore phát sóng ngày 25/11/2015 mang đến cho độc giả một bức trang toàn cảnh về Singapore, đất nước du lịch nổi tiếng về sự văn minh, hiện đại với thương hiệu quốc đảo sư tử. Tác phẩm này có thể được bắt gặp nhiều ở các kênh truyền hình tiếng phổ thông, nhưng xuất hiện trên một chương trình truyền hình tiếng Thái nó như mang tới một luồng không khí mới, một món ăn tinh thần lạ miệng và đặc biệt cho bà con. Bởi, không chỉ được tiếp cận thông tin của địa phương, đồng bào Thái còn được mở rộng thêm nhiều thông tin kiến thức mới trong và ngoài nước thông qua chương trình này của đài VTV5.