Thông tin văn hóa nổi bật với việc tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống

Một phần của tài liệu Chương trình truyền hình tiếng thái dành cho đồng bào thái ở tây bắc (Trang 59 - 64)

Chương 2: THỰC TRẠNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH TIẾNG THÁI DÀNH

2.2 Phân tích những nội dung chính trong các chương trình truyền hình tiếng Thái

2.2.3 Thông tin văn hóa nổi bật với việc tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống

Trong đời sống thông tin ngày nay, báo chí và văn hóa có mối quan hệ biện chứng khăng khít, trong đó báo chí là một bộ phận của văn hóa, báo chí góp phần sáng tạo và phổ biến văn hóa, lưu truyền văn hóa. Báo chí trở thành một bộ phận cấu thành văn hóa, đồng thời là phương tiện thực thi, quảng bá văn hóa. Văn hóa nhận rõ vai trò, tác động của báo chí, truyền thông và chủ động phối hợp với báo chí. Chính vì thế mà chương trình truyền hình tiếng Thái của các đài cũng tận dụng thế mạnh của mình để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá văn hóa cho đồng bào dân tộc Thái.

Thứ nhất, có thể nhận thấy thông tin văn hóa đa dạng và phong phú, tuy nhiên đa phần tập trung khai thác những giá trị văn hóa truyền thống, được thể hiện bằng cách khai thác thông tin về phong tục tập quán, văn hóa trang phục, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật trình diễn truyền thống, kiến trúc, nghề truyền thống, tết cổ truyền,

56

lễ hội dân gian.v.v. Đầu tiên khi xem chương trình, văn hóa Thái đã tiếp cận ngay người xem bằng trang phục và ngôn ngữ, bằng cách sử dụng trang phục dân tộc và ngôn ngữ Thái, người dẫn chương trình đã góp phần lớn vào việc quảng bá một nét nhận diện văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Trang phục và ngôn ngữ không chỉ là yếu tố để phân biệt dân tộc Thái, mà còn là đặc trưng văn hóa vô cùng quan trọng, đó chính là phương tiện giao tiếp, giao lưu, là kết quả của một quá trình hình thành phát triển dân tộc Thái từ thế hệ này qua thế hệ khác, đây cũng là yếu tố để bảo tồn, phát huy, phát triển vốn văn hóa truyền thống dân tộc, là phương tiện để hình thành và lưu truyền các hình thái quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Thái. Vì thế, mỗi khi chương trình phát sóng, người dẫn chương trình đã bắt đầu quá trình quảng bá văn hóa của dân tộc mình.

Trong nội dung chương trình, các giá trị văn hóa truyền thống được các đài làm nổi bật lên bằng việc thông tin về giá trị nghệ thuật, nét đẹp phong tục tập quán.

Một số khía cạnh đề tài văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái được các đài tập trung khai thác như: điệu hát giao duyên, hát đối đáp (phóng sự Hát đối đáp mừng xuân, nét văn hóa dân tộc Thái phát sóng ngày 11/02/2016 trên Đài PT-TH Sơn La); các chương trình văn nghệ (Phóng sự Sôi nổi ngày hội văn hóa dân tộc phát sóng ngày 30/03/2016 trên Đài PT-TH Sơn La); điệu múa nón dân vũ (phóng sự Về miền Vũ Nhạc Thanh Hua phát sóng ngày 7/11/2015 trên Đài PT-TH Điện Biên); lễ hội Hết Chá (phóng sự Lễ hội Hết Chá dân Tộc Thái xã Đông Sang, huyện Mộc Châu phát sóng ngày 29/03/2016 trên Đài PT-TH Sơn La); tục lệ cưới xin (phóng sự Nét nhân văn trong tục lệ cưới xin của người Thái Đen phát sóng ngày 14/03/2016 trên Đài PT-TH Điện Biên); lễ cúng cơm mới (phóng sự Lễ cúng cơm mới của đồng bào Thái Đen phát sóng ngày 31/10/2015 trên Đài PT-TH Điện Biên); kiến trúc nhà sàn của người Thái hiện nay (Phóng sự Sự thay đổi của nhà sàn người Thái hiện nay phát sóng ngày 28/10/2016 trên Đài PT-TH Điện Biên); nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái (phóng sự Bảo tồn và phát triển thổ cẩm Thái ở Chieng Chau phát sóng ngày 24/02/2016 trên kênh VTV5). Không chỉ thông tin nội dung chi tiết về các giá trị văn hóa này, cách thức thể hiện sinh động trong các phóng sự

57

cũng giúp việc truyền tải các giá trị văn hóa một cách hiệu quả. Cụ thể, hình ảnh đặc trưng của các lễ hội được đặc tả bằng hình ảnh đốt lửa trại, múa sạp; nam thanh nữ tú mặc trang phục của dân tộc mình say sưa hát múa các giai điệu truyền thống bằng tiếng của dân tộc Thái; hình ảnh môi trường sống của người Thái như nhà sàn, bàn thờ tổ tiên, bếp nấu của người Thái cũng được lên hình một cách tự nhiên sinh động; các tục lệ cưới xin, cúng cơm mới được hình ảnh diễn đạt từng bước từng bước rất hấp dẫn người xem. Như vậy có thể thấy, thông qua chương trình truyền hình tiếng Thái các giá trị văn hóa truyền thống về ăn, mặc, ở, nghề truyền thống, phong tục tập quán của người Thái đã được quảng bá một cách rất sinh động và toàn diện.

Không chỉ đơn thuần quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái, các chương trình còn tích cực tuyên truyền người dân xây dựng đời sống văn hóa mới, song song với việc nâng cao ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cuộc sống hiện đại ngày nay đã khiến nhiều bộ phận dân tộc Thái, đặc biệt các thế hệ trẻ dần mai một các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình như thay đổi kiến trúc nhà sàn cũ, sử dụng tiếng phổ thông nhiều hơn tiếng dân tộc, mặc trang phục và làm đầu tóc như người Kinh, không biết viết chữ của chính dân tộc mình.v.v. Chính vì những lý do này nên bản sắc văn hóa Thái đã càng ngày càng mai một, chương trình đã phản ánh những khía cạnh thông tin đó với mục đích giúp người Thái nhận biết được giá trị văn hóa to lớn của dân tộc mình, từ đó nâng cao tinh thần tự hào và ý thức giữ gìn truyền thống đó. Ngoài việc khuyến khích người dân bảo tồn giá trị văn hóa riêng của dân tộc mình thì chương trình cũng tuyên truyền những nét đẹp văn hóa mới thời hội nhập giúp đồng bào chắt lọc những giá trị tinh hoa vận dụng vào địa phương, để hòa mình cùng xây dựng nền văn hóa đa dạng của đất nước.

Những thông tin tuyên truyền về đời sống văn hóa mới được khai thác chủ yếu ở các khía cạnh: kêu gọi toàn dân thực hiện tốt các quy định về văn hóa của Đảng và Nhà nước; tích cực phát huy quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống cho mọi người trên toàn quốc và quốc tế; thực hiện tốt các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, thôn bản văn hóa ở địa phương. Ví dụ phóng sự Toàn dân đoàn kết xây

58

dựng văn hóa tại Mường Chà phát sóng ngày 18/11/2015 trên Đài PT-TH Điện Biên, phóng sự Sơn La tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể phát sóng ngày 07/03/2016 trên Đài PT-TH Sơn La.

Các chương trình cũng rất tích cực đưa các thông tin về sự kiện văn hóa diễn ra tại địa phương, những thông tin cập nhật này giúp người dân nắm bắt được thông tin và có thể tham gia vào các hoạt động đó. Thông thường các sự kiện văn hóa như: các lễ hội văn hóa truyền thống diễn ra trên địa bàn tỉnh; các chương trình ca múa nhạc; cuộc thi sắc đẹp; các cuộc thi nghệ thuật; ngày hội văn hóa các dân tộc.v.v. Mỗi đài tùy thuộc vào sự việc, sự kiện diễn ra ở địa phương mình sẽ có những thông tin khác nhau để khai thác. Tuy nhiên, khi cùng cùng một sự kiện thì các đài cũng vẫn có cách đưa tin khác nhau. Ví dụ với chủ đề Lễ hội Hoa Ban, chương trình tiếng Thái của kênh VTV5 chỉ đưa phóng sự Chuyện tình hoa ban phát sóng ngày 22/02/2016 giới thiệu về nguồn gốc và ý nghĩa của loài hoa này.

Chương trình tiếng Thái của Đài PT-TH Điện Biên với đặc thù 3 ngày mới có 1 số nên đưa tin tập trung, ít tính thời sự: tin Điện Biên chờ ngày khai hội Hoa Ban phát sóng ngày 09/03/2016; phóng sự Cội nguồn Hoa Ban phát sóng cùng ngày 09/03/2016; phóng sự Điện Biên mùa Hoa Ban nở phát sóng ngày 12/03/2016; đến ngày 16/03/2016 là khi lễ hội đã diễn ra chương trình phát sóng một loạt phóng sự:

Lễ hội Hoa Ban tại Điện; Giới thiệu văn hóa Hoa Ban; Cảm nhận của du khách khi đến với lễ hội Hoa Ban. Trong khi đó với lợi thế thời lượng chương trình lớn, cách đưa tin của Đài PT-TH Sơn La rất bài bản theo sát chuỗi sự kiện và có tính thời sự cao, cụ thể: tin Thành phố Sơn La sẵn sàng cho lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tông Mùa hoa ban phát sóng vào ngày 21/02/2016; hai ngày sau tức ngày 23/02/2016 đài tiếp tục phát phóng sự Hoa Ban - Nông lịch của người dân Tây Bắc thông tin chi tiết về nguồn gốc và vai trò của Hoa Ban với đồng bào dân tộc Thái; ngày 24/02/2016 chương trình phát tin Khai mạc lễ hội mùa Hoa Ban năm 2016 thông tin về lễ hội đã chính thức bắt đầu; trong 2 ngày 24-25/02/2016 đài tiếp tục phát phóng sự Sôi nổi các hoạt động tại lễ hội mùa hoa ban giúp người dân nắm được các hoạt động quảng bá, vui chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ diễn ra ở lễ hội; đến

59

ngày 26/02/2016 đài phát tiếp phóng sự Khép lại lễ hội mùa Hoa Ban với những đánh giá về thành công và những giá trị lớn lao mà lễ hội mang lại. Như vậy, Đài PT-TH Sơn La đã theo sát sự kiện từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, thông tin cụ thể về các hoạt động diễn ra tại sự kiện đồng thời cũng không quên giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa và giá trị mà lễ hội mang lại, cách làm chương trình như này rất đáng để học hỏi.

Ngoài đưa thông tin văn hóa về dân tộc Thái, các đài cũng tích cực khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc khác giúp đồng bào có cái nhìn nhiều chiều về bức tranh văn hóa đa dân tộc ở nước ta. Cụ thể, chương trình nhắc đến các sự kiện, nét đẹp văn hóa chung của đất nước; phong tục tập quán và nét đẹp văn hóa của các dân tộc láng giềng của đồng bào Thái tại địa phương như dân tộc H’Mông, Lào, Tày, Nùng… Đặc biệt, chương trình truyền hình tiếng Thái của kênh VTV5 còn khai thác nhiều giá trị văn hóa ở các tỉnh thành khác trên lãnh thổ Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia… để mang tới những thông tin mới lạ cho bà con người Thái. Ví dụ tác phẩm Người Toraja ở Indonesia được phát ngày 26/2/2016 trên kênh VTV5 giới thiệu về tộc người Toraja là nhóm cộng đồng bộ tộc bản địa, sinh sống chủ yếu ở vùng núi Nam Sulawesi, Indonesia. Tộc người này có nhiều văn hóa đọc đáo nhưng ấn tượng nhất là tục chôn xác người chết kèm chuyện xác chết biết đi, thông tin mới lạ này chắc chắn sẽ rất hấp dẫn với đồng bào dân tộc Thái.

Mặc dù thông tin văn hóa rất đa dạng, nhiều chiều nhưng có thể nhận thấy trong các chương trình truyền hình tiếng Thái, các chương trình văn hóa văn nghệ hiện đại mang tính giải trí cao chưa được đầu tư khai thác. Chương trình truyền hình tiếng Thái ở các đài đa phần là thông tin văn hóa, có một số rất ít phát trọn vẹn một tiết mục múa, hát, còn lại hoàn toàn vắng bóng các chương trình ca nhạc đặc sắc, các trò chơi truyền hình giải trí… Có thể lý giải do điều kiện ở các đài còn khó khăn nên chưa đầu tư nâng tầm được các chương trình giải trí như các kênh phổ thông, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh thông tin và ngập tràn các phương thức giải trí như

60

hiện nay, việc mất cân bằng quá lớn cũng sẽ là hạn chế cản trở sự hấp dẫn của đài đối với đồng bào Thái, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Một phần của tài liệu Chương trình truyền hình tiếng thái dành cho đồng bào thái ở tây bắc (Trang 59 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)