Chương I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NGHỆ THUẬT CA TRÙ VÀ GIÁO DỤC Ý THỨC GÌN GIỮ, PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT CA TRÙ
2.1. Vài nét về địa bàn và khách thể khảo sát
2.1.1. Vài nét về địa bàn nghiên cứu Vị trí địa lý:
Thủy Nguyên là huyện thuộc miền duyên hải Hải Phòng, nằm trong tọa độ 20º55’ vĩ độ bắc, 106º45’ kinh đông, có diện tích 242 km². Hiện nay huyện Thủy Nguyên có 37 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn: Minh Đức, Núi Đèo và 35 xã. Vùng đất nơi đây đã được hình thành từ rất lâu, xưa được gọi là Nam Triệu Giang, nằm trong vùng An Biên do nữ tướng Lê Chân cai quản, sau gọi là huyện Thủy Đường thuộc phủ Tân An Châu - Đông Triều. Đến triều vua Duy Tân thời Nguyễn (1908) đổi tên là huyện Thủy Nguyên thuộc tỉnh Kiến An, sau đó sát nhập vào Hải Phòng. Từ lịch sử xa xưa, Thủy Nguyên là nơi trung gian quá cảnh đi nhiều vùng miền khác nhau bằng cả đường bộ lẫn đường thủy. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây giáp với huyện Kinh Môn (Hải Dương), phía Nam giáp với quận Hải An và nội thành Hải Phòng, phía Đông nhìn ra cửa biển và cửa Nam Triệu. Chiều dài của huyện từ Bến Đụm (đập Phi Liệt) đến Bến Rừng (Tam Hưng) là 31 km, chiều rộng từ Bến Bính đến Cầu Đá Bạc dài khoảng 17 km.
Địa hình:
Thủy Nguyên là huyện ven biển ở vào vị trí chuyển tiếp của 2 vùng địa lí tự nhiên lớn là châu thổ sông Hồng và vùng đồi núi Đông Bắc. Địa hình Thủy Nguyên gồm các dạng:
* Địa hình có núi đá vôi xen kẽ: Dạng địa hình này nằm ở phía Bắc huyện gồm địa hình núi đá vôi, đồi núi đất chạy từ An Sơn qua xã Lại Xuân, Liên khê, Lưu Kiếm, Minh Tân, Gia Minh, Gia Đức và Minh Đức.
* Địa hình đồng bằng: Đồng bằng trung tâm huyện gồm các xã Kiền Bái, Mỹ Đồng, Thủy Sơn… có lượng phù sa lớn thích hợp cho việc trồng lúa, hoa màu và cây ăn quả, độ cao trung bình của bề mặt thường từ 0, 2- 0, 8m.
Điều kiện dân cư - kinh tế - xã hội:
Vùng đất Thủy Nguyên được hình thành từ rất sớm, dân cư sống tại vùng đất này đã xuất hiện từ rất xa xưa. Theo điều tra dân số của huyện Thủy Nguyên đến năm 2010 có khoảng trên 30 vạn người. Thủy Nguyên là một trong những huyện có mật độ dân số cao của Hải Phòng với tỉ lệ 1.171 người/km2.
Từ xưa tới nay khi nói tới con người Thủy Nguyên, người ta thường nói tới trai tài gái sắc, thông minh duyên dáng nổi tiếng khắp vùng. Sự phong phú, đa dạng của địa hình tạo cho con người Thủy Nguyên có khả năng phát triển về mọi mặt, có thể khắc phục những khó khăn trong cuộc sống cũng như nhanh chóng thích nghi được với môi trường sống hiện đại. Điều kiện đất đai, khí hậu đã giúp con người Thủy Nguyên không chỉ giỏi về làm nông nghiệp, nghề làm rừng, làm vườn, nghề chài lưới mà còn thông thạo các nghề thủ công, thương mại và máy móc công nghiệp. Nằm ở phía bắc của thành phố Hải Phòng, Thủy Nguyên được đánh giá là huyện có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng. Với diện tích 242, 7 km² lớn nhất so với các quận huyện khác của thành phố, với 37 đơn vị hành chính. Thủy Nguyên là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sông, đường biển. Trong phát triển kinh tế, Thủy Nguyên có tiềm năng lớn về phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, xi măng, khai thác chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện, phát triển đô thị hiện đại và dịch vụ thương mại, du lịch nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Làng Đông Môn:
Đông Môn - hiện tại có dân số 1.800 người, là một trong 5 làng (Đông Môn, Chiếm Phương, Lương Đường, Hà Luận, Hà Phú) của xã Hòa Bình, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Làng Đông Môn: phía Bắc giáp xã An Lư, phía Nam giáp xã Thuỷ Triều, phía Tây giáp làng chiếm Phương, phía Đông giáp 2 làng Hà Luận và Hà Phú xã Hòa Bình.
Nghề nghiệp chủ yếu của dân làng Đông Môn trước kia chủ yếu là trồng lúa nước, có xen trồng mầu, nay trong cơ chế thị trường ngoài hai nghề trên là chủ yếu, dân làng còn có nguồn thu nhập thêm từ thu gom phế liệu, buôn bán nhỏ, dịch vụ sản xuất chế biến lương thực và chăn nuôi với mức thu nhập bình quân đầu người 250.000 đ/ người/ tháng.
Người dân Đông Môn xã Hòa Bình, huyện Thuỷ Nguyên (trước là huyện Thuỷ Đường, phủ Kinh Môn, lộ Hải Dương), ngoài các sinh hoạt văn hóa, hội hè như các làng quê khác còn có loại hình sinh hoạt văn hóa ca trù tiêu biểu, khá phát triển với nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong Tam phủ Bát huyện. Có nhà thờ Tổ nghề dựng từ thời Hậu Lê thờ Đinh Dự hiệu Thanh Xà Đại Vương (có người gọi là Đinh Lễ, hiện chưa được kiểm chứng) cùng vợ là bà Bạch Hoa công chúa (là con gái ông Bạch Đình Xá, làm quan Châu phủ Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa).
2.1.2. Khách thể khảo sát của đề tài
Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả phỏng vấn 1 nghệ nhân ca trù làng Đông Môn và 1 người chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù về các vấn đề liên quan đến ca trù và gìn giữ thuật ca trù của địa phương.
Khảo sát ý kiến 120 người dân Làng Đông Môn bằng phiếu điều tra về những hiểu biết liên quan đến ca trù, thái độ và mức độ tham gia các hoạt động gìn giữ và phát triển nghệ thuật ca trù ở địa phương. Những người được phỏng vấn đều sinh ra và lớn lên ở làng Đông Môn, đa dạng ở các độ tuổi và trình độ phỏng vấn.