Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trên 118 BN có số lượng > 10000 NTTT/ 24 h, trong thời gian từ tháng 12/2014 đến tháng 8/2015, tại Viện Tim mạch Quốc Gia, Bệnh viện Bạch Mai, có thể coi đây là một trong những nghiên cứu có số lượng cỡ mẫu lớn về loại hình rối loạn nhịp này khi so sánh với một số tác giả trong và ngoài nước. Trong đó, có 96 BN (80,7%) có thể lâm sàng là NTTT đơn thuần và 22 BN (19,3%) là NTTT kèm theo cơn tim nhanh thất.
Bảng 4.1. Số lượng bệnh nhân trong một số nghiên cứu Tác giả Số lượng bệnh nhân Năm công bố
Topaloglu S [46] 33 2007
Del Carpio Munoz F[45] 70 2011
Ji-Eun Ban[48] 127 2012
Phan Đình Phong[49] 128 2015
Việc lựa chọn BN có số lượng NTTT trong 24 giờ được cho là số lượng nhiều chưa tiêu chuẩn rõ ràng. Trước đây theo phân loại của Lown thì số lượng NTTT > 10 nhịp/giờ được phân vào nhóm số lượng nhiều, tuy nhiên phân loại của Lown hiện nay khó áp dụng trên lâm sàng khi đánh giá về mức độ ảnh hưởng tới CNTT. Nghiên cứu của Kanei Y và cs [50] chia số lượng NTTT thành 3 nhóm (< 1000 nhịp/24 giờ, 1000 – 10000 nhịp/ 24 giờ và >
10000 nhịp/24 giờ) và xếp NTTT > 10000 nhịp/24 giờ là nhóm số lượng nhiều, Ji-Eun Ban [48] lựa chọn mốc vào nghiên cứu là > 10%/ngày, trong khi đó Sekiguchi [51] coi các BN có số lượng > 10000 nhịp/24 giờ là số lượng nhiều vào nghiên cứu. Sau khi tham khảo tiêu chí lựa chọn, mục tiêu và kết quả của các nghiên cứu trên, chúng tôi chọn các BN có số lượng NTTT ≥ 10000 nhịp/24 giờ vào nghiên cứu này để khảo sát tác động của chúng tới chức năng thất trái.
4.1.1. Tuổi
Tuổi trung bình của 118 BN trong nghiên cứu của chúng tôi là 42,9 ± 13,4, trong đó tuổi cao nhất là 73, thấp nhất là 18 tuổi. Phân bố tuổi theo dưới nhóm và giới, chúng tôi thấy nhóm tuổi từ 40 đến 59 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (53,1%) và không có sự khác biệt về phân bố tuổi giữa nam và nữ.
Tuổi trung bình trong nghiên cứu của Topaloglu S [46] là 40 ± 8 năm, của Del Carpio Munoz F [27] là 42 ± 17 năm, của Ji-Eun Ban [48] là 44 ± 13 năm, của Phan Đình Phong [48] là 50,8 ± 14,1 năm, của Nguyễn Hồng Hạnh [52] là 41 ± 14 năm của BN mắc NTTT khởi phát ở ĐRTP. Như vậy, tuổi trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi tương đương với nhóm đối tượng của Topaloglu, Del Carpio Munoz F, Ji-Eun Ban, Nguyễn Hồng Hạnh và thấp hơn của tác giả Phan Đình Phong.
Như vậy, phần lớn BN trong các nghiên cứu đều ở độ tuổi trung niên.
Nguyên nhân thực sự thì chưa rõ ràng, chúng tôi cho rằng khởi phát NTTT vô căn có liên quan đến lối sống căng thẳng stress, thói quen sinh hoạt: ngủ muộn, sử dụng các chất kích thích như ca phê, chè, rượu bia… và sự thay đổi hormone trong độ tuổi này.
4.1.2. Giới
Qua biểu đồ 3.1, có tới 80,7% số BN của chúng tôi là nữ giới và 19,3%
là nam giới. Như vậy số BN nữ gấp gần 4 lần số BN nam giới. Nghiên cứu của Del Carpio Munoz F [45] tỷ lệ nữ là 57%, của Ji-Eun Ban [48] tỷ lệ nữ là 65%, của Topaloglu S [46] trong nhóm ĐRTP là 70%, của Nguyễn Hồng Hạnh [52] là 73% trong nhóm NTTT khởi phát ĐRTP, của Phan Đình Phong [49] tỷ lệ nữ là 64%.
Nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ nữ giới lại tương đương với các tác giả Topaloglu S, Nguyễn Hồng Hạnh và Phan Đình Phong trong nhóm NTTT khởi phát ở ĐRTP, nhưng cao hơn nghiên cứu của các tác giả Del Carpio Munoz F, Ji-Eun Ban khi nghiên cứu chung các vị trí. Sự khác nhau này có
thể là do phần lớn BN mắc NTTT trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi khởi phát từ ĐRTP (89,9%).
Sự khác biệt về phân bố giới đã được giải thích qua một số nghiên cứu.
Sự thay đổi nồng độ Estrogen và các hormone sinh dục theo chu kỳ kinh nguyệt là yếu tố thuận lợi gây xuất hiện rối loạn nhịp thất [53]. Bên cạnh đó, rối loạn nhịp thất khởi phát từ ĐRTP thường do cơ chế phụ thuộc Catecholamine và tăng tính tự động liên quan tới AMP vòng và hay gặp hơn ở nữ giới. Về mặt sinh lý, nữ giới có mức độ phóng thích và nhạy cảm với Catecholamine cao hơn so với nam giới [54], [55].
4.1.3. Đặc điểm lâm sàng
Trong khi xuất hiện NTTT, tất cả các BN đều có biểu hiện một trong số các triệu chứng hồi hộp trống ngực, tức ngực, khó thở, choáng và ngất. Có hai BN ngất do xuất hiện cơn tim nhanh thất kèm theo. Kết quả này cũng tương tự như nhiều nghiên cứu trước đây của Kim RJ [55], Rungroj Krittayaphong [56], Phan Đình Phong [49], trong đó triệu chứng phổ biến nhất là hồi hộp đánh trống ngực (của chúng tôi là 96,6%, 82% của Kim RJ, 95,8% của Rungroj Krittayaphong và 88,3% của Phan Đình Phong), các triệu chứng khác như đau ngực, khó thở, choáng và ngất ít gặp hơn.
NTTT ít gây ngất hơn rất nhiều so với NNT. NTTT/NNT gây ra sự mất đồng bộ giữa nhĩ và thất [43], [44]. Do đó ít nhiều ảnh hưởng đến cung lượng tim. Ngất trong NTTT/NNT do nhiều yếu tố như tần số tim trong cơn nhịp nhanh, thời gian kéo dài của cơn nhịp nhanh, tuổi của BN, bệnh lý kèm theo và cả do sự kích thích của thần kinh vận mạch.
Thời gian mắc bệnh trung bình (từ khi xuất hiện triệu chứng) trong nghiên cứu của chúng tôi là 2,1 ± 1,7 năm. Thời gian này thấp hơn nhiều so với của các tác giả Krittayaphong [56] là 36,7 ± 44,3 tháng; của Kamakura S [57] là 36,7 ± 33 tháng; của Phan Đình Phong [49] là 3,7 ± 3,4 năm. Theo nhiều nghiên cứu [9], [40], [44], thời gian mắc bệnh càng dài, gánh nặng rối
loạn nhịp càng lớn thì triệu chứng cơ năng càng nặng và chức năng tim bị ảnh hưởng càng nhiều.
100% BN đã được điều trị ít nhất 1 thuốc chống loạn nhịp. Thuốc được lựa chọn phổ biến nhất là chẹn beta giao cảm, các thuốc chống loạn nhịp nhóm khác ít được sử dụng. Bên cạnh chỉ định của thấy thuốc, sự sẵn có của các thuốc ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sử dụng thuốc chống loạn nhịp ở các BN nghiên cứu.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi khảo sát được có 24 BN tiền sử mắc các bệnh nội khoa khác kèm theo, bao gồm: viêm dạ dày (12 ca), rối loạn Lipid máu (4 ca), đái tháo đường typ2 (2 ca), tai biến mạch máu não (2 ca), bướu giáp đơn thuần (1 ca), viêm khớp dạng thấp (1 ca), bụi phổi (1 ca), rối loạn tiến đình (1 ca). Tất cả BN trong nghiên cứu đều được làm xét nghiệm cơ bản nhằm khảo sát và điều chỉnh bất thường nếu có, trong đó xét nghiệm TSH/FT4 đặc biệt lưu ý để loại trừ bệnh chức năng tuyến giáp, đây là bệnh lý nội khoa có liên quan trực tiếp đến các rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rối loạn NTTT [58]. Các xét nghiệm máu khác được quan tâm nhiều hơn bao gồm nồng độ Glucose, Ure, Creatinin, ProBNP, TroponinT và bilan mỡ máu. Tất cả các xét nghiêm trên đều trong giới hạn bình thường, nồng độ Creatinin ở nam cao hơn ở nữ và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,001). Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trên BN mắc NTTT số lượng nhiều không có bệnh tim thực tổn, các bệnh lý nội khoa khác hiếm gặp và ít thay đổi ở các chỉ số xét nghiệm máu cơ bản.