BÀN LUẬN VỀ MỐI LIÊN QUAN GIỮA MỘT SỐ YẾU TỐ VỚI SỰ THAY ĐỔI CHỨC NĂNG THẤT TRÁI

Một phần của tài liệu Khảo sát chức năng thất trái bằng siêu âm doppler tim trên bệnh nhân ngoại tâm thu thất vô căn số lượng nhiều (Trang 90 - 94)

4.4.1. Tương quan giữa một số yếu tố với tình trạng suy chức năng thất trái Tình trạng suy chức năng thất trái được hiểu là tình trạng rối loạn chức năng tâm thu và/hoặc rối loạn chức năng tâm trương. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 11 (9,4%) BN bị suy chức năng thất trái. Khi so sánh tương quan hai biến về tình trạng có/ không có suy chức năng thất trái của một số đặc điểm, chúng tôi thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về thời gian và hình dạng QRS giữa hai nhóm này (p<0,05), cụ thể thời gian QRS ở nhóm suy chức năng thất trái dài hơn so với nhóm không suy chức năng thất trái.

Bên cạnh đó, khi phân tích hồi quy đa biến cho thấy thời gian QRS có tương quan với tình trạng rối loạn chức năng thất trái, với mỗi 1 ms tăng thêm của QRS sẽ tăng nguy cơ suy chức năng thất trái 7,4%. Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng thời gian phức bộ QRS ≥ 140 ms là yếu tố dự báo độc lập của việc giảm phân số tống máu thất trái (EF) [45], [46]. Thời gian QRS càng dài, càng phản ánh nguy cơ cao hơn tình trạng mất đồng bộ co bóp cơ tim và suy chức năng thất trái. Sự mất đồng bộ hai thất gây rối loạn vận động cơ học của thành tim, làm dày thành tim ở vùng khử cực muộn, thay đổi tưới máu cơ tim và thay đổi sinh tổng hợp Protein cơ tim [43], tăng tiêu thụ oxy [44], góp phần gây giảm chức năng và dãn thất trái, điều này cũng giống cơ chế ở BN tạo nhịp thất phải mạn tính. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thời gian QRS là yếu tố nguy cơ cho tình trạng rối loạn chức năng thất trái.

Nghiên cứu của Kanei và cs[50] số lượng NTTT > 20000 nhịp / 24 giờ có liên quan với rối loạn chức năng thất trái, của Munoz và cs [45]cho thấy số lượng NTTT nhóm suy CNTT cao hơn nhóm không suy CNTT, nghiên cứu của Topaloglu [46] cho thấy tổng số NTTT và tuổi cao hơn ở nhóm suy CNTTr, và là yếu tố dự báo độc lập cho suy CNTTr thất trái.

Trong nghiên cứu của chúng tôi không thấy sự tương quan giữa số lượng NTTT và tuổi với chức năng thất trái.

Khi khoảng ghép ngắn có thể gây giảm thể tích nhát bóp và rút ngắn thời gian đổ đầy thất trái, mặc dù không gây mất đồng bộ co bóp. Nghiên cứu của chúng tôi không thấy mối liên quan giữa khoảng ghép với tình trạng suy chức năng thất trái. Tuy nhiên, Sun và cs [74]báo cáo 40 trường hợp bệnh nhi mắc NTTT không có bệnh tim thực tổn thì có EF trung bình thấp hơn với khoảng ghép ≤ 600ms.

4.4.2. Tương quan giữa một số yếu tố với khả năng dãn thất trái

Đường kính thất trái cuối tâm trương (Dd) được tiến hành đo bằng siêu âm TM và 2D, sau đó dựa vào công thức của Teichholz chúng tôi tính ra chỉ số thể tích thất trái cuối tâm trương (LVEDVI). So với Dd thì LVEDVI là giá

trị đại diện tin cậy hơn khi đánh giá tình trạng dãn buồng thất trái. Bảng 3.16 cho thấy, LVEDVI có tỉ lệ thay đổi bất thường nhiều hơn cả so với các thông số chức năng tim cùng khảo sát, vì vậy nghiên cứu này chúng tôi cố gắng tìm hiểu đâu là yếu tố có liên quan thúc đẩy tình trạng dãn thất trái ở BN NTTT số lượng nhiều.

So sánh các yếu tố tuổi, giới, thời gian mắc bệnh, chiều dài chu kì cơ bản, khoảng ghép, thời gian QRS, số lượng NTTT, gánh nặng NTTT, và sóng P’ dẫn ngược ở hai nhóm có dãn thất trái và không dãn thất trái. Chúng tôi thấy chỉ có thời gian QRS và hiện tượng có sóng P’ dẫn ngược có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở hai nhóm này. Cụ thể, ở nhóm có dãn thất trái thì có phức bộ QRS rộng hơn và đa số BN có dẫn truyền ngược thất nhĩ gặp tình trạng dãn thất trái nhiều hơn.

Phân tích hồi quy đa biến cho thấy có sự tương quan số lượng NTTT, khoảng ghép, thời gian QRS và sóng P’ dẫn ngược với tình trạng dãn thất trái (p<0,05). Khi số lượng NTTT tăng, thời gian QRS tăng và có sóng P’ dẫn ngược thì tăng nguy cơ dãn thất trái. Ngược lại khi khoảng ghép giảm thì tăng nguy cơ dãn thất trái.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, khi số lượng NTTT tăng thêm 1 nhịp NTT, thì nguy cơ dãn thất trái tăng 0,0045% (OR=1,000045; 95%CI 1,000003-1,000086;p=0,34). Theo các nghiên cứu của Bogun F[44], Takemoto M [9], thì số lượng NTTT có liên quan đến đến tăng đường kính thất trái cuối tâm trương. Nghiên cứu của Munoz và cs lại cho thấy tình trạng dãn thất trái liên quan có ý nghĩa với gánh nặng NTTT hơn là số lượng NTTT / 24 giờ. Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu của Munoz [45]và Sekiguchi Y[8]

đã chứng minh có sự cải thiện đường kính thất trái cuối tâm trương sau triệt đốt NTTT ở nhưng bệnh nhân có chức năng thất trái bình thường.

Bảng 3.21 cho thấy, khi thời gian QRS tăng 1 ms thì nguy cơ dãn thất trái tăng 4,03% (OR=1,0403; 95%CI 1,01- 1,07; p=0,13). Trong khi đó, sự tồn tại dẫn truyền ngược nhĩ thất làm tăng nguy cơ dãn thất trái lên tới 6,071

lần(OR= 6,071; 95%CI 1,79 -19,2;p=0,002). So với nhiều nghiên cứu [9], [44], [45], [48], [50], các tác giả chủ yếu đề cập vai trò của các yếu tố trên với sự thay đổi phân số tống máu (EF), và coi tình trạng dãn thất trái như là một thay đổi song hành với sự giảm thông số EF trong tình trạng suy chức năng tâm thu nói chung. Trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ gặp 01 BN có EF <

50%, còn lại số BN dãn thất trái gặp nhiều hơn (41 BN). Phức bộ QRS càng rộng và tồn tại dẫn truyền ngược thất nhĩ phản ánh sự vận động mất đồng bộ giữa các vùng tâm thất và giữa tâm thất và tâm nhĩ. Đây là một trong cơ chế được đề cập đến nhiều nhất trong vai trò của NTTT với tình trạng dãn thất trái.

Thời gian khoảng ghép được coi như yếu tố bảo vệ trong phân tích hồi quy đa biến của chúng tôi (OR=0,9926; 95%CI 0,986-0,999; p=0,39). Khi thời gian khoảng ghép càng dài gần với thời gian của chu kỳ cơ sở, thì thời kỳ tâm trương vẫn được đảm bảo nên ít ảnh hưởng đến huyết động. Khoảng ghép ngắn có thể gây giảm thể tích nhát bóp và rút ngắn thời gian đổ đầy thất trái, mặc dù không gây mất đồng bộ co bóp. Nghiên cứu này cho thấy, cứ mỗi khoảng ghép tăng thêm 1 ms, thì nguy cơ dãn thất trái giảm 0,74%.

Mặc dù không ghi nhận mối liên quan thời gian mắc bệnh với tình trạng dãn thất trái trong nghiên cứu chúng tôi. Nhưng nhiều nghiên cứu [9], [40], [44], cho rằng thời gian mắc bệnh càng dài, gánh nặng rối loạn nhịp càng lớn thì triệu chứng cơ năng càng nặng và chức năng tim bị ảnh hưởng càng nhiều. Niwano [41] và cs theo dõi BN NTTT số lượng nhiều trong 4 năm cho thấy có có tương quan đồng biến giữa số lượng NTTT/ 24 giờ với sự thay đổi đường kính thất trái cuối tâm trương (Dd).

Tổng số NTTT/24 giờ, khoảng ghép, thời gian QRS và tồn tại dẫn truyền ngược thất nhĩ trong NTTT là yếu tố nguy cơ cho tình trạng dãn thất trái.

Một phần của tài liệu Khảo sát chức năng thất trái bằng siêu âm doppler tim trên bệnh nhân ngoại tâm thu thất vô căn số lượng nhiều (Trang 90 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)