Tình hình nghiên cứu ngô tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của một số tổ hợp ngô lai mới tại thái nguyên (Trang 29 - 36)

1.4. Tình hình nghiên cứu ngô trên thế giới và trong nước

1.4.2. Tình hình nghiên cứu ngô tại Việt Nam

Ở Việt Nam ngô là cây trồng nhập nội nên nguồn gen hạn hẹp, công tác nghiên cứu về ngô của nước ta cũng chậm hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới. Giai đoạn 1955 - 1970 các nhà khoa học đã điều tra về thành phần loài và giống ngô địa phương. Các chuyên gia Việt Nam đã nỗ lực thu thập nguồn vật liệu khởi đầu trong nước với một thời gian dài, đồng thời hợp tác với Trung tâm cải tạo ngô và lúa mì Quốc tế (CIMMYT) trong việc thu thập, đánh giá, phân loại nguồn vật liệu cũng như đào tạo án bộ chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu ngô, đặt nền tảng cho mọi hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ sản xuất ngô ở Việt Nam.

Việc Nghiên cứu ngô ở Việt Nam đã từng bước được đẩy mạnh từ những năm đầu của thập kỷ 80. Trong thời gian đó, các nhà khoa học nước ta đã tiến hành thử nghiệm, chọn tạo giống ngô lai, tuy nhiên do quỹ gen còn hạn chế và các giống ngô lai có nguồn gốc ở vùng ôn đới không thích hợp trong điều kiện nhiệt đới ẩm, ngắn ngày ở Việt Nam nên thử nghiệm không đạt được kết quả như mong muốn. Từ bài học này, các nhà khoa học đã đưa ra những định hướng tích cực hơn là tăng cường thu nhập và sưu tầm các nguồn vật liệu nhiệt đới. Thập kỷ 90 công tác chọn tạo giống ngô lai được các nhà khoa học coi là nhiệm vụ chiến lược chủ yếu. Cuộc cách mạng về ngô lai được nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, nó đã làm thay đổi tận gốc rễ những tập quán canh tác lạc hậu. Góp phần đưa nghề trồng ngô nước ta đứng vào hàng ngũ những nước tiên tiến Châu Á. Chỉ tính trong vòng 10 năm từ vụ gieo trồng 1990 đến vụ gieo trồng 2000 tỷ lệ trồng ngô lai từ 0% lên 60% nâng cao sản lượng ngô từ 700 nghìn tấn lên 1,8 triệu tấn. Đó là kết quả của sự định hướng đúng đắn, sự chỉ đạo sát sao và kiên quyết của lãnh đạo Bộ

Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, là kết quả của những chính sách có tính chất đòn bẩy của nhà nước và địa phương, của sự phát huy tối đa về lực lượng, đi tắt đón đầu kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của Viện Nghiên cứu ngô Trung ương và một số Viện nghiên cứu khác phối hợp với cục Khuyến nông và các công ty giống... Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là kết quả của sự lao động vô cùng sáng tạo của hàng triệu nông dân và được sự cổ vũ mạnh mẽ của hệ thống thông tin đại chúng.

Bắt đầu từ những năm 1993 nước ta mới bắt đầu đưa giống ngô lai vào sản xuất đại trà đến nay đã đạt được những bước phát triển lớn, sự phát triển ngô lai ở nước ta đã được Trung tâm cải tạo ngô và lúa mỳ quốc tế (CIMMYT) và Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) cũng như các nước trong khu vực đánh giá cao. Trong vòng 7 - 8 năm chúng ta đã đuổi kịp các nước trong khu vực về trình độ nghiên cứu tạo giống ngô lai và đang ở giai đoạn đầu đi vào công nghệ cao, đặc biệt là ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học của thế giới vào nghiên cứu chọn tạo giống (Ngô Hữu Tình và cs., 1997) [11].

Trong hơn 20 năm qua công tác chọn tạo giống ngô ở Việt Nam đã đạt được những vấn đề sau:

Thu thập, bảo tồn giống ngô địa phương.

Thu thập, nghiên cứu các giống ngô nhập nội.

Nghiên cứu phục tráng các giống ngô địa phương.

Nghiên cứu chọn tạo các giống ngô thụ phấn tự do.

Nghiên cứu chọn tạo các giống ngô lai.

Ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học trong chọn tạo giống ngô.

- Kết quả đạt được:

Điều tra thu thập, bảo tồn và phân loại 585 nguồn nguyên liệu ngô.

Chọn tạo và đưa ra sản xuất hàng loạt các giống ngô thụ phấn tự do, đặc biệt trong giai đoạn 1985- 1995: giống MSB49, TSB2, HLS công nhận

năm 1987; TSB1 công nhận giống năm 1990; Q2(1991), CV1, TSB3 (1996), nếp VN2 (1998),...

Chọn tạo và được công nhận nhiều giống ngô lai có thời gian sinh trưởng khác nhau: giống LVN98, HQ2000 công nhận năm 2000; LVN10 công nhận năm 1994; LVN4, LVN17 (1999); giống LVN25 (2000); giống VN 8960, LCH9, LVN99, V981 (2004);...

Trong giai đoạn từ 1996 đến 2002 các nhà nghiên cứu và chọn tạo ngô đã tiến hành nghiên cứu chọn tạo ra hàng loạt giống ngô mới và đã đưa ra khảo nghiệm ở các vùng sinh thái khác nhau, kết quả cụ thể là: Trong giai đoạn 1996 - 2002 phòng nghiên cứu ngô thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam đã nghiên cứu và lai tạo ra giống ngô lai đơn V98 - 1. Đây là giống ngô lai đơn ngắn ngày có tiềm năng năng suất cao chống chịu đổ ngã, nhiễm khô vằn nhẹ (ở mức độ điểm 1 - 2), trồng được nhiều vụ trong năm, thích hợp với điều kiện sinh thái ở Miền Nam Việt Nam và đã được đưa ra sản xuất trên diện tích hơn 1.000 ha (Ngô Hữu Tình, 2009) [10].

Trong năm 2002, Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương đã tiến hành khảo nghiệm 43 giống ngô mới nguồn gốc lai tạo trong nước và một số giống nhập nội ở phía Bắc kết quả là các giống ngô đã khảo nghiệm 2 - 3 vụ có triển vọng đề nghị mở rộng diện tích sản xuất thử để khu vực hoá và công nhận chính thức là: Nhóm chín sớm gồm có LVN9, LVN99, NK4300;

nhóm chín trung bình bao gồm các giống T9, CPA963, TX2001; nhóm chín muộn LVN98, LCH9. Còn các giống LVN35, NMH2002, C5252, TC47HB, NK52 cần được khảo nghiệm cơ bản kết hợp với khảo nghiệm sản xuất. Cũng trong năm này tại Trại khảo nghiệm giống cây trồng Miền Trung đã khảo nghiệm một số giống ngô lai mới có năng suất cao, ổn định thời gian chín trung bình và chống đổ tốt có nhiều đặc tính nông sinh học quý, có triển vọng cho sản xuất bao gồm: B9999, LVN98, LVN9, VN9860, MT26, CP 989,

trong đó các giống B9999, LVN98, VN9860, MT26, CP989 cần được khảo nghiệm sản xuất tại các tỉnh trong vùng (Trần Văn Mạnh, Lê Thị Cúc, Lê Quý Tường và CTV 2003).

Còn tại phòng khảo nghiệm giống cây trồng quốc gia phía Nam đã tiến hành khảo nghiệm 15 giống ngô lai có triển vọng nhất của các công ty trong và ngoài nước tại vùng Đông Nam Bộ và Cao nguyên Nam Trung Bộ đã xác định được một số giống ngô có triển vọng như: C5252, NK46, NT5449, NT6271, A8864, VN8960, DK171, H13V00 (kết quả khảo nghiệm và kiểm nghiệm giống cây trồng năm 2003). Bên cạnh công tác khảo nghiệm các giống ngô mới thì công tác lai tạo các giống ngô thích hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau với nhiều đặc tính nông học quý được các nhà nghiên cứu rất quan tâm. Trong giai đoạn 1995 - 2002, nhóm nghiên cứu ngô thuộc Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương đã lai tạo giống ngô lai đơn T9 và giống ngô lai ba T7 triển vọng cho sản xuất tại các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ, trong đó giống T9 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống khu vực hoá tại Miền Trung tháng 9/2002.

Thông qua dự án “Phát triển giống ngô chịu hạn nhằm cải thiện thu nhập cho nông dân vùng Đông Nam Châu Á” (AMNET), chúng ta đã thu thập được một số nguồn nguyên liệu mới từ CIMMYT và các nước trong khu vực phục vụ cho công tác chọn tạo giống ngô lai và một loạt giống lai có thời gian sinh trưởng khác nhau được chọn tạo bằng phương pháp truyền thống và công nghệ sinh học đã được áp dụng vào sản xuất ở tất cả các vùng sinh thái trong cả nước. Nhờ nguồn nguyên liệu tạo dòng khá phong phú và được thử nghiệm trong nhiều điều kiện sinh thái mùa vụ khác nhau nên các giống ngô lai mới tạo ra đã tỏ ra có nhiều ưu thế hơn như: chịu hạn, chống đổ, ít nhiễm sâu bệnh, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Điển hình là các giống LVN98, LVN145 có tỷ lệ 2 bắp trên cây cao, màu hạt đẹp, thời gian sinh trưởng ngắn, một số

giống có năng suất cao, chịu hạn tốt, chống chịu sâu bệnh khá, thích nghi với nhiều vùng sinh thái khác nhau như VN8960, LCH9, LVN14, LVN99, LVN61, LVN66, LVN146 (công nhận tạm thời), LVN154,…

Cùng với phương pháp chọn tạo giống truyền thống thì việc ứng dụng công nghệ sinh học để tạo các giống có khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận đã đạt được kết quả, trong đó đáng chú ý nhất là cây ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân, kháng vius, chịu thuốc trừ cỏ. Tháng 3/2008, Chính phủ đã ban hành quyết định cho phép trồng thử nghiệm cây trồng chuyển gen tại nước ta. Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tuy chỉ mới bắt đầu 10 năm trở lại đây nhưng đã thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Viện Nghiên cứu ngô đang ngày càng hoàn thiện kỹ thuật nuôi cấy bao phấn và cho ra đời hơn 10 dòng đơn bội kép, được đánh giá rất có triển vọng trong công tác tạo giống lai (Bùi Mạnh Cường, 2004) [3], (Lê Huy Hàm và cs., 2005) [5]

đã tiến hành phân tích đa dạng di truyền tập đoàn dòng bằng kỹ thuật SSR.

Ngô Thị Minh Tâm, 2004 [9] đã phối hợp chỉ thị phân tử đánh giá đặc điểm năng suất của một số tổ hợp ngô lai... Tạo dòng thuần từ nuôi cấy bao phấn, dùng chỉ thị phân tử từ phân tích đa dạng di truyền, phân nhóm ưu thế lai, lập bản đồ gen chịu hạn, tạo dòng kháng khô vằn, chọn các dòng ưu tú dùng trong chọn tạo giống ngô lai có hàm lượng protein cao (PQM) thông qua kỹ thuật nuôi cấy bao phấn như C126, C130, C136, C138, C147, C155... Trong tương lai gần, các kỹ thuật mới này sẽ ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong việc kết hợp với phương pháp chọn tạo giống truyền thống để tạo ra những giống ngô lai tốt (Bùi Mạnh Cường, 2007) [4].

Như vậy, việc kết hợp giữa phương pháp chọn tạo giống truyền thống và công nghệ sinh học bước đầu đã thu được một số kết quả có ý nghĩa và đây là một trong những điều kiện góp phần đưa năng suất ngô nước ta lên trung bình 5,5 đến 6,0 tấn/ha năm 2020.

Giai đoạn 2011 - 2013 đã có 14 giống ngô được công nhận, trong đó có 4 giống được công nhận chính thức là LVN146, LVN66, LVN092 SB099; 10 giống được công nhận sản xuất thử là LVN154, LVN111, LVN81, LVN102, LVN152, LVN62, VS36, Nếp lai số 5, Nếp lai số 9 và Đường lai 20. Đặc điểm chung các giống mới được tạo ra trong giai đoạn này là thích ứng rộng (cả trong và ngoài nước: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia), chống chịu tốt hơn với hạn, sâu bệnh, đổ gãy, thời gian sinh trưởng ngắn hoặc trung bình, tiềm năng năng suất cao, trong thí nghiệm có thể đạt tới 120 - 130 tạ/ha, chất lượng hạt tốt. Đã có các giống ngô nếp, ngô đường lai đơn có thể cạnh tranh được với các giống nước ngoài về năng suất, chất lượng và giá giống. Các giống ngô mới đang được Viện, các Trung tâm trực thuộc, một số công ty hạt giống trong nước thử nghiệm rộng và chuyển giao đến người sản xuất trong cả nước (Mai Xuân Triệu và cs., 2013) [14].

Nghiên cứu chọn tạo giống ngô cho vùng khó khăn giai đoạn 2011 - 2013 đã xác định được một số tổ hợp ngô lai có triển vọng như VS36, CN11- 2, CN11-3, SB09-9, VS71, D08-5, H11-9, CN12-1,VS101, VS104, VS106, H08-7, VS90, VS686, VS89, VS8N, VS80, H13-2, H282. Các giống tham gia khảo nghiệm là VS36, H119, VS71 và CN112 chịu hạn tốt, thích nghi rộng, năng suất khá, ổn định. Giống ngô lai VS36 đã được công nhận cho phép sản xuất thử trong năm 2012 và đã được chuyển nhượng bản quyền sử dụng cho công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình. Giống ngô H119 đã được chuyển quyền phân phối hạt giống cho Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang (Lương Văn Vàng và cs., 2013) [15]

Không chỉ chú trọng công tác chọn tạo giống mới mà các nhà khoa học còn quan tâm nghiên cứu cải thiện các biện pháp kỹ thuật canh tác cho phù hợp với yêu cầu của giống để tăng hiệu quả của quá trình sản xuất. Trong vòng 20 năm qua các nhà khoa học đã nghiên cứu hoàn thiện và chuyển giao

quy trình kỹ thuật trồng ngô trên đất ướt, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất hạt giống ngô lai trên quy mô lớn, phạm vi toàn quốc.

Để tiếp cận với nền khoa học hiện đại, các nhà khoa học Việt Nam còn hợp tác hiệu quả với các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp trong và ngoài nước như Trung tâm cải tạo ngô và lúa mì Quốc tế (CIMMYT), mạng lưới khảo nghiệm ngô vùng Châu Á (TAMNET), mạng lưới công nghệ sinh học cây ngô Châu Á (AMBIONET), tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), các chương trình ngô trong vùng, các viện, trường đại học và các cơ quan quản lý nông nghiệp trên phạm vi cả nước.

Những thành tựu mà công tác nghiên cứu chọn tạo giống ngô Việt Nam đạt được đã góp phần làm thay đổi những tập quán canh tác lạc hậu và đưa nghề trồng ngô nước ta vươn lên hàng đầu trong hàng ngũ các nước tiên tiến trong khu vực.

Tóm lại: Các thông tin về tình hình sản xuất và nghiên cứu ngô cho thấy cây ngô có vai trò quan trọng góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, tăng nguồn thu nhập cho người dân. Là cây trồng ngắn ngày được sử dụng nhiều trên đất luân canh, có khả năng thích ứng rộng, có tiềm năng cho năng suất cao, nhất là các giống ngô lai. Tuy nhiên năng suất ngô của Việt Nam còn thấp so với năng suất trung bình của thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa chọn được giống tốt phù hợp với từng vùng sinh thái, đồng thời áp dụng đồng bộ các kỹ thuật tiến bộ để phát huy tối đa tiềm năng của giống.

Vì vậy, việc đánh giá thực trạng sản xuất ngô, gắn với điều kiện ngoại cảnh của địa phương để chọn giống ngô lai thích hợp đưa vào cơ cấu giống, cơ cấu luân canh là rất cần thiết.

Chương 2

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của một số tổ hợp ngô lai mới tại thái nguyên (Trang 29 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)