Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Một số đặc điểm nông sinh học của các tổ hợp ngô lai thí nghiệm vụ Xuân Hè và Thu Đông năm 2014 tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu
3.1.4. Mức độ nhiễm sâu bệnh hại chính và chống đổ của các tổ hợp ngô lai thí nghiệm
Khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi và chống chịu sâu bệnh là một chỉ tiêu quan trọng không thể thiếu được trong công tác chọn tạo giống ngô, nó biểu hiện sự thích nghi của giống với điều kiện môi trường, điều kiện sinh thái của vùng. Khả năng chống chịu được môi trường bất lợi có thể được di truyền lại. Do vậy, đặc tính chống chịu của cây là một chỉ tiêu quan trọng trong việc chọn tạo các giống mới.
Ngô là một loại cây trồng bị nhiều loại sâu bệnh gây hại, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như nước ta. Trong mỗi giai đoạn của quá trình sinh trưởng và phát triển của cây ngô đều xuất hiện các loại sâu bệnh khác nhau. Thời kỳ cây con từ lúc mới mọc đến 5 - 6 lá, sâu xám gây hại rất mạnh, sâu xanh và sâu đục thân gây hại mạnh ở giai đoạn cây con đến trước khi trỗ cờ, sâu gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, gây hại đến bộ lá, làm tăng tỷ lệ đổ, gẫy ... Bệnh hại ngô có nhiều loại nhưng chủ yếu là bệnh khô vằn và đốm lá, mức độ gây hại tuỳ thuộc vào từng năm, từng thời vụ khác nhau và tuỳ điều kiện thâm canh. Ngoài ảnh hưởng do sâu bệnh hại, cây ngô còn phải chịu một số tác động khác như gió to, lũ quét ... vì vậy chọn tạo giống có năng suất cao nhưng cũng phải có khả năng chống đổ tốt thì mới đem lại hiệu quả cao.
3.1.4.1. Mức độ nhiễm sâu bệnh hại của các tổ hợp ngô lai trong thí nghiệm Sâu và bệnh là yếu tố làm ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất nông sản. Sâu bệnh làm giảm sinh khối và giảm năng suất như: làm chết cây dẫn đến giảm mật độ trồng, làm cây còi cọc mất chất dinh dưỡng, làm rễ bị tổn thương… Thiệt hại do sâu bệnh gây nên rất lớn. Cây trồng có thể được bảo vệ chống lại sâu bệnh và sâu hại bằng các biện pháp canh tác, phòng trừ sinh học, sử dụng thuốc hóa học.
Năm 2014, các tổ hợp ngô thí nghiệm bị chủ yếu sâu đục thân, sâu đục bắp, sâu cắn râu và bệnh khô vằn. Kết quả theo dõi tình hình sâu bệnh hại được trình bày ở bảng 3.5
Bảng 3.5. Mức độ nhiễm sâu bệnh của các tổ hợp ngô lai thí nghiệm Vụ Xuân Hè và Thu Đông năm 2014
THL/ Giống
Sâu đục thân (điểm)
Sâu đục bắp (điểm)
Sâu cắn râu (% bắp bị
hại)
Bệnh khô vằn (% cây bị
hại)
XH TĐ XH TĐ XH TĐ XH TĐ
VS1003 1 1 1 1 100 36,7 0 0
TB391 1 2 1 1 100 80,8 0 0
LVN255 1 1 2 1 100 22,5 4,2 0
TB433 1 1 1 1 100 39,2 0 0
TB149 1 2 2 1 100 57,5 0 0
TB432 1 2 1 2 100 53,3 0 0
ĐH14-1 1 2 1 2 100 80,0 1,7 0
NK4300 (đ/c) 1 2 1 1 100 40,0 0 0
* Sâu đục thân ngô
Sâu đục thân, đục bắp cây ngô (Ostrinia nubilalis) là một trong vài loài dịch hại nguy hiểm nhất đối với cây ngô của nước ta hiện nay. Chúng thường gây hại khá nặng (tỷ lệ cây bị hại có khi lên đến 80 - 90%) và rất phổ biến ở nhiều vùng trồng ngô của nước ta, nhất là vào mùa mưa. Quy luật phát sinh gây hại của sâu đục thân có liên quan chặt với các yếu tố ngoại cảnh.
Số liệu bảng 3.5 cho thấy vụ Xuân Hè 2014 các tổ hợp ngô lai tham gia thí nghiệm có khả năng chống chịu sâu đục thân tốt, được đánh giá ở điểm 1 (<5% số cây bị hại) , tương đương với đối chứng.
Vụ Thu Đông, tỷ lệ nhiễm sâu đục thân cao hơn vụ Xuân Hè, đánh giá ở điểm 1 - 2. Trong thí nghiệm tổ hợp lai VS1003, LVN 255, TB433 có tỷ lệ cây bị sâu đục thấp nhất (<5%), đánh giá điểm 1. Các tổ hợp lai còn lại có tỷ lệ cây bị đục cao hơn (5 - < 15%), được đánh giá ở điểm 2, tương đương với giống đối chứng.
* Sâu đục bắp
Sâu đục bắp là loại sâu khi còn nhỏ sâu non cắn nõn lá bắp hay cuống hoa đực, khi lá mở ra sẽ thấy trên lá có những lỗ thủng thẳng hàng nhau, nếu bị nặng có thể làm rách lá, khi lớn sâu đục vào thân hay bắp, làm cho cây suy yếu và còi cọc, nếu gặp gió to cây có thể bị gẫy ngang.
Qua theo dõi thí nghiệm chúng tôi thấy sâu hại trên tất cả các tổ hợp lai tham gia thí nghiệm, song tỷ lệ bắp bị hại thấp, được đánh giá ở điểm 1 - 2
Vụ Xuân Hè, tổ hợp lai LVN255 và TB149 có tỷ lệ bắp bị hại từ 5 - 15%, được đánh giá ở điểm 2. Các tổ hợp lai còn lại có tỷ lệ bắp bị sâu đục
<5% được đánh giá ở điểm 1, tương đương với giống đối chứng.
Vụ Thu Đông, tổ hợp lai TB432, ĐH14-1 có tỷ lệ bắp bị sâu đục từ 5 - 15%, được đánh giá ở điểm 2. Các tổ hợp lai còn lại có tỷ lệ bắp bị sâu đục
<5% được đánh giá ở điểm 1, tương đương với giống đối chứng.
* Sâu cắn râu
Sâu cắn râu phát sinh nhiều lứa trong năm, phá hoại mạnh lúc ngô phun râu, sâu cắn trụi hết những râu ngoài bắp. Sâu cắn râu có hai loại là loại sâu có màu xanh (Heliothis armigera), sâu này thường cắn râu, sau đó chui cả mình vào bắp. Loại sâu có màu xám (Heliothis Zea) loại này cắn râu và chui một nửa mình vào trong bắp.
Qua theo dõi thí nghiệm chúng tôi thấy tất cả các tổ hợp ngô lai thí nghiệm đều bị sâu cắn râu hại và hại nặng nhất ở vụ Xuân Hè, 100% số bắp ở các tổ hợp lai đều bị sâu cắn râu hại. Tuy nhiên, thời điểm sâu hại, ngô đã thụ phấn thụ tinh xong nên ít ảnh hưởng đến năng suất.
Vụ Thu Đông, tỷ lệ sâu cắn râu thấp hơn so với vụ Xuân Hè, tỷ lệ bắp bị hại của các tổ hợp lai dao động từ 22,5 - 80,8% bắp. Các tổ hợp lai LVN255, VS1003, TB433 tỷ lệ nhiễm sâu cắn râu dao động từ 22,5-39,17%
thấp hơn giống đối chứng. Các tổ hợp lai còn lại đều có tỷ lệ sâu nhiễm sâu cắn râu dao động từ 53,33-80,8% cao hơn đối chứng.
* Bệnh khô vằn (Rhizoctonia solani f. Sp. Sasakii)
Bệnh khô vằn do nấm gây nên, bệnh xuất hiện khắp các vùng trồng ngô ở nước ta. Bệnh xuất hiện trên các lá già phía dưới gốc sau đó lan lên các lá trên, khi số lá bị nhiễm lớn hơn 1/3 tổng số lá trên cây sẽ gây ảnh hưởng lớn tới năng suất ngô. Bệnh gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ngô, biểu hiện rõ và nặng nhất ở thời kỳ khi cây ngô trỗ cờ và phát triển dần đến thu hoạch. Bệnh phát triển lan tới bắp gây chín ép, khối lượng hạt giảm.
Số liệu bảng 3.5 cho thấy bệnh khô vằn chỉ xuất hiện ở 2 tổ hợp lai LVN255 và ĐH14-1 trong vụ Xuân Hè với tỷ lệ thấp (1,67 - 4,16%). Các tổ hợp lai còn lại không bị bệnh (kể cả 2 mùa vụ).
3.1.4.2. Khả năng chống đổ của các tổ hợp ngô lai tham gia thí nghiệm
Để đánh giá khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi của các tổ hợp lai tham gia thí nghiệm, chúng tôi tiến hành theo dõi các chỉ tiêu đổ rễ, gẫy thân. Đây là những chỉ tiêu liên quan đến năng suất ngô và là chỉ tiêu quan trọng trong chọn tạo giống ngô. Vì khi cây ngô bị đổ, gãy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng quang hợp và quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng làm năng suất ngô giảm nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, hàng năm gió bão làm giảm sản lượng ngô từ 10 - 15%. Đặc tính chống đổ của ngô phụ thuộc vào các yếu tố di truyền của giống như chiều cao cây, độ cứng của cây, mức độ ăn sâu và rộng của hệ rễ… ngoài ra còn phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết, khí hậu, đất đai, điều kiện chăm sóc, chế độ dinh dưỡng.
Việt Nam nằm khu vực nhiệt đới gió mùa, bên cạnh những thuận lợi về khí hậu thì cũng phải chịu không ít các thiên tai, hạn hán, bão lũ. Vì vậy bên cạnh những yêu cầu về thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng rộng, có năng suất cao và phẩm chất tốt các nhà tạo giống còn quan tâm đến khả năng chống đổ của giống. Kết quả theo dõi khả năng chống đổ gãy của các giống ngô lai tham gia thí nghiệm
Ngô bị đổ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Gẫy thân, đổ rễ ở ngô có thể do nhiều nguyên nhân như: sâu bệnh, chế độ canh tác (nước, phân bón, kỹ thuật chăm sóc). Ngoài ra còn phụ thuộc vào chiều cao cây, chiều cao đóng bắp, khả năng phát triển của bộ rễ, độ cứng của cây và điều kiện ngoại cảnh (mưa, gió)...
Vụ ngô Xuân Hè và Thu Đông năm 2014 ít bị sâu đục thân và gió bão, do vậy các tổ hợp lai ít bị đổ gãy. Kết quả theo dõi khả năng chống đổ của các tổ hợp lai thí nghiệm được trình bày ở bảng 3.6
Bảng 3.6: Khả năng chống đổ của các tổ hợp ngô lai thí nghiệm Vụ Xuân Hè và Thu Đông năm 2014
THL/Giống
Vụ Thu Đông năm 2014 Đổ rễ
(% số cây bị đổ)
Gãy thân (1-5 Điểm)
VS1003 1,25 1
TB391 1,67 1
LVN255 1,25 1
TB433 1,25 1
TB149 1,25 1
TB432 1,25 1
ĐH14-1 1,25 1
NK4300 (đ/c) 1,27 1
Qua theo dõi thí nghiệm cho thấy các tổ hợp ngô lai có khả năng chống đổ rễ và gẫy thân tốt, vụ Xuân Hè 2014 không có cây bị đổ rễ và gẫy thân (0%). Vụ Thu Đông 2014 có cây bị đổ rễ nhẹ (từ 1,25-1,27%); tỷ lệ đổ do gãy thân thấp (< 5% số cây bị đổ), được đánh giá ở điểm 1.