Chương 2: ĐẢNG BỘ PHÚ THỌ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CÔNG CUỘC CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT VÀ SỬA SAI 1954 – 1957
2.1. Thực hiện cải cách ruộng đất trong những năm 1954 - 1956
2.1.2. Đảng bộ Phú Thọ chỉ đạo thực hiện cải cách ruộng đất
Trước những thắng lợi của các đợt phát động quần chúng giảm tô, lại có điều kiện thuận lợi là vùng tự do, ngay từ cuối năm 1954, Đoàn ủy I thuộc Đoàn cải cách ruộng đất Trung ương đã đưa cán bộ về làm nhiệm vụ, tính từ năm 1954 đến hết năm 1956, Phú Thọ đã tiến hành 3 đợt cải cách ruộng đất (từ đợt II đến đợt IV) và 2 đợt kiểm tra thí điểm sau cải cách ruộng đất trên địa bàn toàn tỉnh, cụ thể:
- Đợt II ở 135 xã thuộc 5 huyện Tam Nông, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Ba và Cẩm Khê bắt đầu từ ngày 26 tháng 10 năm 1954 đến cuối năm 1954.
- Đợt III được tiến hành từ ngày 24 tháng 2 năm 1955 đến 24 tháng 5 năm 1955 trên địa bàn 77 xã các huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê (do Đoàn ủy I phụ trách) và huyện Hạc Trì, Tam Nông, Thanh Thủy, Lâm Thao (do Đoàn ủy Sơn Tây phụ trách).
- Đợt IV được tiến hành từ ngày 28 tháng 6 năm 1955 đến ngày 10 tháng 10 năm 1955 tại 17 xã của huyện Yên Lập. Như vậy, tính đến tháng 10 năm 1955, Phú Thọ đã tiến hành cải cách ruộng đất trên toàn bộ 229 xã thuộc 10 huyện.
Và sau đợt IV, Đoàn ủy I còn tiến hành phúc tra cải cách ruộng đất ở các xã thuộc 6 huyện:
- Đợt I phúc tra CCRĐ được tiến hành trên 43 xã thuộc hai huyện Thanh Ba và Lâm Thao từ cuối năm 1955 đến tháng 2 năm 1956.
- Đợt II phúc tra CCRĐ được thực hiện trên địa bàn 67 xã thuộc bốn huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Phù Ninh và Hạc Trì từ tháng 5 năm 1956 đến hết tháng 10 năm 1956.
a. Những kết quả đạt được từ công cuộc cải cách ruộng đất từ 1954 đến 1956
Có thể nhận thấy rằng, công cuộc cải cách ruộng đất dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng đã được Đảng bộ Phú Thọ thực hiện một cách triệt để và đạt được những kết quả khả quan:
Đợt II:
Đợt cải cách này đã tiến hành đến cuối năm 1954, bằng những biện pháp cứng rắn, Phú Thọ đã thực hiện đúng bốn bước CCRĐ theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng. Ngoài những thuận lợi do những đợt giảm tô trước mang lại: giai cấp địa chủ bị suy yếu dần, các cán bộ cốt cán được đào tạo bồi dưỡng tốt hơn… thì Phú Thọ vấp phải những khó khăn như thiên tai nghiêm trọng, nạn lụt và hạn hán diễn ra, âm mưu thâm độc chia rẽ nhân dân
của đế quốc Mỹ như ép đồng bào di cư vào Nam, chính vì vậy mà nạn đói xảy ra trầm trọng.
Ngày 2 tháng 11 năm 1954, Đoàn ủy I Phú Thọ ra Chỉ thị kết hợp sản xuất với phát động cải cách bước một và bước 2. Chỉ thị khẳng định “công tác kết hợp sản xuất với phát động cải cách rất quan trọng”, nhằm thúc đẩy sản xuất, giải quyết nạn đói và nạn lụt, đồng thời nhấn mạnh “cần nhận rõ là chỉ trên cơ sở tư tưởng quần chúng được phát động sâu rộng, tuyên truyền chính sách đầy đủ thì chúng ta mới phân loại được giai cấp địa chủ”. Cho nên cán bộ phải “nắm vững phương châm chính sách và yêu cầu nội dung công tác phát động tư tưởng quần chúng lên cao một mức nữa, đề cao tinh thần cảnh giác, để kịp thời chống lại mọi âm mưu của giai cấp địa chủ, kịp thời ngăn ngừa những vụ tự sát có thể sảy ra”, tránh tư tưởng “tả còn hơn hữu, truy bức nhầm một người không hại bằng để một địa chủ lọt lưới”. Theo báo cáo của Đoàn ủy I Phú Thọ, Đoàn công tác cũng đã đạt được một số kết quả như: truy và đấu địa chủ, cường hào gian ác trên toàn bộ địa bàn thực hiện, truy lọt lưới, đấu vạch thành phần; đã xét xử 127 địa chủ, cường hào gian ác, đã đánh đổ uy thế chính trị và xóa bỏ vĩnh viễn quyền lợi kinh tế của toàn bộ giai cấp địa chủ.
Ngày 30 – 11 – 1954, Đoàn ủy I Phú Thọ đã ra Chỉ thị về việc đi sâu kiểm tra tình hình bước hai, kiên nhẫn phát động quần chúng lên một bước nữa, giải quyết các vấn đề tồn tại, để chuẩn bị sang bước ba có kết quả tốt.
Chỉ thị nêu rõ: đối với “các xã chưa vạch giai cấp địa chủ, phải trú trọng đẩy mạnh việc phát động quần chúng, nâng cao căm thù của quần chúng làm cho họ có yêu cầu đấu tranh mạnh”, đối với “những xã đã qua công tác vạch giai cấp và tịch thu, trưng thu, trưng mua phải đi sâu kiểm tra tình hình địch xem chúng đã gục chưa? còn hoạt động gì không? kiểm tra lại công tác phát động quần chúng đến mức nào? bồi dưỡng cốt cán tốt chưa? tổ chức còn vấn đề gì không? Tuyệt đối chống tư tưởng chủ quan tự mãn cho là địch đã gục, quần chúng đã được phát động cao, cốt cán đã tốt… rồi buông trôi lãnh đạo, coi
nhẹ phát động bồi dưỡng cốt cán và quần chúng”. Với những chỉ đạo như vậy, về sơ bộ, những yêu cầu của công tác cải các ruộng đất đợt I và II đã được hoàn thành. Tạo tiền đề cho công cuộc cải cách đợt III năm 1955.
Đợt III, được bắt đầu từ ngày 24 tháng 2 năm 1955, Phú Thọ đã tiến hành thực hiện cải cách ruộng đất tại 77 xã thuộc hai khu vực:
- Khu vực I gồm các xã thuộc huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê do Đoàn ủy I phụ trách;
- Khu vực II gồm các xã thuộc huyện Hạc Trì, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy do Đoàn ủy Sơn Tây phụ trách.
- Trong đợt này, 77 xã tại các khu vực tiến hành cải cách gồm có 93 018 nhân khẩu, trong đó có 37 xã có đồng bào công giáo ở tương đối độc lập (có 11 thôn là toàn tổng), gồm 9111 giáo dân, 13 xã có đồng bào miền núi sinh sống bao gồm 4017 đồng bào Cao Lan, đồng bào Kinh gồm 69 440 nhân khẩu chia làm 2 vùng ven sông Lô, sông Thao, sông Chảy ở tương đối tập trung, còn lại là rừng núi, thưa thớt. Các xã này hầu hết đã giảm tô đợt 1, 2, 3, cho đến khu đội CCRĐ về có 5 xã cách gần hai năm, 34 xã đã giảm tô đợt hai và 36 xã đã giảm tô đợt 3 cách hơn một năm. Đây là đợt cải cách đầu tiên trong năm 1955, nên địa chủ đã có những hoạt động ráo riết và táo bạo để chống lại quần chúng nông dân. Ngay từ sau đợt giảm tô, chúng đã rút kinh nghiệm, phân tán mọi tài sản và phá hoại sản xuất, tích cực mua chuộc nông dân, cốt cán và người trong các tổ chức ở xã, nhất là mua chuộc các khổ chủ và bố trí cài tay chân vào các tổ chức của ta để phá, địa chủ đã gây thắc mắc về thành phần trong nông dân, xuyên tạc chính sách và tung dư luận làm cho quần chúng hoang mang, trắng trợn hơn nữa, chúng còn dọa nông dân, ám hại nông dân. Cùng thời gian đó, nạn đói đã xảy ra, do giáp hạt và mất mùa nên ở một số xã ven sông, giá gạo ngày một tăng, có nơi lên tới 850 đồng 1 cân.
Trước tình hình đó, bằng nỗ lực vượt lên trên khó khăn, nắm rõ tình hình của địch, tuyên truyền, vận động, bắt rễ, xây dựng cốt cán vững mạnh,
công tác CCRĐ đợt III đã đạt được một số kết quả đáng kể. Trước hết, Đoàn công tác “đã tìm được chỗ dựa tương đối tốt, theo thống kê của 75/77 xã, ta tìm được 1230 rễ (368 cố nông, 854 bần nông, 121 công giáo, 104 dân tộc thiểu số, 352 rễ là phụ nữ, 86 đảng viên và đa số chỗ dựa và khổ chủ (479 khổ chủ ác bá, 452 khổ chủ của địa chủ thường)” [19, tr 5]. Ngoài số rễ ra còn có 1516 chuỗi, và Đoàn công tác đã hình thành được hạt nhân lãnh đạo. Nói chung, chỗ dựa mà Đoàn công tác bắt rễ được về sơ bộ đã được phát động tư tưởng và trong dịp đấu tranh với cường hào đã tỏ ra có tác dụng. Trong số 75 xã, không kể trọng điểm Tân Trào và phụ điểm Tiền Phong, Đoàn công tác đã tìm được 109 cường hào gian ác đầu sỏ (gồm 62 địa chủ đã quy hồi giảm tô, 18 địa chủ lọt lưới xuống trung nông, 29 địa chủ lọt lưới xuống phú nông, 42 xã tìm ra 1 địa chủ, 27 xã tìm ra 2 địa chủ, và 5 xã tìm ra 3 địa chủ), trừ xã Xây Dựng chưa tìm ra đối tượng nào và xã Chính Công đã duyệt một trường hợp nhưng tự sát, cho tới ngày 12 tháng 3 năm 1955, các nơi đã tiến hành cuộc đấu tranh kết với phiên tòa công thẩm. Qua việc phát động tư tưởng quần chúng, tội ác của địa chủ đã rõ ràng nên khi tiến hành đấu tố, đứng trước lý lẽ và vật chứng của nông dân, địch đã cúi đầu nhận tội. Nông dân phấn khởi, các tầng lớp ở nhiều nơi đã đồng tình ủng hộ đấu tranh.
Về công tác chỉnh đốn tổ chức, các cán bộ tại các xã đã nhận thức rõ được tính chất phức tạp của chi bộ sau giảm tô nên qua quá trình thực hiện ba cùng, thăm nghèo hỏi khổ, kết hợp và tuyên truyền chính sách đã phát hiện được một số tình hình tổ chức. Tình trạng dựa vào những tổ chức cũ hoặc thành kiến với tổ chức cũ không còn phổ biến như các đợt trước, chỉ còn một số hiện tượng lẻ tẻ. Qua một vài ngày, cán bộ đã nắm được ít nhiều thắc mắc của Đảng viên và cán bộ xã, phổ biến là sợ bị xử trí, lo liên quan, lo lên thành phần, lo đói. Các đội đã đặt kế hoạch ổn định tư tưởng và sơ bộ phát động tư tưởng đạt kết quả tốt. Đồng thời, cán bộ Đoàn công tác cũng đã phát hiện ra một số đảng viên tốt nhằm làm chỗ dựa, tìm ra đảng viên xấu nhằm có thái độ xử trí.
Từ những kết quả đạt được của đợt III, ngày 28 tháng 6 năm 1955, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, tỉnh Phú Thọ đã bắt tay vào thực hiện công cuộc CCRĐ đợt IV trên địa bàn 17 xã thuộc huyện miền núi Yên Lập với diện tích “dài đến 70 cây số, rộng đến 20 cây số, hai bên có rừng núi cao bao bọc.
Dân số gồm 19 071 người gồm các dân tộc Kinh, Mường, Mán, lác đác xã có đồng bào Hoa Kiều, đặc biệt có xã Nga Hoàng, toàn đồng bào người Mán sống rải rác trên các núi cao địa dư dài tới 50 cây số, xã Trung Sơn toàn bộ là người Mường, sống ở trong một thung lũng nhỏ hẹp, ruộng đất ở đây rất ít lại xấu, hai xã này chưa có sự phân hóa rõ rệt về giai cấp, nhất là sau cách mạng vẫn chưa được ảnh hưởng những cải cách dân chủ như các xã khác” [15, tr 20]. Về tình hình quần chúng “trình độ giác ngộ có hạn”. Về tình hình chính trị ở 17 xã thì đến 9 xã đều có phản động của tổ chức Quốc dân Đảng. Về cán bộ thì đa số còn chưa quen với công tác miền núi nên mới đầu về xã còn lung tung. Trước tình hình như vậy, Đoàn ủy I cũng nhận rõ đợt cải cách lần này sẽ có nhiều khó khăn hơn những đợt cải cách trước, mặc dù vậy, với tinh thần vượt khó vượt khổ, thực hiện ba cùng, trèo đèo lội suối đến từng xã vùng cao, theo báo cáo tổng kết công tác đợt IV của Đoàn ủy I tháng 10 năm 1955, Đoàn cải cách đã giành được những thắng lợi nhất định:
Ở bước một, Đoàn cải cách đã đem ra đấu tố 34 địa chủ cường hào gian ác, tìm được 233 chỗ dựa, đồng thời gạt ra 63 phần tử xấu khỏi các cơ quan lãnh đạo.
Sang bước hai, Đoàn cải cách đã phát động nhân dân đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ, đã “truy 65 địa chủ còn lọt lưới phú nông, 33 xuống trung nông, phát hiện ra 5 cường hào ác bá”, đã “tịch thu, trưng thu và trưng mua được 813 mẫu 6 sào 9 thước ruộng đất, 323 trâu bò, 1470 nông cụ và một số tài sản khác”.
Trong bước ba đã đem chia ruộng đất, trâu bò, nông cụ và các tài sản khác cho 2030 hộ gia đình nông dân lao động trong đó có 1039 bần nông, 632 cố nông, 326 là trung nông và 33 dân nghèo và lao động khác.
Bước bốn, các ngành trong xã như Chính quyền, chi bộ, nông hội, thanh niên, phụ nữ, dân quân, công an, xã đội đều được chỉnh đốn. Đã đào tạo được 577 cốt cán đưa vào lãnh đạo các cơ quan, làm hạt nhân chính trị ở nông thôn. Đoàn cải cách cũng đã gạt ra 194 phần tử xấu, đồng thời phát triển 121 đảng viên mới, xây dựng cơ sở Đảng ngày càng vững mạnh.
Chỉ thống kê riêng năm 1955 (đợt III và IV), Phú Thọ đã có những bước tiến đáng kể so với năm 1954:
Về tổ chức: Đã đào tạo được 3759 cán bộ xã, xóm. Thanh trừ 119 địa chủ, 88 phú nông ra khỏi Đảng và các tổ chức của ta, đã chuyển 220 chi đoàn thanh niên cứu quốc thành chi đoàn thanh niên lao động; hầu hết xã, xóm đều tổ chức được các tổ đổi công, tổng số lên tới 81,5% nông dân đã vào các tổ chức làm và ăn theo hướng tập thể tương trợ.
Về đánh địch: Phú Thọ đã đánh đổ được toàn bộ giai cấp địa chủ gồm 152 hộ là địa chủ cường hào gian ác, 835 hộ là địa chủ thường, 67 hộ là địa chủ kháng chiến, bên cạnh đó đã quy 835 hộ phú nông.
Về kinh tế: mặc dù trước phát động quần chúng đã tạm cấp, tạm giao ruộng đất của thực dân Pháp, Việt gian phản động, ruộng đất vắng chủ, ruộng đất công và nửa công cho nông dân cày cấy. Nhưng đến cải cách ruộng đất, Đoàn cải cách đã lấy ra một số khá ruộng đất vẫn còn trong tay giai cấp địa chủ, theo số liệu của 10 huyện thì ta đã lấy được 6387 mẫu 6 sào 12 thước ruộng đất trong tay địa chủ và công bố quyền sở hữu của 28 197 mẫu 05 thước ruộng đất trước chỉ mới sử dụng. Đem chia cho 16 315 hộ nguyên canh và 16 374 hộ thực được chia với số nhân khẩu là 131 304 người. Do đó mà tình hình sở hữu ruộng đất ở nông thôn đã thay đổi.
Thành phần Chiếm hữu và sử dụng
ruộng đất trước CCRĐ Chiếm hữu sau CCRĐ Địa chủ 1 mẫu 1 sao 04 thước 1 sào 13 thước
Phú nông 8 sào 07 thước 3 sào 06 thước
Trung nông 4 sào 04 thước 04 sào 01 thước
Bần nông 2 sào 14 thước 3 sào 09 thước
Cố nông 2 sào 8 thước 3 sào 09 thước
Lao động khác 12 thước 1 sào 02 thước
Tình hình sở hữu ruộng đất theo thành phần trước và sau CCRĐ (Nguồn: Thanh Thủy lưu trữ tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ)
Ngoài ra, những khó khăn về trâu bò, nhà cửa, nông cụ, lương ăn cũng đã được giải quyết. Cũng theo số liệu của 10 huyện đã có 18 234 hộ được chia trâu bò, 3923 hộ được chia nhà cửa. Hàng ngàn tấn thóc lúa và hàng vạn nông cụ cũng được chia cho nông dân thiếu thốn.
Về chính trị và tư tưởng: Đã đánh đổ được toàn bộ giai cấp địa chủ, trừng trị bọn địa chủ Việt gian phản động, cường hào gian ác, đại biểu chính trị của giai cấp phong kiến đồng thời là tay sai đắc lực của bọn đế quốc, xác định rõ được lập trường tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nông dân lao động, hoàn toàn làm chủ nông thôn, củng cố khối liên minh công nông, củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, góp phần ủng hộ tiền tuyến miền Nam.
Sau đợt IV, để “tiêu diệt những thế lực còn lại của giai cấp địa chủ, củng cố và phát triển những thắng lợi của cải cách ruộng đất, vạch trần âm mưu ngóc đầu dậy của giai cấp địa chủ”, Phú Thọ đã tiến hành thực hiện kiểm tra thí điểm sau cải cách ruộng đất tại sáu huyện: Lâm Thao, Thanh Ba, Hạc Trì, Phù Ninh, Thanh Thủy, Tam Nông. Đoàn ủy kiểm tra cải cách ruộng đất được thành lập, thay cho Đoàn ủy I.
Đợt I, công tác kiểm tra lại CCRĐ được tiến hành trên 43 xã thuộc hai huyện Thanh Ba và Lâm Thao. Dân số gồm có 20 830 nhân khẩu, trong đó có
25 xã công giáo, 1332 hộ, 5522 khẩu. Đợt công tác được thực hiện từ tháng 10 năm 1955 đến hết tháng 5 năm 1956, đã đạt được kết quả nhất định:
Về tổ chức, công tác kiểm tra, chỉnh đốn chi bộ đã được thực hiện đầy đủ. Các đội đã kiểm tra lại tình hình chi bộ sau cải cách ruộng đất, thực hiện củng cố: Thứ nhất, vận dụng chi bộ, giáo dục nâng cao chi bộ. Ở bước 1 và 2, công tác tìm hiểu tình hình, giáo dục chính sách, ổn định tư tưởng cho đảng viên và tiến hành phân loại đảng viên đã được thực hiện. Sang đến bước ba, các đội đã vận dụng chi bộ tiến hành công tác lãnh đạo, đấu tranh, đồng thời thông qua đấu tranh để giáo dục nâng cao chi bộ, sơ kết 29 chi bộ cho thấy, 105 đảng viên mất cảnh giác bị địch lợi dụng lôi kéo chỉ còn 12, số đảng viên lạc hậu tự 249 người nay còn có 42 và 286 đảng viên bất mãn chỉ còn 43 người, và số đảng viên kiên quyết đấu tranh tăng từ 329 lên 673 người. Từ những thắng lợi đó, đội công tác đã tiến hành huấn luyện đảng viên những hiểu biết cơ bản về Đảng, xây dựng tinh thần phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Thứ hai, bồi dưỡng cán bộ, chủ yếu là chi ủy, nâng cao lập trường và năng lực công tác cho cán bộ xã. Thứ ba là kiện toàn chi ủy, tăng cường cơ quan lãnh đạo của chi bộ nông thôn. Thứ tư là xử trí đảng viên xấu, Đoàn công tác đã xử trí 103 trường hợp, trong đó có 4 bí thư, 5 chi ủy viên, 12 tổ trưởng Đảng và 81 đảng viên. Thứ năm là tăng cường công tác kết nạp Đảng viên mới, đợt này, Phú Thọ đã kết nạp được 35 đảng viên mới trong đó có 33 bần cố nông và 2 trung nông, có 4 phụ nữ và 3 công giáo.
Đoàn kiểm tra cũng đã mở Đại hội Nông dân và bầu Ban chấp hành Nông hội và Ủy ban Hành chính xã. Bầu được 56 người vào Ban chấp hành Nông hội gồm 8 cố nông, 39 bần nông và 16 trung nông. Ủy ban hành chính xã đã bầu được 39 ủy viên gồm 8 cố nông, 19 bần nông, 10 trung nông trong đó có 24 là đảng viên, 7 là phụ nữ, 8 là công giáo.
Về tình hình địch, Đoàn công tác đã tiến hành phân loại địa chủ sau CCRĐ: địa chủ tuõn theo phỏp luật, địa chủ ẵ tuõn theo phỏp luật, địa chủ