Chương 3: MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM LỊCH SỬ
3.1. Một số nhận xét
3.1.1. Nhận xét chung về quá trình cải cách ruộng đất ở Phú Thọ Mục đích của cải cách ruộng đất là xóa bỏ chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến, thực hiện quyền sở hữu ruộng đất của nông dân. Trong quá trình kháng chiến, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Đảng bộ Phú Thọ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh thực hiện chính sách ruộng đất của mặt trận dân tộc thống nhất, dùng biện pháp cải cách từng bước để giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. Chính sách đó phù hợp với hoàn cảnh nước ta đang phải chống chọi với đế quốc xâm lược. Tuy nhiên, từ năm 1953, cách làm trên đã không được duy trì mà nghiêng về cuộc đấu tranh giai cấp.
Với lợi thế là một tỉnh tự do, Phú Thọ đã tiến hành cải cách ruộng đất kết hợp với tăng gia sản xuất, chỉnh đốn tổ chức, chống bão, làm thủy lợi, thực hiện kế hoạch nhà nước, tiếp tế cho tiền tuyến.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, Đảng bộ Phú Thọ đã phạm phải những sai lầm mang tính chất tả khuynh, giáo điều, máy móc, duy ý chí. Đó là những sai lầm nghiêm trọng gây những hậu quả nặng nề cho tình hình nông thôn lúc bấy giờ như: quá nhấn mạnh cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn, dẫn tới mở rộng quá mức đối tượng đấu tranh, gây ra tình trạng đánh nhầm vào nội bộ nông dân, nhất là bộ phận trung nông lớp trên; không dựa vào ủy ban kháng chiến hành chính cũ và chi bộ cở sở để lãnh đạo cải cách ruộng đất, mà trao cho đoàn, đội cải cách ruộng đất quá nhiều quyền hạn, dẫn đến sự lạm dụng các biện pháp phát động quần chúng, nặng về đấu tố, nhẹ về giáo dục. Biện pháp xử lý ngày càng dùng nhiều hình thức quá mức: nhục hình, kết án, tịch thu, trưng thu, trưng mua một cách tràn lan.
Cải cách ruộng đất ở Phú Thọ đã không đi đúng đường lối nông thôn, xâm phạm đến lợi ích của trung nông, không liên hiệp với phú nông, không
phân biệt đối xử với cac loại hình địa chủ, không chiếu cố tới địa chủ kháng chiến, cường điệu trấn áp bọn phản cách mạng, gây tổn thất lớn cho Đảng và cho nhân dân.
Về tình hình chỉnh đốn tổ chức, Đảng bộ đã phạm sai lầm lớn như:
Không đánh giá đúng mức tình hình chi bộ, thành kiến với đảng viên, chi bộ cũ, coi chi bộ, đảng viên đều là xấu, nên đã giải tán, xử trí quá mức cần thiết, khi xử trí đã không điều tra, nghiên cứu, xác minh tài liệu cẩn thận, nên đã gây nên tình trạng hoang mang trong đảng viên và quần chúng.
Những sai lầm trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, cấp lãnh đạo cao nhất là Trung ương Đảng chưa nhận thức được đầy đủ những đặc điểm của xã hội nước ta, mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và dân chủ, không xuất phát từ tình hình miền Bắc, đánh giá không sát đúng với những chuyển biến của tình hình miền Bắc sau ngày hòa bình lập lại, nhất là tình hình sở hữu ruộng đất của các giai tầng trong xã hội. Đó là những sai lầm trong tư tưởng chỉ đạo, tả khuynh, áp dụng máy móc kinh nghiệm nước ngoài. Việc tổ chức thực hiện cũng có nhiều thiếu sót. Hiện tượng độc đoán, chuyên quyền của các đoàn ủy cải cách ruộng đất, tư tưởng lãnh đạo một chiều sai lệch, bố trí cán bộ không theo nguyên tắc, năng lực cán bộ còn non kém.
Đối với Đảng bộ Phú Thọ, sai lầm là do đã chấp hành một cách máy móc chỉ thị của cấp trên, không tìm hiểu cụ thể các chính sách, tình hình địa phương. Khi thực hiện đã không nhận ra những sai lầm nghiêm trọng, hoặc khi nhận ra những sai lầm rồi đã không kịp thời báo cáo xin chỉ thị và điều chỉnh chính sách cho thích hợp.
Trung ương Đảng đã kết luận:
Căn cứ trên những kết quả đạt được và căn cứ vào hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc dân chủ, thì việc tiếp tục giải quyết vấn đề ruộng đất, xóa bỏ những tàn dư của xã hội phong kiến là cần thiết
Căn cứ vào tình hình thực tế nông thôn miền Bắc sau năm 1954, căn cứ vào số ruộng chia cho nông dân trong cải cách ruộng đất, căn cứ tác hại rất
nghiêm trọng của sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, thì chủ trương cải cách ruộng đất như đã làm là không cần thiết. Đó là vì trước khi tiến hành cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ, chế độ phong kiến đã căn bản bị xóa bỏ mà mục tiêu người cày có ruộng đã căn bản thực hiện với tỷ lệ hơn 2/3 ruộng đất đã vào tay nông dân, với quyền làm chủ của nhân dân trong nông thôn đã được thực hiện thì từ sau cách mạng Tháng Tám đến kháng chiến chống thực dân Pháp. Kinh nghiệm ở miền Nam sau khi hoàn toàn giải phóng cho thấy, mặc dầu vấn đề ruộng đất có những phức tạp, nhưng có thể thực hiện mục tiêu người cày có ruộng bằng những con đường thích hợp nhất [55; tr 72]
3.1.2. Trước những sai lầm vấp phải, Đảng bộ Phú Thọ đã tiến hành sửa sai và quyết tâm ổn định tình hình nông thôn
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ Phú Thọ đã có những bước tích cực sửa sai:
Thứ nhất, thực hiện phương châm kiên quyết, khẩn trương và thận trọng. Tỉnh ủy đã tập trung lực lượng các cấp, kiểm điểm những sai lầm và kiên quyết sửa chữa sai lầm. Trong mọi công tác, tỉnh ủy đều có chỉ đạo, kiểm tra và nhắc nhở các cấp ủy thực hiện nhiệm vụ, có kế hoạch chi tiết, cẩn thận.
Thứ hai, sửa chữa sai lầm được tiến hành trên cơ sở đảm bảo lợi ích của nhân dân lao động, đồng thời chiếu cố đến lợi ích của các tầng lớp khác. Tỉnh ủy đã nhận thức được sức mạnh đoàn kết của khối liên minh công nông, nên đã lãnh đạo việc đền bù thích đáng cho trung nông bị quy sai. Đối với tầng lớp khác như phú nông, người có ít ruộng đất phát canh, công thương nghiệp kiêm địa chủ, cũng được đền bù đúng chính sách, địa chủ kháng chiến được chiếu cố.
Thứ ba, Tỉnh ủy Phú Thọ đã nắm vững đường lối nông thôn của Đảng và chính phủ về sửa sai. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy, Tỉnh ủy đã tổ chức hướng dẫn học tập đường lối nông thôn của Đảng kịp thời uốn nắn tư tưởng lệch lạc.
Thứ tư, đi đúng đường lối quần chúng, chống quan liêu mệnh lệnh.
Việc sửa thành phần, đền bù tài sản đuêù được đưa ra quần chúng bàn bạc, giải quyết khó khăn và lắng nghe ý kiến của quần chúng.
Thứ năm, gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương với việc hoàn thành kế hoạch nhà nước, chủ yếu là đẩy mạnh sản xuất, hộ đê phòng lụt và công tác thuế.
Thứ sáu, kết hợp công tác sửa sai với chỉnh đốn tổ chức; củng cố lực lượng Đảng làm cho tổ chức của Đảng là trung tâm đoàn kết, động viên và lãnh đạo quần chúng tham gia công tác sửa sai một cách toàn diện. Tỉnh ủy đã khẩn trương, kiện toàn các cấp ủy Đảng, ổn định tư tưởng đảng viên, đoàn kết lực lượng cũ mới; các ban chi ủy được kiện toàn và có tinh thần đoàn kết nội bộ, có ảnh hưởng tốt đến quần chúng, động viên được quần chúng tham gia công tác.
Để có được những kết quả tích cực trên, nguyên nhân là do:
- Nhân dân trong tỉnh có tinh thần đoàn kết, có truyền thống đấu tranh, luôn có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; trong quá trình kháng chiến, họ đã tích cực tham gia, đóng góp về mọi mặt vào sự nghiệp cách mạng.
- Sự lãnh đạo kiên quyết của Trung ương. Các chính sách, kế hoạch được đề ra phù hợp với tình hình thực tế. Trung ương và Khu ủy Việt Bắc đã luôn theo dõi, giám sát tình hình để có chỉ đạo kịp thời.
- Tỉnh ủy và các huyện ủy đều nhận thấy tầm quan trọng của công tác sửa sai, nên ra sức củng cố, đoàn kết nội bộ, tập trung trí tuệ, lực lượng để tiến hành sửa sai.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Phú Thọ, công cuộc cải cách ruộng đất và tiến hành sửa sai đã hoàn thành trên phạm vi toàn tỉnh. Với phương châm kiên quyết, khẩn trương, thận trọng, có trọng điểm, có kế hoạch chu đạo… đã có những tác động tích cực đến tình hình nông thôn, nhân dân càng thêm tin tưởng vào Đảng, những hoang mang trong lòng dân phần nào được giải tỏa.
Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Tỉnh ủy cũng đã mắc phải một số thiếu sót như: bước đầu còn chỉ đạo thiếu chặt chẽ, công tác duyệt
thành phần, trả tự do, sửa thành phần còn chưa thỏa đáng, còn gây thắc mắc.
Việc đền bù tài sản cũng còn có trường hợp chưa được giải quyết dứt điểm. Khi sửa lại sản lượng lại sửa xuống quá thấp, gây tình trạng so bì. Công tác cán bộ còn hạn chế, lúng túng khi thực hiện, làm ảnh hưởng đến công tác sửa sai.