Chương 1: Đảng vận động nông dân miền Bắc giai đoạn 1954-1960
1.2 Chủ trương vận động nông dân miền Bắc tiến hành cách mạng ruộng đất, thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục và phát triển kinh tế 1954-1957 18
1.2.2 Quá trình tổ chức thực hiện
1.2.2.1 Đảng vận động nông dân miền Bắc tiến hành CCRĐ
Khi hòa bình lập lại, miền Bắc mới chỉ tiến hành xong năm đợt phát động quần chúng giảm tô ở vùng tự do cũ và làm xong đợt một thí điểm CCRĐ ở sáu xã thuộc huyện Đại Từ (Thái Nguyên); đợt một CCRĐ vẫn đang
tiến hành ở 53 xã thuộc hai tỉnh Thái Nguyên và Thanh Hóa. Vì vậy Hội nghị Bộ Chính trị tháng 9-1954 chủ trương “ra sức hoàn thành CCRĐ” để củng cố miền Bắc và Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) tháng 3-1955 đã quyết định hoàn thành CCRĐ trước tháng 7-1956, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của miền Bắc.
Đảng và Nhà nước đã huy động và huấn luyện một phần tư cán bộ trong biên chế của bộ máy Đảng và Nhà nước đưa về nông thôn phát động quần chúng nông dân thực hiện giảm tô, giảm tức và CCRĐ. Các đội công tác giảm tô và CCRĐ thi hành đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn là: dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp phú nông, xóa bỏ hoàn toàn chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ. Trong đó, Nông hội xã, tổ chức chính trị xã hội của nông dân ở xã, được Chính phủ và Quốc hội giao cho chức năng là cơ quan chấp hành chính sách ruộng đất của Đảng và Nhà nước ở nông thôn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng cuộc CCRĐ được tiến hành theo vết dầu loang, làm từng đợt trong từng thời gian nhất định, cho nên mỗi đợt nông dân ở một số địa phương nhất định tham gia CCRĐ.
Trong đợt hai từ 23-10-1954 đến 15-1-1955, nông dân ở 210 xã bao gồm 22 xã thuộc Thái Nguyên, 100 xã thuộc Phú Thọ, 22 xã thuộc Bắc Giang và 66 xã thuộc Thanh Hóa, tham gia CCRĐ.
Trong đợt ba từ 18-2 đến 20-6-1955, nông dân ở 466 xã bao gồm 106 xã thuộc Phú Thọ, 84 xã thuộc Bắc Giang, 65 xã thuộc Vĩnh Phúc, 22 xã thuộc Sơn Tây, 115 xã thuộc Thanh Hóa và 74 xã thuộc Nghệ An tham gia CCRĐ.
Trong đợt bốn từ 27-6 đến 31-12-1955, nông dân ở 859 xã bao gồm 17 xã thuộc Phú Thọ, 16 xã thuộc Bắc Giang, 111 xã thuộc Vĩnh Phúc, 60 xã thuộc Bắc Ninh, 71 xã thuộc Sơn Tây, 98 xã thuộc Hà Nam, 47 xã thuộc Ninh
Bình, 207 xã thuộc Thanh Hóa, 5 xã thuộc Nghệ An, 227 xã thuộc Hà Tĩnh tham gia CCRĐ.
Trong đợt năm từ 25-12-1955 đến 30-7-1956, nông dân ở 1720 xã bao gồm: 88 xã thuộc Bắc Ninh, 149 xã thuộc Hưng Yên, 217 xã thuộc Hải Dương, 294 xã thuộc Thái Bình, 83 xã thuộc Kiến An, 9 xã thuộc Hải Phòng, 40 xã thuộc Hồng Quang, 47 xã thuộc Hà Nội, 163 xã thuộc Hà Đông, 171 xã thuộc Nam Định, 45 xã thuộc Ninh Bình, 19 xã thuộc Thanh Hóa, 250 xã thuộc Nghệ An, 6 xã thuộc Hà Tĩnh, 118 xã thuộc Quảng Bình và 21 xã thuộc Vĩnh Linh tham gia CCRĐ.
Đợt năm CCRĐ diễn ra trờn một địa bàn rộng lớn xấp xỉ ẵ số xó toàn miền Bắc, có dân cư đông trên sáu triệu người, tại 20 tỉnh và thành phố lớn thuộc vùng có nhiều đồng bào công giáo, vùng giáp giới tuyến quân sự tạm thời. Vì vậy, đợt năm được Đảng, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, coi đó là “Chiến dịch Điện Biên chống phong kiến ở miền Bắc”, “đợt quyết định của phong trào, đồng thời cũng là đợt rất gay go và phức tạp” [131, tr. 240]. Ngày 1-12-1955, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam gửi thư đến các cán bộ CCRĐ để khích lệ
“những chiến sĩ của Mặt trận tổ quốc Việt Nam đi đầu trong cuộc đấu tranh chống phong kiến, địa chủ…những người thợ bồi đắp cho nền tảng Mặt trận thêm củng cố”.
Nông dân từ bao đời nay vốn có ước mơ được giải thoát khỏi ách áp bức và bóc lột của địa chủ phong kiến, có ruộng đất cày cấy cho nên đã tích cực, nhiệt tình tham gia đường lối và chính sách CCRĐ của Đảng. Đội công tác CCRĐ về làng, lập tức xóm làng bừng bừng khí thế đấu tranh chống giai cấp địa chủ. Đâu đâu cũng vang lên lời ca: “Nông dân là quân chủ lực, đội quân hùng hậu, không có nông dân thì kháng chiến không thể thành công…” [131, tr. 241]. Nông dân đã tỏ rõ sức mạnh “long trời lở đất” của giai cấp mình
trong cuộc đấu tranh chống giai cấp địa chủ. Nông dân nhất là bần cố nông, đã tích cực tham gia công tác CCRĐ trong cả bốn bước: từ học tập, tuyên truyền chính sách, ôn nghèo gợi khổ, tố khổ, bắt rễ, xâu chuỗi, bước đầu chỉnh đốn tổ chức cho đến phân định thành phần giai cấp, phân rõ ranh giới giữa nông dân với địa chủ, đấu tố địa chủ cường hào gian ác đầu sỏ, rồi đến tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất và tài sản của địa chủ đem chia cho nông dân và cuối cùng là chỉnh đốn tổ chức ở xã.
Nông dân, nhất là bần cố nông, nô nức gia nhập Nông hội xã vì Nông hội xã chẳng những là cơ quan chấp hành chính sách ruộng đất của Đảng và Nhà nước ở nông thôn mà trên thực tế còn nắm toàn bộ quyền lực chính trị ở xã dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đội công tác giảm tô và CCRĐ. Nông hội xã còn điều hành việc của chính quyền xã như: chỉ huy lực lượng du kích và công an, tổ chức tuần tra, canh gác, điều hành công việc sản xuất, thu thuế…
Tính đến cuối năm 1955, qua đợt bảy giảm tô ở 1.372 xã thuộc 19 tỉnh, thành đã phát động quần chúng giảm tô, có 1.662.017 nông dân gia nhập Nông hội, trong đó 48% là phụ nữ và 60% là bần, cố nông. Tính đến cuối đợt ba CCRĐ (6-1955) có 762.672 nông dân tham gia nhập Nông hội ở những xã đã CCRĐ [21]. Tính chung toàn bộ cuộc CCRĐ đã có tới gần năm triệu nông dân gia nhập nông hội, trong đó trên 60% là bần cố nông. Bần cố nông đóng vai trò chủ yếu trong Nông hội, nắm chức vụ quan trọng nhất: Bí thư Nông hội xã và trên 2/3 ủy viên Ban Chấp hành Nông hội xã.
Trong thời gian 3 năm 10 tháng (kể từ đầu cho tới khi hoàn thành), ta đã tiến hành 8 đợt giảm tô và 5 đợt CCRĐ. CCRĐ được tiến hành ở 3653 xã (xã mới chia lại) thuộc 22 tỉnh, bao trùm cả đồng bằng và trung du miền Bắc, gồm 2.435.518 gia đình, 10.700.000 nhân khẩu và 1,5 triệu ha ruộng đất (tức phần lớn ruộng đất của miền Bắc). Đã tịch thu, trưng thu và trưng mua 810.000 ha ruộng đất, trên 100.000 trâu bò, 1,8 triệu nông cụ chia cho 2,2
triệu hộ nông dân lao động gồm 9,5 triệu người (tức 72,8% số hộ ở nông thôn được chia ruộng đất) [99, tr. 138]. Thắng lợi này đã tạo tiền đề củng cố, phát triển miền Bắc về mọi mặt.
Thắng lợi của CCRĐ đã xóa bỏ quan hệ bóc lột phong kiến, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn và đưa nông dân lao động đến địa vị nắm trọn vẹn quyền làm chủ về chính trị ở nông thôn dưới sự chỉ đạo của Đảng. Theo tổng kết của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, thì trong CCRĐ “kết nạp 37.456 đảng viên trong số đó 99,2% là bần, cố nông, 0,8% là trung nông, đã xây dựng được 285 chi bộ mới và đào tạo được 59.950 cán bộ và cốt cán mới. Đã kết nạp thêm hơn 20.000 đoàn viên thanh niên lao động, 2.700.000 hội viên nông hội, 1.931.430 hội viên phụ nữ, xây dựng 190.249 tổ đổi công” [65, tr. 548]. Điều đó cho thấy CCRĐ góp phần quan trọng vào xây dựng chế độ mới, khôi phục kinh tế.
CCRĐ thắng lợi chẳng những thỏa mãn lợi ích và nguyện vọng của nông dân mà còn có tác dụng to lớn đối với việc khôi phục và phát triển nông nghiệp, mở đường thuận lợi cho việc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên CNXH.
Tuy nhiên, công tác CCRĐ (và công tác chỉnh đốn tổ chức gắn liền với CCRĐ) đã phạm những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài đã gây tổn thất lớn cho nhân dân và hạn chế nhất định những thành quả của CCRĐ, có hại đến chính sách đại đoàn kết dân tộc. Các sai lầm đó gồm:
Một là, vi phạm đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn, một số chính sách đã không phản ánh đúng thực tế lúc đó. Đối với giai cấp địa chủ, ta không phân biệt đối xử đúng mức với địa chủ có công với kháng chiến, địa chủ có con em đi bộ đội, viên chức nhà nước. Xâm phạm lợi ích của trung nông, có nơi bị đả kích. Do có sự gò ép phải tìm ra địa chủ theo tỉ lệ dân số nên có hiện tượng trung nông bị quy kết thành phú nông, phú nông thành địa
chủ… Chỉ thị 43/CT-TW tháng 7/1956 của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Phú nông bị gọi là “thằng”, là “tên”. Bà con của họ thị bị coi là “liên quan đến phú nông”, ra đường không có ai chào hỏi, không ai tiếp xúc vì sợ mất lập trường.
Nhiều địa chủ kháng chiến không được công nhận hoặc có công nhận thì cũng vẫn bị đối đãi như các địa chủ khác.
Có nơi con cái địa chủ là thương binh, bộ đội phục viên cũng bị đối đãi như địa chủ.
Có những tầng lớp khác không phải địa chủ nhưng đã bị coi là có bóc lột thì cũng bị đối đãi không khác địa chủ là mấy” [60, tr. 324]. Tình hình đó đã làm cho lực lượng chống phong kiến mỏng, mất đoàn kết, biến bạn thành thù.
Hai là, cường điệu việc trấn áp phản cách mạng đi đến trấn áp lan tràn cả những người nông dân vô tội, đánh cả vào nội bộ Đảng.
Ba là, không dựa vào tổ chức cũ, không giao cho tổ chức đảng địa phương lãnh đạo công tác giảm tô và CCRĐ nên không nắm được tình hình.
Mắc bệnh chủ nghĩa thành phần và khuynh hướng trừng phạt, lạm dụng các biện pháp phát động quần chúng, nặng đấu tố, nhẹ giáo dục, phổ biến hóa cách làm bắt rễ, xâu chuỗi, không kết hợp biện pháp hành chính với phát động quần chúng, ở nhiều nơi xảy ra tình trạng dùng nhục hình, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở: dùng nhục hình là dã man.
Sai lầm lớn nhất là trong việc chỉnh đốn tổ chức. Nhiều cán bộ, đảng viên thuộc giai cấp nông dân bị xử lý oan, trong đó có một số bị bắt, bị giam cầm, thậm chí bị tử hình, nhiều chi bộ bị tan rã. Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II nhận định: đây là một tổn thất đau đớn nhất,
“hàng trăm chi bộ bị giải tán, nhiều đảng viên bị xử lý oan sai, trong đó một số có công và được quần chúng mến phục. Kết quả là trong một thời gian tương đối dài, một số cơ sở của ta ở nông thôn bị tạm thời suy yếu, sự đoàn kết trong đảng bị tổn thương nặng” [65, tr. 557].
Về mặt chính trị, “những sai lầm trong CCRĐ, làm cho uy tín của Đảng và Chính phủ bị giảm sút trong quần chúng phần nào, tinh thần phấn khởi và lòng tin tưởng của cán bộ và quần chúng bị hạn chế, tình đoàn kết trong nông dân lao động tạm thời bị sút kém và quan hệ trong Mặt trận dân tộc thống nhất có lúc bị ảnh hưởng. Tất cả những điều đó không có lợi cho sự nghiệp củng cố miền Bắc mà còn ảnh hưởng không tốt đến cuộc đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà” [65, tr. 557].
Nguyên nhân của những sai lầm đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II chỉ ra là: “Nhận thức lý luận về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến trong cách mạng Việt Nam có chỗ không rõ, do chủ quan ta đã không xuất phát đầy đủ từ yêu cầu của nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến và những thay đổi quan trọng ở nông thôn Việt Nam sau cách mạng tháng Tám để định ra một số chủ trương, chính sách cụ thể về CCRĐ và chỉ đạo thực hiện cuộc phát động quần chúng thực hiện CCRĐ. Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là trong một thời gian dài những nguyên tắc sinh hoạt của một Đảng theo chủ nghĩa Mác- Lênin đã bị vi phạm, chế độ dân chủ tập trung, phương pháp lãnh đạo tập thể không được luôn luôn tôn trọng, dẫn đến chủ nghĩa mệnh lệnh trong công tác”
[65, tr. 557-558].
Tháng 4-1956, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa II) đã phát hiện sai lầm của công tác CCRĐ và chỉnh đốn tổ chức và đã ra chỉ thị sửa chữa sai lầm.
Ngày 18/8/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ, nói rõ thắng lợi và sai lầm của CCRĐ. Người nói: “Chúng ta cần phát huy những thắng lợi đã thu được, đồng thời chúng ta phải kiên quyết sửa chữa những sai lầm”.
“Ai bị vạch sai lên thành phần địa chủ, phú nông cần vạch lại cho đúng.
Đảng viên, cán bộ và nhân dân ai đã bị xử trí sai thì cần phải khôi phục, đảng tịch, quyền lợi và danh dự cho họ.
Đối với địa chủ, phải chiếu cố những địa chủ kháng chiến ủng hộ cách mạng và địa chủ có con là bộ đội, cán bộ.
Nhưng nơi đã nâng diện tích hoặc sản lượng quá mức cần phải điều chỉnh lại cho đúng.
Việc sửa chữa phải kiên quyết và có kế hoạch. Việc gì sửa được ngay thì phải làm ngay. Việc gì chưa sửa được ngay thì phải kết hợp trong kiểm tra lại mà làm” [106, tr. 236].
Tuy nhiên, những sai lầm đó, do quá nghiêm trọng đã ảnh hưởng không tốt tới tình hình nông thôn, đòi hỏi Đảng và Chính phủ phải có những chủ trương, chính sách cụ thể cho công tác sửa chữa sai lầm. Trước yêu cầu đó, Tháng 10-1956, Hội nghị Trung ương lần thứ 10 chủ trương kiên quyết sửa chữa sai lầm trong CCRĐ và chỉnh đốn tổ chức, phát huy những thắng lợi và thành quả đạt được, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn gây tinh thần phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất hoàn thành tốt công tác CCRĐ.
Hội nghị khẳng định: “Chúng ta không sợ vạch rõ sai lầm, khi đã thấy sai lầm thì chúng ta kiên quyết sửa chữa được”. Hội nghị đã đề ra hàng loạt chủ trương, biện pháp để sửa chữa sai lầm, khôi phục danh dự, quyền lợi cho những người bị xử oan và thi hành kỷ luật một số cán bộ có trách nhiệm.
Việc Đảng dũng cảm và công khai tự phê bình và thừa nhận sai lầm của mình trước nhân dân, đồng thời có ý thức trách nhiệm cao trong công tác sửa sai đã gây lại lòng tin trong nhân dân, trước hết là đông đảo nông dân miền Bắc. Một lần nữa, trong thử thách gay go, giai cấp nông dân miền Bắc lại chứng tỏ lòng tin yêu với Đảng. Bà con nông dân đã cùng với Đảng bình tĩnh, thận trọng sửa chữa sai lầm và phát huy những thắng lợi của CCRĐ.
Đến cuối năm 1957, công tác sửa sai đã đem lại những kết quả tốt đẹp.
Nông thôn dần dần ổn định lại, nội bộ Đảng đoàn kết, lòng tin của nông dân đối với Đảng được khôi phục. Nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tích cực tham gia phong trào đổi công xây dựng nông thôn mới XHCN, chính quyền nhân dân được ổn định và sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Đến lúc này, CCRĐ mới thật sự hoàn thành.
Về sau Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII (1991), đã kết luận thêm về vấn đề thắng lợi, sai lầm và nguyên nhân sai lầm của CCRĐ như sau:
“Căn cứ trên những kết quả đạt được và căn cứ vào hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc dân chủ, thì việc tiếp tục giải quyết vấn đề ruộng đất, xóa bỏ những tàn dư của chế độ phong kiến là cần thiết.
Căn cứ tình hình thực tế nông thôn miền Bắc nước ta sau năm 1954, căn cứ vào số ruộng chia cho nông dân trong CCRĐ, căn cứ tác hại rất nghiêm trọng của sai lầm CCRĐ và chỉnh đốn tổ chức, thì chủ trương CCRĐ như đã làm là không cần thiết. Đó là vì, trước khi tiến hành CCRĐ, giai cấp địa chủ, chế độ phong kiến đã căn bản bị xóa bỏ và mục tiêu người cày có ruộng đã căn bản thực hiện với tỉ lệ hơn 2/3 ruộng đất vào tay nông dân, với quyền làm chủ của nông dân trong nông thôn đã được thực hiện từ Cách mạng tháng Tám đến kháng chiến chống Pháp. Kinh nghiệm ở miền Nam sau khi hoàn toàn giải phóng cho thấy, mặc dầu vấn đề ruộng đất có những phức tạp, nhưng có thể thực hiện mục tiêu người cày có ruộng bằng con đường thích hợp” [32, tr. 72].
Mặc dù có những sai lầm nghiêm trọng, song cuộc CCRĐ bao gồm cả sửa sai cho thấy nông dân là lực lượng chủ yếu của cách mạng và nông thôn là địa bàn trọng yếu của Đảng và Nhà nước trong mọi thời kỳ cách mạng.