Chương 1: Đảng vận động nông dân miền Bắc giai đoạn 1954-1960
1.3 Chủ trương vận động nông dân miền Bắc tham gia cải tạo nông nghiệp
1.3.2 Đảng vận động nông dân tham gia phong trào hợp tác hóa nông nghiệp
Sau hòa bình lập lại (7-1954), cùng với CCRĐ, Đảng chủ trương khuyến khích vận động nông dân tham gia các tổ đổi công, giúp đỡ nhau đẩy mạnh sản xuất, vừa là để tập dượt cho nông dân quen dần với nền nếp làm ăn tập thể và làm thử hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Liên tiếp trong 3 năm 1955-1957, nhiều Hội nghị đổi công toàn miền Bắc đã được tổ chức (lần I: tháng 5/1959; lần II: tháng 3/1956, lần III: tháng 5/1957) để bàn về nhiệm vụ củng cố và phát triển phong trào đổi công.
Đường lối, phương châm và nguyên tắc tổ chức tổ đổi công cũng lần lượt được quy định và bổ sung cụ thể hơn. Cho đến tháng 6-1956, đã có hơn 19 vạn tổ hoạt động, thu hút 58,7% số hộ nông dân tham gia. Thời gian này, phong trào đổi công đã có tác dụng lớn trong việc khôi phục kinh tế và phát triển sản xuất, nhất là trong phòng chống thiên tai. Nhờ có công tác đổi công, trong vụ mùa năm 1956, nông dân miền Bắc đã cứu được hàng vạn mẫu lúa, khoai khỏi bị ngập úng. Ngoài ra việc huy động nhân công làm thủy lợi, khai hoang… đều dựa trên cơ sở các tổ đổi công.
Đến khi phát hiện ra sai lầm CCRĐ, phong trào tổ đổi công có bị ảnh hưởng. Cuối năm 1956, đầu năm 1957, hàng loạt tổ đổi công ngừng hoạt động. Một số nơi đã xây dựng thành HTX rồi cũng bị giải thể.
Sau Hội nghị tổng kết đổi công lần thứ III (tháng 5-1957), phong trào đổi công được phát triển trở lại. Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1957, các địa
phương đã liên tục mở lớp huấn luyện đổi công: 269 lớp đã được mở, thu hút 16.600 người dự. Riêng khu Tả ngạn có 125 lớp, tập trung 6.240 cán bộ tỉnh, huyện, tổ trưởng đổi công tham gia học tập.
Đến tháng 11/1957, sau nửa năm khôi phục và củng cố, số tổ đổi công đã lên tới 85.691 tổ, trong đó có 17.413 tổ hoạt động thường xuyên, 1.782 tổ áp dụng phương pháp bình quân chấm điểm. Con số này so với thời điểm đầu năm 1957 đã tăng lên rất nhiều, nhưng so với năm 1956 thì vẫn chưa tới một nửa. Tại Liên khu IV, 68% các tổ đổi công đã hoạt động trở lại. Tại khu tự trị Thái Mèo, số tổ đổi công thời kỳ này còn nhiều hơn năm 1956.
Cùng với việc thúc đẩy phong trào đổi công, tháng 8 năm 1955, tại Hội nghị TW lần thứ 8 (Khoá II), Đảng chủ trương xây dựng thí điểm một số HTX nông nghiệp bậc thấp, lấy đó làm cơ sở thực tiễn để định hướng cho công cuộc cải tạo XHCN đối với nông nghiệp. Bước đầu, ba HTX thí điểm đầu tiên được thành lập vào đầu năm 1955 là HTX Hùng Vương (Ninh Bình) gồm 13 hộ, 7,8 ha đất canh tác, HTX Phú Xá (Phú Thọ) gồm 13 hộ, 10 ha đất canh tác và HTX Trần Hưng (Vĩnh Phúc) gồm 14 hộ, 8,2 ha đất canh tác [139, tr. 263]. Mô hình thí điểm được nhân rộng dần dần. Năm 1956 toàn miền Bắc có 37 HTX và đến tháng 10-1957, có 45 HTX.
Bước đầu thực hiện thí điểm, một số HTX đã đạt được những kết quả khả quan, sản xuất tăng, thu nhập của các hộ nông dân nhờ đó cũng tăng. Tuy nhiên, so với các tổ đổi công và so với trung nông thì HTX vẫn chưa thể hiện rõ tính ưu việt của nó. Hơn nữa, trong quá trình vận hành, bộ máy quản lý HTX tỏ ra vẫn còn lúng túng.
Trước tình hình trên, tháng 10-1957, Hội nghị sơ kết công tác thí điểm xây dựng HTX nông nghiệp miền Bắc đã họp và đưa ra một số nhận xét:
1. Sản xuất của HTX chưa hơn hẳn tổ đổi công và nếu đem so với trung nông thì còn kém hơn nhiều.
2. Phần lớn các HTX còn lúng túng trong khâu quản lý như không lập được kế hoạch sản xuất, chi phí sản xuất cao, quản lý tài chính kém hiệu quả và không minh bạch nên làm giảm lòng tin của xã viên.
3. Do sự tổ chức kém hiệu quả nên nhiều xã viên đã xin ra HTX. Trong số này có nhiều người là đảng viên. Theo điều tra tại 37 HTX năm 1957 thì trong số xã viên xin ra HTX, đảng viên chiếm tỉ lệ 30%.
4. Thu nhập của phần lớn xã viên đều giảm sút. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất, liên quan đến khả năng vận động nông dân tham gia và giữ họ ở lại với HTX.
Từ thực tế trên, Hội nghị đã chủ trương củng cố các HTX thí điểm về mặt lao động, sản xuất và tài vụ. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đề ra mục tiêu năm 1958 mở rộng thí điểm lên đến 234 HTX; năm 1960 hoàn thành xây dựng các tổ đổi công, đưa 20% hộ nông dân vào HTX bậc thấp, và thí điểm xây dựng HTX bậc cao [134, tr. 11]
Sang năm 1958, Đảng quyết định mở rộng phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trên phạm vi toàn miền Bắc coi đó là “khâu then chốt” của sự nghiệp cải tạo XHCN. Thực hiện chủ trương trên, Đảng và Chính phủ đã tiến hành một loạt các chủ trương và biện pháp lớn thúc đẩy phong trào HTHNN.
Để động viên các tập thể và cá nhân có những thành tích xuất sắc trong phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp, Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ hai (từ ngày 7 đến 9-9- 1958) đã long trọng tuyên dương thành tích của 17 tổ đổi công và HTX nông nghiệp được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì và Huân chương lao động hạng Ba, cho chín anh hùng lao động nông nghiệp và 136 chiến sĩ thi đua nông nghiệp. Chín anh hùng lao động nông nghiệp đều là những người đi đầu trong phong trào hợp tác hóa và phát triển nông nghiệp [131, tr. 263].
Ngoài ra Đảng còn chủ trương và tiến hành giáo dục lý luận chính trị về thời kỳ quá độ lên CNXH cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và nhân viên nhà nước nhằm nâng cao giác ngộ về CNXH. Các chi bộ nông thôn và nông dân được giáo dục về “hai con đường”
ở nông thôn để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa CNXH và CNTB ở miền Bắc nước ta. Báo Nhân dân cùng các cơ quan thông tin đại chúng khác mở các cuộc thảo luận về hai con đường làm ăn tập thể và cá thể ở nông thôn.
Các lớp tập huấn về xây dựng và quản lý HTX được mở ra ở Trung ương, ở tỉnh, ở huyện. Hàng loạt cán bộ xã, huyện, tỉnh được cử đi tập huấn về HTX nông nghiệp và đi tham quan, học tập các nơi đã làm thử HTX nông nghiệp, nhất là các điển hình tiên tiến.
Ban công tác nông thôn các cấp được tăng cường để chỉ đạo phong trào HTHNN. Nhà nước tích cực giúp đỡ HTX nông nghiệp về vốn, vật tư kỹ thuật và cán bộ.
Thực hiện chủ trương của Đảng, các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh cuộc vận động nông dân tham gia phong trào đổi công và hợp tác hóa. Cả miền Bắc sống động khí thế của cao trào cách mạng XHCN, nông dân nhất là bần cố nông đã hăng hái gia nhập HTX nông nghiệp. Đến cuối năm 1958, đã có 1.770.000 hộ nông dân tham gia tổ đổi công, chiếm 65,7%
tổng số hộ nông dân và 4.823 HTX (trong đó có 20 HTX bậc cao) với khoảng 17,7% tổng số hộ nông dân tham gia [48, tr. 18] - vượt kế hoạch 20 lần số dự kiến ban đầu là 244 HTX.
Đến giữa năm 1959, cao trào HTX nông nghiệp ở nông thôn bắt đầu hình thành, tháng 4-1959 có 7000 HTX, đến tháng 8-1959 đã có trên 16.000 HTX với 21% tổng số hộ nông dân.
Ở miền Núi, phong trào HTX nông nghiệp kết hợp với cải cách dân chủ, xóa bỏ những tàn dư của chế độ bóc lột phong kiến và tiền phong kiến được
tiến hành từ cuối năm 1959 cũng đưa lại kết quả, đến giữa năm 1960, 40% số hộ nông dân miền núi đã tham gia HTX nông nghiệp [131, tr. 264].
Tuy nhiên, do tình trạng ra đời ồ ạt các HTX ở khắp các địa phương nên khi phong trào được đẩy lên mức cao nhất, mô hình HTX đã bắt đầu bộc lộ những nhân tố bất ổn, trước hết là do cách tổ chức vội vã, thiếu thận trọng, không đảm bảo chất lượng. Trong khi các HTX mới liên tiếp ra đời thì số HTX phải giải tán cũng không ngừng tăng lên. Đông xuân 1958-1959, tại 7 tỉnh có hơn 20 HTX tan rã, 5.500 hộ xã viên xin ra HTX. Trước tình hình đó, Trung ương nhắc nhở các địa phương “phải coi trọng công tác củng cố HTX, củng cố đi đôi với phát triển, lấy củng cố làm chính”. Có thể nói với khát vọng xây dựng một xã hội công bằng, không còn sự phân hóa giàu nghèo, không còn bóc lột, đã có một xu hướng nôn nóng, thôi thúc quá trình HTX nông nghiệp. Điều này khiến cho người nông dân vừa mới trải qua cuộc CCRĐ chưa được bao lâu, không có thời gian để kịp “suy nghĩ trên mảnh đất của mình” và do đó nguyên tắc “tự nguyện” đã không được thực thi. Vì nóng vội, có nơi đã xây dựng những HTX bậc cao mà không qua tập dượt tổ đổi công, lại dùng các biện pháp có tính chất cưỡng bức để ép buộc nông dân vào HTX. Từ đó dẫn đến tình trạng ở một số nơi nông dân không mặn mà với HTX, làm ẩu, làm dối để đói phó với HTX.
Chính vì lí do đó mà đến cuối năm 1958, chủ trương tiến hành HTX vẫn chưa giành được sự ủng hộ hoàn toàn của nông dân và ngay cả trong đội ngũ đảng viên. So với giai đoạn trước thì số người xin ra khỏi HTX giảm đi, nhưng vẫn còn HTX giải thể vì không có khả năng duy trì hoạt động, nhất là ở vùng cao. Vì vậy Đảng chủ trương tiến hành chỉnh huấn trong Đảng, tranh luận về hai con đường XHCN và CNTB. Sau cuộc chỉnh huấn này, quan điểm chính trị của các đảng viên được xác định rõ ràng rằng CNXH là con đường duy nhất để giải phóng giai cấp nông dân.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước còn mở các lớp tập huấn về xây dựng và quản lý HTX được mở ra từ Trung ương tới tỉnh, huyện; ban Công tác nông thôn được tăng cường, Nhà nước tích cực hỗ trợ về vốn, vật tư, kỹ thuật… Từ giữa năm 1959 cuộc vận động HTX nông nghiệp được triển khai đều khắp và trở thành cao trào rộng lớn.
Tại Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Kiến An, Phú Thọ, HTX tổ chức treo cờ, kẻ khẩu hiệu, tổ chức cho thiếu nhi rước đuốc.. để cổ động.
Các Hội nghị, các cuộc tranh luận được tổ chức dưới nhiều hình thức như: họp tổ đổi công, họp xã viên, họp những nông dân ngoài HTX, họp nhóm một vài gia đình, một số người đi chợ, nhóm gia đình Công giáo…
Ở đồng bằng, cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp được triển khai trên quy mô lớn. Đến năm 1960 có 89,4% số hộ nông dân đã đi vào con đường làm ăn tập thể. Ở trung du có 91% số hộ nông dân tham gia vào HTX.
Ở miền núi, từ năm 1959 cuộc cải cách dân chủ được tiến hành đồng thời với phong trào hợp tác hoá, đến năm 1960 đã có 75,6% số hộ nông dân tham gia HTX nông nghiệp. Ở miền biển, vào cuối năm 1960 có 78% số lao động và 75% tàu thuyền đã tham gia phong trào tập thể hoá [134, tr. 16].
Nhìn tổng thể, đến cuối năm 1960, trên phạm vi toàn miền Bắc căn bản đã hoàn thành xây dựng HTX bậc thấp, thu hút 2,4 triệu hộ nông dân, chiếm 85,4% tổng số hộ, với 76% tổng diện tích canh tác nông nghiệp. Cũng vào thời điểm đó, đã có 4.346 HTX bậc cao. Tại một số địa phương đã thí điểm xây dựng HTX quy mô toàn xã [134, tr. 16].
Trong thời kỳ 1955-1957, mạng lưới HTX mua bán ở nông thôn phát triển nhanh chóng. Từ 35 HTX mua bán và 122 cửa hàng bán lẻ cùng với 5 tổ bán hàng năm 1955 đã phát triển lên 154 cơ sở, 609 cửa hàng bán lẻ, 77 trạm thu mua nông sản, 202 tổ bán hàng và 211 tổ thu mua thời vụ vào năm 1957 [131, tr.256]. Mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của HTX mua bán tăng 33,7
lần từ năm 1955 đến năm 1957. HTX mua bán ở nông thôn cùng với thương nghiệp quốc doanh đã có tác dụng ổn định thị trường, cải thiện dân sinh, đồng thời hạn chế và cải tạo tư thương. Ngay từ ngày đầu nông dân ở những nơi thành lập HTX mua bán đã tích cực tham gia HTX, góp cổ phần, mua hàng và bán nông sản ở cửa hàng HTX mua bán.
Đồng thời với việc xây dựng thí điểm HTX nông nghiệp, từ tháng 7- 1956, theo chỉ thị 15/-TW của Ban Bí thư, các địa phương bắt đầu xây dựng HTX tín dụng, nông dân ở nhiều nơi đã hưởng ứng mạnh mẽ, đầu năm 1957 ở miền Bắc có 230 HTX tín dụng được lập ra. HTX tín dụng đã góp phần tích cực giúp nông dân có thêm vốn sản xuất cũng như giải quyết khó khăn trong đời sống và trong việc đấu tranh chống nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Trong giai đoạn này, HTX mua bán, HTX tín dụng phát triển với tốc độ khá nhanh. Năm 1960 toàn miền Bắc có 242 HTX mua bán với gần 1,8 triệu xã viên và 4.690 HTX tín dụng ở đồng bằng, trung du; hơn 600 quỹ tín dụng nhân dân ở miền núi [134, tr. 16]
Nhìn tổng thể, đến cuối năm 1960, trên phạm vi toàn miền Bắc căn bản đã hoàn thành xây dựng HTX bậc thấp, thu hút 2,4 triệu hộ nông dân, chiếm 85,4% tổng số hộ, với 76% tổng diện tích canh tác nông nghiệp. Cũng vào thời điểm đó, đã có 4.346 HTX bậc cao. Tại một số địa phương đã thí điểm xây dựng HTX quy mô toàn xã [134, tr. 18]. Đó là sự kiện lịch sử lớn lao của phong trào cách mạng của nông dân cũng như toàn miền Bắc. Chế độ bóc lột tồn tại hàng ngàn năm ở nông thôn bị xóa bỏ. Giai cấp nông dân có bước nhảy vọt lớn: từ nông dân cá thể trở thành nông dân tập thể. Việc cải tạo XHCN đã có tác động tích cực góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là trong điều kiện có chiến tranh. HTX đã đảm bảo những điều kiện cần thiết về tinh thần, vật chất và chính trị cho những người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Thắng lợi của phong trào HTHNN còn thể hiện trong việc hợp tác hóa kết hợp với thủy lợi hóa. Nhiều công trình thủy lợi nhỏ và vừa được tiếp tục xây dựng, bảo đảm tưới tiêu cho đồng ruộng của HTX và của nông dân lao động. Một số công trình thủy lợi lớn được khởi công xây dựng tiêu biểu là công trình thủy lợi Bắc - Hưng - Hải.
Tuy nhiên, trong phong trào HTHNN, do chủ trương cải tạo nóng vội, duy ý chí, vi phạm nguyên tắc tự nguyện, do mô hình HTX sản xuất nông nghiệp có nhiều khuyết tật, tư liệu sản xuất tách ra khỏi người nông dân khiến họ không thật hăng hái tham gia sản xuất, do công tác quản lý HTX có nhiều thiếu xót, tệ quan liêu, lãng phí, tham ô phát sinh… khiến cho năng suất lao động và thu nhập của xã viên nông dân chưa cao, thậm chí có khi có nơi còn bị giảm so với nông dân làm ăn cá thể. Nông dân hăng hái tham gia HTX chủ yếu do nhiệt tình cách mạng, lòng tin vào Đảng và Chính phủ, tức là dựa vào tình cảm, chứ chưa phải là do sự thuyết phục của thực tế sản xuất tập thể đã hơn hẳn sản xuất cá thể. HTX chưa có tính thuyết phục cao đối với nông dân.
Vì vậy trong những năm 1958-1960, đã có hàng nghìn hộ nông dân xin ra khỏi HTX. Vậy là ngay buổi đầu, HTX nông nghiệp có một số dấu hiệu chưa lành mạnh.
Tiểu kết chương 1
Sau hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau, là đặc điểm lớn nhất của cách mạng nước ta trong giai đoạn cách mạng mới. Đặc điểm này đòi hỏi Đảng và nhân dân ta phải tiếp tục, kiên trì đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà và đưa miền Bắc tiến lên CNXH. Những nhiệm vụ đó quan hệ mật thiết với nhau, nhằm thực hiện mục tiêu chung trước mắt. Bởi vậy, việc vận động nông dân miền Bắc khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc là thời kỳ đầu tiên trong quá trình xây dựng miền Bắc quá
độ lên CNXH, đòi hỏi phải được tiến hành khẩn trương, vững chắc, phù hợp với hoàn cảnh quốc tế và nước ta.
Từ 1954-1960, thời gian tuy không dài, với nhiều nhiệm vụ khó khăn và phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh được sự ủng hộ của giai cấp nông dân miền Bắc và sự giúp đỡ của các nước XHCN anh em, công cuộc khôi phục kinh tế và cải tạo nền nông nghiệp nước ta theo hướng CNXH đã đạt được những thành quả nhất định: chỉ sau ba năm (1954- 1957), dưới sự vận động, lãnh đạo của đảng giai cấp nông dân miền Bắc đã hoàn thành CCRĐ, xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến, thực hiện triệt để khẩu hiệu “người cày có ruộng”, từng bước đưa nông dân vào làm ăn tập thể, cơ bản hoàn thành cải tạo XHCN đối với sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện cơ sở vật chất và những điều kiện cần thiết để miền Bắc bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
Những thành tựu trong khôi phục kinh tế và cải tạo nông nghiệp 1954- 1960, đã làm cho miền Bắc thay đổi nhanh chóng, chế độ XHCN từng bước được thiết lập, đời sống nhân dân được cải thiện, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Tuy nhiên, một số sai lầm trong CCRĐ và những biểu hiện nôn nóng, chủ quan trong quá trình chỉ đạo cải tạo XHCN đã hạn chế thắng lợi công cuộc cải tạo, phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến tiến độ phát triển, gây khó khăn cho thời kỳ sau.