Chủ trương của Đảng vận động nông dân miền Bắc giai đoạn 1961-

Một phần của tài liệu đảng với cuộc vận động nông dân miền bắc giai đoạn 1954 1965 (Trang 64 - 76)

Chương 2: Đảng vận động nông dân miền Bắc giai đoạn 1961-1965

2.1 Hoàn cảnh lịch sử và chủ trương vận động nông dân của Đảng

2.1.2 Chủ trương của Đảng vận động nông dân miền Bắc giai đoạn 1961-

Vào thời điểm phong trào hợp tác hoá được đánh giá “căn bản đã hoàn thành”, tháng 9/1960, Đảng triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, họp tại Hà Nội nhằm xây dựng cách mạng XHCN ở miền Bắc và vạch ra phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đại hội là Đại hội kháng chiến, Đại hội lần này là Đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà” [70, tr.486]. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam là đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh

cách mạng XHCN ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và CNXH. Đại hội đã đề ra mục tiêu chung của cách mạng cả nước, cũng là nhiệm vụ chung của cách mạng hai miền Nam - Bắc là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước. Đại hội xác định đường lối chung của cách mạng XHCN ở miền Bắc là: “Đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống phấn đấu anh dũng lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước XHCN anh em do Liên Xô đứng đầu, để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường phe XHCN, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới” [71, tr. 558-559]. Việc nắm vững đường lối chung đó bảo đảm cho cuộc vận động nông dân miền Bắc của Đảng trong công cuộc xây dựng kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) cũng như việc thực hiện vai trò hậu phương lớn cho cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam đạt được những kết quả tốt đẹp.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu thực tại của miền Bắc, Đảng cũng xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng XHCN ở miền Bắc lúc này là công cuộc cải tạo XHCN trong đó lấy cải tạo nông nghiệp là khâu chính và nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ công cuộc cải tạo XHCN. Trong đó, Đảng xác định vị trí quan trọng của nền kinh tế nông nghiệp miền Bắc và vai trò đặc biệt không thể thiếu được của giai cấp nông dân miền Bắc, lực lượng sản xuất chính trong xã hội và cũng chính là lực lượng tham gia cách mạng đông đảo nhất. Vì vậy, để thực hiện được đường lối xây dựng cách mạng XHCN, Đảng chủ trương tận dụng, phát huy mọi thế mạnh vốn có nhất của nông dân miền Bắc đó là tinh thần cách mạng triệt để nhất: “Trong nền kinh

tế quốc dân miền Bắc, nông nghiệp chiếm một bộ phận rất quan trọng và nông dân là lực lượng sản xuất to lớn. Do vậy, muốn đưa miền Bắc tiến lên CNXH, chúng ta phải đi lên từ nông nghiệp, phải dựa vững vào lực lượng nông dân lao động và phát huy tính tích cực cách mạng của họ” [71, tr. 537]. Miền Bắc đã hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế và giành thắng lợi trong kế hoạch ba năm phát triển kinh tế và văn hóa, thu được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đặc biệt là thành công bước đầu trên mặt trận sản xuất nông nghiệp với công cuộc xây dựng HTHNN bậc thấp và dần xóa bỏ nền kinh tế cá thể vốn tồn tại cố hữu trong cuộc sống nông dân miền Bắc. Đây là những thuận lợi căn bản để miền Bắc tiến hành công cuộc cải tạo XHCN theo phương hướng và nhiệm vụ cải tạo nông nghiệp được đề ra từ Đại hội III của Đảng. “Mục đích chính là chúng ta dùng con đường HTHNN kết hợp cải tạo quan hệ sản xuất với cải tiến kỹ thuật và giáo dục tư tưởng, bắt đầu đi từ tổ đổi công đến HTX bậc thấp và HTX bậc cao, từ HTX quy mô nhỏ đến HTX quy mô lớn, đồng thời phát triển những HTX mua bán và HTX vay mượn, nhằm biến nông dân cá thể thành nông dân tập thể, biến sản xuất cá thể thành sản xuất tập thể, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới” [71, tr. 536].

Để vận động nông dân miền Bắc tích cực tham gia cách mạng XHCN, Đảng phải đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của người nông dân, đó là xây dựng một nền nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Muốn vậy, Đảng phải lãnh đạo nông dân hoàn thành HTHNN trong công cuộc xây dựng kinh tế 5 năm (1961-1965), đồng thời tích cực phát triển các nông trường quốc doanh bởi vì đây là điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến và thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Trong bài Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đảng đã chỉ ra mục tiêu của HTHNN là hoàn thành cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, hoàn thành việc hợp

tác hóa ở bậc thấp để đưa toàn bộ các HTX bậc thấp lên HTX bậc cao, đồng thời thống nhất những HTX có quy mô nhỏ thành những HTX có quy mô lớn.

Trong đó, các HTX không chỉ kinh doanh nông nghiệp, quản lý tín dụng trong nông thôn mà còn xây dựng một số xí nghiệp công nghiệp địa phương cần thiết và có thể xây dựng. Vì vậy, để thực hiện tốt hợp tác hóa trong nông nghiệp, nông dân là đối tượng chính được Đảng đặc biệt quan tâm. Đảng đã chủ trương giáo dục họ về tư tưởng XHCN và nhấn mạnh phải luôn phát huy được tinh thần cách mạng vốn có của họ để hoàn thành HTHNN: “Do nông dân lao động nước ta giàu tinh thần yêu nước và tinh thần cách mạng, tuyệt đối tin tưởng ở Đảng, và do Đảng ta kiên quyết đưa nông dân miền Bắc lên con đường XHCN, là con đường ấm no và hạnh phúc cho nên phong trào hợp tác hóa nói chung phát triển khá nhanh. Để hoàn thành tốt việc HTHNN, phải không ngừng giáo dục cho toàn thể xã viên tư tưởng XHCN, làm cho ai nấy đều coi công việc của HTX như công việc của nhà mình, đoàn kết chặt chẽ với nhau, cùng nhau ra sức phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng HTX. Công tác giáo dục tư tưởng đối với nông dân là một công tác thường xuyên và lâu dài, phải làm đi làm lại một cách kiên nhẫn” [71, tr. 569-570]. Do đó, muốn cho các HTX và các xã viên trong HTX phát huy được đầy đủ tính ưu việt hơn hẳn so với làm ăn cá thể trước kia, thì vấn đề mấu chốt là đẩy mạnh tăng năng suất lao động và phát triển sản xuất. Vì vậy, Đảng phải chú trọng tăng cường hơn nữa công tác quản lý, cải tiến tổ chức lao động cũng như cải tiến kỹ thuật, bảo đảm không ngừng tăng thu nhập của các xã viên HTX, vừa làm tăng thêm tích lũy của HTX, vừa làm cho các xã viên HTX có cơ sở kinh tế vững chắc hơn. Với chủ trương phát triển HTX, đời sống xã viên ngày càng được nâng cao hơn, đảm bảo tốt hơn trong cuộc vận động nông dân miền Bắc làm cách mạng XHCN, đồng thời là hậu phương lớn cho nhân dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng, trong Nghị quyết cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân năm 1961, Đảng đã tiến hành một cuộc vận động lớn về tư tưởng không chỉ trong nội bộ Đảng mà cả ngoài quần chúng nhân dân, nhằm tạo nên một luồng sinh khí mới trong quần chúng lao động, đảm bảo hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước và thúc đẩy cách mạng phát triển lên những bước mới. Tinh thần chung của cuộc chỉnh huấn nhằm: “Tăng thêm lòng tin tưởng và phấn khởi, tăng thêm nghị lực và quyết tâm để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của nhân dân phát triển mạnh mẽ, hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm và trước mắt là hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 1961, tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng” [73, tr. 210].

Ngày 27 tháng 2 năm 1961, Bộ Chính trị (Khoá III) ra Nghị quyết 13/NQTW về nhiệm vụ và phương hướng công tác HTX nông nghiệp. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nêu ra ba nhiệm vụ phải tập trung giải quyết trong năm 1961, đó là: củng cố HTX, mở rộng quy mô HTX, đẩy mạnh việc phát triển sản xuất toàn diện. Trong ba nhiệm vụ đó, nhiệm vụ mở rộng quy mô HTX để phát triển lực lượng sản xuất, đưa HTX bậc thấp lên bậc cao là nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ, “đưa HTX bậc thấp lên bậc cao là một bước biến đổi về chất lượng của phong trào hợp tác hoá, nhằm xoá bỏ hoàn toàn chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, thiết lập chế độ sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất và thực hiện nguyên tắc phân phối hoàn toàn theo lao động” [74, tr. 225].

Nhằm xác định phương hướng, nhiệm vụ và các biện pháp lớn để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tháng 7-1961, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) tiến hành Hội nghị lần thứ năm bàn về sản xuất nông nghiệp.

Hội nghị nhận định: chúng ta đã “căn bản hoàn thành cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp theo hình thức HTX nông nghiệp bậc thấp… Chế

độ bóc lột người ở nông thôn đã căn bản bị xoá bỏ, lao động tập thể căn bản thay thế lối làm ăn cá thể… Những sự biến đổi lớn lao đó làm cho nền kinh tế quốc dân miền Bắc đã trở nên thuần nhất gồm hai hình thức sở hữu chủ yếu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể” [75, tr. 414].

Đánh giá công cuộc cải tạo nông nghiệp, Hội nghị cho rằng, phong trào mạnh, song chưa thật vững. Để đưa phong trào phát triển vững chắc cần khắc phục tốt ba hạn chế, đó là:

Một là: Đội ngũ cán bộ yếu, không biết quản lý, không biết điều hành Không lập được kế hoạch và phương hướng sản xuất, quản lý tài chính không minh bạch, nhiều nơi xảy ra lãng phí, tham ô; tác phong quan liêu, mệnh lệnh, mất dân chủ còn nặng, thậm chí có nơi nghiêm trọng.

Hai là: Việc giáo dục chính trị tư tưởng chưa được coi trọng; chấp hành đường lối, phương châm, chính sách hợp tác hoá của Đảng chưa nghiêm, các nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc phân phối bị vi phạm.

Ba là: Việc cải tiến nông cụ còn yếu, kỹ thuật canh tác làm chưa đúng và đầy đủ, cơ sở vật chất của HTX còn nghèo nàn [75, tr. 416].

Hội nghị còn cho rằng, trong phong trào hợp tác hoá, Đảng đã quá nhấn mạnh tới cải tạo quan hệ sản xuất mà chưa thật sự coi trọng công tác cải tiến kỹ thuật; quá nhấn mạnh tới kinh tế tập thể mà chưa chú ý thích đáng tới kinh tế phụ của gia đình xã viên, quá nhấn mạnh tới cây lúa và thâm canh mà chưa chú ý tới phát triển toàn diện nền nông nghiệp và khai hoang, phục hoá…

thêm vào đó, trong quá trình chỉ đạo, “do nhận thức về vấn đề nông nghiệp còn giản đơn, cho nên chúng ta có phần chủ quan; do chưa thấy hết khả năng của chúng ta, cho nên có phần bảo thủ; do chưa nắm đầy đủ tình hình thực tế nước ta, cho nên có phần giáo điều. Đồng thời cũng do trình độ vận dụng lý luận chưa cao và năng lực nắm chính sách còn yếu, do lề lối làm việc còn quan liêu…” [75, tr. 419] nên dẫn đến những yếu kém, khuyết điểm trên.

Về cải tạo nông nghiệp, Đảng chỉ rõ, cải tạo XHCN đối với nền nông nghiệp là cải tạo toàn bộ phương thức sản xuất, biến nền sản xuất cá thể thành nền sản xuất tập thể quy mô lớn. Vì vậy phải tập trung sức lao động và tư liệu sản xuất của bần nông và trung nông lại để xây dựng một phương thức sản xuất mới, có một tổ chức lao động mới, một sự phân công lao động mới. Chỉ việc tập trung tư liệu sản xuất lại, tổ chức lao động tập thể, đã có thể tạo ra một lực lượng sản xuất mới. Muốn cho việc tập trung sức lao động lại để trở thành một lực lượng sản xuất mới thì sức lao động phải đạt đến một một số lượng nhất định mới đẻ ra sự phân công lao động mới, do đó có sự nhảy vọt về lực lượng sản xuất. Vì vậy, vấn đề mở rộng quy mô HTX là khâu chính trong việc củng cố HTX. Có thể so sánh việc mở rộng quy mô HTX như hiện nay như giai đoạn công trường thủ công trong quá trình phát triển của CNTB.

Từ quan điểm trên, Hội nghị cho rằng, trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) phải hoàn thành cải tạo nông nghiệp. Trong hai năm (1961- 1962) phải tập trung lực lượng, củng cố và phát triển tốt các HTX quy mô từng thôn, từ 150 đến 200 hộ trở lên ở vùng đồng bằng và trung du; phải tập trung, thống nhất quản lý; thống nhất phân phối và thực hiện chế độ ba quản:

quản lý lao động, quản lý tài vụ, quản lý phân phối…

Trong giai đoạn này, vấn đề mở rộng quy mô HTX luôn được coi là vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế nông nghiệp miền Bắc. Chỉ thị của Ban Bí thư tháng 11-1961 đã đưa ra một số chính sách trong khi tiến hành hợp nhất mở rộng quy mô HTX sản xuất nông nghiệp. Việc hợp nhất các HTX nhỏ thành các HTX lớn là vấn đề rất quan trọng, bởi vì vấn đề này không chỉ có ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô của HTX mà còn ảnh hưởng đến tinh thần sản xuất, ý thức tích lũy và niềm tin của các xã viên đối với HTX cũng như đối với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Luôn đề cao công tác giáo dục về tư tưởng và phẩm chất tập thể XHCN cho

các xã viên trong HTX, Ban Bí thư cũng nêu rõ: “Phải nắm vững nguyên tắc tự nguyện, công bằng, cùng có lợi, lợi cho sản xuất, lợi cho đoàn kết trong khi giải quyết những vấn đề cụ thể”. [76, tr. 544]. Trên cơ sở đó, Ban Bí thư cũng đề ra một số chủ trương cụ thể nhằm mở rộng quy mô HTX, tránh việc đụng chạm đến quyền lợi của nhau giữa các xã viên trong HTX. Như vấn đề quỹ của HTX bao gồm có quỹ tích lũy và quỹ công ích, cả hai đều là quỹ chung của HTX. Do đó, khi hợp nhất hai quỹ thì phải rành mạch, rõ ràng và quan trọng là được sự tự nguyện và đồng tình của các xã viên trong HTX, bởi vì trong quá trình xây dựng và phát triển HTX có sự phát triển không đều nhau giữa HTX cũ và HTX mới, vì vậy dễ dẫn đến sự chênh lệch về quỹ không chia giữa các HTX. Nhiệm vụ của Đảng phải làm lúc này đó là: “Cần giáo dục cho xã viên thấy rằng hợp nhất HTX là tăng cường thêm lực lượng để mở rộng sản xuất thì không vì lý do gì lại phân tán tài sản công cộng làm giảm bớt điều kiện mở rộng sản xuất của HTX” [76, tr. 545]. Hay vấn đề cổ phần của HTX, cũng như vấn đề quỹ HTX, mức cổ phần sản xuất và cổ phần công hữu hóa sẽ có sự chênh lệch lẫn nhau giữa các HTX, do vậy cần quy định một cách hợp lý mức đóng góp cổ phần giữa các HTX hợp nhất với nhau trên cơ sở đã có sự bàn bạc và tự nguyện giữa các HTX. Để sự hợp nhất các HTX diễn ra được thuận lợi, Nhà nước hết sức tạo điều kiện cho các xã viên. Đối với những xã viên quá nghèo không đủ khả năng đóng thì vận động xã viên trong cùng HTX với nhau cho vay, nếu còn thiếu thì Nhà nước cho vay thêm.

Đối với những xã viên đã đủ khả năng đóng góp mà chưa muốn góp thì HTX sẽ trừ dần vào thu nhập hàng năm mà HTX sẽ chia cho họ. Như vậy, với chủ trương hợp nhất HTX, không thể tránh khỏi sự chênh lệch về kinh tế, thu nhập giữa các xã viên, nhưng vẫn tạo điều kiện xây dựng lực lượng sản xuất mới và phát triển HTX.

Một phần của tài liệu đảng với cuộc vận động nông dân miền bắc giai đoạn 1954 1965 (Trang 64 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)