Chủ trương cải tạo nông nghiệp theo CNXH của Đảng

Một phần của tài liệu đảng với cuộc vận động nông dân miền bắc giai đoạn 1954 1965 (Trang 47 - 53)

Chương 1: Đảng vận động nông dân miền Bắc giai đoạn 1954-1960

1.3 Chủ trương vận động nông dân miền Bắc tham gia cải tạo nông nghiệp

1.3.1 Chủ trương cải tạo nông nghiệp theo CNXH của Đảng

Tiến hành cải tạo nông nghiệp theo CNXH là yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam. Trong thư chúc mừng năm mới ngày 1/1/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Thời kỳ khôi phục kinh tế đã kết thúc và mở đầu thời kỳ phát triển kinh tế một cách có kế hoạch. Đó là một sự tiến bộ mới trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta… Phát triển kinh tế và văn hóa tức là dần dần xây dựng CNXH. Xây dựng CNXH là một cuộc đấu tranh cách mạng, phức tạp gian khổ và lâu dài” [108, tr. 3].

Sau CCRĐ, Đảng chủ trương không dừng lại ở tổ đổi công mà phải tổ chức nông dân lại ở một hình thức cao hơn để thực hiện lao động tập thể, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN. Thời kỳ 1958-1960, là thời kỳ thực hiện kế hoạch nhà nước ba năm cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa miền Bắc nhằm đưa miền Bắc mau chóng trở thành cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Xuất phát từ nhận thức, muốn nhanh chóng xoá bỏ tận gốc chế độ người bóc lột người, nhanh chóng chặn đứng con đường phát triển tự phát của CNTB ở nông thôn, vận dụng kinh nghiệm của các nước XHCN, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 (Khoá II), tháng 11/1958, Đảng đã đưa ra chủ trương cải tạo và phát triển nông nghiệp trên phạm vi toàn miền Bắc, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển và cải tạo kinh tế. Hội nghị chỉ rõ, “hợp tác hoá là yêu cầu phát triển khách quan của nông nghiệp và nông dân, là một nhiệm vụ kinh tế và chính trị căn bản của Đảng trong cuộc

cách mạng XHCN” [64, tr. 467]. Hội nghị coi hợp tác hoá là cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, khâu then chốt để phát triển nông nghiệp, biến nông nghiệp thành chỗ dựa để phát triển kinh tế và thúc đẩy toàn bộ phong trào cải tạo XHCN. Quan điểm chỉ đạo cải tạo nông nghiệp là: thận trọng, tiến hành từng bước, từ thấp đến cao. Hội nghị đề ra nhiệm vụ kế hoạch ba năm (1958- 1960) và xác định những nội dung chủ yếu của công cuộc cải tạo và phát triển kinh tế quốc dân.

Nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch ba năm là:

1. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, lấy sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm, nhằm giải quyết vấn đề lương thực, giải quyết phần lớn hàng tiêu dùng và hết sức trọng tăng thêm các tư liệu sản xuất.

2. Ra sức cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh theo CNXH, chủ yếu nhất là đẩy mạnh HTX nông nghiệp, đồng thời tích cực phát triển và củng cố thành phần kinh tế quốc doanh.

3. Trên cơ sở phát triển sản xuất, nâng cao một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, nhất là nhân dân lao động và tăng cường củng cố quốc phòng.

Chủ trương về kế hoạch ba năm của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương đã thể hiện rõ phương hướng phát triển sản xuất và cải tạo nền kinh tế xã hội theo hướng CNXH. Vấn đề nông nghiệp và công nghiệp được nhấn mạnh là nền tảng cơ bản nhất, nhưng trọng tâm phải phát triển nông nghiệp để giải quyết vấn đề lương thực. Phát triển công nghiệp trong thời kỳ này cũng nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Trong cải tạo XHCN được nhấn mạnh là cải tạo nông nghiệp mà chủ yếu là đẩy mạnh HTHNN, đồng thời phát triển và củng cố thành phần kinh tế quốc doanh. Trong mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ cải tạo và phát triển kinh tế, tư tưởng của Nghị quyết còn chỉ rõ: “Đặc biệt phải đẩy mạnh việc cải tạo XHCN, thực hiện một sự chuyển

biến sâu sắc trong quan hệ sản xuất hiện nay, làm cho cơ cấu kinh tế và chính trị tiến bộ vững chắc, tiến tới cao trào cải tạo XHCN trong tất cả các ngành”

[64, tr. 464].

Sự phát triển bồng bột của phong trào lúc đầu đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Trong khi vận động nông dân xây dựng HTX, nhiều nơi đã bỏ qua bước tập dượt làm tổ đổi công, thậm chí cán bộ vận động đã áp dụng cả những biện pháp có tính chất quy kết và cưỡng bức hộ nông dân. Trước tình hình đó, ngày 8/12/1958, Ban Bí thư đã ra chỉ thị 118CT/TW để hướng dẫn phong trào hợp tác hoá. Chỉ thị đưa ra 4 điều kiện cho việc xây dựng HTX nông nghiệp:

Có cơ sở đổi công khá; có cốt cán tốt; quần chúng thực sự yêu cầu; có cán bộ chính trị và cán bộ quản lý tốt.

Cũng tháng 12 năm 1958, tại Thanh Hoá đã diễn ra Hội nghị nông nghiệp toàn miền Bắc. Tại đây đã diễn ra cuộc tranh luận về vấn đề HTHNN.

Đa số các biểu cho rằng, HTHNN đã trở thành một phong trào quần chúng, một số đại biểu khác lại cho rằng, quần chúng chưa có yêu cầu hợp tác hoá.

Tháng 2 năm 1959, Trung ương mở Hội nghị bàn về quy hoạch toàn diện HTX nông nghiệp trong hai năm 1959-1960. Một lần nữa, công tác cải tạo nông nghiệp lại được điều chỉnh về chỉ tiêu: Phấn đấu năm 1959 hoàn thành tổ đổi công thường xuyên, đưa 40% số hộ nông dân vào HTX; năm 1960 hoàn thành HTX bậc thấp, trong đó có 50% số hộ vào HTX bậc cao;

năm 1961 hoàn thành HTX bậc cao, mở rộng quy mô HTX toàn xã [134, tr.

15]. Lúc này, phong trào đổi công và HTX vẫn phát triển hết sức nhanh chóng. Tính đến cuối tháng 3 năm 1959, toàn miền Bắc đã có 6.830 HTX sản xuất nông nghiệp, trong đó có 119 HTX bậc cao. Một số xã đã thu hút trên 90% nông hộ vào HTX. Trung bình mỗi HTX có 30 hộ nông dân, cá biệt có HTX lên tới 100 hộ [66, tr. 291].

Tuy nhiên, cho đến lúc này, Đảng vẫn chưa có một nghị quyết riêng về cải tạo nông nghiệp. Trước tình hình đó, tháng 4 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương đã triệu tập Hội nghị lần thứ 16 (khoá II). Hội nghị thông qua hai quyết định quan trọng: Nghị quyết về HTHNN và Nghị quyết về vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.

Hội nghị đi sâu phân tích tình hình các mặt của phong trào HTHNN.

Tính đến tháng 4-1959, miền Bắc có 246.965 tổ đổi công, bao gồm 70% số nông hộ; trên 7000 HTX sản xuất nông nghiệp chiếm gần 8% tổng số nông hộ, trong đó có 119 HTX bậc cao. Việc cải tiến kỹ thuật đang trở thành phong trào. Công tác thủy lợi được chú ý hơn trước. Nhiều HTX có thu hoạch cao, nghề phụ phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào HTHNN có nhiều nhược điểm. Các mặt quản lý lao động, sản xuất, tài chính còn lúng túng. Một số chính sách cụ thể chưa được nhà nước ban hành hoặc đã ban hành nhưng không phù hợp với thực tế. Nhà nước giúp đỡ các HTX còn ít và thiếu thiết thực. Phong trào hợp tác hóa phát triển nhanh nhưng chất lượng yếu và không đều.

Hội nghị khẳng định chỉ có đi vào con đường hợp tác hóa, làm ăn tập thể mới khắc phục được những khó khăn trong sản xuất và cải thiện được đời sống nhân dân. Cần tiến tới cao trào cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.

Hội nghị chủ trương đưa HTHNN tiến lên cao trào mạnh mẽ đến cuối năm 1960, miền Bắc hoàn thành về căn bản HTHNN. Hội nghị chỉ rõ: “Mục đích của HTHNN trước hết vì yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nông dân; vì nông nghiệp sẽ phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa mà HTHNN sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp; HTHNN thắng lợi sẽ thực hiện được đời sống mới ở nông thôn và cổ vũ mạnh mẽ đồng bào nông dân ở miền Nam ra sức đấu tranh chống Mỹ - Diệm, để đẩy mạnh sự nghiệp đấu tranh

thống nhất nước nhà” [67, tr. 367]. Với những lí do đó: “HTHNN là khâu chính trong toàn bộ sợi dây chuyền cải tạo XHCN ở miền Bắc nước ta, đồng thời góp phần quan trọng đẩy mạnh cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước” [67, tr.367].

Hội nghị lần thứ 16 của Trung ương Đảng khẳng định, chúng ta cần và có thể tiến hành HTHNN trong điều kiện chưa cơ giới hóa nông nghiệp. Để làm được việc đó, cuộc vận động HTHNN phải kết hợp chặt chẽ với vận động cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất và cải tiến quản lý.

Hội nghị đã đề ra “đường lối giai cấp” của Đảng ở nông thôn trong cuộc vận động HTHNN là: “Dựa hẳn vào bần cố nông và trung nông lớp dưới, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, hạn chế đi đến xóa bỏ sự bóc lột kinh tế của phú nông, cải tạo tư tưởng phú nông, ngăn ngừa địa chủ ngóc đầu dậy, tiếp tục mở đường cho địa chủ lao động cải tạo thành con người mới, kiên quyết đưa nông dân đi vào con đường HTHNN” [66, tr. 315].

Để đảm bảo thắng lợi cho cuộc vận động, Hội nghị đã vạch ra ba nguyên tắc: tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Phương châm chỉ đạo là: tích cực lãnh đạo, vững bước tiến lên; quy hoạch về mọi mặt, sát với từng vùng; làm tốt, vững, nhanh và gọn.

Cũng tại Hội nghị này, Trung ương đã thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về bước đi, những chính sách cụ thể về công hữu hoá tư liệu sản xuất, về quản lý dân chủ, phân phối thống nhất; về tổ chức bộ máy quản lý và quy định về trích lập các quỹ cho HTX …

Về bước đi, Hội nghị chỉ rõ, “phải đi từ thấp đến cao và phải tiến theo ba bước: tổ đổi công có mầm mống XHCN, HTX bậc thấp - nửa XHCN và HTX bậc cao - hoàn toàn XHCN” [66, tr. 328]. Điều kiện cơ bản để xây dựng HTX nông nghiệp là phải có cơ sở đổi công tốt, quần chúng nông dân lao động thật sự yêu cầu, phải có cốt cán lãnh đạo và muốn chuyển HTX bậc thấp

lên bậc cao phải hội nhập đủ ba yếu tố: một là, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất của HTX đó phải cao, đời sống của các hộ xã viên phải được đảm bảo; hai là, xã viên phải giác ngộ tốt lý tưởng XHCN, phải có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; ba là, cán bộ quản lý phải được bồi dưỡng, vững về nghiệp vụ, thực hiện đúng nguyên tắc quản lý dân chủ, được xã viên tín nhiệm.

Liên quan đến bước đi là vấn đề quy mô HTX cũng là một nội dung quan trọng được hội nghị đề cập. Hội nghị cho rằng cần căn cứ vào trình độ kỹ thuật sản xuất và kinh nghiệm quản lý mà quy định quy mô tổ chức HTX.

Hướng chung là: “nên làm từ nhỏ đến lớn, lúc đầu tuỳ theo khả năng lãnh đạo và tình hình quần chúng mà tổ chức HTX vừa và nhỏ, sau dần dần phát triển thêm xã viên, hoặc là hợp nhiều HTX nhỏ ở gần nhau lại thành những HTX lớn trong phạm vi thôn hay một xã” [66, tr. 331].

Đối với vùng ven biển và miền núi, Hội nghị chỉ rõ rằng, trên cơ sở quán triệt đầy đủ những nguyên tắc căn bản của đường lối, phương châm, chính sách vận động hợp tác hoá, tuỳ theo từng vùng mà thành lập HTX nông – ngư nghiệp, hay HTX nông nghiệp hoặc HTX nông – lâm nghiệp. Riêng với vùng miền núi, Hội nghị chủ trương: “hoàn thành cải cách dân chủ kết hợp với vận động hợp tác hoá và đẩy mạnh sản xuất” [66, tr. 339].

Như vậy, Hội nghị Trung ương lần thứ 16 (Khá II) đánh dấu sự định hình tư tưởng cải tạo nông nghiệp của Đảng. Tại đây, khái niệm hợp tác hoá được gắn liền với CNXH, coi đó là mô hình tất yếu phù hợp với bản chất của xã hội XHCN.

Tháng 6-1959, tại kỳ hợp thứ 10, Quốc hội khóa I, sau khi nghe báo cáo của Phó Thủ tướng chính phủ Trường Chinh, với nhan đề: “Kiên quyết đưa nông thôn miền Bắc qua con đường hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên CNXH”, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về HTHNN ở miền Bắc.

Nghị quyết của Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh HTHNN là con đường duy nhất đưa nông dân tiến lên CNXH.

Ngày 3-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nông dân miền Bắc hăng hái vào tổ đổi công, HTX nông nghiệp và thi đua cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

Một phần của tài liệu đảng với cuộc vận động nông dân miền bắc giai đoạn 1954 1965 (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)