Cách mạng giải phóng dân tộc phải thực hiện đoàn kết và liên minh với các lực lượng cách mạng quốc tế

Một phần của tài liệu quan điểm hồ chi minh về cách mạng giải phóng dân tộc thời kỳ 1920 1930 (Trang 88 - 94)

Chương 2 Quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh

2.7. Cách mạng giải phóng dân tộc phải thực hiện đoàn kết và liên minh với các lực lượng cách mạng quốc tế

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, “Cách mạng của các nòi giống có mục đích là giải phóng các dân tộc yếu, sau tiến lên làm cách mạng thế giới, sẽ giải phóng toàn nhân loại khỏi ách đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa”[68, 449]. Người chỉ rõ, cách mạng thì có hai thứ là dân tộc cách mạng và thế giới cách mạng; sự nghiệp cách mạng rộng lớn và khó thực hiện, nó không thể do một người hay một nhà làm mà tốt được mà phải do “Tất cả dân cày, người thợ trong thế giới bất kỳ nước nào, nòi nào đều liên hợp nhau lại như anh em một nhà, để đập đổ tất cả tư bản trong thế giới, làm cho nước nào, dân nào cũng được hạnh phúc, làm cho thiên hạ đại đồng”[68, 266]. Và vì bọn đế quốc ở tất cả các nước đã liên minh lại để áp bức chúng ta, nên chúng ta phải hợp lực lại để chống lại chúng, nghĩa là “cần phải đoàn kết các dân tộc bị áp bức và toàn thể công nhân trên thế giới lại để làm cách mạng”[68, 437]. Trong tác phẩm Đường cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của ta cả... dân An Nam... tranh đấu với đế quốc chủ nghĩa Pháp,

chắc... sẽ có nhiều người cách mệnh phải hy sinh, phải khốn khổ, phải cần anh em trong thế giới giúp giùm”[68, 301]. Đồng thời, Người khẳng định:

“Chúng ta cách mệnh thì cũng phải liên lạc tất cả những đảng cách mệnh trong thế giới để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa”[68, 281].

Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra: “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”[67, 266]; bọn đế quốc thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Do vậy, vì nền hoà bình thế giới, vì tự do và ấm no, những người bị bóc lột thuộc mọi chủng tộc, và nhân dân các dân tộc cùng cảnh ngộ phải đoàn kết lại để cùng nhau vùng lên cởi bỏ ách áp bức thuộc địa. Người chỉ rõ rằng, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đang ở dưới ách của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, mặc dù số lượng của họ đáng lẽ phải làm cho họ có sức mạnh; song, vì họ vẫn chưa thực sự mưu đồ tự giải phóng khỏi ách đó, và “vì họ chưa hiểu giá trị của sự đoàn kết quốc tế. Nên họ chưa biết đoàn kết nhau lại để đấu tranh”[67, 301]. Theo Người, “nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự biệt lập. Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau”[67, 263]. Chính vì vậy, một nhiệm vụ quan trọng của những người cộng sản là phải “Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”[68, 124].

Trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Hồ Chí Minh viết:

“Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân nhau như anh em. Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ:

sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung:

giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta. Trong cuộc chiến đấu của chúng ta, chúng ta không cô độc, vì chúng ta có tất cả dân tộc của chúng ta ủng hộ và vì những người Pháp dân chủ, những người Pháp chân chính, đứng bên cạnh chúng ta”[67, 191]

Với Bản án chế độ thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã miêu tả tình cảnh của nông dân thuộc địa như là những “người nô lệ hiện đại”; họ bị cưỡng bức lao động như khổ sai, bị bắt đi khuân vác đến chết, bị đè bẹp dưới thuế khoá, bị giam hãm trong vòng tối tăm ngu dốt, bị coi là “thân phận trâu ngựa”...; họ bị đẩy vào cảnh cùng khổ và phá sản như vậy chưa đủ, chủ nghĩa tư bản còn bắt họ lìa bỏ gia đình, đồng ruộng, ném họ và nhưng cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đánh lại nhân dân bản xứ khác hoặc chống lại nông dân, công nhân ở chính quốc. Và rõ ràng là, “Hiện nay chủ nghĩa tư bản dùng một thuộc địa này làm công cụ để bóc lột một thuộc địa khác”[67, 246]. Từ đó, Người kêu gọi:

“Hỡi anh chị em cùng khổ ở các thuộc địa! Hãy đoàn kết lại! Hãy tổ chức lại!

Hãy phối hợp hành động của anh chị em với hành động của chúng tôi, chúng ta cùng nhau đấu tranh cho công cuộc giải phóng chung!”[68, 125-126]. Trong Tuyên ngôn của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức, viết tháng 7/1925, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ sự cần thiết phải liên hiệp lại với nhau. Theo Người, nếu bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết; nếu chúng ta đoàn kết chúng ta sẽ trở nên đáng gờm;

sự nghiệp của chúng ta là sự nghiệp của hàng nghìn, hàng nghìn người, kẻ thù của chúng ta chỉ là một nhúm người; chúng ta không được sợ chúng, cho dù

chúng có súng đạn dồi dào, chúng cũng không thể giết hết chúng ta được;

chúng ta cũng có chung lợi ích, nên khi đấu tranh cho chúng tôi là các bạn cũng chiến đấu cho các bạn và khi giúp đỡ chúng tôi các bạn cũng tự cứu mình. Người kêu gọi: “Toàn thể các dân tộc bị áp bức, toàn thể thợ thuyền trên trái đất đang bị cướp công, hãy kết đoàn với chúng tôi làm cuộc cách mạng tối thượng” và khẳng định rằng, sự “Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ để đánh tan bọn đế quốc”[68, 439].

Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Quốc dân Đảng Trung Quốc, năm 1926, Hồ Chí Minh nói: Chúng ta biết rằng, các dân tộc bị áp bức trên thế giới hiện nay có Ai Cập, Marốc, Xyri, An Nam, Trung Quốc và rất nhiều nước khác, cho nên chúng ta cần phải liên hiệp lại, cùng nhau chống chủ nghĩa đế quốc; không phân biệt nước nào, dân tộc nào, “tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của chúng ta”[68, 217].

Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa đế quốc không chỉ là kẻ thù của các dân tộc bị áp bức mà chúng còn là kẻ thù của nhân dân lao động ở chính quốc. Do vậy, không chỉ đoàn kết nhân dân các dân tộc thuộc địa để chống lại chúng, mà cách mạng giải phóng dân tộc nước ta còn phải đoàn kết với giai cấp vô sản trên thế giới. Ngay từ rất sớm, nhằm tập hợp sức mạnh của các lực lượng cách mạng trên thế giới đấu tranh có hiệu quả chống chủ nghĩa đế quốc quốc tế, Hồ Chí Minh đã cùng với những người yêu nước của các thuộc địa khác sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa. Mục đích chính của hội là đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa trong một mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc. Trong Tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa do Hồ Chí Minh thảo ra, cũng kêu gọi xây dựng quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân các nước thuộc địa với giai cấp công nhân và nhân dân lao động chính quốc: “Hỡi các bạn bị áp bức ở chính quốc! Giai cấp tư sản trong nước các bạn đã lừa dối các bạn, dùng các

bạn làm công cụ đi xâm lược đất nước chúng tôi. Ngày nay, vẫn dùng cái chính sách quỷ quyệt ấy, giai cấp tư sản nước các bạn lại định dùng chúng tôi để đàn áp mọi cố gắng tự giải phóng của các bạn. Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác: Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”[68, 128].

Hồ Chí Minh chỉ rõ, “Những hành động đế quốc chủ nghĩa... không những chỉ nguy riêng cho vận mệnh của giai cấp vô sản Đông Dương và Thái Bình Dương, nó còn nguy cho cả vận mệnh của giai cấp vô sản quốc tế”[67, 247]. Vì lý do đó, Người đã kêu gọi cả thế giới văn minh và những người Pháp lương thiện hãy “cùng với chúng tôi lên án bọn cá mập ở các thuộc địa đã không ngần ngại đầu độc cả một chủng tộc để làm đầy túi tiền của mình”[67, 32]; đồng thời chỉ ra rằng, “để thúc đẩy nhanh chóng công cuộc giải phóng của giai cấp vô sản Đông Dương thì cần thiết một điều là các đồng chí chúng ta trong các tổ chức công nhân cách mạng Pháp phải tích cực giúp đỡ chúng tôi trong cuộc đấu tranh giải phóng”[67, 293]. Và khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo L unità, năm 1924, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “ở phương Đông...

chỉ nói các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, có một diện tích rộng mênh mông với hơn 1.200 triệu dân. Cả vùng rộng lớn này nằm dưới ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc tư bản chủ nghĩa. Các dân tộc ở đó không bao giờ có thể ngẩng đầu lên được nếu không gắn bó với giai cấp vô sản thế giới”[67, 483].

Đến đầu năm 1930, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng, cách mạng Việt Nam không những không bị cô lập, trái lại, nó được giai cấp vô sản thế giới nói chung và giai cấp cần lao Pháp nói riêng ủng hộ. Do đó, “trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”[69, 3]. Đồng thời, Người coi việc ủng hộ cách mạng

Trung Quốc và nhất là ủng hộ nước Nga Xôviết là nhiệm vụ cách mạng quan trọng, vì nước này đang giúp đỡ các dân tộc bị áp bức và các giai cấp bị bóc lột trên thế giới đứng lên đánh đổ bọn thống trị mình. Theo Người, sau cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, thế giới chia làm hai mặt trận: mặt trận cách mạng gồm các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản bị bóc lột trên toàn thế giới mà đội tiên phong là nước Nga Xôviết, và mặt trận của chủ nghĩa đế quốc mà tổng hành dinh là Hội quốc liên. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang được ráo riết chuẩn bị, khi cuộc chiến tranh đó nổ ra thì nhất định đế quốc Pháp sẽ đẩy anh chị em chúng ta vào một cuộc chém giết đầy tội ác. Do vậy, “Nếu chúng ta để cho chúng chuẩn bị chiến tranh, nếu chúng ta để cho chúng chống lại cách mạng Trung Quốc và nước Nga Xôviết, nếu chúng ta để cho chúng tiêu diệt cách mạng An Nam thì khác nào chúng ta để cho chúng dìm giống nòi An Nam ta xuống Thái Bình Dương”[69, 9].

Như vậy, ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nhận thấy tầm quan trọng của mặt trận đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc thực dân giành độc lập dân tộc. Vì thế, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Người luôn quan tâm tập hợp lực lượng cách mạng quốc tế, gắn kết sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam với trào lưu chung của thế giới. Song, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, trong khi đoàn kết với các lực lượng cách mạng quốc tế, cách mạng thuộc địa phải luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường và tính chủ động cách mạng, không được trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của bên ngoài. Người phê phán khuynh hướng sai lầm trong việc vận động quần chúng làm “cho dân quen tính ỷ lại, mà quên tính tự cường”[68, 261] đồng thời khẳng định rõ:

“Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”[68, 293].

Một phần của tài liệu quan điểm hồ chi minh về cách mạng giải phóng dân tộc thời kỳ 1920 1930 (Trang 88 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(155 trang)