Giá trị thực tiễn của quan điểm Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc

Một phần của tài liệu quan điểm hồ chi minh về cách mạng giải phóng dân tộc thời kỳ 1920 1930 (Trang 124 - 132)

Chương 3 Giá trị của quan điểm Hồ Chí Minh

3.2. Giá trị thực tiễn của quan điểm Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc

Thực tiễn là thước đo chân lý. Quan điểm Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam trong thời kỳ 1920 - 1930 không những mang ý nghĩa lý luận sâu sắc mà còn có giá trị thực tiễn hết sức to lớn. Thực tiễn sinh động và phong phú của cách mạng nước ta được soi rọi bởi quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh đã chứng minh điều đó. Giá trị thực tiễn của quan điểm Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc trong những năm 1920 - 1930 được thể hiện ở nhiều nội dung, trong đó có các vấn đề cơ bản sau:

3.2.1. Phản ánh đúng tình hình xã hội Việt Nam và phù hợp với xu thế của thời đại

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với những chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, xã hội nước ta đã có những biến đổi to lớn: từ xã hội phong kiến chuyển thành xã hội thuộc địa. Trong xã hội đó, nhân dân ta phải sống đói nghèo và tủi nhục. Đói nghèo vì bị áp bức bởi giai cấp, tủi nhục vì mất nước phải làm nô lệ. Tính chất xã hội nói trên được quy định bởi mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu là mâu thuẫn dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp xâm lược. Mâu thuẫn đó quy định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu. Lực lượng để thực hiện những nhiệm vụ nói trên là nhân dân, trong đó công nhân và nông dân là lực lượng chính (động lực chính). Giai cấp công nhân là lực lượng tiên tiến, giai cấp nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng... Đó là tình hình xã hội nước ta dưới thời Pháp thuộc, cũng là yêu cầu của cách mạng Việt Nam, là quy luật vận động của xã hội nước ta đầu thế kỷ XX trở đi. Là quy luật vận động khách quan của xã hội, vì thế, trong lịch sử cận hiện đại nước ta, giai cấp nào, đảng phái nào, lãnh tụ nào đáp ứng được yêu cầu khách quan nói trên thì thành công, ngược lại không đáp ứng dược yêu cầu khách quan của lịch sử thì sẽ bị thất bại, sẽ không có thành công.

Thực tiễn lịch sử nước ta cho thấy, sau khi vua Hàm Nghi bị bắt đi đày ở châu Phi, các phong trào yêu nước kế tiếp cũng đều không có một phong trào nào đáp ứng được yêu cầu khách quan của lịch sử. Và cho đến đầu thế kỷ XX, nước ta vẫn ở trong tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước. Nhưng cũng vẫn vào những năm 20 của thế kỷ trước, hệ thống những luận điểm về cách mạng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản của nhà ái quốc Hồ Chí Minh - mà đã trình bày ở trên, đã đáp ứng được yêu cầu khách quan của xã hội Việt Nam, phản ánh được thực tiễn của lịch sử đất nước, giải quyết được cuộc khủng hoảng thiếu: thiếu đường lối cứu nước, thiếu tổ chức cách mạng, thiếu phương pháp vận động cách mạng; đưa tới những biến chuyển lớn trong xã hội chính trị nước ta mà biểu hiện tập trung nhất là đảng kiểu mới ở nước ta ra đời để rồi dẫn đến mười lăm năm sau, cách mạng thành công, giải phóng được dân tộc thoát khỏi gông cùm nô lệ thực dân suốt hơn tám mươi năm.

Quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh còn phù hợp với cả xu thế của thời đại. Chúng ta biết rằng, cuộc Cách mạng Tháng Mười ở nước Nga năm 1917 và chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc năm 1918 đã đánh dấu một mốc lịch sử loài người: thời đại mới của nhân loại, kỷ nguyên mới của lịch sử thế giới bắt đầu. Đây là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới, thời đại của những cuộc cách mạng xã hội, cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Trong thời đại này, giai cấp công nhân hiện đại là nhân vật trung tâm của thời đại, nhân dân các dân tộc trên hành tinh thức tỉnh, trong đó, những người dân mất nước đang phải làm nô lệ trong đêm dài của chế độ thực dân bắt đầu hát vang bài ca Tháng Mười.

Hệ thống luận điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc hồi đầu thế kỷ XX phù hợp với nội dung và xu thế phát triển của thời đại. Hồ Chí Minh đã đưa cách mạng Việt Nam vào đúng quỹ đạo của cách mạng thế giới hiện đại. Và sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập ra đời, thì tất cả các vấn đề thuộc về chiến lược cách mạng, sách lược cách mạng, hình thức đấu tranh, khẩu hiệu đấu tranh của cách mạng Việt Nam đều có in dấu nội dung thời đại mới. Đây là hiện tượng lịch sử độc đáo của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nghiên cứu về đặc điểm của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ này, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác, Lênin đã được nhà cách mạng sáng suốt nhất và cũng đầy nhiệt huyết nhất của dân tộc Việt Nam hoá và trao lại cho giai cấp công nhân Việt Nam. Nhà cách mạng ấy là đồng chí Nguyễn ái Quốc. Với vị lãnh tụ của mình, giai cấp công nhân Việt Nam đã đem lại cho toàn thể dân tộc Việt Nam một niềm tin tưởng vô hạn vào sự thành công của cách mạng Việt Nam. Với vị lãnh tụ của mình, với tất cả những điều kiện lịch sử cụ thể của nước Việt Nam, với sứ mạng lịch sử của giai cấp mình trên thế giới, giai cấp công nhân Việt Nam có một lập trường cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và tất nhiên sẽ đưa lại độc lập tự do thực sự cho nước nhà”[14, 40].

3.2.2. Cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta được chuyển hoá theo khuynh hướng cách mạng vô sản

Hệ thống luận điểm về cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh (1920 - 1930) thuộc phạm trù chủ nghĩa Mác - Lênin, một học thuyết cách mạng và khoa học. Những luận điểm đó được Người thể hiện trong các bài nói, bài viết trong thời kỳ 1920 - 1930, đã cùng với các văn kiện của Quốc tế Cộng sản, của Đảng Cộng sản Pháp bí mật truyền về nước ta qua hai giai đoạn và bằng hai con đường: từ 1920 đến 1924, từ Pari theo đường thuỷ về nước và từ

1925 đến 1930, từ Quảng Châu theo đường bộ về nước. Giai đoạn 1920-1924, ở nước ta mới chỉ có một số trí thức yêu nước bí mật đọc sách báo của Hồ Chí Minh. Qua những sách báo (bằng tiếng nước ngoài) đó, người đọc hiểu được rằng: cội nguồn của mọi sự tủi nhục và đói nghèo của nhân dân là do thực dân Pháp và bè lũ tay sai, phải đánh đổ nó đi; họ được biết rằng, trên thế giới đã có nước Nga Xôviết, ở đó cách mạng đã thành công, nhân dân lao động đã được giải phóng; và họ thấy rằng cần phải tụ họp nhau lại để làm cách mạng. Từ 1925 đến 1930, quan điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc được Người và các nhà cách mạng Việt Nam đương thời trực tiếp truyền bá về nước với các lớp học chính trị ở Quảng Châu, báo Thanh niên, sách Đường cách mệnh và cả trong phong trào “vô sản hoá” (1928 - 1929). Quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh truyền về nước không phải dễ dàng mà phải trải qua nhiều máu và nước mắt (vì nhà cầm quyền Pháp và tay sai đã bắt bớ, tù đày, tra tấn, kết án những người đọc sách, báo của Hồ Chí Minh); phải đấu tranh quyết liệt với các xu hướng chính trị Lập hiến, Tam dân... dần dần chủ nghĩa Mác - Lênin và những luận điểm về cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh đã chiến thắng và giữ vai trò chỉ đạo cách mạng Việt Nam, trở thành một trong những nhân tố quan trọng để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quá trình truyền bá những luận điểm về cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh về nước cũng là quá trình làm cho phong trào yêu nước Việt Nam được chuyển hoá thành phong trào yêu nước có “màu đỏ” - yêu nước theo con đường cách mạng vô sản. Chúng ta biết rằng, sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ở nước ta đã có những cuộc vận động yêu nước sôi nổi, liên tục, nhất là hoạt động yêu nước của các tầng lớp học sinh, sinh viên, trí thức...

Song, hạn chế của phong trào là ở chỗ chưa biết đến chính trị, chưa biết

phương pháp vận động cách mạng... Nhờ có hoạt động của Hồ Chí Minh và với những quan điểm cách mạng của Người mà phong trào yêu nước Việt Nam từ đây được phát triển theo xu hướng mới - đi theo con đường cách mạng của Lênin và Cách mạng Tháng Mười; biểu hiện tập trung là Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Người sáng lập năm 1925, cùng với một bộ phận đảng viên tiên tiến của Đảng Tân Việt được “Thanh niên hoá” (tức cách mạng hoá theo Việt Nam cách mạng Thanh niên). Phong trào yêu nước theo khuynh hướng cách mạng vô sản phát triển sôi nổi và đúng hướng, trở thành một nhân tố để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những luận điểm về cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh không chỉ truyền bá vào phong trào yêu nước mà còn truyền bá vào phong trào công nhân, nhất là vào những năm 1926 - 1930, làm cho phong trào công nhân chuyển nhanh từ tự phát sang tự giác. Trong giai đoạn này, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những cuộc bãi công với quy mô lớn, hàng nghìn công nhân tham gia một cuộc bãi công; những điểm nóng của phong trào bãi công là: đồn điền cao su Phú Riềng, Cam Tiêm (ở Nam Bộ); nhà máy cưa ở Vinh - Bến Thuỷ, nhà máy xe lửa Tràng Thi (Trung Bộ); nhà máy dệt Nam Định, cơ khí ô tô Avia Hà Nội, cảng Hải Phòng, mỏ Hòn Gai (Bắc Bộ)... Trong các cuộc bãi công, bên cạnh mục tiêu đấu tranh kinh tế, đời sống hằng ngày, công nhân Việt Nam đã đấu tranh chính trị như: kỷ niệm những ngày lễ lớn hằng năm (kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Công xã Pari, Quảng Châu Công xã, kỷ niệm Lênin, ngày 1/5,...); các cuộc bãi công đều có Công hội đỏ lãnh đạo. Tháng 7 năm 1929, Tổng Công hội đỏ được thành lập tại Hà Nội, đã đánh dấu bước trưởng thành mới của giai cấp công nhân Việt Nam. Phong trào công nhân được kết hợp với phong trào yêu nước và chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là vào các năm 1928 - 1929. Năm 1929, phong trào công nhân đã đi tiên phong trong

phong trào cách mạng ở nước ta, giai cấp công nhân đã trở thành lực lượng chính trị độc lập. Và đến năm 1930, với Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thì giai cấp công nhân Việt Nam chính thức trở thành giai cấp “có ý thức về mình”, đứng lên vũ đài chính trị, thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp. Nếu như không có chủ nghĩa Mác - Lênin, không có những luận điểm về cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh truyền bá về nước cùng với những hoạt động thực tiễn của Người và các nhà cách mạng Việt Nam, thì chưa thể có phong trào công nhân tự giác hoàn toàn vào năm 1930.

Có thể nói rằng, biểu hiện tập trung nhất về giá trị thực tiễn của quan điểm Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc là đưa tới hình thành đường lối cứu nước mới ở nước ta - đường lối cách mạng Việt Nam. Đường lối đó được Người thể hiện trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt... của Đảng Cộng sản Việt Nam (đầu năm 1930). Mặc dầu còn sơ lược, vắn tắt, các Văn kiện này đã trở thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta.

3.2.3. Tập hợp lực lượng dân tộc làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng Mùa Thu 1945, dựng nền độc lập cho nước nhà

Những luận điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc trong thời kỳ 1920 - 1930 lại được chính Người thực tiễn hoá trong những năm 1941 - 1945 và trở thành hiện thực sinh động.

Mùa xuân năm 1941, Hồ Chí Minh trở về nước sau 30 năm xa cách Tổ quốc. Người đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta chọn Pắc Bó (Cao Bằng) làm căn cứ địa trung ương. Tại đây, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khoá I) của Đảng (5/1941). Hội nghị Trung ương Tám đã hoàn chỉnh sự thay đổi chiến lược cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1941- 1945; đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập lên hàng đầu với yêu cầu bức thiết nhất. Với quyết tâm dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng

phải kiên quyết giành cho được độc lập, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã tập hợp tất cả mọi lực lượng dân tộc vào mặt trận dân tộc thống nhất, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù dân tộc là đế quốc phát xít Pháp - Nhật, chuẩn bị lực lượng bạo lực cách mạng để tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền... Những nội dung nói trên đã vạch ra đường đi nước bước, trực tiếp dẫn tới Cách mạng Tháng Tám thành công; đã tập hợp được mọi lực lượng dân tộc, làm thành sức mạnh dân tộc để tự giải phóng mình. Cần nhấn mạnh rằng, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã xác định các mâu thuẫn đang vận động của xã hội nước ta, trong đó mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc thực dân Pháp là mâu thuẫn chủ yếu.

Với chủ trương trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền: xây dựng lực lượng chính trị với các đoàn thể Cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh; tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng với lực lượng vũ trang tập trung và tự vệ cách mạng ở các căn cứ địa; xây dựng căn cứ địa cách mạng mà tiêu biểu là khu giải phóng Việt Bắc do Người trực tiếp lãnh đạo; kết hợp đấu tranh chính trị với hoạt động quân sự, khởi nghĩa ở từng nơi để tổng khởi nghĩa khi có thời cơ đến... Cho đến tháng 8 năm 1945, cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh đã được chuẩn bị công phu, chu đáo, sẵn sàng và toàn diện. Điều kiện chủ quan đã chín muồi, giữa lúc đó, điều kiện khách quan thuận lợi cũng đến, đó là chiến thắng của các nước Đồng minh đánh tan phát xít Nhật ở châu á làm cho con thú dữ ở á Đông đã bị đánh gục, kẻ thù ở Đông Dương hoang mang dao động, tan rã đến cực điểm;

cách mạng Việt Nam ở trong tình thế cách mạng trực tiếp. Những điều kiện chủ quan và khách quan nói trên dẫn tới thời cơ thuận lợi “ngàn năm có một”.

Đảng ta và Hồ Chí Minh đã chớp lấy thời cơ, phát động toàn dân nổi dậy, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa toàn quốc. Cuộc tổng khởi nghĩa

Tháng Tám đã diễn ra ngoạn mục, ít đổ máu, nhanh chóng giành được thắng lợi. Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu á. Đây là thắng lợi của chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh và của Đảng ta.

Vậy là, Hồ Chí Minh đã đến với chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết đó về cách mạng giải phóng dân tộc thành một hệ thống luận điểm mới bao gồm cả về đường lối chiến lược cách mạng, sách lược cách mạng, phương pháp tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc và chính Người lại là một nhà thực tiễn cách mạng. Người đã trực tiếp thực tiễn hóa quan điểm của mình về cách mạng giải phóng dân tộc, làm cho lịch sử dân tộc ta được giở sang trang mới vào năm 1930 và bước vào kỷ nguyên mới vào năm 1945 - kỷ nguyên độc lập, tự do. Kỷ nguyên lịch sử mới này là thành quả của mười lăm năm đấu tranh kiên cường, sáng tạo của dân tộc dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, của cương lĩnh, chiến lược giải phóng dân tộc của Đảng do Người trực tiếp chỉ đạo.

Một phần của tài liệu quan điểm hồ chi minh về cách mạng giải phóng dân tộc thời kỳ 1920 1930 (Trang 124 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(155 trang)