Cách mạng là sự nghiệp của tất cả dân chúng được giác ngộ, tổ chức và phải biết cách làm thì mới chóng

Một phần của tài liệu quan điểm hồ chi minh về cách mạng giải phóng dân tộc thời kỳ 1920 1930 (Trang 97 - 104)

Chương 2 Quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh

2.9. Cách mạng là sự nghiệp của tất cả dân chúng được giác ngộ, tổ chức và phải biết cách làm thì mới chóng

Qua các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh trong thời kỳ 1920 - 1930, chúng ta thấy Người bước đầu đề cập đến những vấn đề thuộc về phương pháp cách mạng. Theo Người, trước hết “cách mệnh phải làm cho dân giác ngộ”[68, 267]. Muốn dân chúng giác ngộ thì phải giáo dục họ để hiểu được mục đích của cách mạng từ đó có ý thức đồng tâm hiệp lực; muốn làm cách mạng thì phải biết tụi tư bản và đế quốc chủ nghĩa nó lấy tôn giáo và văn hoá làm cho dân ngu, lấy pháp luật buộc dân lại, lấy sức mạnh làm cho dân sợ, lấy phú quý làm cho dân tham; nó làm cho dân nghe đến hai chữ “cách mệnh” thì sợ rùng mình. Người cho rằng, sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó; nhưng, việc gì khó mấy, quyết tâm làm thì làm được, ít người làm không nổi, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm được; muốn đồng tâm hiệp lực, muốn bền gan thì trước ai ai cũng phải hiểu rõ vì sao mà phải làm, vì sao mà không làm không được, vì sao mà ai ai cũng phải gánh một vai, vì sao phải làm ngay không nên người này ngồi chờ người khác; có như thế mục đích mới đồng; mục đích có đồng, chí mới đồng; chí có đồng tâm mới đồng; tâm đã đồng, “lại phải biết cách làm thì mới chóng”[68, 261].

Bên cạnh làm cho dân hiểu được mục đích của cách mạng, ý thức đoàn kết, Hồ Chí Minh còn quan tâm tới việc giáo dục ý chí quyết tâm và lòng kiên trì cách mạng cho dân chúng. Theo Hồ Chí Minh “một người cách mệnh có gan, hơn một ngàn người vô chí”[68, 272], “muốn làm cách mệnh thì... không nên sợ phải hy sinh”[68, 274]. Người còn chỉ rõ: “1. Phàm làm việc gì cũng

vậy, bất kỳ lớn bé, bất kỳ khó dễ nếu không ra sức thì chắc không thành công.

Tục ngữ Tàu có câu: “Sư tử bắt thỏ tất dùng hết sức”. Sư tử mạnh biết chừng nào, nếu bắt thỏ thì có khó gì, thế mà còn phải dùng hết sức, huống gì làm việc to tát như việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại, nếu không hết sức thì làm sao được. 2. Lại nhiều người thấy khó thì ngã lòng, không hiểu rằng “nước chảy đá mòn” và “có công mài sắt có ngày nên kim”.

Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được,... Đời này làm chưa xong thì đời sau nối theo làm thì phải xong”[68, 261].

Phân tích một cách sâu sắc tình hình, đặc điểm của các nước thuộc địa, Người chỉ rõ những nguyên nhân cơ bản làm cho đời sống của nhân dân thuộc địa ngày càng cơ cực là do sự bóc lột thậm tệ của thực dân, phong kiến và tư sản; do đó Người yêu cầu “cần phải tiến hành mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng; làm cho quần chúng thấy rõ sức mạnh của mình”[67, 232]. Mặt khác, Người nhận thấy, bộ phận dân chúng vốn ít học, thiếu quyết tâm, thiếu kinh nghiệm,... nên cách mạng phải giáo dục họ, huấn luyện họ, gây được lòng tin đối với họ “để có thể sử dụng sức mạnh của họ đúng lúc”[68, 450]. Và vì dân không hiểu tình thế trong thế giới, không biết so sánh, không có mưu chước, chưa nên làm đã làm, khi nên làm lại không làm; do đó, “Cách mệnh phải hiểu phong triều thế giới, phải bày sách lược cho dân”[68, 267].

Hồ Chí Minh cho rằng: “Cách mệnh thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công”[68, 274]. Theo Người, cách mạng là sự nghiệp chung của quần chúng nhân dân, “chỉ có lực lượng của toàn dân mới có thể giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của bọn thống trị bạo ngược. Chứ cá nhân hành động thì dù cho những cá nhân ấy anh dũng thế nào cũng không đi đến kết quả”[99, 76], vì vậy, “Cách mệnh thì phải đoàn kết dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả

cái giai cấp áp bức mình, chứ không phải chỉ nhờ 5, 7 người giết 2, 3 anh vua, 9, 10 anh quan mà được”[68, 276]. Điều đó có nghĩa là dân chúng phải được tổ chức thành những đội ngũ vững bền. Phát động quần chúng đấu tranh là cách hay nhất để xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức. Do đó, ngay từ rất sớm, khi vạch rõ nguyên nhân thất bại của phong trào đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa là vì còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo, Người đã đề nghị “Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và hướng dẫn họ đi tới cách mạng và giải phóng”[67, 289].

Một trong những nội dung liên quan đến phương pháp cách mạng mà Hồ Chí Minh sớm đề cập là về phương pháp cách mạng bạo lực. Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chế độ thực dân bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”[67, 96]. Nhờ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới, với sự trải nghiệm của bản thân, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được rằng con đường cách mạng để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc thuộc địa không phải là con đường cải lương, không thể ảo tưởng trông chờ vào sự rủ lòng thương của bọn đế quốc thực dân, không thể cầu xin mà có được, mà phải dùng sức mạnh cách mạng để đánh đổ chúng.

Chủ nghĩa Mác - Lênin và tấm gương Cách mạng Tháng Mười đã soi sáng nhận thức của Hồ Chí Minh về cách mạng bạo lực trong cuộc đấu tranh đánh đổ cường quyền áp bức. Người khẳng định rằng, “Cuộc Cách mạng Tháng Mười không thể giành được thắng lợi nếu như Đảng Bônsêvích không có khả năng động viên quần chúng... và dẫn dắt họ tham gia vào cuộc chiến đấu lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản”[68, 417]. Tiếp thu quan điểm bạo lực cách mạng của học thuyết Mác - Lênin và qua thực tiễn cuộc đấu tranh dân tộc, Người đã sớm đề cập đến khả năng khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương; theo Người, để có cơ thắng lợi, một

cuộc khởi nghĩa vũ trang ở đó trước hết phải có “tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng, nổ ra trong thành phố, theo kiểu các cuộc cách mạng ở châu Âu, chứ không phải nổ ra đột ngột ở biên giới Trung Quốc, theo phương pháp của các nhà cách mạng trước đây”[67, 468-469]. Như vậy, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của tất cả dân chúng được giác ngộ, tổ chức và cuộc khởi nghĩa vũ trang là đỉnh cao của quá trình vận động quần chúng; cuộc khởi nghĩa ấy phải được chuẩn bị chu đáo, có sự tham gia của đông đảo dân chúng, phải được tổ chức chặt chẽ, nổ ra đúng lúc...

Một nội dung nữa liên quan đến phương pháp cách mạng mà Hồ Chí Minh quan tâm trong thời kỳ 1920 - 1930 đó là vấn đề “du kích cách mạng”.

Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu đặc thù của các hoạt động du kích là quấy rối và tiêu hao lực lượng phản động, tạo điều kiện thuận lợi cho thắng lợi chung của các giai cấp lao động dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Người đã đề cập các vấn đề cụ thể như cách thức tổ chức, lãnh đạo, huấn luyện... du kích cách mạng.

Về nguyên tắc tổ chức, theo Hồ Chí Minh, phong trào du kích cần phải tuân thủ các điều kiện căn bản sau: a) Tổ chức phải mềm dẻo và cần phải có một số cấp có khả năng hoạt động độc lập với nhau; b) Tổ chức phải cơ động;

có khả năng hoạt động nhanh; có thể xoay chuyển cực nhanh khi hoàn cảnh đòi hỏi chuyển từ điều kiện bí mật sang công khai và ngược lại, và kết hợp đúng đắn các phương pháp công khai, bán công khai và bí mật; c) Cấu trúc phải làm sao cho Đảng thực hiện quyền lãnh đạo về chính trị và tác chiến của mình; d) Cấu trúc phải đơn giản, dễ hiểu đối với quần chúng và phù hợp với phong tục tập quán của họ, bảo đảm tiếp tục phát triển lực lượng mới.

Về cách thức tổ chức, theo Người, cần phải tính toán đến những nét đặc thù của từng nước, mục tiêu của phong trào du kích ở từng thời kỳ, vũ khí hiện có, sự bí mật. Và về đại thể, ở thời kỳ đầu, những nhóm chiến đấu nhỏ, ít nhiều có cùng nhiệm vụ gồm năm, tám hoặc mười người, được hình thành từ làng nọ đến làng kia và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của các làng, thông qua các chỉ huy của họ, tới các uỷ ban quân sự xã, huyện và đại diện của họ tại các làng.

Khi phong trào phát triển, các nhóm nhỏ đó hợp thành những đơn vị lớn; những đơn vị đó, đến lượt nó, có thể được tập hợp thành những đơn vị lớn hơn. Và một điều quan trọng là mỗi đơn vị du kích cần phải có một số lượng đầy đủ các chiến sĩ trinh sát được huấn luyện thích hợp, các chiến sĩ bắn súng máy, các chiến sĩ thông tin liên lạc, các kỹ sư và y tá.

Về lãnh đạo, Đảng của giai cấp vô sản chỉ có thể lãnh đạo tốt phong trào du kích nếu như Đảng có ảnh hưởng tới nông dân, nếu như nông dân chấp nhận những khẩu hiệu và cuộc đấu tranh của Đảng để thực hiện những khẩu hiệu đó.

ở những nơi đã có các tổ chức quần chúng nông dân, Đảng cần phải phấn đấu giành ảnh hưởng và hướng dẫn phong trào du kích cả trực tiếp lẫn thông qua phong trào quần chúng. Chìa khoá dẫn tới những thắng lợi của các toán du kích là sự liên hệ mật thiết với quần chúng nông dân. Hoạt động du kích là việc phi thường trong tình thế cách mạng, là sự sôi sục cách mạng trong quần chúng nông dân. Cuộc đấu tranh du kích phải phản ánh được lợi ích của quảng đại quần chúng nông dân và phải có tình thế cách mạng trực tiếp thì mới có thể giành thắng lợi.

Về công tác huấn luyện tác chiến cho du kích, Hồ Chí Minh khẳng định:

nhiệm vụ chính yếu của những người tổ chức và những người lãnh đạo, nhất là ở những nước mà nông dân chưa bao giờ học cách đánh giặc thì trước hết là phải dạy cho họ sử dụng thành thạo các loại vũ khí cầm tay. Dạy cho du kích

biết một ít cách sử dụng các loại vũ khí mà họ có ở thời điểm đặc biệt vẫn chưa đủ; họ cũng cần biết càng nhiều càng tốt cách sử dụng mọi thứ vũ khí mà họ có thể bất ngờ cướp được từ tay kẻ thù. Nguyên tắc căn bản là mỗi một du kích phải được học bắn thành thạo súng trường, các loại súng lục, học ném lựu đạn và học cho thành thạo khi đánh giáp lá cà.

Về phương thức tiến hành du kích chiến, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cuộc đấu tranh du kích cũng phải được tiến hành theo đúng những nguyên tắc căn bản của khoa học và chiến thuật quân sự. Sự thống nhất chỉ huy trong tác chiến đóng vai trò to lớn. Mặt khác, không thể có tác chiến mà thiếu sự hiểu biết trước một cách kỹ càng những vấn đề như thông tin chính xác về quân địch, về các vị trí của nó, về điểm mạnh, yếu của nó, về địa thế, đường sá, phương tiện giao thông, cư dân... Tất cả những điều đó phải nhận được từ các đội trinh sát và phải xem là cơ sở của kế hoạch tác chiến; luồng tin tức thường xuyên của tình báo về đối phương là một yêu cầu cơ bản trong chiến tranh du kích; trước mỗi cuộc tác chiến, các chiến sĩ du kích cần phải có những hiểu biết đặc biệt về mục tiêu, phải chú ý tới những chi tiết cực kỳ nhỏ bé.

Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh của du kích không nằm trong phòng thủ, mà nằm trong những hành động tiến công táo bạo và bất ngờ; các chiến sĩ du kích không đủ mạnh về quân sự cho hành động phòng thủ; ở mọi nơi, mọi lúc, họ phải kiên quyết vận động; giáng những đòn nhanh và bất ngờ vào quân địch ở những nơi, những lúc mà chúng ít ngờ tới, nhanh chóng rút lui và tránh một cuộc giao tranh quyết liệt nếu như hoàn cảnh và cán cân lực lượng ở nơi đặc biệt ấy, ở thời điểm đặc biệt ấy không có lợi cho mình, để rồi làm cho quân thù bạt vía kinh hồn ở một nơi khác [68, 423-433]

Như vậy, trên cơ sở thực tiễn dân tộc, thế giới và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, trong các hoạt động của mình, từng bước một, Hồ Chí Minh đã vận

động, giáo dục, tổ chức quần chúng nhằm đưa họ tiến tới cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Và qua quá trình ấy, những luận điểm đầu tiên của Hồ Chí Minh về phương pháp và nghệ thuật đấu tranh cách mạng, về khởi nghĩa dân tộc, về du kích chiến,... đã được hình thành.

* Tiểu kết chương 2:

Có thể nói, trong thời kỳ 1920 - 1930, quan điểm chiến lược về cách mạng giải phóng dân tộc đã hình thành về cơ bản. Qua các bài nói, bài viết của Người trong thời kỳ này, chúng ta thấy quan điểm cách mạng và lý luận về con đường cách mạng - con đường dẫn đến độc lập tự do của Hồ Chí Minh thể hiện khá hoàn chỉnh. Đó là quan điểm về chủ nghĩa thực dân; về con đường cứu nước; về vị trí, vai trò, tính chất của cách mạng thuộc địa; về tổ chức lực lượng; về lãnh đạo cách mạng; về phương pháp cách mạng; về đoàn kết quốc tế,... Quan điểm đó là nội dung tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, trở thành nội dung cơ bản của con đường cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh trong những năm 20 của thế kỷ XX đã chọc thủng lưới sắt của thực dân Pháp, truyền bá vào Việt Nam, làm cho phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở nước ta trưởng thanh nhanh chóng, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.

Chương 3

Một phần của tài liệu quan điểm hồ chi minh về cách mạng giải phóng dân tộc thời kỳ 1920 1930 (Trang 97 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(155 trang)