Bước đầu tìm hiểu lĩnh vực “lý luận báo chí”

Một phần của tài liệu Lý luận báo chí qua một số tạp chí lý luận và nghề nghiệp (Trang 25 - 35)

ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN BÁO CHÍ

1.3. Bước đầu tìm hiểu lĩnh vực “lý luận báo chí”

So với báo chí thế giới thì báo chí Việt Nam xuất hiện muộn. Và càng muộn hơn nữa là sự hình thành và phát triển khoa học lý luận báo chí. Kể từ khi tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên - tờ Gia Định báo ra đời năm 1865 – cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, báo chí đã trở thành một hoạt động tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội. Nhưng trong hơn trăm năm đó, thành tựu nghiên cứu lý luận báo chí Việt Nam chưa có gì đáng kể ngoài một số công trình về lịch sử báo chí.

Sau 1975, chúng ta xây dựng một nền báo chí thống nhất theo quan điểm chính thống. Và nền báo chí Việt Nam chỉ thực sự khởi sắc từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng năm 1986. Song hành với thực tiễn báo chí trong những năm tháng đổi mới, hoạt động nghiên cứu lý luận báo chí cũng được đặt ra bức thiết hơn. Đặc biệt, có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ, ở Việt Nam, việc nghiên cứu tổng kết lý luận báo chí được quan tâm rộng rãi như những năm gần đây. Vai trò ngày càng quan trọng của báo chí trong đời sống xã hội và những biến đổi nhanh chóng, toàn diện của nền kinh tế đất nước cùng với quá trình giao lưu hợp tác quốc tế sâu rộng là những điều kiện chính thúc đẩy việc phát triển nghiên cứu lý luận báo chí. Bên cạnh đó, đội ngũ nghiên cứu lý luận báo chí ngày càng được bổ sung bởi những người đã qua học tập và nghiên cứu báo chí ở các nước Úc, Anh, Mỹ... Hơn nữa, trước thực tiễn phát triển qua nhanh chóng, lý luận phải được liên tục cập nhật, làm mới để có thể phát huy được tính năng động và hiệu quả; sự hợp tác quốc tế sâu rộng trên các lĩnh vực trong đó có báo chí, các

quan niệm lý luận có dịp cọ xát, đổi thay từng ngày. Và chính những thành tựu nghiên cứu báo chí trong một khoảng thời gian không dài vừa qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo khá buồn tẻ của nền lý luận báo chí nước nhà.

Các kết quả nghiên cứu báo chí được thể hiện dưới dạng các bài báo, chuyên luận, tuyển tập, công trình của các nhà khoa học, luận án, luận văn của học viên sau đại học, tuyển tập các bài báo, kinh nghiệm làm báo của các nhà báo... Xin kể ra đây những tác giả tiêu biểu với những lĩnh vực nghiên cứu tiêu biểu như: nghiên cứu lịch sử báo chí có Hồng Chương, Nguyễn Thành, Đỗ Quang Hưng…; về những vấn đề cơ sở lý luận báo chí truyền thông có Tạ Ngọc Tấn, Nguyễn Văn Dững, Dương Xuân Sơn, Đinh Văn Hường, Trần Quang …; về các thể loại, tác phẩm báo chí có Hà Minh Đức, Tạ Ngọc Tấn, Trần Thế Phiệt, Nguyễn Văn Dững, Nguyễn Thị Thoa, Nguyễn Đức Dũng, Dương Xuân Sơn, Đinh Văn Hường, Trần Quang, Nguyễn Tiến Hài, Nguyễn Đình Lương…; về ngôn ngữ báo chí truyền thông có Vũ Quang Hào, Hoàng Anh, Nguyễn Trọng Báu, Hoàng Trọng Phiến…; quan hệ giữa báo chí, văn học và ngôn ngữ có Hà Minh Đức, Nguyễn Thiện Giáp, Trần Thị Trâm, Nguyễn Đức Dũng, Đoàn Hương, Nguyễn Thị Minh Thái...; vấn đề báo chí và dư luận xã hội có Mai Quỳnh Nam, Nguyễn Văn Dững, Lê Thanh Bình...; vấn đề báo chí và kinh tế, báo chí trong kinh tế thị trường có Vũ Hiền, Hoàng Hải, Phạm Tất Thắng...; những vấn đề khá mới mẻ của lý luận báo chí như báo chí và quan hệ công chúng, quảng cáo và báo chí, tập đoàn báo chí, truyền thông đa phương tiện... cũng được quan tâm nghiên cứu bởi những người nghiên cứu trẻ như Đỗ Thị Thu Hằng, Nguyễn Thanh Huyền, Đặng Thu Hương, Trường Giang...; và hàng loạt vấn đề khác như đạo đức nhà báo, vai trò, trách nhiệm của nhà báo, luật pháp báo chí... được nhiều người bàn luận rộng rãi trên rất nhiều tờ báo in và tạp chí.

Rõ ràng, “song hành cùng sự phát triển sôi động của thực tiễn báo chí Việt Nam những năm qua có một đội ngũ những người âm thầm thẩm định, đánh giá, đúc rút, nghiên cứu các sản phẩm báo chí, các quá trình hoạt động báo chí” [59, tr.10] đã làm đa dạng, phong phú thêm diện mạo lý luận - thực tiễn báo chí truyền thông nước nhà.

Tuy vậy, trên thực tế, có những nhận thức chưa thống nhất, chưa đầy đủ về các lĩnh vực thuộc lý luận báo chí giữa các nhà báo, thậm chí giữa các nhà nghiên cứu lý luận báo chí nước ta. Hơn nữa, cho đến nay, chưa có công trình nào phác thảo một bức tranh toàn cảnh các khái niệm lý luận báo chí như một hệ thống khái niệm của bộ môn khoa học và trên cơ sở ấy, các vấn đề ngày càng được nghiên cứu, tổng kết, đào sâu về lý luận cũng như thực tiễn.

Hiện tại ở Việt Nam, có ba cuốn sách về cơ sở lý luận báo chí vốn là các cuốn giáo trình giảng dạy trong trường đại học. Hai cuốn của các tác giả trong nước và một là sách dịch của tác giả người Nga:

- Cơ sở lý luận báo chí do Tạ Ngọc Tấn chủ biên, xuất bản lần đầu năm 1992 và tái bản vào các năm 1993, 1999 (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin), 2005 (NXB Lý luận chính trị)

- Cơ sở lý luận Báo chí truyền thông của nhóm tác giả Dương Xuân Sơn, Đinh Văn Hường, Trần Quang, xuất bản lần đầu năm 1995 (Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin) và là tái bản mới nhất là 2004 (Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội)

- Cơ sở lý luận của báo chí (tập 1 & 2 - bản dịch từ tiếng Nga) của tác giả E.P.Prôkhôrốp, NXB Thông tấn ấn hành năm 2004.

Trong 3 cuốn sách này, các vấn đề lý luận báo chí được lựa chọn trình bày về cơ bản là có nhiều tương đồng. Trong khuôn khổ những giáo trình đại học, các tác giả không mở rộng và quá đi sâu vào các khía cạnh phức tạp mà

chỉ trình bày những vấn đề cơ bản nhất có tính phương pháp luận, các khái niệm, phạm trù, đặc trưng, chức năng, nguyên tắc, hiệu quả, tính sáng tạo của lao động báo chí. Và tất nhiên, các giáo trình này cũng chưa đề cập đến việc phân chia các nhánh vấn đề của lý luận báo chí.

Ngoài ba bộ giáo trình vừa kể trên, trong cuốn Cơ sở lý luận báo chí - đặc tính chung và phong cách của tác giả Hà Minh Đức (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội – năm 2000) cũng luận bàn những vấn đề lý luận cơ bản tương tự, ví dụ: báo chí và khuynh hướng; vấn đề tự do báo chí; trách nhiệm xã hội của báo chí, báo chí và đạo đức, ngôn ngữ báo chí...

Các vấn đề lý luận và thực tiễn báo chí còn được tập hợp dưới dạng tuyển tập các bài báo khoa học xuất bản khá đều đặn của hai cơ sở đào tạo báo chí lớn là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội. Các sách dịch từ tài liệu nước ngoài thời gian qua cũng đề cập nhiều đến các vấn đề lý luận báo chí. Tuy nhiên, nhìn tổng thể những công trình vừa giới thiệu ở trên, chưa có công trình nào phác hoạ bức tranh toàn cảnh các khái niệm lý luận báo chí cũng như chưa đề cập đến việc phân chia các vấn đề lý luận báo chí.

Trong nội dung bài giảng chuyên đề Lịch sử nghiên cứu lý luận báo chí truyền thông dạy cho hệ cao học, và trong công trình khoa học “Về hệ thống khái niệm của truyền thông đại chúng”, PGS.TS. Nguyễn Văn Dững đã đưa ra cách tiếp cận hệ thống khái niệm lý luận báo chí, theo đó, lý luận báo chí được phân chia thành năm nhánh vấn đề. Theo tác giả luận văn, đây là cách tiếp cận cơ bản hệ thống và toàn diện, dễ nhận biết, dễ tiếp nhận.

Trên cơ sở quan điểm cơ bản và những chỉ dẫn về cách tiếp cận của PGS.TS. Nguyễn Văn Dững, chúng tôi xin giới thiệu bức tranh hệ thống khái niệm lý luận báo chí.

Trước hết, xin giới thiệu mô hình sau:

Ở vị trí trung tâm, báo chí là một khái niệm cơ bản làm nền tảng trong hệ thống các khái niệm lý luận báo chí. Từ khái niệm trung tâm này, xuất hiện những vấn đề dưới dạng các câu hỏi liên quan như sau.

Thứ nhất, báo chí hoạt động trong môi trường xã hội cụ thể nào? Báo chí bao giờ cũng nảy sinh và phát triển trong một môi trường kinh tế - xã hội cụ thể, với những thiết chế xã hội cụ thể. Trong môi trường ấy, báo chí - một thiết chế độc lập - vừa bị chi phối vừa là yếu tố chi phối trở lại các thiết chế khác. Do vậy, muốn hiểu bản chất báo chí, trước hết cần nghiên cứu môi trường xã hội lịch sử. Liên quan đến câu hỏi này, các vấn đề cần được quan tâm là: Tình hình kinh tế - văn hoá xã hội, thiết chế chính trị đương đại; các loại hình lịch sử báo chí truyền thông; lập trường xã hội và nguyên tắc hoạt

động; phương pháp luận tiếp cận và giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra;...

Về các loại hình báo chí trong lịch sử, cho đến nay, báo chí thế giới nghiên cứu và ghi nhận bốn loại hình, bao gồm: báo chí tăng lữ - phong kiến, báo chí tôn giáo, báo chí tư bản chủ nghĩa (báo chí phương Tây) và báo chí xã hội chủ nghĩa (báo chí vô sản). Trong đó, loại hình báo chí tăng lữ - phong kiến đã chấm dứt vai trò lịch sử của mình. Báo chí tư sản và báo chí vô sản về cơ bản có hệ thống quan điểm đối lập nhau trên nhiều bình diện lý luận cũng như thực tiễn hoạt động. Tuy vậy cho đến nay, dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và quá trình toàn cầu hoá, hai loại hình báo chí tư bản và xã hội chủ nghĩa cùng với loại hình báo chí tôn giáo có những phát triển mới cả về lý luận nhận thức cũng như thực tiễn hoạt động theo hướng tăng dần những tương đồng và giảm dần sự khác biệt.

Tương ứng với các loại hình báo chí - truyền thông, phù hợp với môi trường pháp lý, thiết chế kinh tế - chính trị, mỗi loại hình báo chí trong mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có những nguyên tắc hoạt động cuả mình. Nhưng cho dù loại hình nào, trong giai đoạn lịch sử nào thì báo chí truyền thông cũng chịu sự can thiệp, chi phối trực tiếp hay gián tiếp của các thế lực chính trị như một tất yếu lịch sử.

Về lập trường xã hội trong báo chí, hiện tồn tại ít nhất hai quan điểm:

quan điểm thứ nhất cho rằng, nhà báo không cần có lập trường xã hội, bởi nhà báo đơn thuần là người đưa tin, báo chí là thư ký xã hội, có sao chép vậy nên không quan tâm đến có lập trường hay không; quan điểm thứ hai khẳng định, nhà báo và hoạt động báo chí nhất thiết phải dựa trên một lập trường xã hội nhất định. Như vậy, vấn đề đặt ra là trong hoạt động báo chí, có cần lập trường xã hội không và biểu hiện của nó như thế nào?

Thứ hai, trong môi trường xã hội đó, báo chí thực hiện những chức năng nào? Đối tượng tác động của báo chí là gì và báo chí tác động vào xã hội thông qua cơ chế nào? hiệu lực, hiệu quả của báo chí đạt được đến đâu?

Về vai trò, chức năng xã hội cơ bản của báo chí, hiện cũng có nhiều quan niệm khác nhau. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận rằng, với tư cách là một thiết xã hội đặc thù, thiết chế báo chí truyền thông ngày càng có vai trò quan trọng, nó liên kết, chắp nối, giám sát mục tiêu của các thiết chế khác trong toàn hệ thống xã hội, đảm bảo cho hệ thống xã hội vận hành đồng bộ và đúng mục tiêu. Việc nhận thức đúng đắn và khoa học các chức năng xã hội của báo chí sẽ góp phần thúc đẩy thực tiễn báo chí phát triển đúng hướng;

ngược lại, nếu quan niệm lệch lạc sẽ hạn chế tính phong phú đa dạng và làm khô cứng những trang báo, những chương trình phát thanh, truyền hình...

Việc nhận thức rõ đối tượng tác động của báo chí sẽ là một trong những chìa khoá mở ra góc nhìn rõ hơn cội nguồn sức mạnh của báo chí. Đồng thời, mô tả, phân tích cơ chế tác động của báo chí cũng sẽ xác định một cách cụ thể hơn những yếu tố, những công đoạn và các mối quan hệ chi phối quy trình tác nghiệp, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động báo chí. Đối tượng tác động của báo chí; cơ chế tác động của báo chí; hiệu lực, hiệu quả báo chí là những vấn đề cơ bản và bức thiết của lý luận và thực tiễn báo chí hiện đại cần được quan tâm nghiên cứu đúng mức.

Thứ ba, để thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình trong môi trường xã hội cụ thể đó, yêu cầu nào đặt ra đối với chủ thể hoạt động báo chí? Chủ thể ấy có những quyền lợi, bổn phận như thế nào, cũng như mô hình nhân cách nghề nghiệp ra sao? Từ câu hỏi đặt ra này, hàng loạt vấn đề cần nhận thức về lý luận cũng như thực tiễn là: báo chí và dân chủ, nhân quyền và tự do, tự do báo chí; tự do và trách nhiệm, tự do và luật pháp; luật pháp báo chí, chính sách thông tin, vấn đề tâm lý sáng tạo; nhân cách, đạo đức nghề nghiệp

và trách nhiệm xã hội.... của chủ thể được thê hiện trong thực tế ra sao? Những mối quan hệ này cần được nghiên cứu và khai thác sâu xa hơn nữa trong định hướng phát triển cộng đồng và xã hội.

Thứ tư, chủ thể báo chí - truyền thông với bổn phận và trách nhiệm của mình thực hiện quá trình lao động sáng tạo tác phẩm báo chí thông qua quy trình nào, bằng phương tiện và phương thức nào? Quá trình lao động sáng tạo tác phẩm báo chí - tức quá trình thiết kế thông điệp trong chu trình truyền thông – gắn với các khái niệm cốt lõi như: sự kiện báo chí, chi tiết báo chí, ngôn ngữ báo chí, thể loại báo chí, phong cách báo chí... Nhà báo nói chuyện với công chúng chủ yếu thông qua các sự kiện và tại sao sự kiện lại có vai trò quan trọng đặc biệt trong tác phẩm báo chí cũng như hoạt động sáng tạo của nhà báo. Làm thế nào để phát hiện, để săn tìm được tin nóng, lựa chọn được sự kiện hấp dẫn lại có ý nghĩa đối với cộng đồng? Khi đã lựa chọn được sự kiện, việc tìm kiếm chọn lọc chi tiết ra sao, liên kết chúng thế nào, áp dụng thể loại nào cho phù hợp... để có được tác phẩm hấp dẫn công chúng? Đấy là những trăn trở thường trực của nhà báo trong quá trình lao động sáng tạo.

Thứ năm, hệ thống báo chí truyền thông chỉ có thể được vận hành để thực hiện chức năng của mình trên bệ đỡ của công nghệ và kỹ thuật truyền thông. Liên quan tới kỹ thuật và công nghệ truyền thông, các vấn đề cần được quan tâm bao gồm: vai trò, sự phát triển của các kênh chuyển tải; sự phối hợp liên kết và cả sự cạnh tranh giữa các kênh truyền; khả năng tổ chức sử dụng, khai thác các kênh truyền, sự hình thành và phát triển các cơ quan báo chí đa loại hình, đa ấn phẩm và xu hướng hình thành các tập đoàn báo chí-truyền thông... Đấy là những vấn đề đã và đang đặt ra cần được nghiên cứu về mặt lý luận và thực tiễn, trên bình diện vĩ mô cũng như vi mô về quản lý, khai thác các kênh cũng như ấn phẩm truyền thông một cách hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng xã hội.

Trên đây là bức tranh toàn cảnh của hệ thống khái niệm lý luận báo chí.

Các vấn đề và nhóm vấn đề trong toàn hệ thống có mối quan hệ chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau, chi phối lẫn nhau. Cách tiếp cận hệ thống lý luận báo chí bằng cách phân chia thành các nhóm như trên cũng là cơ sở cho việc khảo sát thông tin lý luận báo chí trên các tạp chí lý luận và nghề nghiệp ở chương 2.

* Tiểu kết chương 1

Là một thiết chế xã hội đặc thù, báo chí ngày càng có vai trò quan trọng và sức mạnh to lớn trong đời sống cộng đồng. Để hoạt động thực tiễn báo chí diễn ra đúng hướng và đạt hiệu quả cao cần dựa trên một nền lý luận khoa học. Vì thế, trong hoạt động báo chí, công tác nghiên cứu lý luận cần được quan tâm đúng mức. Lý luận báo chí cần phải gắn bó chặt chẽ với thực tiễn báo chí vì thực tiễn báo chí phát triển nhanh chóng và thay đổi từng ngày.

Trên thế giới, công các nghiên cứu lý luận báo chí cũng như tổng kết kinh nghiệm lao động sáng tạo nghề báo luôn được quan tâm thường xuyên.

Ở Việt Nam, đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ. Lý luận báo chí ở ta chưa có sự gắn kết chặt chẽ và chưa theo kịp thực tiễn, vì thế chưa đảm nhận được vai trò của mình trong việc chỉ đạo và định hướng thực tiễn. Mặt khác, lý luận báo chí của chúng ta trước nay chủ yếu học theo và làm theo lý luận báo chí của Liên Xô và Trung Quốc, một nền lý luận báo chí mang đậm dấu ấn riêng của Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình định hình và chưa rõ nét.

Tuy nhiên, những năm đất nước đổi mới cùng những đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn hoạt động, lý luận báo chí nước ta bước đầu đã tạo dựng cho mình một diện mạo dù còn khiêm tốn trong dòng chảy lịch sử báo chí nước nhà.

Chúng tôi tìm hiểu và giới thiệu một trong những kênh chuyển tải kết quả nghiên cứu lý luận báo chí – là các tạp chí lý luận nghề nghiệp - cũng như

Một phần của tài liệu Lý luận báo chí qua một số tạp chí lý luận và nghề nghiệp (Trang 25 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)