MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ NHỮNG KHUYẾN NGHỊ
3.1. Những thành tựu và kinh nghiệm
Hơn hai mươi năm đất nước đổi mới, khoảng thời gian bắc qua hai thế kỷ ấy là một bước ngoặt của phát triển của báo chí Việt Nam. Thành tựu lý luận báo chí cũng chủ yếu ở giai đoạn này. Có thể nói, dù có muộn màng nhưng những gì lý luận báo chí có được chỉ trong một khoảng thời gian ngắn (hai mươi năm so với chiều dài lịch sử báo chí gần một trăm năm mươi năm của Việt Nam) cũng đủ làm chúng ta tự hào và vững bước đi tiếp trong tương lai.
Thành tựu đầu tiên phải kể đến là đội ngũ những người làm lý luận. Mở đầu cho lịch sử nghiên cứu lý luận báo chí Việt Nam - vào những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi- là một số nhà văn, trong sự nghiệp viết văn của mình, họ có viết báo và nghiên cứu báo chí, cho đến nay chúng ta đã có đội ngũ làm lý luận khá đông đảo và chuyên nghiệp. Đội ngũ ấy có quá trình trưởng thành dày dạn từ hai nguồn chính: Thứ nhất là từ nhiều nhà báo lão thành, sau nhiều năm lăn lộn với nghề, bằng kinh nghiệm, sự nhạy cảm nghề nghiệp và trách nhiệm với nền báo chí, với cuộc sống, họ đã tiếp tục sự nghiệp báo chí bằng việc truyền nghề: tham gia giảng dạy và viết nhiều cuốn sách về lý luận báo chí có giá trị. Những bài giảng, những cuốn sách của họ mang đậm hơi thở của cuộc sống, sinh động nhờ vào kinh nghiệm thực tế mà họ tích lũy được. Thứ hai là từ những cán bộ được nhà nước cử đi học báo chí ở các trường đại học nổi tiếng tại Liên Xô và một số nước Đông Âu cũ. Sau khi tốt nghiệp về nước, đa số họ tham gia giảng dạy, nghiên cứu báo chí tại các cơ sảo đào tạo. Đây là lực lượng chính nghiên cứu và biên soạn nhiều
giáo trình, sách tham khảo về báo chí truyền thông trong những năm qua. Lực lượng này những năm gần đây lại không ngừng được bổ sung từ những người học ở các nước Anh, Mỹ, Pháp, Úc.. trở về. Cùng với những kiến thức lý luận mang về từ những nền báo chí mà họ học tập nghiên cứu, họ góp phần làm cho diện mạo lý luận báo chí chúng ta có sự đang dạng và phong phú hơn.
Hơn nữa, các cơ sở đào tạo trong nước, đặc biệt là Học viện Báo chí Tuyên truyền và Khoa Báo chí - Truyền thông trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, những năm qua đã đào tạo nhiều khóa thạc sĩ và một số tiến sĩ cũng đã hoàn tất khóa học – từ đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ báo chí được đào tạo trong nước cũng có nhiều người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, bổ sung cho đội ngũ những người làm công tác lý luận báo chí. Ngoài hai nguồn chính kể trên, việc tham gia tổng kết kinh nghiệm thực tiễn báo chí xây dựng thành lý luận còn có sự tham gia của những người làm công tác quản lý báo chí cùng đông đảo nhà báo trong cả nước.
Từ đội ngũ này, đầu những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi, các cuốn sách về lý luận báo chí lần lượt được xuất bản. Đó là các cuốn giáo trình, các cuốn sách tham khảo, sách tập hợp các bài báo khoa học của nhiều tác giả trong một thời gian nhất định của các nhà nghiên cứu; đó còn là các cuốn sách về kinh nghiệm, kỹ năng làm báo, tuyển tập các tác phẩm báo chí của tác giả là các nhà báo. Bên cạnh đó, đầu những năm 2000, rất nhiều sách dịch về lý luận báo chí được xuất bản (chỉ riêng NXB Thông Tấn, trong hai năm 2003 và 2004 xuất bản hai đợt hơn 30 cuốn). Ngoài ra, cũng nên kể đến các đề tài luận văn, luận án của học viên các khóa sau đại học tại các cơ sở đào tạo báo chí mỗi năm có đến vài chục công trình.
Ngày nay, thật sự không khó để chúng ta tìm kiếm một tài liệu hoặc cuốn sách về báo chí tại các thư viện, nhà sách hay trên giá sách cá nhân của
những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí - điều mà chỉ hơn chục năm về trước là rất khó.
Sản phẩm nghiên cứu lý luận báo chí của chúng ta cũng đã quay trở lại phục vụ cho thực tiễn hoạt động. Đầu tiên và rõ nhất là phục vụ cho quá trình đào tạo nghề báo. Hiện nay, ngành báo chí vẫn là một ngành hấp dẫn giới trẻ và được xã hội quan tâm. Mỗi năm, gần một nghìn sinh viên báo chí các hệ đào tạo vào trường và cũng khoảng chừng ấy người tốt nghiệp ra trường. Hệ thống bài giảng, giáo trình chuyên ngành, sách tham khảo báo chí nói chung phát huy tác dụng tối đa phục vụ cho việc giảng dạy lực lượng khá đông đảo này. Dù chưa thật sự hoàn chỉnh, nhưng với những gì có được, sản phẩm lý luận báo chí góp một phần quan trọng vào việc tạo thế chủ động trong đào tạo, từ đó, chất lượng đào tạo được cải thiện từng bước. Báo chí là một ngành quy tụ lao động từ nhiều ngành khác nhau và số lượng những người chưa qua đào tạo báo chí chiếm số lượng không nhỏ trong đội ngũ người làm báo nước ta. Lực lượng này tuy họ có kiến thức chuyên ngành cụ thể, họ có khả năng tác nghiệp trong thực tế nhưng họ thiếu nền tảng kiến thức báo chí. Vì vậy, hệ thống tài liệu lý luận báo chí chính là điểm tựa, bổ sung phần khuyết của họ qua việc tự học tập, bồi dưỡng hay tham dự học tại các lớp bồi dưỡng do các cơ quan báo chí hay Hội nhà báo tổ chức... Ở nhiều khâu hoạt động khác của đời sống báo chí, lý luận báo chí cũng đã thể hiện được vai trò của mình - Như góp phần khẳng định lập trường, củng cố niềm tin cho những người làm báo, tô đậm nét đặc trưng của báo chí truyền thông Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Báo chí truyền thông hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và trong khuôn khổ pháp luật. Báo chí hoạt động theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong lao động sáng tạo sản phẩm cụ thể, người làm báo có thể học hỏi và áp dụng rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng đã được
đúc rút, tổng kết. Lý luận báo chí cũng chỉ ra nhiều khiếm khuyết trong hoạt động thực tiễn nghề báo để sớm có những điều chỉnh sửa chữa phù hợp, đưa thực tiễn báo chí phát triển đúng hướng và có chất lượng.
Tóm lại, thành tựu lý luận báo chí Việt Nam dù còn khiêm tốn nhưng bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển chung, làm thay đổi bộ mặt của báo chí.
3.1.2. Một vài kinh nghiệm
Lý luận báo chí Việt Nam đạt được những thành công nhất định trong một khoảng thời gian không dài là điều không phải dễ dàng. Có thể rút ra một vài kinh nghiệm sau sự thành công trên:
Vai trò ngày càng gia tăng của báo chí trong đời sống xã hội và những biến đổi nhanh chóng, toàn diện của nền kinh tế đất nước cùng với quá trình giao lưu hợp tác quốc tế sâu rộng là những điều kiện chính thúc đẩy việc phát triển nghiên cứu lý luận báo chí.
Trong điều kiện chung của thời cuộc như vậy, không thể không ghi nhận sự nổ lực của các tổ chức và cá nhân, nguồn lực chính tạo ra sản phẩm lý luận báo chí. Đầu tiên phải kể đến các cơ sở đào tạo báo chí trong việc năng động xoay xở, có chiến lược từng bước thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận báo chí với mục đích đầu tiên là phục vụ công tác giảng dạy của cơ sở mình, sau nữa là bù đắp cho những thiếu hụt về lý luận trong nền báo chí chúng ta. Tiếp đến, chúng ta ghi nhận và trân trọng sự nổ lực của cá nhân những nhà báo, nhà nghiên cứu trong việc trực tiếp làm ra sản phẩm lý luận báo chí. Nghiên cứu lý luận báo chí là công việc âm thầm, vất vả, chịu nhiều thiệt thòi so với lao động bề nổi là sáng tạo tác phẩm báo chí; hơn nữa, hoạt động này chưa được xã hội coi trọng và đầu tư đúng mức, thành ra, các tác giả của chúng ta làm việc vì lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp là chính. Kết quả những nổ lực của họ là sự lần lượt có mặt các tác phẩm lý luận báo chí.
Chính họ tạo ra diện mạo lý luận báo chí nước nhà trong những năm tháng vừa qua.
Ngoài ra, còn phải kế đến sự năng động của các nhà xuất bản trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, trong đó, Nhà xuất bản Thông Tấn, một thành viên của Thông tấn xã Việt Nam, cần được ghi công đầu. Nhà xuất bản này đã tổ chức dịch và xuất bản hàng chục cuốn sách về lý luận báo chí, bổ sung vào tủ sách lý luận còn rộng chỗ của báo chí Việt Nam.
Một số cơ quan báo chí, tiêu biểu là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, báo Tuổi trẻ, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam,... song song với lao động sáng tạo tác phẩm báo chí, họ cũng khuyến khích việc nghiên cứu, tích lũy, truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp cụ thể cho đội ngũ những nhà báo trẻ, ngoài ra còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thường kỳ, bổ sung kiến thức và kỹ năng báo chí cho các nhà báo. Đây là những cơ quan báo chí đi đầu trong việc tiến đến sự chuyên nghiệp trong nghề báo. Bên cạnh những tên tuổi các nhà báo lão thành nổi tiếng như Phan Quang, Hữu Thọ,...
một số tên tuổi đã trở nên khá quen thuộc viết về lý luận báo chí thời gian gần đây có thể kể như Trần Ngọc Châu, Trần Hữu Quang, Nguyễn Vạn Phú, Ngọc Trân...
Về phương diện chuyển tải thông tin lý luận đến với đối tượng bạn đọc của mình, chúng ta không quên kể đến sự cố gắng của những người làm tạp chí lý luận và nghề nghiệp báo chí trong đó có những tạp chí trong diện khảo sát của luận văn này.
Tóm lại, những thành tựu bước đầu của lý luận báo chí Việt Nam những năm qua nhờ vào sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó, đáng kể nhất, đáng ghi nhận nhất chính là nổ lực cá nhân của bản thân các nhà nghiên cứu và các nhà báo viết lý luận báo chí.