ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN BÁO CHÍ
2.1. Vai trò của các tạp chí lý luận nghề nghiệp trong việc chuyển tải các kết quả nghiên cứu lý luận báo chí
Trong toàn hệ thống báo chí truyền thông của thế giới, tạp chí đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu. Có thể ví tạp chí như phần lắng sâu của dòng thông tin ào ạt trôi chảy. Đó là tất cả những vấn đề thuộc các lĩnh vực của cuộc sống xã hội được nhìn nhận, mổ xẻ, phân tích, đánh giá; đó cũng là những vấn đề lý luận hay kinh nghiệm được đúc rút, tổng kết ở một giai đoạn hay một thời kỳ. Diện độc giả thường không rộng, lượng phát hành thường không lớn so với các hình thức báo chí khác, song nếu thiếu vắng tạp chí, hệ thống truyền thông đại chúng chẳng khác nào một cơ thể không vẹn toàn.
Ở Việt Nam, con số 416 tạp chí trong tổng số 687 cơ quan báo in (tính đến tháng 5/2009)1 đã nói lên tầm quan trọng của mình trong hệ thống báo chí nước nhà. Trong đội quân tạp chí đông đảo, dòng tạp chí khoa học, tạp chí lý luận và nghề nghiệp có vị trí chững chạc, có uy tín đối với công chúng. Mỗi tạp chí dạng này thường đại diện cho một nghề nghiệp, một lĩnh vực nhất định trong xã hội, luôn theo sát đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn qua các thời kỳ cách mạng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo chí là một lĩnh vực ngày càng có ảnh hưởng cả bề rộng và chiều sâu trong đời sống xã hội. Hoạt động nghề nghiệp báo chí cần có một diễn
1 Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo đánh giá công tác quản lý Nhà nước về báo chí năm 2007 – 2008 và triển khai những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác quản lý Nhà nước về báo chí năm 2009 – 2010 (Hội
đàn chuyên môn để tập thể những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí - từ nhà quản lý, nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy, đội ngũ những người trực tiếp lao động sáng tác phẩm đến đông đảo sinh viên, học viên theo học nghề báo - có thể trao đổi, bàn luận, học hỏi, chia sẻ. Hiện tại, trong hệ thống các tạp chí về chuyên ngành báo chí gồm: các tạp chí mang tính định hướng tư tưởng như Tạp chí Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương), Tạp chí Cộng sản (Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam), Tạp chí Lý luận chính trị (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)...; tạp chí là diễn đàn khoa học, trong đó có một mảng quan trọng, đậm đặc thông tin về lý luận và nghiệp vụ báo chí truyền thông là tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông (Học viện Báo chí và Truyên truyền); diễn dàn chia sẻ nghề nghiệp của báo giới cả nước và là nhịp cầu nối giữa nhà báo và bạn đọc có tạp chí Người Làm Báo của Hội Nhà báo Việt Nam cùng hệ thống tạp chí nghề nghiệp của rất nhiều các Hội nhà báo của các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó đáng chú ý là tờ Nghề báo của Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều tờ báo lớn như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thời báo Kinh tế Sài Gòn... cũng ra những phụ san chuyên về nghiệp vụ làm báo nhân các dịp đặc biệt ví dụ ngày truyền thông báo chí cách mạng Việt Nam 21 tháng 6. Gần đây, một số tạp chí truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt đầu có những chuyên đề mang tính chia sẻ nghiệp vụ... Có thể gọi chung những tạp chí có liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp làm báo vừa kể trên là những tạp chí lý luận - nghề nghiệp.
Các tạp chí lý luận nghề nghiệp là một trong những kênh chuyển tải kết quả nghiên cứu lý luận. Chúng tôi chọn ra 4 tạp chí trong số các tạp chí kể trên để khảo sát vấn đề chuyển tải thông tin lý luận báo chí bao gồm: Tạp chí Người Làm Báo, Tạp chí Nghề Báo, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, Tạp chí Tuyên giáo.
Về tạp chí Người Làm Báo
Tạp chí Người Làm Báo là cơ quan lý luận nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam. Tạp chí được cấp phép xuất bản ngày 15/1/1985. Giai đoại 1985- 1990, Người làm báo xuất bản 3 tháng 1 kỳ. Từ 1/10/1991, Tạp chí đổi tên thành Nhà báo và công luận theo giấy phép xuất bản báo chí số 1718/BC- GPXB do Bộ trưởng Bộ Văn hoá –Thông tin. Tháng 3/1995, trong dịp Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần VI, tạp chí được quyết định lấy lại tên ban đầu là Người làm báo cho đến nay.
Tôn chỉ, mục đích: Tuyên truyền và đấu tranh bảo vệ đường lối, chính sách thông tin báo chí của Đảng và Nhà nước; Thông tin những vấn đề lý luận, nghiệp vụ thông tin đại chúng cũng như hoạt động báo chí trong nước và trên thế giới; Là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ của những người làm báo, đề xuất với Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội những vấn đề về chính sách, chế độ có liên quan đến sự nghiệp phát triển báo chí, đến đời sống và hoạt động của những người làm báo; Là tiếng nói của giới báo chí trong việc tham gia bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của Hội viên và nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp.
Đối tượng phục vụ của tạp chí Người Làm Báo là các nhà báo, đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí và những người quan tâm tới báo chí trong cả nước.
Tạp chí xuất bản mỗi tháng 1 kỳ.
Để cải tiến nội dung và hình thức sau 23 năm tồn tại và phát triển với 291 số báo, từ tháng 6 năm 2008, Tạp chí Người Làm Báo (Bộ mới) ra đời.
Tạp chí Người Làm Báo bộ mới đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức thể hiện, xứng đáng là một ấn phẩm của nhà báo, dành cho nhà báo và vì nhà báo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền báo chí cách mạng trong giai đoạn mới. Tạp chí đã thu hút sự quan tâm, cộng tác tích cực của nhiều chuyên
gia, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, giảng viên báo chí, doanh nhân, các nhà báo có uy tín, các cây bút nổi tiếng trên cả nước.
Về tạp chí Nghề báo
Tạp chí Nghề báo là cơ quan lý luận nghiệp vụ của Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh. Số đầu tiên ra đời ngày 18.6.1999. Ra đờiở một nơi có đời sống báo chí sôi động nhất nước ta, tạp chí Nghề báo nhanh chóng vượt ra khỏi địa hạt một tờ tạp chí dành riêng cho Hội viên Hội nhà báo Thành phố để lan toả khắp đất nước, để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với độc giả gần xa.
Nội dung tờ báo có tiêu chí nghiệp vụ rõ ràng, tập hợp được những cây bút có nghề và có tên tuổi, xây dựng được nhiều trang mục hay và bổ ích. Sự nghiêm túc trong tác nghiệp và những cố gắng không ngừng làm cho tờ báo hay hơn, đẹp hơn, có ích hơn cho bạn đọc là cố gắng của Ban biên tập qua từng số báo. Nghề Báo cũng đã đứng đầu trong 10 tờ báo được khen thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong 10 năm qua, tuy không tránh khỏi những thăng trầm, khó khăn (nhiều lần thay đổi tổng biên tập, các vấn đề về tự chủ tài chính...), song Nghề báo luôn cố gắng để làm người bạn đồng hành tin cậy của những người trong nghề.
Cả Người làm báo và Nghề báo đã thực sự trở thành diễn đàn của báo giới, được xem như những cuốn cẩm nang kiến thức và kỹ năng làm báo rất sinh động và bổ ích trong hành trang của những người làm nghề.
Về tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông
Lý luận chính trị và truyền thông (LLCH&TT) là cơ quan nghiên cứu lý luận của Học viện Báo chí và tuyên truyên thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Tạp chí được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp giấy phép hoạt động tháng 10/1994. Tên ban đầu là Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, xuất bản 2 tháng 1 kỳ. Để phản ánh toàn diện kết quả nghiên
cứu khoa học trên các lĩnh vực nhà trường đào tạo, được phép của Bộ Văn hoá – Thông tin, từ tháng 11/2006, tạp chí chính thức đổi tên thành Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông và nâng cấp từ 2 tháng 1 kỳ thành 1 tháng 1 kỳ; tôn chỉ, mục đích của tạp chí không thay đổi.
Tôn chỉ mục đích: Thông tin những vấn đề lý luận chính trị và nghiệp vụ báo chí, tuyên truyền, xuất bản góp phần truyền bá đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; Công bố kết quả các công trình nghiên cứu khoa học, tổng kế thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm đào tạo cán bộ giảng dạy lý luận và cán bộ làm công tác thông tin đại chúng.
Đối tượng phát hành: Tạp chí LLCH&TT được phát hành rộng rãi trong cả nước, trở thành tài liệu nghiên cứu, tham khảo cần thiết trong các cơ quan báo chí, tuyên truyền và các cơ sở đào tạo. Tạp chí là cầu nối giữa các nhà nghiên cứu và độc giả trong cả nước, là phương tiện để các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu, chính điều đó đã tập hợp đông đảo các học giả, thu hút họ vào các chuyên mục của tạp chí và khích lệ họ có những nghiên cứu tiếp theo.
15 năm phát triển, LLCT&TT đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình, có những đóng góp đáng ghi nhận và các hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá. LLCT & TT có thế mạnh là tập hợp được đội ngũ viết bài thường xuyên là các nhà khoa học đầu ngành, lãnh đạo, quản lý hoạt động thực tiễn báo chí và tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương. Chính đội ngũ cộng tác viên này đã làm cho sự phản ánh thực tiễn trên tạp chí phong phú, đa dạng, có những bài đi sâu vào lý luận, có những bài tổng kết thực tiễn trao đổi kinh nghiệm hoạt động, có những bài trao đổi nghiệp vụ đạt chất lượng tốt...
Về tạp chí Tuyên giáo
Tạp chí Tuyên giáo được thành lập vào ngày 21 tháng 1 năm 2008 trên cơ sở hợp nhất tạp chí Tư tưởng văn hoá và tạp chí Khoa giáo. Là cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương, có chức năng nghiên cứu lý luận, cung cấp thông tin và định hướng về công tác tuyên giáo, là diễn đàn trao đổi ý kiến về các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực tuyên giáo. Trong các lĩnh vực của công tác tuyên giáo, báo chí được xem là một trong những lĩnh vực quan trọng cần được phản ánh và thông tin kịp thời những tư tưởng chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước cũng như những mặt của hoạt động thực tế.
Đưa tạp chí này vào diện khảo sát, chúng tôi muốn tìm hiểu những vấn đề mang tính định hướng cho hoạt động báo chí nói riêng cũng như những vấn đề về lý luận báo chí có được quan tâm đúng mức không.
Kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết kinh nghiệm sáng tạo báo chí được công bố bằng nhiều con đường khác nhau, đó là các cuốn giáo trình, sách tham khảo, các tuyển tập, các cuốn cẩm nang kiến thức nghề báo, các cuốn sách dịch... trong đó, các tạp chí lý luận - nghề nghiệp là một trong những kênh chuyển tải hiệu quả. Có thể khẳng định như thế bởi rằng, những bài nghiên cứu, bài viết được công bố trên các tạp chí này luôn có sự “tươi mới” gần gũi và chân thực. Chúng như những đứa con tinh thần vừa được sinh ra mà các tạp chí chính là bà đỡ. Đây là những sản phẩm không chỉ của những nhà nghiên cứu mà còn của các nhà báo và những người hoạt động báo chí - truyền thông nói chung.