MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ NHỮNG KHUYẾN NGHỊ
3.3. Một số khuyến nghị nâng cao chất lượng thông tin lý luận trên các tạp chí lý luận và nghề nghiệp
Để phục vụ công tác phát triển lý luận báo chí, khâu tuyên truyền cũng được đặt ra và thực hiện một cách đồng bộ, bài bản. Công việc này cần có sự giúp sức của các cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí lý luận nghề nghiệp báo chí. Vậy nên, các tạp chí lý luận và nghề nghiệp cần có những giải pháp phù hợp để thực hiện nhiệm vụ này.
Trên cơ sở phân tích lý luận báo chí ở các khía cạnh, xem xét bức tranh cận cảnh lý luận báo chí trên các tạp chí lý luận nghề nghiệp, những nhận xét ban đầu về lý luận báo chí cũng như nhu cầu tiếp nhận thông tin lý luận báo chí và những ý kiến đóng góp của độc giả, của các chuyên gia, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin lý luận báo chí trên các tạp chí.
Ban Biên tập các tạp chí cần xác định rõ chức năng của mình, có quan điểm rõ ràng trong việc chuyển tải thông tin lý luận khoa học báo chí, có kế hoạch, chiến lược cụ thể cho việc thực hiện nhiệm vụ thông tin lý luận. Trên cơ sở đó, thực hiện các công việc cụ thể như:
Liên hệ chặt chẽ với đội ngũ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu báo chí
Trong phát triển công tác lý luận báo chí, đội ngũ các nhà khoa học (làm công tác nghiên cứu giảng dạy tại các trường và các cơ quan tổ chức khác) chính là đội quân chủ lực. Các tạp chí lý luận nghề nghiệp báo chí sẽ khó lòng thực hiện tốt phần chức năng nghiên cứu lý luận của mình nếu thiếu sự giúp sức của lực lượng này. Sự cộng tác, giúp sức của các nhà nghiên cứu thể hiện ở các công việc cụ thể như: làm cố vấn trong các khâu tổ chức, thẩm định, biên tập bài vở, đặc biệt, họ chính là lực lượng chắp bút chính của các bài nghiên cứu báo chí.
Trong mối quan hệ công việc này, các tạp chí cần có những chính sách thỏa đáng về chế độ nhuận bút, báo biếu, lương cộng tác viên... cho các nhà khoa học. Thái độ trân trọng của các tạp chí dành cho đội ngũ cộng tác viên đặc biệt này còn thể hiện ở việc in bài vở trang trọng cùng nhiều sự quan tâm đến những vấn đề khác trong cuộc sống thường ngày ngoài công việc. Trong mối quan hệ này, nhà khoa học và người làm tạp chí cũng phải có được sự thống nhất trong hình thức chuyển tải bài nghiên cứu.
Dành thêm nhiều “đất” cho mảng thông tin lý luận báo chí
Lâu nay, những trang mục dành cho mảng thông tin lý luận thường ít ỏi, không rõ ràng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như đã phân tích. Để nâng cao chất lượng thông tin lý luận báo chí, nhất thiết các tạp chí phải dành cho lĩnh vực này một sự ưu ái trước tiên là về diện tích trang báo.
Không bị áp lực về số lượng chữ, những bài báo khoa học đúng nghĩa sẽ đầy đủ, trọn vẹn hơn. Nhiều vấn đề khác nhau của lý luận báo chí sẽ có dịp được thể hiện đa dạng, đa chiều... Việc dành nhiều trang mục cho thông tin lý luận báo chí vừa thể hiện sự quan tâm của các tạp chí đến các vấn đề lý luận báo chí, đồng thời cũng là cách giúp đối tượng độc giả nâng cao nhận thức về lý luận báo chí.
Tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về các vấn đề lý luận báo chí giữa các tạp chí với nhau, giữa các tạp chí với các cơ quan báo chí khác, giữa các tạp chí với các cơ quan, tổ chức có liên quan... Từ đây, các vấn đề lý luận được phân tích mổ xẻ, bàn luận; từ đây, các bài tham luận, các ý kiến thảo luận là nguồn bài viết, nguồn đề tài phong phú cho các tạp chí khai thác, sử dụng. Đây cũng là điều kiện để tạp chí nắm bắt, đưa ra các vấn đề, tạo diễn đàn tranh luận khoa học trên chính các tạp chí của mình. Việc làm này chính là tạo không khí khoa học trên tạp chí hữu hiệu nhất.
Khai thác, sử dụng từ các công trình, đề tài khóa luận, luận văn của sinh viên và học viên báo chí cũng là một cách làm phong phú thông tin lý luận trên các tạp chí. Mỗi năm tại các cơ sở đào tạo báo chí có hàng trăm đề tài được hoàn thành qua sự thẩm định của các hội đồng khoa học. Đây thực sự là nguồn thông tin lý luận báo chí dồi dào, đa dạng mà lâu nay các tạp chí chưa để ý khai thác.
Bố trí, kết hợp các dạng bài viết về lý luận báo chí, trong đó, sử dụng bài nghiên cứu làm điểm nhấn
Lý luận báo chí là lĩnh vực rất rộng gồm nhiều nhóm vấn đề như đã phân tích từ trước. Các bài viết về lý luận báo chí có thể là bài nghiên cứu, có thể là các bài viết thuộc các thể loại báo chí khác. Vấn đề là trong mỗi số tạp chí, nên kết hợp các loại bài viết khác nhau, trong đó, điểm nhấn là bài nghiên cứu. Mỗi số tạp chí có thể chỉ đăng một đến hai bài nghiên cứu, nhưng đó phải là bài nghiên cứu đúng nghĩa, tuân thủ các tiêu chí về nội dung, quy trình thẩm định, trong đó có tiêu chí về dung lượng. Quan niệm hiện tại của những người làm tạp chí (nói về trường hợp tạp chí lý luận nghiệp vụ của các Hội Nhà báo) là báo chí phải ngắn gọn cho nên viết bài phải ngắn gọn, rồi lấy quan điểm đó áp đặt cho cả những bài báo khoa học dẫn đến việc cắt xén tùy tiện hay “gọt giũa” các bài cho giống nhau, bằng nhau... Điều này hoàn toàn không phải là thái độ khoa học và làm khoa học.
Mở rộng phạm vi đề tài lý luận báo chí, đặc biệt là những vấn đề lý luận của báo chí hiện đại. Không chỉ chú trọng lý luận báo chí trong nước mà nên mở rộng ra lý luận báo chí nước ngoài, kể cả việc dịch những tác phẩm lý luận báo chí của các tác giả nước ngoài. Việc cập nhật thường xuyên lý luận báo chí hiện đại là một trong những cách nâng tầm quốc tế của các tạp chí lý luận và nghề nghiệp.
Cải tiến hình thức chuyển tải các tác phẩm viết về lý luận báo chí. Viết về lý luận thường khô khan, đặc biệt là các bài nghiên cứu tuân thủ đầy đủ các tiêu chí. Vì vậy, trong thiết kế trình bày, cần có những giải pháp thích hợp giúp cho các bài viết lý luận bớt phần khô cứng, dễ đến với bạn đọc. Một số thủ thuật trong trình bày có thể tham khảo như: sử dụng màu nền, màu chữ nhẹ nhàng hài hòa, kết hợp các hình vẽ minh họa, hộp số liệu nếu có thể... làm thế nào đấy để tạo được cảm giác bài viết về lý luận báo chí không phải là những khối chữ khô cứng, dài lê thê mà là những bài tác phẩm vừa sang trọng vừa nghiêm túc. Về vấn đề này, Nghề báo và Người làm báo (bộ mới) đã có những cải tiến đổi mới về hình thức tạp chí nói chung trong khi Lý luận chính trị và Truyền thông, Tuyên giáo vẫn cũ kỹ và khá khô khan. Một hình thức bắt mắt sẽ tạo cảm tình cho người đọc trước tiên và vì thế nội dung cũng sẽ dễ đến được với độc giả hơn.
Điều tra, đánh giá sự quan tâm của đối tượng tiếp nhận về nội dung tạp chí, đặc biệt là mảng thông tin về lý luận
Trong làm báo hiện đại, việc điều tra nhu cầu bạn đọc là một công việc không thể thiếu. Bởi lẽ qua đó, cơ quan báo chí sẽ xác định được “khẩu vị”
của độc giả đối với từng vấn đề của tòa soạn, qua đó, tòa soạn sẽ có những điều chỉnh, cải tiến phù hợp để thu hút công chúng đến với ấn phẩm của mình.
Việc điều tra ý kiến độc giả về lý luận báo chí và tác động của lĩnh vực này đến hoạt động công tác của họ không nằm ngoài mục đích công việc nêu trên.
Các tạp chí lý luận và nghề nghiệp báo chí là dạng tạp chí viết về nghề cho những người cùng nghề, việc lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp là vô cùng bổ ích và cần thiết. Điều tra xã hội học về lý luận báo chí có thể có tác dụng nhiều chiều. Trước hết, thông qua các cuộc điều tra này, tòa soạn sẽ nhận biết được trình độ nhận thức của đối tượng tiếp nhận về lý luận báo chí.
Thứ hai, đây cũng là dịp nâng cao hiểu biết của đối tượng tiếp nhận nói chung
và giới báo chí nói riêng về lý luận báo chí. Tác dụng thứ hai này có thể hiểu như việc tuyên truyền về vai trò của lý luận báo chí – một lĩnh vực mà phần lớn báo giới chúng ta vẫn còn khá mơ hồ. Hơn thế, các cuộc điều tra là cơ sở giúp các tạp chí định hình lại cơ cấu thông tin lý luận báo chí – lâu nay vốn vụn vặt và mất cân đối.
Bên cạnh hình thức điều tra trưng cầu ý kiến, các tạp chí cũng có thể tổ chức các cuộc thi hiểu biết về lý luận báo chí cho rộng rãi đối tượng bạn đọc, đặc biệt là cho sinh viên báo chí. Đây là hình thức nâng cao nhận thức của công chúng về lý luận báo chí. Thực chất, đây cũng là hình thức thông tin đến độc giả một cách nhanh chóng, hấp dẫn và hiệu quả. Tuy vậy, hiệu quả đạt được đến đâu còn tùy thuộc vào cách thức tổ chức, cơ cấu giải thưởng, hình thức thi, tổ chức tuyên truyền...
Ngoài ra, các tạp chí cũng có thể tập hợp riêng các bài viết về lý luận báo chí để xuất bảnb theo định kỳ - nối dài hình thức chuyển tải lý luận báo chí đến với công chúng của mình. Đây là việc làm cần thiết để có thể lưu giữ được những kiến thức lý luận, rất thiết thực và bổ ích đối với những người không theo dõi được tất cả các số tạp chí; sản phẩm này cũng là một cẩm nang kiến thức lý luận đích thực cho người làm báo và sinh viên báo chí.
Về phía các nhà nghiên cứu: Để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc thông tin lý luận báo chí trên các tạp chí, cần có sự góp sức của đội ngũ các tác giả, đặc biệt là những nhà nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu cần chủ động hợp tác với các tạp chí và xem đó như diễn đàn của chính mình.
Những giải pháp nêu trên chủ yếu là áp dụng cho các tạp chí lý luận nghiệp vụ của các Hội Nhà báo trong đó có tạp chí Người làm báo và Nghề báo. Đối với tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông – vốn là diễn đàn khoa học của các nhà nghiên cứu – giảng dạy của Học viện Báo chí và tuyên truyền, lâu nay đã có kinh nghiệm tổ chức đăng tải các kết quả nghiên cứu lý
luận, trong đó có lý luận báo chí. Tuy vậy, tạp chí này có hạn chế là đối tượng tiếp nhận có hạn, chủ yếu phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu ở học viện (nhưng ngay cả đối tượng là cán bộ và sinh viên của Học viện báo chí và tuyên truyền, qua kết quả khảo sát cho thấy, số lượng đọc tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông chỉ bằng một nữa so với số lượng người đọc tạp chí Người làm báo cũng như Nghề báo – 31% so với 64% và 63%).
Vậy nên, dù có đội ngũ tác giả là các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành với những bài báo khoa học có chất lượng thông tin lý luận tốt, thì tạp chí cũng khó có cơ hội đến với đông đảo báo giới để phục vụ thực tiễn. Mặt khác, hình thức của tạp chí khá khô khan, chậm đổi mới cũng là một nguyên nhân ít hấp dẫn bạn đọc. Lý luận chính trị và Truyền thông cần cải tiến về hình thức, sáng tạo hơn nữa trong việc chuyển tải thông tin lý luận chuyên ngành trong đó có chuyên ngành báo chí để tạo được phong cách và bản sắc riêng, đồng thời mở rộng đối tượng độc giả để những thông tin lý luận có dịp đi vào thực tế và phục vụ thực tế một cách hiệu quả nhất. Tạp chí Tuyên giáo, với chức năng nghiên cứu lý luận, cung cấp thông tin và định hướng về công tác tuyên giáo, cần chú trọng hơn mảng thông tin lý luận báo chí tương xứng với vị trí quan trọng của hoạt động báo chí trong công tác tuyên giáo. Ở tạp chí này, thông tin lý luận về báo chí cần tập trung vào nhóm vấn đề có tính chất định hướng chung, khẳng định lập trường tư tưởng cũng như các vấn đề về pháp luật báo chí, tự do báo chí, chính sách thông tin,...
Nói tóm lại, muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả việc chuyển tải thông tin lý luận báo chí trên các tạp chí cần áp dụng và thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ, trong đó, vấn đề mấu chốt cần quan tâm là phải có sự
“gặp gỡ” giữa những người làm tạp chí và đội ngũ các nhà khoa học; phải là diễn đàn để các nhà khoa học có thể trao đổi, thảo luận về các vấn đế lý luận báo chí và xem đó thực sự là diễn đàn của chính mình. Lịch sử đã chứng minh
rằng, các ngành khoa học muốn phát triển đều phải thông qua thảo luận và đặc biệt là tranh luận khoa học. Có nhiều hình thức tranh luận khoa học như hội thảo, hội nghị, trao đổi thư từ... nhưng, lấy tạp chí khoa học chuyên ngành công bố quan điểm của tất cả mọi thành phần tham gia là cách làm có hiệu quả nhất và tối ưu nhất từ xưa đến nay – đây là lợi thế mà các tạp chí lý luận và nghề nghiệp báo chí cần sớm nắm lấy.
*Tiểu kết chương 3
Lý luận báo chí Việt Nam có nhiều hạn chế mang tính lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền tự hào về những thành tựu có được trong một khoảng thời gian ngắn là hai mươi năm sau đổi mới.
Ngày nay, thực tiễn phát triển nhanh chóng và phức tạp của báo chí đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề cần nghiên cứu về mặt lý luận. Nâng cao chất lượng thông tin lý luận báo chí chính là việc đưa lý luận báo chí về đúng vị trí của nó, từ đó nó có thể phát huy tối đa vai trò định hướng, dẫn lối chỉ đường đối với thực tiễn báo chí.
Công tác lý luận báo chí nếu được quan tâm đúng mức nhất định sẽ phục vụ trở lại một cách có hiệu quả cho quá trình quản lý, lãnh đạo nền báo chí nói chung.