Đam Mê Hay Lợi Nhuận?

Một phần của tài liệu làm ít hơn, kiếm tiền nhiều hơn (Trang 40 - 46)

"Đam mê là nguồn gốc tạo nên bậc kỳ tài."

ắ Anthony Robbins Đam mê hay lợi nhuận?

Bạn theo đuổi một công việc kinh doanh vì tiền hay thực sự đam mê nó?

Nếu bạn không tận tâm hoặc không hiểu biết nhiều về thị trường ngách mà mình đã chọn, bạn có thể gặp phải rất nhiều khó khăn sau này.

Ví dụ, dịch vụ chăm sóc khách hàng sẽ khiến bạn cực kỳ vất vả (và nhàm chán) khi phải trả lời những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực mà bạn chỉ biết chút ít (tất nhiên, về lâu dài bạn sẽ muốn thuê nhân sự để làm việc này. Thế nhưng ban đầu tốt nhất bạn nên tự trải nghiệm và khám phá, từ đó bạn có thể hiểu rõ hơn những vấn đề hoặc mối bận tâm của khách hàng).

5 lý do để theo đuổi đam mê 1. Niềm vui

Nếu thị trường ngách của bạn là dạy cách nấu món ăn Ý mà bạn không hề hứng thú với nó, chắc chắn việc kinh doanh sẽ không mang lại niềm vui cho bạn. Sẽ thật nhàm chán khi bạn phải nghiên cứu, bán hàng và hỗ trợ khách hàng về một chủ đề mà bạn không thích.

2. Thư chào hàng thuyết phục hơn

Khi bạn đã có kinh nghiệm cũng như hiểu biết rõ về sản phẩm của mình, bạn sẽ có khả năng truyền đạt tốt hơn.

Kiến thức và lòng nhiệt huyết tạo thành một sự kết hợp vô cùng mạnh mẽ. Điều này sẽ giúp bạn viết một bức thư chào hàng một cách tự nhiên và hiệu quả hơn.

Một trong những phần khó nhất của việc viết một bức thư chào hàng hiệu quả là phải hiểu rõ về sản phẩm và tâm lý khách hàng. Chỉ cần có niềm đam mê, bạn sẽ thực hiện được điều đó.

3. Kiếm được nhiều tiền hơn

Một khi bạn hiểu rõ thị trường ngách của mình, bạn sẽ biết được những sản phẩm nào khác (ngoài sản phẩm chính của mình) có thể mang lại lợi ích cho khách hàng.

Do đó, bạn sẽ có cơ hội giới thiệu với những khách hàng mà bạn đã xây dựng được mối quan hệ và lòng tin về những mặt hàng liên quan này.

4. Gia tăng lòng trung thành

Nếu bạn chia sẻ chung một niềm đam mê với khách hàng, họ sẽ xem bạn như chính bản thân họ. Một khi họ thích bạn, họ sẽ càng tin tưởng bạn hơn.

Niềm tin – sẽ hướng khách hàng đến sự thỏa mãn, sự cam kết và cuối cùng là tăng doanh số.

5. Phát triển mạng lưới quan hệ

Nhiều khả năng bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ từ các mối quan hệ sẵn có của mình.

Những người bạn có chung niềm đam mê có thể muốn giúp bạn xây dựng nội dung, kênh phân phối và các lĩnh vực khác.

Một trong những việc tốn thời gian nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào là xây dựng danh sách các mối liên hệ. Bất cứ người nào bạn biết đều có thể tạo nên sự khác biệt.

Hãy tiết kiệm thời gian bằng cách tận dụng tối đa những gì bạn đang có.

Thị trường rộng hay thị trường hẹp?

Thị trường là một khu vực, đối tượng hay chủ đề mà bạn xây dựng sản phẩm xung quanh nó. Bạn có thể chọn thị trường rộng hoặc thị trường hẹp.

1. Thị trường rộng

Một ví dụ của thị trường rộng là “giảm cân”.

Mặc dù thị trường rộng nhắm đến một số lượng lớn người tiêu dùng, nhưng có thể sẽ rất khó để thu hút được sự chú ý giữa đám đông.

Hoặc bạn có khả năng thu hút được nhiều người, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với rất nhiều sự cạnh tranh. Thêm nữa, tỷ lệ mua hàng cũng thấp hơn do thiếu sự tập trung, hoặc khách hàng có quá nhiều sự lựa chọn.

2. Thị trường hẹp

Một ví dụ của thị trường hẹp là “giảm cân cho các bạn nữ từ 13-19 tuổi”. Một thị trường hẹp rõ ràng hơn là “giảm cân cho các bạn nữ châu Á từ 13-19 tuổi bị mắc bệnh tiểu đường”.

Mặc dù thị trường hẹp có ít khách hàng hơn, nhưng sẽ dễ nhắm tới hơn bởi họ đang tìm kiếm một điều gì đó cụ thể.

Một khách hàng lên Google tìm kiếm “giải pháp giảm cân” có thể sẽ truy cập vào trang “giảm cân cho các bạn nữ từ 13-19 tuổi”. Điều này có thể phù hợp với họ - hoặc không.

Tuy nhiên, nếu ai đó lên Google và tìm kiếm “giảm cân cho nữ giới từ 13-19 tuổi” và đi đến trang “giảm cân cho các bạn nữ từ 13-19 tuổi”, thì đây là một sự kết hợp tuyệt vời, bởi vì bạn đang giải quyết vấn đề cụ thể cho họ.

Mặc dù nội dung có thể tương tự nhau, nhưng người ta sẽ cảm thấy nội dung của bạn phù hợp hơn khi bạn thu hẹp phạm vi đối tượng của mình lại và nói chuyện trực tiếp với họ.

Bằng cách tập trung vào các thị trường hẹp, bạn đang gia tăng cơ hội được tìm thấy (vì giảm sự cạnh tranh) và bán được hàng (vì người ta thích mua những gì phù hợp với họ nhất).

Bạn có thể thường xuyên sao chép và sắp xếp lại thông tin cho phù hợp với nhiều đối tượng nhân khẩu học khác nhau nếu nội dung cho phép. Cách này giúp bạn tiếp cận được với nhiều người hơn và tối đa hóa tỷ lệ mua hàng.

Ví dụ, đối với một doanh nghiệp truyền thống, một người thợ điện có thể cung cấp dịch vụ dành riêng cho những người già hoặc các cửa hàng bán lẻ.

Trong khi chuyên môn cho phép họ làm cả hai việc trên, nhưng bằng cách nhắm đến một thị trường cụ thể, họ sẽ có thêm nhiều cơ hội nổi bật hơn với đối tượng khách hàng mục tiêu của mình.

Bí quyết làm bạn nổi bật trong đám đông cực kỳ đơn giản – nói chuyện trực tiếp với những người bạn muốn hướng đến.

Cũng giống như khi bạn nghe gọi tên mình giữa một rừng người đang nói chuyện, thì việc tiếp thị của bạn cũng sẽ nổi bật như thế trong thế giới quảng cáo xô bồ ngày nay.

3 câu hỏi phải trả lời nhằm đảm bảo thị trường ngách của bạn có khả năng sinh lời

Việc xây dựng một sản phẩm phù hợp với niềm đam mê của bạn rất đáng hoan nghênh, nhưng nó còn phải có khả năng sinh lời nữa. Cá nhân tôi trong lúc tập trung vào thị trường ngách mà tôi yêu thích, tôi vẫn có thể kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực nào tiềm năng. Tại sao ư?

Bởi vì đam mê của tôi là kinh doanh và tiếp thị. Chỉ đơn giản thế thôi!

Tôi yêu các quy trình và do đó, niềm đam mê chính này là động lực thúc đẩy tôi làm việc nhiều hơn là bản thân các thị trường ngách.

Cuộc sống không có gì là chắc chắn cả, ba câu hỏi này sẽ giúp bạn đảm bảo khả năng sinh lời cao nhất của thị trường ngách mà bạn đã chọn.

1. Xác định xem khách hàng đang tìm kiếm điều gì?

Một cách tốt nhất để biết khách hàng đang tìm kiếm điều gì là vào trang

www.dlwmmm.com/seo - một blog (nhật ký điện tử) hàng đầu về SEO (Search Engine Optimization – Tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm). Sau khi đăng ký một tài khoản miễn phí, hãy gõ từ khóa thị trường ngách của bạn vào thanh tìm kiếm.

Bây giờ bạn sẽ biết được chính xác bao nhiêu người đang tìm kiếm từ khóa đó. Nó cũng chia nhỏ từ khóa bạn đang tìm kiếm ra và cung cấp thêm nhiều kết quả của các từ khóa liên quan khác.

Thông thường những từ khóa này sẽ hướng bạn đến các thị trường phụ mới mà có lẽ bạn chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ làm điều này, vì đã có rất nhiều người phát hiện ra thị trường hay cách ứng dụng những sản phẩm và dịch vụ của chính họ mà họ chưa từng nghĩ đến.

Ngoài ra, công cụ này cũng rất tuyệt vời nếu bạn muốn được xếp hạng trên các bộ máy tìm kiếm (như Google, Yahoo, Bing...) và cung cấp thông tin giá trị cho những ai đang tham gia vào cuộc chơi SEO.

Nếu bạn muốn thực hiện các cuộc tìm kiếm đa chức năng thì

www.dlwmmm.com/trends là một công cụ tuyệt vời khác của Google. Bạn có thể tìm kiếm những từ khóa phổ biến nhất - theo mùa và theo quốc gia.

Bạn cũng có thể so sánh số lượng tìm kiếm giữa hai hay nhiều từ khóa khác nhau.

Google Trends sẽ kết hợp tin tức với các sự kiện để giải thích lý do tại sao lượng tìm kiếm có thể lên xuống dao động bất thường trong một thời gian nhất định.

Hơn nữa, bạn có thể tìm hiểu một thị trường ngách nào đó có hấp dẫn hay không bằng cách nhìn vào “Google Hot Trends” (Các xu hướng nóng hổi). Ứng dụng này sẽ đưa ra 100 kết quả tìm kiếm cao nhất trong một giờ vừa qua. Nó cũng sẽ giới thiệu cho bạn các blog cũng như các câu chuyện, tin tức mới.

www.dlwmmm.com/keyword cũng gợi ý cho bạn về giá của mỗi lần nhấp chuột. Điều này hữu ích khi bạn muốn biết chi phí quảng cáo trên Google tốn kém bao nhiêu. Nếu mức độ cạnh tranh cao thì chắc chắn rằng nhiều người cũng đang tìm kiếm trong thị trường ngách này.

2. Thị trường ngách của bạn có khả năng sinh lời không?

Truy cập www.dlwmmm.com/cb. Clickbank là một chợ điện tử với hơn 9.000 sản phẩm và cung cấp số liệu thống kê cho tất cả các sản phẩm của họ.

Gõ từ khóa thị trường ngách của bạn vào và chờ xem điều gì xảy ra. Để biết được mức độ sinh lời của thị trường này, “gravity” (sức hút) là một chỉ số tham khảo có giá trị. Bạn có thể biết bao nhiêu sản phẩm được làm ra, bao nhiêu phần trăm hoa hồng được chi trả, và phần trăm doanh số có được nhờ sự giới thiệu của các cộng tác viên.

Chỉ số gravity bằng 0 có nghĩa là sản phẩm không bán được. Nếu một sản phẩm có chỉ số gravity bằng hoặc lớn hơn 30, có nghĩa là sản phẩm ấy đang bán ổn. Nếu chỉ số gravity lên đến hàng trăm, sản phẩm đó đang bán rất chạy. (Chỉ số gravity có thể lên tới 1.000, nhưng rất hiếm)

Truy cập vào trang www.dlwmmm.com/google. Gõ từ khóa thị trường ngách của bạn vào khung tìm kiếm và hãy xem có bao nhiêu quảng cáo xuất hiện bên tay phải.

Số lượng quảng cáo nhiều có nghĩa là mọi người đang chi tiền nhằm thu hút thêm lượng truy cập vào website của họ. Và nếu họ đang chi tiền, thì cũng đồng nghĩa là họ có khả năng kiếm tiền từ lĩnh vực này.

Nếu không hoặc có rất ít quảng cáo xuất hiện, việc tránh xa thị trường ngách đó có thể sẽ là điều tốt. Tuy nhiên, chính bạn sẽ là người phải quyết định xem thị trường ngách của mình là một mỏ vàng chưa phát hiện đang chờ khai phá, hay chỉ là một thị trường không có khả năng sinh lời.

Việc xem xét các tham số khác trong chương này cũng một số suy luận thông thường sẽ giúp bạn ra quyết định. Nếu bạn vẫn chưa chắc chắn, có một số bài kiểm tra thị trường mà bạn có thể thực hiện nhưng tôi sẽ đề cập sau.

Cần lưu ý đến vị trí hoặc quốc gia mà bạn tiến hành tìm kiếm thông tin. Nếu bạn gõ từ khóa ở Australia, bạn sẽ nhận được kết quả khác so với ở Mỹ.

Bạn có thể tự chỉnh sửa lại vị trí cho chính xác, điều này đặc biệt giá trị khi khách hàng mục tiêu của bạn đang ở một khu vực khác.

Hãy truy cập trang www.dlwmmm.com/flip. Flipper là một địa chỉ nổi tiếng chuyên mua bán các website cũ hoặc mới. Flipper có thể giúp bạn quyết định xem thị trường ngách của mình có khả năng sinh lời hay không, bởi vì bạn có thể thấy những website khác trong cùng thị trường đang hoạt động như thế nào.

Những người chủ website phải công khai số tiền họ kiếm được, đó là một trong các thông tin phải được liệt kê trên Flipper.

Chú ý rằng không phải lúc nào bạn cũng tìm được kết quả. Nếu thị trường ngách của bạn được xác định một cách cụ thể và chi tiết, có thể bạn sẽ không tìm thấy website nào tương ứng. Và một lưu ý khác là không phải số liệu công khai nào cũng đúng.

3. Bạn có thể tạo ra lượng truy cập miễn phí không?

Khi bạn bắt đầu khởi nghiệp với một ngân sách hạn hẹp, việc thực hiện chiến lược quảng cáo website với chi phí bằng 0 thật sự rất quan trọng.

Có ba cách dễ dàng để tạo ra lượng truy cập website miễn phí (chúng ta sẽ đi vào chi tiết sau):

1. Cộng tác viên (Affiliate) (không hoàn toàn miễn phí, nhưng bạn không tốn chi phí trả trước).

2. SEO (lượng truy cập đến từ các công cụ tìm kiếm một cách tự nhiên mà bạn không phải trả tiền).

3. Các nhóm hoặc diễn đàn (riêng biệt hoặc liên quan đến thị trường ngách của bạn).

Hãy đảm bảo rằng thị trường ngách của bạn có thể áp dụng ít nhất là một, lý tưởng là hai hoặc thậm chí ba phương pháp tạo ra lượng truy cập website kể trên.

Các bước hành động

• Xem xét qua một lượt danh sách các ý tưởng của bạn. Cân nhắc xem có cơ hội nào để nhắm sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn vào các thị trường hẹp không.

• Sử dụng công cụ tìm kiếm trong chương này để đảm bảo rằng có đủ số lượng khách hàng tiềm năng cho mỗi ý tưởng.

• Đánh giá các ý tưởng của bạn dựa trên sự đam mê và khả năng sinh lời của dự án. Một điều rất quan trọng là bạn phải thật sự yêu thích nó - đảm bảo rằng việc biến ý tưởng thành hiện thực là một công việc thú vị đối với bạn.

• Gạt bỏ bất cứ thứ gì mà bạn biết chắc rằng sẽ không mang lại kết quả do thiếu khách hàng hoặc thiếu đam mê. Hãy bắt đầu thu hẹp các ý tưởng của mình lại.

Một phần của tài liệu làm ít hơn, kiếm tiền nhiều hơn (Trang 40 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(221 trang)
w