“Phần cốt lõi trung tâm là những hệ thống đáng tin cậy và thực hiện những gì bạn mong đợi dựa trên một nền tảng cực kỳ chắc chắn.”
ắ Bill Gates Máy chủ, bảo mật và cổng thanh toán: những yếu tố cơ bản cần thiết nhất.
Chương này thực sự rất quan trọng! (Và đừng lo, nó không phải về kỹ thuật.)
Nếu sử dụng hệ thống không phù hợp, bạn đang gây nên những cơn đau đầu không cần thiết cho việc kinh doanh trực tuyến của mình. Thành quả lao động cực nhọc của bạn sẽ đổ sông đổ biển nếu bạn không thiết lập nó đúng cách.
Máy chủ: Bốn sự lựa chọn
Tùy vào việc bạn muốn ra mắt sản phẩm của mình như thế nào sẽ quyết định loại máy chủ bạn nên sử dụng.
Hãy xem qua bốn sự lựa chọn sau đây...
1. Lưu trữ chung (Shared Hosting)
Shared Hosting là hệ thống lưu trữ được chia sẻ trên một máy chủ. Đây là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn chỉ mới bắt đầu kinh doanh và không mong đợi quá nhiều lượng truy cập, hoặc khi bạn đang thực hiện một cuộc kiểm tra nhỏ.
Bạn có thể lưu trữ tên miền không giới hạn. Shared Hosting dễ dàng cài đặt và khá rẻ (từ 4 đến 25 đô-la một tháng).
Nhưng nếu bạn đang phát triển một phần mềm trên nền tảng máy chủ (server-based software), hoặc xác định sẽ thành công lớn thì bạn không thể xây dựng việc kinh doanh của mình trên Shared Hosting được.
Nguyên nhân là vì chia sẻ hệ thống lưu trữ với một công ty, mà nếu họ làm gì sai với một phần mã nào đó sẽ khiến cho bộ nhớ trong máy chủ bị xóa và kết quả là website của bạn sẽ biến mất khỏi Internet.
2. Máy chủ ảo (Virtual Private Server - VPS)
Đây là một môi trường ảo mà bạn dường như sở hữu toàn bộ máy chủ của mình.
Mặc dù các tài nguyên (resources) đều được chia sẻ, nhưng mỗi tài nguyên lại được dành riêng cho một người nhất định. Vì bạn là độc nhất, nên bạn không phải lo lắng đến việc ai đó sử dụng hết tài nguyên của mình.
Nếu muốn có toàn quyền truy cập đến máy chủ thì bạn cần phải hiểu biết về kỹ thuật để biết được mình đang làm gì. VPS đắt tiền hơn Shared Hosting, nhưng phần lớn mọi người vẫn có khả năng chi trả.
3. Máy chủ riêng (Dedicated Server)
Đây là một máy chủ thực sự của riêng bạn và được lưu trữ tại trung tâm dữ liệu. Mặc dù phải bảo trì nó, nhưng bạn có toàn quyền điều khiển máy chủ của mình và cài đặt bất cứ thứ gì bạn chọn.
Với máy chủ riêng, mỗi tháng bạn sẽ phải chi trả nhiều hơn so với Shared Hosting và VPS. Nhưng nếu việc kinh doanh của bạn đang phát triển nhanh chóng, thì có lẽ bạn sẽ cần phải sử dụng hệ thống máy chủ dạng này.
4. Lưu trữ đám mây (Cloud Hosting)
Cloud Hosting dựa trên công nghệ tiên tiến nhất cho phép số lượng máy chủ không giới hạn hoạt động như một hệ thống và có khả năng mở rộng rất cao.
Với ba lựa chọn trước, lưu lượng truy cập và các tài nguyên sẵn có để bạn sử dụng đều có giới hạn tối đa.
Với khả năng mở rộng cao của Cloud Hosting, website của bạn sẽ được lưu trữ ở một nơi mà người ta gọi là “đám mây”. Nếu bạn cần nhiều hay ít tài nguyên hơn, “đám mây” này đều có khả năng cung cấp cho bạn.
Nếu một máy chủ bị lỗi, website của bạn sẽ không bị sập bởi nó có những dung lượng dự phòng và những máy chủ khác sẽ tiếp quản cho bạn.
Cloud Hosting đắt hơn Shared Hosting, nhưng lại rẻ hơn máy chủ riêng, và thường cũng rẻ hơn VPS.
www.dlwmmm.com/fusionhq cung cấp một dịch vụ máy chủ “đám mây” với giá cả phù hợp và dễ quản lý. Giải pháp này có lẽ là cách rẻ nhất và ổn định nhất để mở rộng phần lớn các doanh nghiệp trực tuyến, đặc biệt nếu bạn đang sử dụng nội dung truyền thông đa phương tiện.
2 bí quyết bảo mật
Trong công việc kinh doanh trực tuyến, bạn sẽ thu thập thông tin cá nhân từ khách hàng để có thể nhận biết họ. Bạn phải cẩn thận với tên, địa chỉ email và các dữ liệu cá nhân khác như thông tin thẻ tín dụng.
Nếu bạn đang sử dụng PayPal hoặc những dịch vụ tương tự mà không thu thập dữ liệu trên website của mình thì hai điều dưới đây không áp dụng với bạn:
1. Bảo mật kết nối (Secure Connection)
Nếu bạn đang sử dụng PayPal hoặc những thứ tương tự mà bạn không thu thập dữ liệu trên website của mình trong khi mẫu đăng ký thông tin mà bạn dùng để thu thập dữ liệu cư trú ở trên đường dẫn URL, bạn cần phải có chứng chỉ số SSL được cài đặt trong hệ thống lưu trữ. (Tham khảo chi tiết tại nơi bạn mua tên miền.)
Chứng chỉ số SSL (Secure Sockets Layer) là một tiêu chuẩn an ninh công nghệ toàn cầu tạo ra một liên kết được mã hóa giữa máy chủ web và trình duyệt. Liên kết này đảm bảo tất cả các dữ liệu trao đổi giữa máy chủ web và trình duyệt luôn được bảo mật và an toàn.
Chứng chỉ SSL cài trên website của doanh nghiệp cho phép khách hàng khi truy cập có thể xác minh được tính xác thực, độ tin cậy của website, đảm bảo mọi dữ liệu, thông tin trao đổi giữa website và khách hàng được mã hóa, tránh nguy cơ bị can thiệp.
2. Tuân thủ tiêu chuẩn PCI (PCI Compliance)
Khi tìm một shopping cart (giỏ hàng – là một liên kết đưa khách hàng đến một máy chủ mà ở đó khách hàng có thể chọn sản phẩm muốn mua), hãy đảm bảo nó tuân theo tiêu chuẩn PCI. PCI giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ và sử dụng như thế nào.
(PCI là chữ viết tắt của Payment Card Industry – tiêu chuẩn PCI là những yêu cầu bắt buộc các tổ chức hoặc doanh nghiệp phải đảm bảo thông tin thẻ tín dụng, thông tin khách hàng và những thông tin giao dịch trực tuyến được an toàn, tránh sự xâm nhập hệ thống bất hợp pháp.)
Với cách này thì bạn sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ vấn đề gì.
Đặc quyền truy cập tối thiểu
Đảm bảo rằng bạn sử dụng nguyên tắc đặc quyền truy cập tối thiểu cho công việc kinh doanh của mình. Điều này có nghĩa là các thành viên trong nhóm chỉ có thể tiếp cận với những thông tin cần thiết cho công việc của họ.
Ví dụ, chỉ cho phép nhân viên kế toán truy cập thông tin thẻ tín dụng của khách hàng, nhân viên marketing được quyền thay bạn gửi email, tra cứu tên và địa chỉ email của khách hàng.
Nên nhớ rằng bạn phải bảo vệ mình trước hết. Yêu cầu nhân viên ký thỏa thuận bảo đảm rằng họ sẽ chịu trách nhiệm nếu sử dụng bất kỳ thông tin sai mục đích nào. (Bạn sẽ không muốn ai đó rời khỏi công ty cùng với danh sách email liên hệ khách hàng và gửi hàng đống thư rác cho họ.)
Truyền thông đa phương tiện
Đừng sử dụng hết tài nguyên bằng cách đăng tải video hoặc âm thanh lên cùng một nơi đang lưu trữ website của bạn, trừ khi nó là một máy chủ “đám mây” với một CDN được tích hợp để dành riêng cho việc này.
(CDN là từ viết tắt của Content Delivery Network – Mạng lưới phân phát nội dung.
Đây là hệ thống các máy tính được kết nối với nhau qua Internet để truyền tải nội dung tới người sử dụng.)
Cho dù bạn để video trên trang đăng ký thông tin hay âm thanh trong trang thành viên của mình, hãy sử dụng CDN.
Công việc của CDN là phân tán những thứ này đến khắp mọi nơi trên thế giới. Khi bạn yêu cầu dữ liệu, CDN sẽ tìm những giải pháp truyền tin nhanh nhất cho bạn và dữ liệu sẽ đến từ đó.
Bạn sẽ tiết kiệm được chi phí vì CDN rẻ hơn và giúp cho khách hàng truy cập vào các video cũng như clip âm thanh của bạn nhanh hơn.
Hãy thử các trang www.dlwmmm.com/simple hay www.dlwmmm.com/fusionhq (những website này có điểm thuận lợi là bạn có thể sử dụng nó như hệ thống lưu trữ của mình).
5 lựa chọn cho việc thanh toán
Dịch vụ mà bạn chọn để nhận thanh toán từ khách hàng là phần cốt yếu trong công việc kinh doanh trực tuyến.
Việc khôn ngoan nhất lúc này có lẽ là nên tìm hiểu về những giải pháp trước và không nên dừng lại ở lựa chọn đầu tiên mà bạn nghe được. Biết được điểm yếu và điểm mạnh của từng giải pháp sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tốt nhất cho việc kinh doanh của mình.
Dưới đây là năm lựa chọn cho việc thanh toán.
1. ClickBank
Mặc dù sản phẩm của bạn phải được phê duyệt trước khi bán trên ClickBank, nhưng một khi bạn đã thiết lập xong thì ClickBank sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn.
Những khoản hoàn tiền, đền bù và phần lớn công việc hỗ trợ khách hàng đều được ClickBank đảm nhận. Bạn có thể sử dụng hệ thống cộng tác viên của họ và ClickBank cũng quản lý việc thanh toán cho các cộng tác viên giúp bạn, một điều tuyệt vời.
Ngoài ra, họ cũng quen thuộc với những nhà tiếp thị trực tuyến và hiểu được việc doanh số bán hàng có thể tăng mạnh mẽ chỉ trong một đêm.
Tuy nhiên, ClickBank giữ lại 7,5% từ mỗi khoản doanh thu bạn kiếm được – một con số khá lớn.
2. PayPal
PayPal (www.dlwmmm.com/paypal) dễ cài đặt, sử dụng và có thể tích hợp những tính năng cao cấp hơn (nếu bạn muốn).
Tuy nhiên, Paypal để lại một ấn tượng xấu với những nhà tiếp thị trực tuyến. Chuyện tài khoản và số tiền khổng lồ của bạn bị đóng băng sau khi thực hiện một chiến dịch ra mắt sản phẩm hoành tráng không phải hiếm, bởi khi đó họ đang cố gắng điều tra xem bạn đang kinh doanh thứ gì.
Thực ra tôi nghĩ điều tiếng này khá bất công với PayPal. Phần lớn những tài khoản thương mại khác cũng sẽ thực hiện như thế. Điều đó đơn giản chỉ là biện pháp bảo vệ bạn khỏi sự gian lận.
Để tránh xảy ra bất kỳ vấn đề gì, đơn giản bạn chỉ cần giải thích với họ về công việc kinh doanh và mô hình cộng tác viên của mình – trước khi ra mắt sản phẩm.
Nói cho họ biết cách bạn sử dụng để thu hút lượng truy cập, khi nào bạn sẽ giới thiệu sản phẩm và số lượng doanh thu bạn mong muốn đạt được là bao nhiêu. Cho họ biết về chính sách hoàn tiền và làm thế nào bạn có thể hỗ trợ cho khách hàng.
Gọi điện cho PayPal và thông báo về chiến dịch ra mắt sản phẩm sắp tới của bạn. Hãy chắc chắn là bạn sẽ lưu tên người mà bạn vừa nói chuyện để có thể xác minh sau này.
Khi bạn liên tục thông báo cho PayPal về các hoạt động của mình, họ sẽ giảm thiểu sự nghi ngờ đối với việc kinh doanh của bạn.
Một trong những lợi thế lớn nhất của PayPal là họ không tính phí những khoản hoàn trả hay đền bù. Ngoài ra, bạn cũng không mất phí cài đặt hay sử dụng hàng tháng, đồng thời mức phí cho mỗi lần giao dịch cũng rất hợp lý.
3. Tài khoản thương nghiệp (Merchant Account)
Merchant Account là tài khoản thanh toán của các doanh nghiệp/cá nhân khi tham gia thương mại điện tử mà nó cho phép chuyển tiền vào tài khoản của doanh nghiệp/cá nhân hay hoàn trả lại tiền thu được cho khách hàng, nếu giao dịch bị hủy bỏ vì không đáp ứng được những yêu cầu thỏa thuận nào đó giữa người bán và người mua (chẳng hạn như chất lượng sản phẩm) thông qua bán hàng hóa hoặc dịch vụ trên mạng
Internet.
Merchant Account phải được đăng ký tại các ngân hàng/tổ chức tín dụng cho phép doanh nghiệp nhận được các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Một cổng thanh toán như Authorize (www.dlwmmm.com/authorize) sẽ cho bạn biết việc thanh toán của khách hàng diễn ra như thế nào. Tài khoản thương nghiệp trả tiền cho bạn và làm việc chung với cổng thanh toán của bạn.
PowerPay (www.dlwmmm.com/powerpay) hiểu được lĩnh vực Internet Marketing và bản chất của những chiến dịch ra mắt sản phẩm lớn – một lợi thế giúp bạn dễ dàng làm việc cùng họ, và mức phí cũng tương đương PayPal.
Nhưng điều không may là PowerPay giữ lại 10% doanh thu của bạn trong sáu tháng như là một khoản dự phòng. Tuy nhiên ClickBank và PayPal cũng làm như vậy khi bạn bắt đầu kiếm được một khoản tiền lớn.
Nếu bạn có mối quan hệ tốt với ngân hàng, hãy dành thời gian tìm hiểu xem họ có thể cho bạn một thỏa thuận tốt hơn PowerPay không. Có thể họ sẽ đồng ý cung cấp cho bạn một mức phí xử lý thẻ tín dụng tốt, nhưng bạn phải trả một khoản phí nhất định mỗi tháng (và bạn cũng nên cẩn thận với độ dài của hợp đồng nữa).
Vấn đề chính của những dịch vụ này là bạn phải là công dân Canada hoặc Mỹ. Những nước khác cũng đang dần bắt kịp, nhưng phần lớn họ vẫn không có sẵn những lựa chọn tốt.
4. Amazon Checkout
Amazon khá quen thuộc với nhiều người, do đó nếu bạn quyết định sử dụng Amazon, những người này sẽ tin tưởng bạn hơn và giúp tăng tỷ lệ mua hàng.
Amazon có Pay Phrase, nơi khách hàng có thể thanh toán bằng cách đánh “ký tự” (ví dụ: gõ mật khẩu khi đăng nhập, khách hàng sẽ không phải gõ lại những chi tiết về thẻ tín dụng mỗi khi mua hàng). Điều này sẽ dẫn họ trực tiếp đến tài khoản Amazon, trả tiền và việc mua bán trở nên dễ dàng hơn.
5. Google Checkout
Giống như Amazon, hầu hết mọi người đã quen thuộc với Google. Một lợi ích khác của Google Checkout là nếu bạn thêm nút trả tiền của Google bên dưới phần quảng cáo AdWord của mình, nó có thể làm tăng tỷ lệ nhấp chuột từ khách hàng.
Vấn đề chính cho cả Amazon và Google (tính đến thời điểm cuốn sách được viết) là cả hai đều yêu cầu bạn mở tài khoản trước khi mua bất cứ thứ gì. Việc thêm một bước
nữa trong quy trình này chỉ làm giảm tỷ lệ mua hàng vì nhiều khách hàng không muốn tạo tài khoản, họ chỉ muốn sử dụng thẻ tín dụng để nhanh chóng thanh toán mà thôi.
3 bí quyết để ngăn tài khoản thương nghiệp của bạn bị đóng
Sẽ rất khó để được đồng ý mở một tài khoản khác nếu tài khoản trước đó của bạn bị đóng.
Ngoài việc kiểm tra các điều khoản và điều kiện trong khi hoạt động, còn có một số biện pháp đơn giản mà bạn có thể dùng để tránh việc tài khoản của mình bị đóng.
1. Liên lạc trước khi ra mắt sản phẩm
Trước khi thực hiện chiến dịch ra mắt sản phẩm của mình, bạn phải nói chuyện với nơi đăng ký tài khoản thương nghiệp về những gì sắp diễn ra. Giao tiếp chính là chìa khóa! Hãy cho họ biết số lượng doanh thu mà bạn mong đợi, thời gian ra mắt cũng như bạn kinh doanh sản phẩm gì. Trả lời bất kỳ câu hỏi nào của họ một cách kiên nhẫn và kỹ lưỡng.
2. Biết hạn mức của mình
Phải nắm rõ hạn mức của bạn là bao nhiêu. Nếu vượt quá hạn mức này, tài khoản của bạn có khả năng bị đóng ngay lập tức.
Đừng để mình rơi vào tình thế khó khăn là không thể tiếp tục nhận những khoản thanh toán của khách hàng và thậm chí còn có thể kết thúc việc kinh doanh của bạn. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu tránh được những rủi ro này ngay từ ban đầu.
3. Đền bù (Charge-back)
Charge-back là các khoản tiền khách hàng yêu cầu ngân hàng phát hành – nơi khách hàng đăng ký tài khoản thanh toán (tài khoản cá nhân, thẻ tín dụng...) phải trả lại cho họ sau khi ngân hàng trừ tiền để mua sản phẩm của bạn.
Có một số lý do dẫn đến charge-back như tài khoản khách hàng bị đánh cắp và họ không thực sự mua hàng của bạn, hay đôi khi họ thậm chí không nhớ là mình đã mua sản phẩm, hoặc khi có tranh chấp về chất lượng hàng hóa giữa người mua và người bán mà không giải quyết được (trường hợp này sẽ cần đến sự xác minh của ngân hàng).