Giải pháp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của công nhân lao động trong các loại hình doanh nghiệp

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu xây dựng và phát triển văn hóa của giai cấp công nhân việt nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế (Trang 175 - 179)

Chương VI QUAN ĐIỂM VÀ CÁC GIẢI PHÁP XÂY DỰNG

6.2. KIẾN NGHỊ VỀ CÁC GIẢI PHÁP

6.2.6. Giải pháp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của công nhân lao động trong các loại hình doanh nghiệp

Dân chủ và công bằng xã hội là một trong những động lực phát triển đất nước. Dân chủ là một nội lực và là nội lực cơ bản. Phát huy nội lực trong giai cấp công nhân là phát huy truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, phát huy thế hệ công nhân mới có tay nghề, tiếp cận được khoa học - công nghệ hiện đại, có ý thức tổ chức kỷ luật, tức là phát huy sở hữu trí tuệ của công nhân, phát huy cả vốn thời gian nhàn rỗi trong công nhân, phát huy tinh thần làm chủ của công nhân. Cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước là một hướng giải quyết để nâng cao quyền làm chủ trực tiếp của công nhân đối với doanh nghiệp.

Trong doanh nghiệp xuất hiện quan hệ chủ - thợ, quan hệ người quản lý - người lao động. Đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, dựa vào pháp luật Việt Nam, cần xây dựng các mối quan hệ đó được hài hòa, coi trọng lợi ích của cả hai phía, không được coi nhẹ lợi ích bên nào. Ngày nay, các loại hình doanh nghiệp rất đa dạng và phong phú, khó có thể có một quy chế dân chủ chung thống nhất, cần phải có sự lãnh đạo và chỉ đạo cụ thể của Đảng để phát huy nội lực của giai cấp công nhân, để giai cấp công nhân đi đầu và là lực lượng nòng cốt, lôi cuốn các tầng lớp xã hội khác thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trước hết cần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở doanh nghiệp, như các tổ chức Đảng, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ… nhằm tập hợp công nhân, giác ngộ công nhân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công nhân, giữ vững tư cách chủ nhân đất nước, giữ gìn lối sống văn hóa công nhân (đề cao tinh thần cộng đồng, hữu ái giai cấp, kiên cường đấu tranh có lý, có tình…). Đây cũng là vấn đề cốt lõi, là tiền đề để phát huy quyền làm chủ của công nhân. Thực tiễn chỉ ra rằng, ở những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn hoạt động khá thì quyền làm chủ của công nhân được thực hiện tốt hơn và ngược lại.

Để phát huy quyền làm chủ của công nhân, trước hết, trách nhiệm thuộc về tổ chức xã hội của giai cấp công nhân. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội

ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân và trong quá trình tiến tới xây dựng xã hội dân sự ở nước ta, khối liên minh công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức ngày càng phải được củng cố dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giai cấp công nhân, giai cấp tiên phong cần phát huy tinh thần làm chủ và ý thức làm chủ đó ngày càng được củng cố, phát huy trên nền của hệ thống chính trị hiện nay ở nước ta.

Trong nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, vai trò của các tổ chức quần chúng ngày càng tăng. Công đoàn là tổ chức quần chúng rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động. Bởi vậy, muốn xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, trước hết phải xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Các tổ chức Công đoàn cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, kiên quyết khắc phục những phương pháp hoạt động xơ cứng, trì trệ và hiện tượng "hành chính hoá, nhà nước hoá". Công đoàn phải đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng để ngày càng thu hút, động viên được đông đảo công nhân, lao động trong các thành phần kinh tế vào tổ chức của mình. Hoạt động của công đoàn các cấp phải hướng về cơ sở, cụ thể là phải lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động; lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động; lấy việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động làm mục tiêu hoạt động. Các cấp công đoàn phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn; chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trưởng thành từ phong trào công nhân, nhằm không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh và sự nhiệt tình, năng nổ của cán bộ công đoàn.

Công đoàn phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân, viên chức và người lao động. Nội dung giáo dục là những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sứ mệnh lịch sử, bản chất và truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân; chủ nghĩa yêu nước. Trước mắt, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Công đoàn phải làm cho giai cấp công nhân và người lao động nhận thức đầy đủ, đúng đắn bối cảnh thế giới và Việt Nam, với sự đan xen của thời cơ và thách thức. Từ đó, Công đoàn phải tập hợp, động viên giai

cấp công nhân và toàn thể người lao động đi đầu trong công cuộc đổi mới đất nước; thực hiện bằng được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra, chuẩn bị thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

Công đoàn cần phải đẩy mạnh việc nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, xây dựng và thực hiện nghiêm hệ thống chính sách, pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân

Các cơ quan nhà nước, trước hết là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao thể chất cho công nhân; tập trung trước hết vào những chính sách liên quan trực tiếp đến những vấn đề bức xúc đang đặt ra về việc làm và đời sống của công nhân. Bổ sung, sửa đổi, xây dựng các chính sách để phát huy các nguồn lực và trách nhiệm của cả Nhà nước, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, của toàn xã hội và của công nhân trong việc chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân tương xứng với năng suất lao động và những đóng góp của công nhân. Nhà nước có chính sách đầu tư cho các tỉnh, thành phố để xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng cho công nhân.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, hội nhập khu vực, khi đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt chú ý tới công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Lao động, đặc biệt là về trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong vấn đề đảm bảo việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động, thỏa ước lao động tập thể..., tạo điều kiện để thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở của doanh nghiệp (đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn) theo điều 153 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung.

Trước mắt, cần tập trung bổ sung, sửa đổi, xây dựng một số chính sách lớn sau đây:

- Bổ sung, sửa đổi để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về ký hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Bổ sung, sửa đổi, nâng cao tính khả thi của các chính sách, pháp luật để cải thiện điều kiện lao động, bảo hộ lao động, phòng, chống có hiệu quả tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tăng cường chăm sóc sức khoẻ công nhân, nhất là đối với công nhân nữ, những công nhân làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhà nước tăng cường đầu tư phát triển và nâng cao chất

lượng công tác khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế, nhất là ở những nơi có đông công nhân.

- Nghiên cứu ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, nâng lương tối thiểu đối với khu vực sản xuất kinh doanh; quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương để người lao động và người sử dụng lao động có cơ sở xác định tiền lương hợp lý, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Bổ sung, sửa đổi, xây dựng và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách an sinh xã hội khác. Bổ sung, hoàn thiện thêm chính sách cho nghỉ hưu sớm đối với công nhân một số nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

- Ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, trên cơ sở quy hoạch của Nhà nước. Quy định phát triển khu công nghiệp phải đi liền với phát triển khu đô thị mới và các công trình phúc lợi công cộng, trong đó có khu nhà ở cho công nhân. Có chính sách về nhà ở cho công nhân thuê hoặc mua trả dần phù hợp với thu nhập thực tế của công nhân. Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng phục vụ lâu dài cho công nhân diện thu nhập thấp; các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân được tính vào giá trị đầu tư và hạch toán vào chi phí sản xuất.

- Ban hành quy định pháp luật về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong các doanh nghiệp của tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tăng cường cơ chế đối thoại, thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Quy định rõ quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động và công nhân trong xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ.

- Có chính sách tôn vinh thích đáng những người lao động giỏi, cả lao động chân tay và trí óc, có nhiều cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội; bổ sung chính sách về thi đua và khen thưởng trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội dân sự hiện nay cần phải tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật để xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, phát huy quyền làm chủ, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của giai cấp công nhân.

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu xây dựng và phát triển văn hóa của giai cấp công nhân việt nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế (Trang 175 - 179)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)