Chương VI QUAN ĐIỂM VÀ CÁC GIẢI PHÁP XÂY DỰNG
6.3. KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
6.3.5. Giải pháp đối với các doanh nghiệp
- Xây dựng môi trường văn hoá doanh nghiệp và đời sống văn hóa tại doanh nghiệp
Công nhân có ít nhất là 8 giờ làm việc tại doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là gia đình thứ hai của mình, do vậy xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa cho công nhân tại doanh nghiệp là rất quan trọng. Việc làm này không chỉ giúp nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân mà còn trực tiếp làm cho công nhân gắn bó với doanh nghiệp, có ý thức sáng tạo, và thức kỷ luật và hoàn thành tốt công việc của mình. Có thể nói văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện ở phong cách điều hành của người quản lý và tác phong làm việc của công nhân.
Nội dung xây dựng văn hóa doanh nghiệp bao gồm: Xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương, pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp, công nhân lành nghề; xây dựng, giữ vững thương hiệu, sản phẩm;
cạnh tranh lành mạnh; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ;
xây dựng môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp - an toàn; không gây ô nhiễm
môi trường; xây dựng cơ sở vật chất và phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao…
- Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng công sở văn hóa ở các doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp
Đây là việc làm quan trọng và bổ ích không chỉ đối với công nhân mà đối với cả công chức, viên chức. Các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp cùng Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, các Hội doanh nghiệp, các báo địa phương, báo Tuổi trẻ, báo Người Lao động, báo Thanh niên, các báo điện tử như VietnamNet, VNExpress kết hợp tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Nhà nước và chính quyền các địa phương cần xây dựng tiêu chuẩn
“Doanh nghiệp văn hóa”, “Doanh nhân văn hóa”, cấp bằng và dấu chứng nhận Sản phẩm của Doanh nghiệp văn hóa để các đơn vị đủ tiêu chuẩn in trên bao bì sản phẩm của mình. Hàng năm, Nhà nước hoặc chính quyền địa phương tổ chức xét duyệt và công bố danh sách các đơn vị đạt tiêu chuẩn này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiêu chuẩn Doanh nghiệp văn hóa có thể bao gồm: Tiêu chuẩn về công sở văn hóa; Tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa cho người lao động; Có ít nhất 20% số lượng người lao động tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa, thể thao v.v... Đồng thời, Nhà nước cần thường xuyên tổ chức lễ tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống văn hóa cho công nhân.
- Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia xây dựng nhà ở và thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ công nhân; chi phí đầu tư được tính vào chi phí hợp lý, không phải chịu thuế, được vay vốn ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi.
- Xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phải được chủ doanh nghiệp, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại doanh nghiệp và địa phương chú ý và tổ chức thường xuyên. Nội dung của phong trào này gồm:
Phát động phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" trong công nhân; tổ chức các cuộc thi đấu thể thao; xây dựng và duy trì phong trào văn nghệ quần chúng; phát triển các loại hình câu lạc bộ sở thích trong công nhân..., nhằm thu hút ngày càng đông đảo công nhân tham gia vào các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá.
- Tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa giữa chủ doanh nghiệp với công nhân, nhất là với chủ doanh nghiệp nước ngoài
Hiện nay nhận thức của người sử dụng lao động, nhất là chủ doanh nghiệp nước ngoài với người lao động còn có nhiều khoảng cách. Đoàn
Thanh niên, Công đoàn doanh nghiệp cần phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, giúp người lao động tìm hiểu và có cách ứng xử phù hợp với giới chủ, đặc biệt là với các chủ doanh nghiệp nước ngoài.
Đồng thời, thông qua Hội doanh nghiệp và các lãnh sự quán, các địa phương thành lập những Câu lạc bộ doanh nhân, giúp nhà đầu tư tìm hiểu bản sắc văn hóa của người Việt, kéo gần khoảng cách văn hóa giữa người sử dụng lao động và công nhân, tạo sự thông hiểu lẫn nhau trong cuộc sống và công việc.
6.3.6. Giải pháp đối với người công nhân
Mặc dù việc xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa của công nhân là nhiệm vụ cả hệ thống chính trị, song người công nhân là chủ thể, tự quyết định nhu cầu và tự chi trả cho các hoạt động văn hóa của mình. Đời sống văn hóa diễn ra hàng ngày, là một phần cuộc sống cá nhân của người công nhân, các tổ chức khác chỉ hỗ trợ, giúp đỡ để họ nâng cao đời sống chứ không thay thế bản thân họ được. Do vậy, bản thân người công nhân cần phải:
- Tăng cường ý thức chính trị, ý thức giai cấp, xác định rõ vai trò, vị trí của giai cấp công nhân đối với đất nước, địa vị của người công nhân trong xã hội.
Đây là nội dung rất quan trọng bởi vì hiện nay công nhân Việt Nam vẫn mặc cảm với thân phận và nghề nghiệp của mình. Phần lớn công nhân, nhất là thanh niên công nhân không yên tâm với nghề nghiệp, coi mình là người làm thuê, bàng quang trước tình hình chính trị - xã hội của đất nước.
Việc tự nâng cao ý thức chính trị, ý thức giai cấp và địa vị của giai cấp công nhân nói chung của người công nhân nói riêng là yếu tố quyết định thành công của chiến lược xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam cũng như xây dựng đời sống văn hóa của giai cấp công nhân hiện nay và trong tương lai.
- Tự học, tự đào tạo để nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để có điều kiện tham gia sáng tạo và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa.
Như các phần trước đã nêu, đời sống văn hóa của công nhân phụ thuộc rất lớn vào trình độ học vấn và trình độ nghiệp vụ. Bộ phận công nhân có trình độ học vấn cao, nhu cầu và mức độ sáng tạo, hưởng thụ văn hóa phong phú và có chiều sâu hơn bộ phận công nhân có trình độ học vấn thấp. Việc đầu tư cho học tập và đào tạo của Nhà nước và doanh nghiệp có hạn, do đó người công nhân phải tự sắp xếp thời gian, kinh phí cho việc học tập để nâng cao trình độ học vấn và nghiệp vụ của mình.
- Xây dựng và có ý thức thực hiện tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp và địa phương nơi cư trú.
Trong thời đại công nghiệp, xây dựng văn hóa và đời sống văn hóa cho công nhân tức là xây dựng tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành quy chế, nội quy nơi làm việc và cư trú. Trong khi đó hiện nay, đa phần công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất xuất thân từ nông dân, từ các miền quê, do đó sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, mang nặng lối sống tự do trong lao động và cuộc sống. Ý thức và lối sống đó không phù hợp với xã hội tiên tiến, với nền sản xuất công nghiệp, do vậy người công nhân phải tự rèn luyện, tự xây dựng cho mình tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp và nơi cư trú.
- Có ý chí vươn lên thoát nghèo, lạc hậu, tích cực sản xuất nâng cao đời sống vật chất.
Đời sống vật chất (việc làm, thu nhập, điều kiện sống…) là yếu tố quan trọng quyết định đến đời sống tinh thần của người lao động. Phần lớn công nhân nước ta có tinh thần lao động sáng tạo, có ý thức vươn lên làm giàu, song một bộ phận không nhỏ thiếu năng động, sớm hài lòng với công việc hiện tại hoặc muốn có công việc nhàn nhã nhưng thu nhập cao. Điều đó không phù hợp với nền sản xuất hiện đại và xã hội tiên tiến… Đời sống vật chất cao và ổn định phụ thuộc vào ý chí vươn lên, tinh thần lao động hăng say và sáng tạo của người lao động.
- Có định hướng về cuộc sống văn hóa lành mạnh, có kế hoạch cân đối thời gian, tài chính để tham gia các hoạt động văn hóa.
Như các phần trước đã trình bày, hiện nay quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có rất nhiều yếu tố tác động cả tích cực và tiêu cực đến đời sống văn hóa của giai cấp công nhân. Trước những tác động đó, người công nhân phải có định hướng riêng cho mình, sàng lọc, tiếp nhận những mặt tích cực của đời sống xã hội, của sản phẩm văn hóa trong nước và trên thế giới; phê phán và tránh xa lối sống thực dụng, lối sống xa lạ với truyền thống dân tộc, các tệ nạn xã hội… tại nơi làm việc và nơi cư trú.
Đời sống vật chất của người lao động nói chung ở nước ta còn nhiều khó khăn, do đó người công nhân phải có kế hoạch cân đối tài chính, cân đối thời gian để tham gia các sinh hoạt văn hóa, vì đời sống văn hóa là yếu tố không thể thiếu, yếu tố quan trọng tác động đến ý thức, đến định hướng sống của con người nói chung, người công nhân nói riêng.