Các hành vi về bán hàng đa cấp bất chính theo quy định của Luật Cạnh tranh

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SỸ BÁN HÀNG ĐA CẤP BẤT CHÍNH (Trang 29 - 35)

ĐA CẤP BẤT CHÍNH

1.4. KHÁI NIỆM VỀ BẢN HÀNH ĐA CẤP BẤT CHÍNH

1.4.1. Các hành vi về bán hàng đa cấp bất chính theo quy định của Luật Cạnh tranh

Khả năng mở rộng mạng lưới của hoạt động bán hàng đa cấp và cách thức tiêu thụ hàng hóa đặc thù của phương thức này đã đặt ra cho pháp luật nhiều vấn đề phải giải quyết để vừa có thể tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo trật tự thị trường, bảo vệ lợi ích chính đáng cho các chủ thể, tránh hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, yêu cầu quản lý nhà nước đối với kinh doanh đa cấp cũng đặt trọng tâm vào các biện pháp ngăn chặn phương thức kinh doanh này biến tướng thành bán hàng đa cấp bất chính gây thiệt hại cho người tham gia.

 

Bán hàng đa cấp là phương thức kinh doanh được thừa nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Từ bản chất, bán hàng đa cấp không mang tính chất tiêu cực. Pháp luật các nước không lên án hoạt động bán hàng đa cấp, bán hàng đa cấp chỉ được coi là đối tượng của pháp luật cạnh tranh khi có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.

Dưới góc độ lý thuyết cạnh tranh, sự không lành mạnh của hành vi cạnh tranh được xác định căn cứ vào khả năng gây thiệt hại của nó đối với thị trường, đối với đời sống xã hội và bản chất trái đạo đức, tập quán kinh doanh hơn là dựa vào khả năng thu lợi cho người thực hiện. Mặt khác, tự thân bốn hành vi bị cấm đoán đã bao hàm trong đó mục đích bất chính của người thực hiện. Do đó, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một trong bốn hành vi đã liệt kê tại Điều 48 Luật cạnh tranh năm 2004, đã là bán hàng đa cấp bất chính.

Không coi mục đích "thu lợi bất chính từ việc dụ dỗ tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp" là một căn cứ độc lập để xác định sự vi phạm, Nghị định 42/2014/NĐ-CP đã quy định rõ các hành vi bị cấm đoán. Việc xác định tính không lành mạnh của bán hàng đa cấp bất chính phải dựa trên việc phân tích các biểu hiện của hành vi vi phạm, nhất là các dấu hiệu về sự chiếm dụng vốn, dồn hàng cho người tham gia và lừa dối.

Bán hàng đa cấp bất chính mang bản chất của sự chiếm dụng vốn

Luật Cạnh tranh quy định "cấm doanh nghiệp yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc hoặc phải trả một khoản tiền để được hưởng quyền tham gia mạng lưới bán đa cấp". Theo đó, người muốn tham gia phải trả tiền hoặc phải đặt cọc một khoản tiền để tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Cần phải xác định rằng pháp luật không cấm doanh nghiệp đặt ra điều kiện để chọn lọc người tham gia vào mạng lưới bán hàng nếu các điều kiện đó không phải là điều kiện trả tiền hay đặt cọc. Trong thực tế các doanh nghiệpcó thể đưa ra các tiêu chuẩn nhất định về kinh nghiệm, trình độ, ngoại hình...để chọn lọc những người có năng lực và điều kiện thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp thị, bán hàng của mình. Chỉ khi các điều kiện

được đặt ra là phải trả tiền hay đặt cọc một khoản tiền thì sẽ cấu thành hành vi vi phạm.

Theo các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, các nghĩa vụ đặt cọc hay trả tiền của người tham gia là biện pháp bảo đảm an toàn, uy tín, bình đẳng trong kinh doanh, là sự ràng buộc vật chất để bảo đảm người tham gia phải tôn trọng uy tín của doanh nghiệp và của sản phẩm. Theo lý thuyết cạnh tranh, sự chiếm dụng của hành vi được lập luận qua các căn cứ sau đây:

- Người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp chỉ là người tiếp thị để bán lẻ sản phẩm giúp cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiến hành tiếp thị sản phẩm đến với khách hàng. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không ký gửi hàng hóa cho người tham gia để bán giùm. Khi trực tiếp bản lẻ hàng hóa cho khách hàng, người tham gia phải thực hiện theo phương thức mua đi, bán lại để hưởng phần chênh lệch. Vì vậy, nghĩa vụ đặt cọc hay trả tiền cho việc tham gia là không có căn cứ;

- Bản chất của bán hàng đa cấp là người tham gia tiếp thị sản phẩm giúp doanh nghiệp bán hàng đa cấp, được hưởng lợi ích kinh tế từ kết quả tiếp thị, bán hàng của mình và của mạng lưới do mình tổ chức ra. Quan hệ qua lại về lợi ích và nghĩa vụ giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia thực sự chỉ phát sinh khi người tham gia thực hiện việc tiếp thị sản phẩm. Việc gia nhập mạng lưới chưa đem lại cho người tham gia bất cứ lợi ích gì, nên chưa thể ràng buộc trách nhiệm vật chất đối với họ;

- Về bản chất, đặt cọc trong các giao dịch phát sinh trên thị trường là biện pháp bảo đảm vật chất mà các chủ thể phải thực hiện với nhau nằm đảm bảo cho việc thực hiện một nghĩa vụ; việc trả tiền là nghĩa vụ thanh toán của một chủ thể cho việc được hưởng một lợi ích ngang giá. Vì vậy, việc doanh nghiệp bán hàng đa cấp buộc người muốn tham gia phải thực hiện các nghĩa vụ nói trên như một điều kiện để xem xét việc có được tham gia mạng lưới hay không là trái với bản chất của việc đặt cọc hay của nghĩa vụ trả tiền trong các thương vụ.

Từ các lý lẽ trên, những khoản tiền mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp có được từ nghĩa vụ vô lý đã áp đặt cho người muốn tham gia phải thực hiện là những khoản tài chính bất chính mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chiếm dụng được.

Bán hàng đa cấp bất chính phản ánh chiến lược dồn hàng cho người tham gia

Theo Luật Cạnh tranh năm 2004, việc dồn hàng cho người tham gia được thực hiện thông qua các hành vi: doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; hoặc không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại.

Bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị bán lẻ sản phẩm đến tay người tiêu dùng, theo đó những người tham gia chỉ là người giúp doanh nghiệp tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm, mà không phải là các đại lý bao tiêu hay người tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp có tính chất của hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia. Người tham gia không phải là người tiêu dùng trong giao dịch này (trừ phi họ là người có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, khi đó, họ sẽ giao kết một thương vụ khác với doanh nghiệp bán hàng đa cấp). Trong quá trình tiếp thị, người tham gia tìm kiếm khách hàng, sau đó mua sản phẩm từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp để bán lẻ cho người tiêu dùng với mong muốn được hưởng hoa hồng, tiền thưởng. Khi người tham gia không bán được hoặc bán không hết số sản phẩm đã mua, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có nghĩa vụ phải mua lại với mức giá hợp lý để không gây thiệt hại quá lớn cho người tham gia. Mức hợp lý được xác định ít nhất bằng 90% giá đã bán cho người tham gia. Tỷ lệ tối đa 10% giá đã mua mà người tham gia phải chịu thiệt (nếu không bán được hàng hóa) được coi như khoản vật chất ràng buộc hòng thúc ép họ nỗ lực thực hiện nghĩa vụ tiếp thị đã thỏa thuận trong hợp đồng. Hành vi buộc người muốn tham gia phải mua một lượng hàng nhất định ban đầu để được quyền tham gia bán hàng đa cấp, hoặc từ chối mua lại sản phẩm hoặc mua với giá thấp hơn 90%

giá đã bán là hành vi đi ngược lại với bản chất và mục đích của hệ thống bán hàng

đa cấp lành mạnh. Lúc đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị coi là đã thực hiện hành vi dồn hàng cho người tham gia, biến họ thành người tiêu dùng bất đắc dĩ.

Bán hàng đa cấp bất chính tập trung chủ yếu vào việc lôi kéo, dụ dỗ người tham gia

Luật Cạnh tranh năm 2004 cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được thực hiện hành vi cho người tham gia được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Theo hệ thống bán hàng đa cấp truyền thống, những người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác từ hai nguồn sau đây:

- Từ kết quả tiếp thị, bán lẻ hàng hóa của họ;

- Từ kết quả tiếp thị, bán hàng hóa của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do họ đã xây dựng và bảo trợ trong một phạm vi nhất định (có một giới hạn về cấp nhất định).

Điều này đã giúp doanh nghiệp bán hàng đa cấp đồng thời đạt được hai mục đích: (i) kích thích người tham gia nỗ lực tiếp thị và bán hàng hóa; (ii) thúc đẩy người tham gia xây dựng, tổ chức và vận hành mạng lưới cấp dưới có năng lực và hoạt động hiệu quả. Khi đem lại cho người tham gia những lợi ích chủ yếu từ việc giới thiệu những người tham gia mới mà không từ kết quả tiếp thị và bán hàng hóa của họ, hệ thống bán hàng đa cấp bị coi là không bình thường. Bởi lẽ, với lợi ích được hưởng, người tham gia sẽ chỉ chú trọng đến việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp mà không nỗ lực tiến hành các hoạt động tiếp thị và bán hàng hóa. Với hành vi này, khi thiết lập mạng lưới bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp dường như không quan tâm đến việc tiếp thị và tiêu thụ háng hóa mà chỉ tìm cách tổ chức mạng lưới đa cấp. Đương nhiên, mạng lưới đa cấp này không được pháp luật thừa nhận, các khoản chi để thành lập mạng lưới đa cấp là rất lớn trong khi thu nhập từ việc bán hàng hóa là không đáng kể. Mặt khác, nếu bán hàng đa cấp truyền thống luôn khống chế một giới hạn cấp tham gia nhất định được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và thường là mức hoa hồng sẽ giảm dần theo cấp tham

gia (vì số lượng thế hệ có hạn cho nên người tham gia càng chậm, càng xa vị trí của người cầm đầu thì mức lợi ích được hưởng càng ít vì phần lợi ích thu được từ doanh số bán hàng phải chia cho những cấp ở tầng trên). Khi hệ thống bán hàng đa cấp dành lợi ích không từ hiệu quả tiếp thị hoặc doanh thu bán lẻ mà từ việc giới thiệu người mới tham gia vào hệ thống thì doanh nghiệp sẽ không bao giờ khống chế thế hệ, cấp bán hàng được hưởng hoa hồng, tiền thưởng. Số tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải trả cho người tham gia sẽ tăng dần theo cấp số gia tăng của số lượng người mới tham gia. Lúc này, nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng về tài chính cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đe dọa lợi ích của xã hội, của những người tham gia là tất yếu. Do đó, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp luôn tìm mọi cách để bù đắp khoản chi phí đã trả cho người tham gia, đặt ra những điều kiện về mức hàng hóa tối thiểu mà người tham gia muốn gia nhập phải mua hoặc đặt ra mức phí gia nhập đối với thành viên mới.

Bán hàng đa cấp bất chính mang tính lừa dối

Luật Cạnh tranh năm 2004 "cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp cung cấp những thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp" [29].

Việc đưa ra các thông tin gian dối có thể nhằm mục đích sau đây:

- Dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia bằng cách tác động vào bản tính hám lợi của con người thông qua những thông tin về lợi ích của người tham gia đang được hưởng hoặc sẽ được hưởng nếu tham gia;

- Thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm với những thông tin về tính chất công dụng gây ra sự nhầm lẫn để những người tham gia tiếp thị, bán hàng hóa cho người tiêu dùng. Sự lừa dối này không chỉ làm giảm uy tín của người tham gia trước người tiêu dùng mà còn đe dọa đến lợi ích chính đáng của khách hàng, của xã hội, nhất là khi những sản phẩm được tiêu thụ là sản phẩm kém chất lượng.

Các vụ việc có liên quan đến hành vi đưa thông tin gian dối trong bán hàng đa cấp chủ yếu tập trung vào các loại sản phẩm là thực phẩm và thuốc chữa bệnh - những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người.

Việc đưa thông tin gian dối trong bán hàng đa cấp đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp, đa dạng về phương thức truyền bá thông tin. Mặt khác, đặc thù của tính truyền tiêu dưới hình thức rỉ tai làm cho tính xã hội trong việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm rất lớn không thể lường trước được. Tính gian dối của thông tin và khả năng gây hậu quả của nó đối với đời sống xã hội là cơ sở thực tế để kết luận về tính bất chính của hành vi vi phạm. Tính độc lập trong hoạt động của người tham gia đặt ra một vài vấn đề cho việc xác định trách nhiệm. Trong bán hàng đa cấp, người tham gia tiến hành tiếp thị để bán lẻ sản phẩm một cách độc lập, người tiêu dùng cuối cùng sẽ chỉ biết đến người tham gia đã trực tiếp giới thiệu và bán sản phẩm cho họ. Do đó, việc đổ trách nhiệm qua lại giữa người tham gia và doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất dễ xảy ra. Ví dụ, các thông tin trong tờ rơi hay tài liệu mà người tham gia phân phối sản phẩm nước trái nhàu NONI cung cấp cho người tiêu dùng không thể xác định là do người tham gia hay do doanh nghiệp bịa ra. Khi báo giới và cơ quan chức năng vào cuộc, người đứng đầu văn phòng đại diện của công ty Tahitan Noni International tại Việt Nam đã phủ nhận mọi trách nhiệm, cho rằng chính người tham gia tự nghĩ ra mà công ty không được biệt các thông tin nói trên. Công ty chỉ kiểm soát số lượng sản phẩm được bán ra từ những người tham gia.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SỸ BÁN HÀNG ĐA CẤP BẤT CHÍNH (Trang 29 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(99 trang)
w