CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.4. Củng cố bài giảng
1.4.6. Một số hình thức củng cố bài
Lưu ý : Tùy theo điều kiện cụ thể của tiết học mà GV chọn cho mình phương pháp củng cố bài thích hợp nhất. GV có thể kết hợp dùng nhiều phương pháp củng cố bài.
Theo PGS.TS.Trịnh Văn Biều [4] có thể củng cố dưới các hình thức sau:
Hình thức 1: Nhắc lại ý nhưng minh họa bằng ví dụ khác
VD: Khi dạy bài Axit sunfuric – Muối sunfat lớp 10, GV yêu cầu HS lấy những ví dụ khác trong SGK để chứng minh cho tính oxi hóa mạnh của axit sunfuric.
Hình thức 2: Nhắc lại nhưng phát triển thêm
VD: Khi dạy bài Hidro clorua – Axit clohidric và muối clorua, GV nhắc lại tính chất hóa học của HCl là tính axit mạnh và tính khử. GV phát triển thêm: ngoài ra HCl cũng thể hiện tính oxi hóa do trong phân tử HCl, nguyên tố hidro có số oxi hóa cao là +1. Khi dung dịch HCl tác dụng với kim loại đứng trước hidro trong dãy hoạt động hóa học thì HCl bị khử thành H2.
Hình thức 3: Trình bày vấn đề dưới hình thức khác
Trình bày vấn đề bằng hình thức khác như thay lời nói bằng sơ đồ, hình vẽ, grap.
VD: Khi dạy bài Oxi – Ozon, dùng sơ đồ để củng cố:
Hình 1.1. Sơ đồ củng cố bài“ Oxi – Ozon’’
Hình thức 4: Trình bày vấn đề dưới góc độ khác
VD: Khi dạy bài Axit sunfuric – Muối sunfat, GV cho HS đóng vai là nhà kinh doanh axit sunfuric. Trong quá trình vận chuyển axit sunfuric đặc cần đựng trong những toa thùng bằng gì và tại sao phải đóng kín ngay tức khắc vòi thoát sau khi tháo axit ra khỏi toa thùng.
HS muốn giải đáp phải nhớ lại tính chất hóa học của axit sunfuric đặc và vận dụng vào giải thích: H2SO4 đặc được vận chuyển bằng các toa thùng bằng thép, do
sắt bị thụ động hóa trong H2SO4 đặc nguội nên không có phản ứng. Khi tháo H2SO4 ra sẽ có một lượng nhất định H2SO4 còn lại trong toa thùng. Nếu không đóng kín lại thì hơi ẩm sẽ xâm nhập vào làm loãng dung dịch axit. Khi đó H2SO4 loãng sẽ phản ứng làm hỏng toa thùng.
Hình thức 5: Trình bày lật ngược lại vấn đề
VD: Khi dạy bài Oxi – Ozon, để củng cố phần điều chế, GV ra bài tập: Cho những hóa chất sau đây KClO3, KMnO4, H2O có thể điều chế oxi trong phòng thí nghiệm bằng những chất nào. Nêu nhận xét về nguyên liệu điều chế oxi trong phòng thí nghiệm.
Hình thức 6: Củng cố bằng cách đặt câu hỏi
VD: Khi dạy bài Một số hợp chất chứa oxi của clo, lớp 10: GVcó thể củng cố bằng các câu hỏi:
+ Trong phòng thí nghiệm có các hóa chất: NaCl, KMnO4, NaOH, HCl người ta có thể điều chế được nước Javen không? Viết các phương trình phản ứng minh họa.
+ Em hãy cho biết tính chất hóa học chung của nước Javen, clorua vôi là gì?
Giải thích tại sao nước Javen có tác dụng tẩy màu?
Hình thức 7: Củng cố bằng cách ra bài tập
Bài tập có nhiều kiểu: tự luận hoặc trắc nghiệm kiến thức, bài tập thực tiễn, bài tập sử dụng hình ảnh, sơ đồ, bài tập thí nghiệm…
Hình thức 8: Củng cố bằng cách so sánh với những kiến thức đã học VD: Bài Axit sunfuric – Muối Sunfat, lớp 10.
+ So sánh tính chất hóa học của axit sunfuric đặc và axit sunfuric loãng?
+ So sánh tính chất hóa học của axit sunfuric với axit clohiđric?
Hình thức 9: Củng cố bằng cách hệ thống hóa kiến thức VD: Hệ thống hóa kiến thức của bài Thành phần nguyên tử, lớp 10.
Hình1.2. Sơ đồ củng cố bài “Thành phần nguyên tử ’’
Hình thức 10: Cho học sinh phát biểu những suy nghĩ, nhận thức của bản thân
VD: Khi dạy bài Oxi – Ozon, GV cho HS nêu lên nhận thức của bản thân về hiện trạng tầng ozon hiện nay, nguyên nhân gây thủng tầng ozon và giải pháp bảo vệ tầng ozon.
Hình thức 11: Củng cố bằng hình thức kiểm tra viết ngắn
Tiến hành kiểm tra viết ngắn rồi củng cố bài dựa trên những câu trả lời của học sinh. Việc tiến hành trả lời và nhận xét của giáo viên là công khai trước lớp để học sinh có thể thấy được những chỗ sai của mình. Đây cũng là cách giúp học sinh ghi nhớ tốt bài học .
Hình thức 12: Đặt vấn đề hoặc câu hỏi để HS về nhà suy nghĩ và tìm lời giải đáp
VD: Khi kết thúc bài Clo lớp 10, GV đặt câu hỏi cho HS về nhà suy nghĩ: Tại sao Cl2 là một khí rất độc nhưng người ta vẫn sục một lượng thích hợp vào nước sinh hoạt?
Đây là câu hỏi liên hệ thực tế và HS phải vận dụng kiến thức về tính chất hóa học của clo đã học để giải đáp: tuy rất độc nhưng Cl2 lại là một chất có khả năng diệt trùng rất mạnh (do tính oxi hóa mạnh của HClO trong cân bằng : Cl2+H2O → HCl + HClO) vì vậy người ta vẫn sục một lượng thích hợp Cl2 vào nước sinh hoạt để diệt khuẩn, tất nhiên là hàm lượng Cl2 trong nước phải được kiểm soát nghiêm ngặt.
Theo chúng tôi còn có các hình thức sau:
Hình thức 13: Dùng trò chơi ô chữ, đố vui để củng cố
Hình thức 14: Dùng thí nghiệm để củng cố