Đổi mới phương pháp dạy học

Một phần của tài liệu thiết kế phần mở đầu và củng cố bài giảng môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học (Trang 48 - 52)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.7. Đổi mới phương pháp dạy học

Theo PGS. TS. Trịnh Văn Biều, có một số xu hướng đổi mới cơ bản:

1. Phát huy tính tích cực, tự lực, chủ động, sáng tạo của người học. Chuyển trọng tâm hoạt động từ giáo viên sang học sinh. Chuyển lối học từ thông báo tái hiện sang tìm tòi, khám phá.

2. Phục vụ ngày càng tốt hơn hoạt động tự học và phương châm học suốt đời.

3. Tăng cường rèn luyện năng lực tư duy, khả năng vận dụng kiến thức vào đời sống. Chuyển từ lối học nặng về tiêu hoá kiến thức sang lối học coi trọng việc vận dụng kiến thức.

4. Cá thể hóa việc dạy học.

5. Tăng cường sử dụng thông tin trên mạng, sử dụng tối ưu các phương tiện dạy học đặc biệt là tin học và công nghệ thông tin vào dạy học.

6. Cải tiến việc kiểm tra và đánh giá kiến thức.

7. Gắn dạy học với nghiên cứu khoa học với mức độ ngày càng cao (theo sự phát triển của học sinh, theo cấp học, bậc học).

1.7.2. Định hướng đổi mới phương pháp dạy học

Một trong những đặc điểm của thời đại hiện nay là cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang phát triển như vũ bão dẫn đến sự bùng nổ thông tin. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (2000-2020), sự thách thức trước nguy cơ tụt hậu trên đường tiến vào thế kỉ XXI bằng cạnh tranh trí tuệ đang đòi hỏi không ngừng đổi mới, hiện đại hóa nội dung dạy học và phương pháp dạy học.

Định hướng đổi mới phương pháp dạy và học đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII (1-1993), Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (12- 1996), được thể chế hóa trong Luật Giáo dục (2005), được cụ thể hóa trong các Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt Chỉ thị số 14 (4-1999).

Luật Giáo dục, điều 24.2, đã ghi “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS”.

Chiến lược phát triển giáo dục 2001- 2010 (Ban hành kèm theo Quyết định số 201/2001/QĐ- TTg ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ), ở mục 5.2. ghi rõ: “Đổi mới và hiện đại hoá phương pháp giáo dục. Chuyển từ việc truyền thụ tri thức thụ động, thầy giảng, trò ghi sang hướng dẫn người học chủ động tư duy trong quá trình tiếp cận tri thức; dạy cho người học phương pháp tự học, tự thu nhận

thông tin một cách có hệ thống và có tư duy phân tích, tổng hợp; phát triển năng lực của mỗi cá nhân; tăng cường tính chủ động, tính tự chủ của học sinh, sinh viên trong quá trình học tập...”

Có thể nói cốt lõi của việc đổi mới dạy và học là hướng tới hoạt động học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động. Tuy nhiên đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là gạt bỏ các phương pháp truyền thống mà phải vận dụng một cách hiệu quả các phương pháp dạy học hiện có theo quan điểm dạy học tích cực kết hợp với các phương pháp hiện đại.

1.7.3. Mở đầu và củng cố bài theo định hướng đổi mới PPDH

Theo định hướng đổi mới PPDH, khi mở đầu và củng cố bài GV cần chú ý những điểm sau:

- Thiết kế, tổ chức, hướng dẫn HS thực hiện hoạt động mở đầu và củng cố bài với các hình thức đa dạng, phong phú, có sức hấp dẫn phù hợp với đặc trưng môn học.

- Lựa chọn đúng phương pháp, sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học một cách hợp lí, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học, đặc điểm tâm sinh lí và khả năng nhận thức của HS, thời lượng dạy học và các điều kiện dạy học cụ thể của trường, địa phương.

- Sử dụng phối hợp nhiều phương pháp dạy học tích cực: dạy học nêu vấn đề, dạy học tình huống, đàm thoại, hoạt động nhóm…

- Tăng cường sử dụng các phương tiện dạy học, thiết bị dạy học và đặc biệt lưu ý đến những ứng dụng của công nghệ thông tin, tận dụng được công nghệ mới nhất.

- Kích thích khả năng tư duy, sáng tạo, phát huy được tính tích cực của HS.

- Tạo động cơ, hứng thú và thái độ tự tin trong học tập của HS.

- Chú trọng đến việc rèn kĩ năng, năng lực thực hành và gắn nội dung bài học với thực tiễn cuộc sống.

- Khai thác tối đa vốn kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng đã có của HS.

Tóm tắt chương 1

Trong chương này chúng tôi đã trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài, bao gồm:

- Nghiên cứu tổng quan

- Nghiên cứu cơ sở lý luận của đề tài:

+ Cơ sở lý thuyết về bài lên lớp + Mở đầu bài giảng

+ Củng cố bài giảng

+ Mục tiêu và nội dung chương trình hóa học lớp 10 THPT + Đổi mới phương pháp dạy học

- Điều tra thực trạng về việc mở đầu và củng cố bài trong dạy học hóa học THPT. Qua việc điều tra 97 GV lớp cao học khóa 19, 20 chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học môn hóa học trường ĐHSP TP.HCM, chúng tôi nhận thấy rằng: GV đã chú ý đến khâu củng cố bài nhưng khâu mở đầu vẫn còn ít GV quan tâm khi giảng dạy. Hình thức mở đầu được GV sử dụng nhiều nhất là hình thức:

dẫn từ bài cũ vào bài mới bằng mối liên hệ logic ”, trong khi đó phần củng cố bài GV thường sử dụng nhiều nhất là: “nhắc lại điểm chính của bài” sau đó “cho HS làm bài tập ”. Khó khăn nhiều nhất mà giáo viên gặp phải khi mở đầu bài giảng là

ít có thời gian chuẩn bị”, đa số GV đều cho rằng “thời gian của giờ học ngắn” là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khâu củng cố bài.

Trên cơ sở đó, chúng tôi tiến hành thiết kế phần mở đầu và củng cố một số bài hóa học lớp 10 THPT theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học (được trình bày ở chương tiếp theo).

Một phần của tài liệu thiết kế phần mở đầu và củng cố bài giảng môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)