2.1.1. Các nguyên tắc chung
Nguyên tắc 1: Đảm bảo tính chính xác khoa học
Hóa học là một môn khoa học nên những sự kiện, hiện tượng phải được mô tả một cách chính xác đầy đủ. Các số liệu, tài liệu phải trung thực, không cường điệu.
Nếu ghi sai sẽ dẫn đến việc hiểu sai hiện tượng, hiểu sai nội dung.
Nguyên tắc 2: Đảm bảo phù hợp với mục tiêu và nội dung của bài học Mục tiêu là yếu tố xuất phát của bài học.Mục tiêu bài học chi phối toàn bộ nội dung, phương pháp dạy học và là tiêu chí đánh giá thành tích học tập của HS. Ngay từ phần mở bài GV thể hiện đúng mục tiêu bài học sẽ giúp GV hoàn thành các hoạt động khác dễ dàng và hiệu quả hơn; giúp HS hình thành động cơ học tập và cách tiếp nhận hợp lí hơn. Ngoài ra, trước khi thiết kế phần củng cố, GV phải xác định đúng mục tiêu của bài học vì việc củng cố nhất thiết phải giúp HS nắm được phần trọng tâm của bài học.
Nguyên tắc 3: Đảm bảo đặc trưng của bộ môn
- Hóa học là môn khoa học thực nghiệm, vì vậy trong dạy học hóa học phải coi trọng thí nghiệm hóa học. GV có thể dùng thí nghiệm để mở bài gây hứng thú cho HS hoặc dùng thí nghiệm để củng cố giúp HS tái hiện lại kiến thức đã học, cảm thấy thông hiểu thêm, rõ thêm.
- Đây là bộ môn khoa học tự nhiên trong đó đối tượng nhận thức tương đối trừu tượng và ở mức vi mô do đó để HS dễ tiếp nhận kiến thức GV cần chuyển cái trừu tượng thành cái cụ thể như sử dụng các mô hình thay thế, mẫu vật, hình ảnh…
Nguyên tắc 4: Phù hợp với đặc điểm tâm lí và khả năng nhận thức của HS
Tùy từng đối tượng HS mà GV lựa chọn phương pháp vào bài và hình thức củng cố cho phù hợp. Trong một bài, GV có thể thiết kế vài hình thức khác nhau để linh hoạt sử dụng cho trình độ từng lớp.
Nguyên tắc 5: Phù hợp với cơ sở vật chất, các điều kiện dạy học của nhà trường
Cách bố trí lớp học cùng với các phương tiện giảng dạy ảnh hưởng đến việc GV quyết định cách thức mở đầu và củng cố cho phù hợp đồng thời cũng góp phần tạo nên môi trường học tập tích cực. Lớp học đông, chỗ ngồi chật khiến HS khó theo dõi tham gia các hoạt động học tập từ đó dẫn đến HS không tập trung vào bài học. Việc thiếu các phương tiện dạy học như máy tính , máy chiếu, dụng cụ thí nghiệm…cũng hạn chế việc sử dụng một số hình thức mở đầu và củng cố bài của GV.
Nguyên tắc 6: Thời gian phải hợp lí
Thời gian dành cho hoạt động mở bài khoảng từ 3-5 phút, củng cố bài khoảng từ 5-7 phút, do đó trong khi thiết kế, GV cần dự kiến trước các tình huống hoạt động để phân phối thời gian hợp lí, không để “cháy giáo án”.
Nguyên tắc 7: Bám sát các nội dung trong định hướng đổi mới và xu hướng đổi mới PPDH
- Hướng đến hoạt động học tập chủ động, chống thói quen học tập thụ động.
- Chú ý phát huy tính tích cực, sáng tạo của HS.
- Tăng cường sử dụng các phương tiện dạy học đặc biệt là công nghệ thông tin.
- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho HS tự học.
- Tăng cường vận dụng kiến thức vào thực tế.
Ngoài những nguyên tắc thiết kế chung, mỗi phần mở đầu và củng cố đòi hỏi một số nguyên tắc riêng biệt phù hợp với đặc điểm của từng phần như sau:
2.1.2. Những nguyên tắc riêng của phần mở bài
Gây được hứng thú học tập cho HS, kích thích trí tò mò, tạo điều kiện cho HS học tập tích cực chủ động: bằng các yếu tố như vui nhộn, bất ngờ, sáng tạo sẽ tạo được hứng thú và động cơ học tập cho HS.
Lựa chọn hình thức mở đầu phù hợp với từng kiểu bài lên lớp.
GV cần xác định kiểu bài lên lớp mà mình định thiết kế phần mở đầu vì mỗi kiểu bài có cách thiết kế riêng. Việc thiết kế cần phù hợp với đặc điểm của từng dạng bài cụ thể.
Dạng 1: Kiểu bài về các học thuyết, khái niệm, định luật
Để có được những học thuyết, khái niệm, định luật cần trải qua quá trình lịch sử lâu dài, phát triển và hoàn thiện dần dần. Do đó GV nên sử dụng hình thức kể chuyện lịch sử về quá trình các nhà bác học xây dựng và hoàn thiện dần các khái niệm, định luật, học thuyết đồng thời kết hợp hình ảnh của nhà bác học để gây hứng thú cho HS. Ngoài ra để hình thành những khái niệm mới thì phải đi từ khái niệm cũ do đó GV có thể dùng hình thức từ bài cũ dẫn vào bài mới bằng mối liên hệ logic hoặc GV có thể dùng hình thức đặt câu hỏi nêu vấn đề để gây mâu thuẫn khái niệm cũ không giải thích được do đó cần dùng khái niệm mới.
Dạng 2: Kiểu bài về chất và các nguyên tố cụ thể
Đây là dạng bài có thể sử dụng nhiều hình thức mở bài khác nhau như:
+ Sử dụng trực quan: dùng vật thật, thí nghiệm cho HS quan sát trực tiếp hoặc dùng mô hình, hình ảnh nguyên tố cho HS quan sát.
+ Sử dụng hình thức kể chuyệnlịch sử tìm ra các nguyên tố cùng hình ảnh nhà bác học, các giai thoại về các nhà bác học tìm ra nguyên tố.
+ Sử dụng câu hỏi liên hệ thực tếđể gắn bài học với cuộc sống.
+ Tổ chức cho cả lớp cùng hoạt động tập thể bằng trò chơi, đố vui, thơ đố, cùng xem một đoạn phim…
Dạng 3: Kiểu bài về quá trình sản xuất hóa học
Khi thiết kế phần mở đầu dạng bài này nên sử dụng phương pháp trực quan, sử dụng các mô hình, mô phỏng hay các đoạn phim tư liệu về các qui trình sản xuất cụ thể hoặc có thể sử dụng hình thức liên hệ thực tế, liên hệ đến những ứng dụng thực tế của chất cần sản xuất.
Dạng 4: Kiểu bài nghiên cứu về lí thuyết phản ứng
Dạng bài này có thể dùng hình thức thí nghiệm để đặt vấn đề cho HS nghiên cứu, giải quyết.
Dạng 5: Kiểu bài luyện tập, ôn tập
Dạng bài này chủ yếu dùng mở bài trực tiếp nêu mục đích và trọng tâm bài học để định hướng học tập cho HS.
Dạng 6: Kiểu bài thực hành
Trong kiểu bài này, GV thường phổ biến nội qui phòng thí nghiệm, chia nhóm thực hành và hướng dẫn một số thao tác thực hành thí nghiệm trước khi cho HS tiến hành thực hành.
2.1.3. Những nguyên tắc riêng của phần củng cố bài
Sử dụng các qui luật của sự ghi nhớ: hướng đích, ưu tiên, liên tưởng, lặp lại, kìm hãm giúp HS khắc sâu trọng tâm bài học.
Hình thành, rèn luyện và phát triển khả năng tư duy sáng tạo cho HS: Ngoài việc củng cố giản đơn, GV còn có thể củng cố phát triển. GV hệ thống hóa kiến thức trọng tâm đồng thời kết hợp mở rộng vốn hiểu biết của HS, kích thích khả năng tư duy sáng tạo, rèn luyện kĩ năng vận dụng tri thức mới vào thực tế học tập, đời sống, sản xuất.