Chương 2: HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2005 – 2010
2.2. Tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai
2.2.3. Tài nguyên du lịch nhân văn
Người Kinh và người Hoa đã bắt đầu đến sinh sống ở Đồng Nai từ đầu thế kỷ XVII. Giao thương của Đồng Nai với các vùng khác khá phát triển vào những năm đầu thế kỷ XX, cộng với sự phát triển công nghiệp tạo ra sự giao thoa của nhiều phong tục tập quán, tinh thần kỷ luật, sáng tạo làm hình thành một lối sống cởi mở và phóng khoáng của người dân Đồng Nai.
Các cư dân đến sớm thường sống ở gò đồi, vùng có nước ngọt theo tuyến sông rạch, chủ yếu là sông Đồng Nai hình thành các thôn làng gắn với nghề sông nước, ruộng rẫy và buôn bán như : làng cổ Bến Gỗ (Long Thành), Đồng Môn (Nhơn Trạch), Bến Cá (Vĩnh Cửu), Cù Lao Phố (Biên Hòa),...
Các đợt chuyển cư từ Trung Bộ, Bắc Bộ dần dần hình thành cộng đồng cư dân tỏa rộng ra các tuyến lộ và vùng trung du. Các lớp người Hoa vùng Quảng Đông, Phúc Kiến nhập cư giỏi nghề buôn bán sinh sống ở các thị tứ, người Tiểu Châu, người Hẹ có truyền thống nghề rẫy khai thác các vùng trung du ở Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc,...
Sự giao lưu giữa người Kinh, người Hoa và người dân tộc ít người (Châu Mạ, Châu Ro, Stiêng) khiến việc giao lưu văn hóa ngày càng phát triển. Các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã làm cho mối quan hệ thêm gắn bó giữa các dân tộc ít người với người Kinh.
Do lịch sử hình thành các cộng đồng dân cư và điều kiện kinh tế - xã hội Đồng Nai được tổ chức theo truyền thống người Kinh nhưng không rập khuôn,
không xa cội quên nguồn mà đậm nét phong cách rộng mở, dễ tiếp thu nhân tố mới, nhạy bén với khoa học kĩ thuật, năng động trong cách nghĩ, cách làm, không gò bó trong những khuôn khổ chật hẹp.
Sự giao lưu văn hóa của nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tạo cho vùng đất này một nền văn hóa mang những nét đặc trưng riêng của mình, đồng thời vẫn thể hiện được những dấn ấn văn hóa của các dân tộc khác. Sự đa dạng, phong phú này là cơ sở cho việc hình thành và phát triển một nền văn hóa Đồng Nai hiện đại.
2.2.3.2. Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa
Nhìn chung, Đồng Nai có một hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa tương đối đa dạng, có giá trị về mọi mặt, đặc biệt là du lịch.
- Khảo cổ : Tồn tại nhiều di chỉ khảo cổ lớn : mộ cổ Hàng Gòn trên 2000 năm, khu vực Gò Me có đàn đá trên 3000 năm, khu vực Bưng Bạc có nhà sàn trên 2500 năm,...Ngoài ra, ở các khu vực như : Dốc Mơ, Xuân Tân, Phú Hòa, đó Ba Chồng,...tồn tại nhiều di chỉ liên quan đến nền văn hóa Óc Eo.
- Di tích lịch sử - văn hóa :
+ Chùa : hiện còn trên 10 ngôi chùa cổ, trong đó tiêu biểu như : Bửu Long (1676), Long Thiền Tự (1664), Đại Giác Cổ Tự (1820), Đình Miếu : sự phong phú của các ngôi chùa cổ tiêu hiểu cho lối kiến trúc và sinh hoạt cổ của người Việt Nam.
Việc phục hồi các mỹ tục, lễ hội sẽ là những tài liệu sống giới thiệu về văn hóa Việt Nam nói chung và của tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Ngoài hệ thống chùa, Đồng Nai còn có thế mạnh là một tỉnh có số tín đồ Thiên Chúa giáo đông nhất cả nước. Với hệ thống nhà thờ đồ sộ có giá trị nghệ thuật, lâu đời như : Nhà thờ Lộc Lâm, Biên Hòa, Nhà thờ Dầu Giây (xây từ thời Pháp thuộc có hơn 100 năm tuổi), Tòa Giám Mục và Đại chủng viện Thành Giuse (cơ sở 2) Xuân Lộc (Long Khánh),… cũng góp phần phát triển du lịch hành hương, tham quan.
+ Làng nghề truyền thống : Nghề, làng nghề truyền thống cũng là tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng và có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Nghề truyền
thống với các sản phẩm độc đáo không chỉ thể hiện sự khéo léo của nhân dân mà còn thể hiện những tâm tư tình cảm của con người. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay có một số nghề, làng nghề truyền thống như :
Đan lát mây tre (Biên Hòa, Tân Phú)
Dệt thổ cẩm (Tân Phú)
May thêu, kết cườm, dệt vải (Biên Hòa)
Chạm khắc đá, gốm mỹ nghệ (Biên Hòa)
Chế biến tinh bột (Trảng Bom)
Bánh tráng, trồng bưởi (Vĩnh Cửu)
Trồng chôm chôm, sầu riêng (Long Khánh)
Trồng chuối (Định quán, Tân Phú)
Việc giới thiệu cho du khách hiểu biết thêm các sản phẩm truyền thống của địa phương, các quy trình sản xuất sản phẩm cũng là một việc làm cần thiết để đưa vào tuor du lịch để du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về làng nghề truyền thống, văn hóa của tỉnh.
Tuy nhiên, xét về giá trị các làng nghề trong việc gắn kết phối hợp phát triển du lịch thì làng nghề gốm ở Biên Hòa, làng bưởi Tân Triều ở Vĩnh Cửu và nghề dệt thổ cẩm ở Tân Phú là các loại hình có nhiều điểm lợi thế hơn.
+ Di tích lịch sử : có ưu thế lớn bởi sự đa dạng và phong phú về số lượng và chủng loại các di tích văn hóa lịch sử như : đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Trần Thượng Xuyên, đền thờ Đoàn Văn Cự, đền thờ Hùng Vương, tượng đài chiến thắng sân bay Biên Hòa, tượng đài chiến thắng La Ngà, tượng đài chiến thắng Xuân Lộc... Nhóm di tích lịch sử cách mạng là cơ sở để phát triển những Tour du lịch chuyên đề về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng, học tập và nghiên cứu lịch sử.
- Các công trình, giá trị văn hóa khác : Ngoài các di tích văn hóa lịch sử, trên địa bàn Đồng Nai còn lưu giữ một số hiện vật, công trình văn hóa vật thể và các giá trị văn hóa phi vật thể. Việc xem xét đánh giá đúng các giá trị văn hóa này có thể giúp chọn ra được những giá trị phù hợp cho việc phát triển du lịch.
+ Đàn đá: Đàn đá là một loại nhạc cụ của cư dân cổ. Năm 1979, tại di chỉ khảo cổ Bình Đa (nay thuộc phường An Bình, thành phố Biên Hoà), các nhà khoa học đã thu thập được 42 thanh đoạn đàn đá trong cuộc khai quật. Các thanh đoạn đàn đá này nằm trong tầng văn hóa của một di chỉ thể hiện vết tích cư trú của người cổ.
Việc phát hiện đàn đá tại Bình Đa là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghiên cứu về loại nhạc cụ độc đáo trên lãnh thổ Việt Nam. Đàn đá Bình Đa được định vị niên đại 3000 – 2700 năm cách ngày nay. Kết quả này góp phần khẳng định về niên đại cho sự xuất hiện của các loại đàn đá được phát hiện tại nhiều địa điểm khác ở miền Nam Việt Nam trước đây như: đàn đá Nout Liêng Krack, đàn đá Bù Đơ, đàn đá Bù Đăng Xrê, đàn đá Khánh Sơn…Loại đàn đá hẳn có cội nguồn từ lâu, ít ra qua sự gợi mở của đàn đá Bình Đa.
Đàn đá Bình Đa là một sản phẩm văn hoá tiêu biểu và độc đáo của cư dân cổ trên vùng Đồng Nai. Do đó nó có giá trị to lớn về lịch sử và du lịch.
+ Nhà cổ: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn một số ngôi nhà cổ tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, TP. Biên Hòa, nổi bật là từ đường họ Đào- Nhơn Trạch, nhà từ đường họ Trần - Biên Hòa,…Nhà cổ là một công trình văn hóa có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật cao và có thể xếp vào hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn. Do đó cần điều tra và hệ thống lại những ngôi nhà cổ để kết hợp tham quan và khai thác du lịch.
+ Văn miếu Trấn Biên: Đây là công trình văn hóa mang tính hiện đại gợi về một thời kỳ lịch sử của đất Đồng Nai. Đây là công trình được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ... thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài.
Hiện nay Văn Miếu là điểm đến của nhiều du khách tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử tỉnh Đồng Nai. Điểm thuận lợi của Văn Miếu là nằm gần KDL Bửu Long tạo thành một quần thể danh thắng lý tưởng.
+ Bảo tàng Đồng Nai: Là nơi lưu giữ các hiện vật văn hóa, những di chỉ khảo cổ qua nhiều thời kỳ. Đây là một trong những bảo tàng lớn nhất Nam Bộ phục
vụ các đối tượng có nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về văn hóa lịch sử. Sẽ rất thiếu sót nếu các chương trình tour về nguồn, giáo dục truyền thống văn hóa cách mạng mà lại bỏ qua một điểm đến giá trị này.
+ Đặc sản ở các địa phương: là những món ăn, thực phẩm,… ở dạng thô hay đã qua chế biến mà hương vị thật sự của nó chỉ có được ở địa phương tạo ra nó.
Ngày nay các món đặc sản địa phương tham gia vào du lịch không chỉ đem lại lợi nhuận mà còn được xem như một lợi thế cạnh tranh giữa các vùng. Ở Đồng Nai đó là: Các món ăn, thức uồng được chế biến từ bưởi Tân Triều (rượu, gỏi, nem bưởi), bắp Tân Triều (chả bắp, chè bắp), rượu Bến Gỗ (Long Thành), rượu cần, cơm lam (Tân Phú), lẩu tôn năm ri (Biên Hòa),…
+ Các giá trị văn hóa phi vật thể: Do đặc điểm hợp cư của nhiều dân tộc nên văn hóa Đồng Nai rất đa dạng phong phú. Các sản phẩm có thể đưa vào khai thác du lịch như: trường ca, điệu hát Tam Pót, điệu múa của dân tộc Châu Mạ (Tân Phú), đờn ca tài tử (Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa), ca nhạc dân tộc, ca nhạc hiện đại,… Về lâu dài cần có kế hoạch khôi phục những giá trị văn hóa đã mai một, phát huy, lưu giữ, bảo vệ những nét văn hóa hiện tại tạo cơ hội nhiều hơn cho việc khai thác du lịch văn hóa.
Bảng 2.2 : Số di tích được xếp hạng của Đồng Nai giai đoạn 2005 - 2010
Năm 2005 2006 2007 2008 2009 2010
Tổng số 30 31 33 37 40 41
- Phân theo loại di tích
+Thắng cảnh 2 2 2 2 3 3
+DT lịch sử 11 12 12 16 17 17
+ Kiến trúc – nghệ thuật 5 5 6 7 8 8
+Khảo cổ 1 1 2 1 1 1
+Lịch sử cách mạng 2 2 2 2 2 2
+Lịch sử - văn hóa 9 9 9 9 9 9
- Phân theo cấp công nhận
+Tỉnh – TP 6 7 9 13 16 17
+Quốc gia 24 24 24 24 24 24
Nguồn : Sở văn hóa thể thao – du lịch tỉnh Đồng Nai
Có thể thấy lợi thế về tài nguyên nhân văn của Đồng Nai hứa hẹn mở ra nhiều khả năng cho việc đưa các yếu tố văn hóa vào kết hợp khai thác du lịch. Tuy vậy việc phát triển phải dựa trên cơ sở lựa chọn và có sự đầu tư hợp lý để đảm bảo việc khai thác có hiệu quả, đồng thời cũng tạo điều kiện cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
2.2.3.3. Lễ hội
Lễ hội là nét văn hóa độc đáo của mỗi địa phương. Lễ hội hàng năm cũng góp phần thu hút một lượng lớn khách hành hương và khách du lịch.
Hiện nay tỉnh có một số loại lễ hội tương đối đặc sắc, thu hút đông đảo du khách như :
+ Lễ hội mang tính quốc gia : Tết nguyên đán, Tết trung thu, Giỗ tổ Hùng Vương, giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo,...
+ Lễ hội làng xã truyền thống : cúng đình, cúng vía trời đất, cúng bà,...
+ Lễ hội các dân tộc ít người : cúng lúa mới của người Châu - Ro, cúng Yang Koi của người Mạ, cúng Lơh - Yang - Rơ của người Kơho, lễ hội đâm trâu,...
+ Lễ hội tôn giáo : Phật đản, Vu lan, Giáng Sinh, Phục Sinh, Thượng Nguyên, Ramadan,...
+ Lễ hội kỉ niệm những sự kiện lịch sử của Đồng Nai: lễ hội truyền thống cách mạng tại chiến khu Đ, chiến thắng La Ngà, chiến thắng sân bay Biên Hòa,...
Các lễ hội làng xã còn khá phổ biến ở Đồng Nai. Đặc biệt Đồng Nai lại là nơi tập trung của hai tôn giáo lớn là Phật Giáo (Biên Hòa, Long Thành) và Thiên Chúa giáo (Biên Hòa, Thống Nhất), thể hiện rõ qua số lượng và mật độ phân bố chùa, nhà thờ trên các địa bàn. Chính vì thế các lễ hội mang tính tôn giáo như các ngày lễ giáng sinh, phục sinh, phật đản, vu lan,... đã trở thành những ngày lễ lớn, là dịp vui chơi, giải trí của đông đảo tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, kể cả những người không có tôn giáo. Hàng năm, lượng khách tham gia vào các hoạt động này rất lớn, đây là cơ hội để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống,...
2.2.3.4. Phong tục tập quán
Đồng Nai có 31 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số trên 2,4 triệu người, trong đó dân tộc Kinh hơn 2,3 triệu người chiếm 92% dân số, còn lại đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 181.843 người, chiếm gần 8% dân số. Có 04 dân tộc tại chỗ là Chơro, Mạ, X’tiêng và Cơho. Còn lại đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh phía Bắc. Điểm khác biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai là sống rải rác, xen kẽ với đồng bào dân tộc Kinh ở khắp các địa bàn, ít tập trung thành bản, làng riêng biệt. Các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai có lịch sử đấu tranh hào hùng, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ suốt trong các cuộc kháng chiến của dân tộc đã góp phần làm cho Đồng Nai anh hùng trong kháng chiến và năng động trong thời kỳ đổi mới.
Sự đa dạng về dân tộc đã tạo cho Đồng Nai có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đa dạng, lễ nghi, những nét văn hóa của đồng bào được bảo tồn và phát huy, các lễ hội truyền thống như: Cholchnamthmay của đồng bào Khmer, Sayangva của đồng bào Chơ Ro, Tà Tài Phán của đồng bào Hoa,…được duy trì tổ chức thường xuyên, thu hút sự tò mò, khám phá của các du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn địa bàn cư trú là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, điều kiện đi lại còn gặp nhiều khó khăn.