Chương 2: HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2005 – 2010
2.2. Tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai
2.2.5. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội
Trong thời gian qua kinh tế của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 13,5%, trong đó công nghiệp đạt 17,7%, dịch vụ có nhiều khởi sắc cũng đạt 14,7%.
Đến năm 2010, tổng GDP của tỉnh đạt 75 899 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ USD), gấp 2,4 lần năm 2005; GDP bình quân đầu người đến cuối năm 2010 đạt 1629 USD, tăng gấp 1,88 lần năm 2005.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng:
tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm. Đến năm 2010, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 57,2%; ngành dịch vụ chiếm 34,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 8,6%.
Công nghiệp :
Đồng nai là một trong các tỉnh dẫn đầu phát triển công nghiệp tại Việt nam, là tỉnh phát triển khu công nghiệp đầu tiên tại vùng Nam bộ Việt nam, và đang thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Riêng trong lĩnh vực qui hoạch phát triển khu công nghiệp, do có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp, đến năm 2010, chưa kể các cụm tiểu thủ công nghiệp qui mô nhỏ, Đồng Nai đã qui hoạch và phát triển hơn 11 000 ha đất khu công nghiệp tập trung, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 16 khu công nghiệp với diện tích 4805 ha, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong việc xây dựng phát triển Khu công nghiệp. Các khu công nghiệp này, cơ sở hạ tầng đã và đang được xây dựng đồng bộ, đã bố trí trên 57% diện tích đất và đang sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là điều kiện thuận lợi có thể tận dụng để phát triển các loại hình du lịch mice, du lịch tham quan nghiên cứu.
Nông - Lâm - Ngư nghiệp:
Quỹ đất phát triển nông nghiệp khoảng 381.000 ha. Đất canh tác nông nghiệp phần lớn là đất đỏ bazal thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả. Các cây trồng chủ yếu như cao su (41 000ha ), cà phê (15 000 ha), điều (43 000 ha), đậu nành (7 000 ha), bắp (65 500ha), khoai mỳ (18 000ha), cây ăn quả (46 000 ha) ... Bưởi Tân triều của Đồng nai là đặc sản nổi tiếng vùng Nam bộ.
Đồng Nai đang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất thức ăn gia súc, và có nhiều trang trại chăn nuôi qui mô công nghiệp, tổng đàn trâu bò 72 000 con, heo 970 000 con, gia cầm 10 triệu con, đàn ong 58 000 đàn. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chế biến.
Đặc biệt Đồng Nai là tỉnh tiên phong trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình này không chỉ nâng cao mức sống cho người nông dân mà còn
tạo điều kiện phát triển loại hình du lịch tham quan nghiên cứu. Bên cạnh đó nó còn thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, qua đó cũng góp phần tăng thêm lượng du khách Quốc tế đến với tỉnh.
Dịch vụ - Thương mại:
Đồng Nai xuất khẩu chủ yếu các loại sản phẩm nông nghiệp như mủ cao su sơ chế, cà phê, lạc nhân, hạt điều nhân, bắp, nông sản thực phẩm chế biến..., một số sản phẩm công nghiệp như ván ép, giày da, may mặc, sản phẩm cơ khí, điện tử...Nhập khẩu chủ yếu là các loại vật tư nguyên liệu như phân bón, xi măng, sắt thép xây dựng, phụ tùng thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất. Năm 2004, kim ngạch xuất nhập khẩu của Đồng nai đạt khoảng 5,6 tỷ USD.
Đồng Nai đang phát triển nhanh các dự án nhà ở, khách sạn bệnh viện, trường học... đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, học tập của cộng đồng dân cư và các nhà đầu tư. Đồng nai hiện đã có 2 sân golf 36 lỗ, đã có siêu thị Big C, nhà hàng gà rán Kentucky, nhà hàng món ăn Hàn quốc...
Dịch vụ tài chính ngân hàng cũng đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư, các loại thẻ tín dụng dễ dàng sử dụng tại Đồng nai và Việt nam.
Lĩnh vực thu hút vốn đầu tư cũng phát triển mạnh, riêng năm 2010, tỉnh đã thu hút tới 52 000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, 1500 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội: cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,27% năm 2005 xuống còn 1,12% năm 2010; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị từ 3% năm 2006 xuống còn dưới 2,6% vào cuối năm 2010;
nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2010 đạt 53% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%.
Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 86% ấp, khu phố và 94% hộ gia đình đạt danh hiệu ấp, khu phố, hộ gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa; tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99%; tỷ lệ hộ dùng nước sạch khu vực thành thị đạt 98%, khu vực nông thôn đạt 90%; thu gom xử lý chất thải y tế đạt 100%, thu gom chất thải nguy hại đạt 60%, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt đạt 80%...
Tóm lại, kinh tế phát – xã hội của tỉnh trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ. Chính điều đó là động lực to lớn thúc đẩy du lịch tỉnh nhà bước lên tầm cao mới.
2.2.6. Thể chế chính sách và hợp tác đầu tư
Hợp tác đầu tư nước ngoài :
Đến tháng 12/2009, tại Đồng Nai, đầu tư trực tiếp của nước ngoài có trên 600 giấy phép của các doanh nghiệp thuộc 26 quốc gia và vùng lãnh thổ với vốn đăng ký trên 7,16 tỷ USD, là tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài xếp thứ 3 Việt Nam sau Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội .
Riêng các doanh nghiệp Hàn quốc, đã có trên 110 doanh nghiệp đầu tư vào Tỉnh Đồng nai với vốn đăng ký trên 1,13 tỷ USD, là một trong ba nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Tỉnh Đồng nai, trong đó có các dự án khá lớn như: Công ty Hwaseung (64 triệu USD), Công ty Choongnam (58 triệu USD), Công ty Hyosung (52,5 triệu USD), Công ty Daeshin (50 triệu USD), Công ty Taekwang (41 triệu USD), Công ty Asia Stainless (30 triệu USD), Công ty LG chemical (21,5 triệu USD), Công ty Daewoo Pharma (14,6 triệu USD)...
Thực hiện chính sách mở cữa thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Đồng Nai tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện, theo phương châm “Chính quyền đồng hành cùng Doanh nghiệp”, khai thác triệt để những tiềm năng và lợi thế so sánh vốn có, kết hợp vận dụng những chính sách và thiện chí khuyến khích đầu tư của Tỉnh, hy vọng các nhà đầu tư sẽ quan tâm đầu tư vào Đồng Nai nhiều hơn nữa.
2.2.7. Đánh giá chung 2.2.7.1. Lợi thế
Tóm lại, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch:
- Vị trí địa lý: Nằm trong vùng Đông Nam Bộ, thu nhập cao, nhiều khách Quốc tế, gần TP. Hồ Chí Minh, trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, ít thiên tai, thời tiết ít diễn biến thất thường.
- Tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng:
+ Tài nguyên du lịch tự nhiên: nhiều phong cảnh đẹp: thác, suối, cù lao, vườn cây, rừng mang tính ĐDSH cao.
+ Tài nguyên du lịch nhân văn: Hệ thống di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc, lễ hội, làng nghề, ẩm thực Miền Đông,…
- Quỹ đất dành cho du lịch lớn
- Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng và lao động ngành du lịch ngày càng tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng góp phần làm đòn bẩy cất cánh ngành du lịch của tỉnh nhà.
2.2.7.2. Hạn chế, khó khăn
- Công tác quản lý chưa theo kịp sự phát triển:
+ Tình trạng tự phát trong kinh doanh du lịch, thương nhân tham gia du lịch hiểu biết ít về pháp luật du lịch (tuyên truyền, phổ biến, vận động chưa sâu rộng).
+ Các nhà đầu tư gặp khó khăn trong giải tỏa, đền bù, triển khai dự án.
+ Thống kê chưa đầy đủ các hoạt động tham gia làm du lịch + CSVC – CSHTDL còn nhiều yếu kém.
+ Quản lý hướng dẫn viên du lịch còn nhiều bất cập.
+ Chưa có đầu tư đúng mức về CSHT cho từng điểm, tuyến, khu du lịch (Nhà nước và thương nhân).
+ Cơ sở thu hút đầu tư chưa thực sự khuyến khích lĩnh vực du lịch, thu hút đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
+ Sự phối hợp liên ngành chưa rõ.
- Công tác xúc tiến du lịch: chưa thực sự chuyên nghiệp - Nhân lực yếu, thiếu, chưa có nhiều chiến lược đào tạo
- Sản phẩm du lịch chưa hoàn chỉnh, chưa phong phú, chất lượng thấp, chưa có tính đặc thù địa phương.
- Tài nguyên du lịch khai thác chưa hiệu quả, môi trường bước đầu có dấu hiệu ô nhiễm.