Chương 2: HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2005 – 2010
2.3. Hiện trạng phát triển du lịch Đồng Nai giai đoạn 2005 – 2010
2.3.6. Đầu tư phát triển du lịch
Cùng với những chuyển biến tích cực trong công tác kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, Nhà nước đã có quan tâm hơn đến công tác đầu tư, hỗ trợ vốn ngân sách để quy hoạch chi tiết, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch.
Tính đến nay, nhiều dự án đã được đầu tư lồng ghép phục vụ cho ngành du lịch với tổng kinh phí lên đến 1 985 tỉ đồng, bao gồm trung tâm văn hóa du lịch Bửu Long, quy hoạch khu du lịch Suối Mơ, đường vào khu di tích lịch sử khu ủy Miền Đông (chiến khu Đ), xây dựng cầu Suối Đá, cầu Suối Mây từ quốc lộ 20 vào Thác Mai,...
Đến nay, tỉnh tiếp tục phê duyệt một số dự án đầu tư cho du lịch với tổng số vốn là 6 604 tỉ đồng. Trong đó : quy hoạch chi tiết tuyến sông Đồng Nai đến năm 2020, quy hoạch khu thương mại Long Thành, làng bưởi Tân Triều, quy hoạch 1/2000 chùa Gia Lào, cầu treo Tà Lài huyện Tân Phú,...
Ngoài ra nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư, nâng cấp, đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách : Đầu tư nhà hàng Cọ Dầu 1 200 chỗ, xây dựng nhà nghỉ Bửu Long 8 phòng và khu massage Đồng Trường 12 phòng, nâng cấp khách sạn Đồng Nai khu A 57 phòng,...
Đối với các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh du lịch, đây là thành phần kinh tế khá nhanh nhạy đối với các tác động của thị trường, luôn có sự đổi mới và tự điều chỉnh. Hiện nay, các cơ sở tư nhân kinh doanh cơ sở lưu trú, vận chuyển, ăn uống và dịch vụ tham quan giải trí ngày càng lớn mạnh và đã có những đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch.
2.3.7. Hoạt động quảng cáo và tiếp thị du lịch
Nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch Đồng Nai đến với đông đảo tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh. Nội dung tập trung giới thiệu những hình ảnh tiềm năng và hiện thực của du lịch Đồng Nai qua tham gia các hội chợ triển lãm, liên hoan du lịch trong và ngoài tỉnh. Qua đó cung cấp cho du khách, các nhà kinh doanh du lịch thông tin về các điểm du lịch Đồng Nai, các dự án mời gọi đầu tư du lịch tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trường, xúc tiến cơ hội đầu tư và nâng cao hình ảnh du lịch Đồng Nai.
Thông tin quảng bá được truyền tải đến nhiều tầng lớp nhân dân qua việc giới thiệu du lịch từ nhiều nguồn, nhiều hình thức như : các phương tiện thông tin đại chúng (Đài truyền hình VTV4, HTV7, đài phát thanh truyền hình Đồng Nai, báo Đồng Nai, website ngành thương mại du lịch Đồng Nai, các ấn phẩm du lịch như brochure, tập gấp, CDROM, bản đồ,... Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức kỉ niệm các ngày lễ, sự kiện như : Giao thừa thế kỉ, hội thi ẩm thực,... để tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch.
Ngoài ra đối với công tác xúc tiến đầu tư du lịch nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cho việc mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quy định ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Theo đó các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Đồng Nai sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế đất, thuế doanh nghiệp, hỗ trợ kết cấu hạ tầng và giải phóng mặt bằng. Mức ưu đãi nhiều hay ít phụ thuộc vào địa bàn khu vực mà doanh nghiệp đầu tư. Đến nay tỉnh đã mời gọi được nhiều dự án du lịch thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng như dự án Lâm trại Sơn Tiên, khu du lịch thác Giang Điền, Khu du lịch Suối Mơ,... Các dự án này một số đã đi vào hoạt động, một số đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kĩ thuật.
Đặc biệt hiện nay, không chỉ ngồi trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh trong việc xúc tiến quảng bá du lịch, mà ban quản lý các khu du lịch, thậm chí các công ty lữ hành – nơi thiết lập các tour du lịch cũng đã chủ động tìm hướng ra cho mình. Cụ thể : Ở các điểm du lịch nổi tiếng như : Thác Giang Điền, Bò Cạp Vàng, Bửu Long, Vườn Xoài,... đã thiết lập trang web quảng bá riêng cho mình. Thậm chí, họ còn thiết lập sơ đồ cụ thể để hướng dẫn các đoàn hay cá nhân du lịch tự do.
Dù đã có nhiều nỗ lực, tuy vậy hiệu quả của việc quảng bá chưa cao, chủ yếu giới hạn trong các hoạt động giới thiệu du lịch nâng cao sự hiểu biết của du khách về Đồng Nai chứ chưa thật sự đủ mạnh để định hướng thị trường, góp phần khơi dậy nhu cầu của du khách do các sản phẩm du lịch hiện nay của Đồng Nai mới đạt quy mô thu hút khách nội tỉnh, chưa đủ sức hấp dẫn đi tour đúng nghĩa. Do đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động xúc tiến du lịch, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá cần phải tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và chất lượng. Từ đó từng bước nghiên cứu, củng cố, hoàn chỉnh các quy trình hoạt động xúc tiến du lịch nhằm quảng bá đúng mục tiêu và hiệu quả.
Quan trọng nhất đó là quảng bá dựa vào tâm lý du khách. Khâu này có lẽ tỉnh còn yếu. Bên cạnh đó, các trang web hầu như chưa đề cập đến các chi tiết cụ thể hướng dẫn cách đăng ký tham gia các tour du lịch, giá vé cụ thể đối với từng đối tượng,... để du khách dễ dàng lựa chọn loại hình và địa điểm thích hợp với mình.
2.3.8. Tình hình tổ chức quản lý hoạt động du lịch Quản lý theo ngành :
Về mặt quản lý ngành, theo pháp lệnh du lịch được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngảy 08/02/1999, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về du lịch.
Tổng Cục du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về du lịch. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương.
Cũng theo pháp lệnh trên, nội dung quản lý Nhà nước về du lịch bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản, quy phạm pháp luật về du lịch ; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch, quy định về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, về việc phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý nhà nước về du lịch ; tổ chức và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động du lịch ; tổ chức và quản lý công tác xúc tiến du lịch, hợp tác quốc tế về du lịch ; cấp và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động du lịch, kiểm tra, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về du lịch.
Trên địa bàn Đồng Nai, Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tham mưu và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các hoạt động, vấn đề có liên quan đến công tác quản lý và phát triển du lịch của tỉnh. Về mặt quản lý ngành, Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch quản lý tất cả các doanh nghiệp du lịch thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên theo phân cấp, Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch quản lý trực tiếp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thuộc các loại hình doanh nghiệp : Công ty cổ phần, công ty TNHH, DNTN. Các doanh nghiệp du lịch trực thuộc trung ương do Tổng cục du lịch quản lý. Các hộ cá thể kinh đoanh du lịch tại địa phương do Phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố Biên Hòa – cơ quan tham mưu UBND cấp huyện
trực tiếp quản lý. Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch tỉnh Đồng Nai quản lý các hộ cá thể gián tiếp thông qua Phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố Biên Hòa.
Quản lý theo lãnh thổ :
Về mặt lãnh thổ các doanh nghiệp kinh doang du lịch trên địa bàn phải chịu sự quản lý của chính quyền địa phương. Đó là UBND cấp xã, cấp huyện, và cấp tỉnh. Các doanh nghiệp phải tuân thủ các nội dung quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh. Chính quyền địa phương có trách nhiệm đảm bảo an toàn, trật tự an ninh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động.
Sở VHTTDL là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về văn hóa; thể dục, thể thao và du lịch; gia đình; quảng cáo; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo qui định của pháp luật.
Trong cơ cấu bộ máy của Sở, chức năng quản lý nhà nước về du lịch được giao cho phòng Quản lý nghiệp vụ du lịch, chịu trách nhiệm theo dõi toàn bộ tình hình hoạt động du lịch của tỉnh. Công tác nhân sự luôn là khó khăn của Phòng trong việc đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao do việc tuyển được cán bộ có đủ trình độ và năng lực, được đào tạo đúng chuyên ngành là vấn đề không đơn giản.
Đối với cấp cơ sở, Phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố Biên Hòa tham mưu và chịu trách nhiệm trước UBND cùng cấp về công tác quản lý Nhà nước về du lịch tại các địa phương. Thực tế các Phòng kinh tế hầu như chưa có cán bộ chuyên trách về du lịch nên thường phân công một chuyên viên kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên ngành theo dõi hoạt động du lịch của địa phương do cấp huyện không có biên chế chính thức cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Từ đó dẫn đến việc quản lý, theo dõi và tham mưu cho cấp trên đối với hoạt động quản lý du lịch còn yếu.
Có thể thấy, hiện nay lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (cấp tỉnh và cấp cơ sở) còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Do đó trước mắt cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình
độ, kiến thức của đội ngũ này. Phải đảm bảo có một đội ngũ cán bộ đủ và mạnh. Về lâu dài cần xây dựng chiến lược đào tạo và sử dụng các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch.
2.3.9. Mạng lưới các điểm du lịch hiện đang khai thác
Hiện nay trong tỉnh có khoảng 55 điểm du lịch đang khai thác. Tuy nhiên chỉ có một số điểm du lịch hoạt động thực sự hiệu quả như: Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Thác Giang Điền, KDL Bò Cạp Vàng, Cù Lao Phố, làng bưởi Tân Triều, KDL Bửu Long, Núi Chứa Chan – chùa Gia Lào,...Theo thống kê của Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh thì chỉ riêng cụm du lịch Núi Chứa Chan – chùa Gia Lào hàng năm đã đón trên 25 000 lượt khách, VQG Nam Cát Tiên trên 30 000 lượt khách,...
Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục tập trung quy hoạch và kêu gọi các dự án đầu tư vào một số khu du lịch trọng điểm sau:
• Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư vào khu du lịch đảo Ó - Đồng Trường trong lòng hồ Trị An để thu hút, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Khôi phục và phát triển tuyến du lịch trên sông Đồng Nai, kết hợp với du lịch vườn, viếng thăm khu du lịch Bửu Long, Cù Lao phố, một số làng nghề truyền thống.
• Triển khai quy hoạch chi tiết khu du lịch Thác Mai - hồ Nước Nóng, lâm trờng Tân Phú, từng bớc đa khu du lịch này trở thành khu du lịch lớn, phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng... của nhân dân tỉnh trong và ngoài tỉnh.
• Tiến hành quy hoạch, đồng thời kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước hợp tác, đầu tư vào khu du lịch Suối Mơ.
• Quy hoạch, tổ chức đầu tư phát triển khu du lịch Núi Chứa Chan - Chùa Gia Lào với hình thức hợp tác nhà nước và nhân dân cùng làm.
• Đầu tư nâng cấp khu Công viên Văn hóa Hòa Bình-K4, sớm đưa Công viên này trở thành địa điểm tham quan, nghỉ ngơi của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
• Quy hoạch lại và tổ chức đầu tư, phát triển Trung tâm Văn hóa Suối Tre.
Tỉnh Đồng Nai đang kêu gọi các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư, hợp tác, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực du lịch. Đến với Đồng Nai, các nhà đầu tư sẽ có được một môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn. Tiềm năng du lịch cùng con người làm du lịch đầy nhiệt quyết đam mê nghề nghiệp vốn có của Đồng Nai sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát huy hết khả năng kinh doanh của mình.
Nguồn : Sở văn hóa thể thao và du lịch Đồng Nai
2.3.10. Mạng lưới các tuyến du lịch Các tuyến du lịch nội tỉnh :
Tuyến 1 : Biên Hòa - Tuyến du lịch sông Đồng Nai
- Loại hình du lịch đặc trưng của tuyến du lịch này là kết hợp độc đáo giữa du lịch sông nước, miệt vườn với du lịch văn hóa (tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng, văn hóa).
- Thời gian 3 ngày 2 đêm. Tuy nhiên do sự sự đa dạng và phong phú của các điểm du lịch, do đó tuyến này nên chia thành các tour nhỏ hơn với lượng thời gian có thể 1 đến 2 ngày tùy theo yêu cầu của du khách.
- Tuyến này gồm những điểm du lịch tiêu biểu như : Cù Lao Phố, Sông Đồng Nai, Văn Miếu Trấn Biên, Toà nhà lầu của ông phủ Võ Hà Thanh, Làng gốm Tân Vạn-Hóa An, Thắng cảnh Bửu Long, Đền thờ nguyễn Tri Phương, Đền Hùng, Nhà lao Tân Hiệp, Di tích nhà xanh, Đình tân lân, Nhà hội bình trước, Lăng mộ trịnh hoài đức, Đền thờ đoàn Văn Cự, KDL sinh thái Vườn Xoài, KDLST Câu lạc bộ xanh, Làng bưởi Tân Triều.
+ Cù Lao Phố: Thuộc xã Hiệp Hòa, Tp.Biên Hòa. Có địa thế là trung tâm của Tp.Biên Hòa, cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 30 km, được bao quanh bởi sông Đồng Nai, là điểm sáng để xây dựng, làm tour du lịch sinh thái, văn hóa. Cảnh trí nơi đây đẹp, thanh bình, êm ả nhưng tràn đầy sức sống. Có nhiều di tích văn hóa- lịch sử và lễ hội truyền thống (Chùa Đại Giác, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Di tích Chùa Ông). Trong quy hoạch, định hướng phát triển Cù Lao Phố thành một cù lao xanh của thành phố Biên Hòa. Ước tính đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, nơi đây sẽ xây dựng một trung tâm giải trí với quy mô lớn bao gồm các công viên nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, cảng du thuyền, các loại hình thể thao dưới nước, khu khách sạn, nhà hàng cao cấp,…
+ Khu du lịch làng bưởi Tân Triều: Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai. Diện tích Khu du lịch là 5 ha, là một điểm du lịch quan trọng trong tuyến. Đặc điểm nổi bật của Khu du lịch này là có nhiều vườn cây ăn trái miệt vườn Nam Bộ đặc trưng, được bao quanh bởi
một vùng sông nước bao la, mang đầy phù sa với nhiều trái ngon, quả ngọt, đặc biệt là bưởi Tân Triều nổi tiếng khắp nơi. Hiện Khu du lịch đang được quy hoạch và ước đầu tư khoảng 6 tỷ đồng.
+ Thắng cảnh Bửu Long: thắng cảnh quốc gia, có núi cao, có hồ rộng, phong cảnh thơ mộng, hữu tình. Được xếp hạng di tích quốc gia năm 1990, thuộc địa bàn phường Bửu Long - TP Biên Hòa, diện tích 84 ha và từ lâu được mệnh danh là "Hạ Long trên cạn" của nhân dân Đồng Nai và của cả nước. Định hướng phát triển Khu du lịch Bửu Long theo hướng du lịch văn hóa-lịch sử, tôn giáo, lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc tiêu biểu cho vùng đất Đông Nam Bộ.
+ Văn miếu Trấn Biên:
Năm 1715, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký Lục Phạm Khánh Đức chọn thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) để xây dựng Văn miếu Trấn Biên, có vai trò như một trung tâm văn hóa - giáo dục của vùng đất này.
Văn miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên ở Nam Bộ. Theo thuật phong thủy, nơi xây dựng văn miếu là chỗ đất tốt. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rõ: “Phía Nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một cảnh đẹp nhất ở Trấn Biên”. Văn miếu đã trùng tu hai lần vào năm 1794 và 1852.
Hàng năm, vào ngày đinh mùa xuân và mùa thu, đích thân chúa Nguyễn đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ. Sau năm 1802, vua Nguyễn ủy nhiệm cho quan Tổng trấn thành Gia Định, Tổng trấn Biên Hòa và quan Đốc học hàng năm đến đây hành lễ thay nhà vua.
Năm 1861, Văn Miếu bị thực dân Pháp tàn phá hoàn toàn khi đánh chiếm Tỉnh Biên Hòa.
Năm 2002, Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng lại trên nền Văn miếu xưa thuộc phường Bửu Long, Thành phố Biên Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 3km, gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long. Văn miếu ngày nay là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa Việt Nam và Nam Bộ, bảo tồn và ghi danh các đơn