Các chính sách tác động đến biến đổi của hệ thống nghiên cứu và phát triển

Một phần của tài liệu Báo cáo cải cách hệ thống rd việt nam (Trang 41 - 44)

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG

3. Các chính sách tác động đến biến đổi của hệ thống nghiên cứu và phát triển

Trong quá trình xây dựng và phát triển nền khoa học và công nghệ của đất nước, Nhà nước khẳng định khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Từ đó các cơ chế quản lý nền kinh tế - xã hội đã áp dụng cho quản lý hoạt động khoa học và công nghệ dần dần được thay đổi và bổ sung cho phù hợp với tính chất và đặc điểm của loại hoạt động này qua các giai đoạn xây dựng đất nước.

- Trong một thời gian dài việc đào tạo trên đại học phải nhờ sự giúp đỡ của các nước, năm 1976 khi điều kiện trong nước có khả năng thực hiện, Chính phủ quyết định mở hệ đào tạo trên đại học trong nước (QĐ - 224/TTg ngày 24/5/1976).

Tính cho đến nay trong tổng số 124 cơ sở được công nhận đủ điều kiện đào tạo trên đại học thì có 77 viện tham gia, chiếm hơn 62% tổng số. Bắt đầu từ năm 1976 cho đến nay các viện nghiên cứu và phát triển đã cùng với các trường đại học trở thành cơ sở đào tạo trên đại học chủ yếu của đất nước.

- Cùng với việc giải quyết quan hệ giữa nghiên cứu và phát triển với đào tạo, Chính phủ có biện pháp giải quyết quan hệ giữa nghiên cứu và phát triển với sản xuất. Chính phủ quyết định “Cho phép ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật” (QĐ 175/CP ngày 29/4/1981). Trên cơ sở pháp lý này, các viện bắt đầu mở rộng hoạt động với các cơ sở sản xuất vừa sử dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất, vừa tăng được nguồn kinh phí bổ sung cho nghiên cứu.

- Quyết định 175 - CP tháo gỡ được nút khó khăn về cơ chế quản lý tài chính tập trung, Chính phủ ban hành tiếp Quyết định 134/HĐBT ngày 31/8/1987 “về biện pháp khuyến khích công tác khoa học và kỹ thuật”. Quy định của Chính phủ xác lập quan hệ kinh tế giữa khoa học với sản xuất, xác định quyền được thoả thuận về giá cả và lợi nhuận của hợp đồng, xác định quyền được phân chia lợi nhuận giữa người tạo ra và người áp dụng kỹ thuật tiến bộ, xác định quyền sử dụng hình thức khuyến khích vật chất đối với cán bộ nghiên cứu khoa học.

- Đồng thời với việc đổi mới cơ chế quản lý để tạo thuận lợi cho hệ thống nghiên cứu và phát triển hoạt động, Chính phủ tiến hành biện pháp sắp xếp và kiện toàn lại hệ thống có cơ cấu hợp lý và gắn hoạt động phục vụ sản xuất và đời sống xã hội. Chỉ thị 199 - CT ngày 25/6/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ rõ những yêu cầu và nguyên tắc đổi mới tổ chức và các loại hình cơ quan nghiên cứu và phát

triển bao gồm viện quốc gia, viện thuộc Bộ, ngành, địa phương và thuộc các tổ chức sản xuất, v.v... Ngoài ra, Chỉ thị còn đưa ra những biện pháp phân cấp quản lý việc thành lập, cải tổ hoặc giải thể tổ chức nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao trách nhiệm trong đầu tư và hiệu quả hoạt động trong nghiên cứu khoa học.

- Trong mười năm đổi mới, hệ thống nghiên cứu và phát triển được điều chỉnh bởi một số cơ chế mới trong điều kiện thị trường:

* Nhà nước cho phép các cơ quan Nhà nước, các đơn vị vũ trang, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân đều được quyền tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ (NĐ 35 - HĐBT ngày 28/1/1992). Có thể nói từ quy định này của Chính phủ đã mở ra một giai đoạn mới về đa dạng hoá các loại hình tổ chức nghiên cứu và phát triển. Đồng thời với sự biến đổi về tổ chức, hoạt động của hệ thống cũng được mở rộng từ nghiên cứu, dịch vụ và tư vấn khoa học và công nghệ đến sản xuất thử nghiệm và sản xuất. Nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động của hệ thống cũng được mở rộng và linh hoạt trong đáp ứng với nhu cầu, ngoài nguồn từ ngân sách nhà nước, còn có nguồn hợp tác song phương của các tổ chức quốc tế và tổ chức nghiên cứu của các nước, nguồn hợp đồng kinh tế với các cơ sở sản xuất kinh doanh.

* Nhà nước quyết định “tổ chức lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ” (QĐ 324 - CT ngày 11/1/1992): thành lập 2 trung tâm khoa học quốc gia, tổ chức lại các viện trong các trường đại học, tổ chức lại cơ quan nghiên cứu và phát triển thuộc Bộ, ngành, thành lập các trung tâm khoa học vùng.

* Nhà nước tiếp tục quyết định sắp xếp lại hệ thống nghiên cứu và phát triển cho phù hợp với khả năng đầu tư và điều kiện kinh tế thị trường, đồng thời tăng cường một bước về cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các viện thuộc diện trọng điểm quốc gia đạt trình độ tiên tiến trong khu vực (QĐ 782/TTg ngày 24/10/1996). Quyết định xác định viện nghiên cứu và phát triển của Nhà nước đặt trực thuộc các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu và phát triển thuộc các doanh nghiệp Nhà nước, viện nghiên cứu và phát triển thuộc diện chuyển đổi hình thức hoạt động. Trên cơ sở phân lập đó, Nhà nước tập trung đầu tư cho những viện thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia, số còn lại các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm quản lý và đầu tư.

* Tăng dần tỷ lệ ngân sách Nhà nước hàng năm chi cho nghiên cứu và phát triển đến năm 2000 đạt không dưới 2% tổng chi ngân sách, đồng thời tạo cơ chế cho các doanh nghiệp dành phần vốn cho nghiên cứu đổi mới, cải tiến công nghệ (NQTW2 ngày 24/12/1996).

* Chính phủ cho phép thí điểm thành lập doanh nghiệp Nhà nước trong cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu để hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu và phát triển (QĐ - 68/98/TTg ngày 27/3/1998).

* Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chế độ cho các cơ quan nghiên cứu và phát triển được vay vốn để triển khai kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống (QĐ 324/1998/QĐ NHNN ngày 30/9/1998).

Với các quy định của Nhà nước trong giai đoạn đổi mới đã và đang mở ra điều kiện thuận lợi cho hệ thống nghiên cứu và phát triển phân hoá thành nhiều loại hình tổ chức theo sở hữu khác nhau, đồng thời cũng tăng cường một bước quyền tự chủ của các tổ chức trong hệ thống được chủ động trong hoạt động gắn với nhu cầu của thực tế sản xuất và xã hội. Thông qua chính sách đổi mới này, hệ thống nghiên cứu và phát triển mở rộng hoạt động làm cho nguồn kinh phí trở nên đa dạng và bổ sung khá lớn cho kinh phí nghiên cứu, đổi mới thiết bị khoa học và cải thiện một phần đời sống cho người tham gia lao động.

- Bên cạnh những ưu điểm nói trên đã phát huy được tác dụng trong thực tiễ hoạt động của hệ thống nghiên cứu và phát triển, hệ thống chính sách còn tồn tại một số vấn đề cần được tiếp tục tháo gỡ và đổi mới để tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống phát triển. Những tồn tại đó là:

. Chưa có một chế độ đồng bộ từ hệ thống lớn về giải quyết đối với con người, vì vậy các thành viên của hệ thống không có cơ sở để tiến hành lựa chọn và sắp xếp hợp lý lực lượng cán bộ theo ý đồ phát triển của một đơn vị nghiên cứu khoa học.

. Cơ sở lý luận và thực tiễn chưa được nghiên cứu đầy đủ khi chuyển các tổ chức nghiên cứu và phát triển về trực thuộc và chịu sự quản lý của doanh nghiệp, mà chỉ đơn thuần sử dụng biện pháp hành chính để tạo ra sự lắp ghép hình thức vừa mất tác dụng vừa ảnh hưởng đến quá trình xây dựng một tổ chức nghiên cứu và phát triển.

. Khi chuyển hình thức hoạt động của một tổ chức nghiên cứu và phát triển sang doanh nghiệp, thì đồng thời chuyển chế độ tiền lương và chế độ thuế theo hoạt động của doanh nghiệp, do đó đòi hỏi Nhà nước có một thời gian bảo lưu sự ổn định để khuyến khích khi chuyển sang loại hình hoạt động mới.

. Việc nhập giống phục vụ sản xuất không tính đến khả năng đảm bảo của nguồn giống đã được các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong nước tạo ra, do đó không khuyến khích được việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, còn gây ra lãng phí ngoại tệ và chịu giá thành cao trong sản xuất.

. Các chế độ đãi ngộ với cán bộ KH&CN nói chung và cán bộ trong khu vực nghiên cứu và phát triển nói riêng chậm được khuyến khích, cộng thêm điều kiện kinh tế khó khăn kéo dài đã ảnh hưởng đến toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống.

Một phần của tài liệu Báo cáo cải cách hệ thống rd việt nam (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)