- Tổng giá trị sản xuất (GO - Gross Output):
Là tổng giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo nên trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia trong một thời kì nhất định. Tổng giá trị sản xuất có thể được tính theo hai cách. Thứ nhất, đó là tổng doanh thu bán hàng thu được từ các đơn vị, các ngành trong toàn bộ nền kinh tế. Thứ hai, tính trực tiếp từ sản xuất và dịch vụ gồm chi phí trung gian (IC - Intermediational Cost) và giá trị gia tăng của sản phẩm vật chất và dịch vụ (VA - value added).
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP – Gross Domestic Product):
Là tổng giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng do kết quả hoạt động kinh tế trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia tạo nên trong một thời kì nhất định (thường là một năm). Đại lượng này thường được tiếp cận theo các cách khác nhau:
Về phương diện sản xuất: GDP là tổng giá trị gia tăng của các ngành, các khu vực sản xuất và dịch vụ trong nước sau khi đã trừ đi các chi phí trung gian.
Về phương diện tiêu dùng: GDP được xác định là tổng giá trị của tiêu dùng cuối cùng của các hộ gia đình (C); Các khoản chi tiêu của chính phủ (G); Tổng đầu tư tích lũy tài sản (I); Giá trị kim ngạch xuất khẩu trừ kim ngạch nhập khẩu (X - M).
Về phương diện thu nhập: GDP được xác định trên cơ sở các khoản hình thành thu nhập và phân phối thu nhập lần đầu, gồm: thu nhập của người có sức lao động dưới hình thức tiền công và tiền lương (W); thu nhập của người có đất cho thuê (R); thu nhập của người có tiền cho vay (In); thu nhập của người có vốn (Pr); khấu hao vốn cố định (Dp) và thuế kinh doanh (Tl).
- Tổng thu nhập quốc dân (GNI – Gross National Income):
Là tổng thu nhập từ sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng do công dân của một nước tạo nên trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ tiêu này bao gồm các khoản thu nhập do đầu tư ở nước ngoài gửi về và trừ đi phần giá trị sản phẩm mà nền kinh tế quốc gia phải trả cho người nước ngoài dưới dạng lợi nhuận họ đã đầu tư vào nền kinh tế.
- Thu nhập quốc dân (NI - National Income):
Là phần giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ mới sáng tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định. Thu nhập quốc dân chính là tổng thu nhập quốc dân sau khi đã trừ đi khấu hao vốn cố định của nền kinh tế. Thu nhập quốc dân phản ánh phần của cải thực sự mới đư ợc tạo ra hàng năm.
- Thu nhập quốc dân sử dụng (NDI - National Disposable Income):
Là phần thu nhập của quốc gia dành cho tiêu dùng cuối cùng và tích lũy thuần trong một thời kì nhất định. Thực tế thu nhập quốc dân sử dụng là thu nhập quốc dân sau khi đã điều chỉnh các khoản thu, chi về chuyển nhượng hiện hành giữa các đơn vị thường trú và không thường trú.
- Thu nhập bình quân đầu người:
Với ý nghĩa phản ánh thu nhập, chỉ tiêu tổng thu nhập quốc nội và tổng thu nhập quốc dân còn được sử dụng để đánh giá mức thu nhập bình quân đầu người của mỗi quốc gia. Chỉ tiêu này phản ánh tăng trưởng kinh tế có tính đến sự thay đổi của dân số. Quy mô và tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người là những chỉ báo quan trọng phản ánh và là tiền đề để nâng cao mức sống dân cư nói chung. Sự gia tăng liên tục với tốc độ ngày càng cao của chỉ tiêu này là dấu hiệu thể hiện sự tăng trưởng bền vững và so sánh mức sống dân cư với nhau.
- Cơ cấu kinh tế:
+ Cơ cấu ngành (lĩnh vực) kinh tế:
Cơ cầu ngành kinh tế (gọi tắt là cơ cấu ngành) là tổng hợp các ngành (lĩnh vực) của nền kinh tế được sắp xếp theo một tương quan tỉ lệ nhất định. Nói cách khác, cơ cấu ngành thể hiện số lượng, tỉ trọng của các ngành (lĩnh vực) tạo nên nền kinh tế. Cơ cấu ngành phản ánh trình độ phân công lao động xã hội của nền kinh tế nói chung và trình độ phát triển sức sản xuất nói riêng. Chỉ số về tỉ trọng giữa các ngành (lĩnh vực) cấu thành nền kinh tế cũng thể hiện trình độ phát triển hàng hóa.
Có rất nhiều ngành là các bộ phận tạo thành nền kinh tế. Về cơ bản, nền kinh tế được cấu trúc gồm 3 nhóm ngành (hay khu vực) sau đây:
- Khu vực 1: gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
- Khu vực 2: gồm có công nghiệp và xây dựng.
- Khu vực 3: dịch vụ.
Tóm lại, cơ cấu ngành chính là tương quan về tỉ trọng giữa 3 khu vực tạo nên nền kinh tế của một quốc gia.
+ Cơ cấu thành phần kinh tế:
Là tương quan theo tỉ lệ giữa các thành phần kinh tế tham gia vào các ngành, lĩnh vực hay các bộ phận hợp thành nền kinh tế. Trong đó chế độ sở hữu là nền tảng để hình thành cơ cấu thành phần kinh tế. Để có một cơ cấu hợp lí cần phải dựa trên cơ sở hệ thống tổ chức kinh tế với chế độ sở hữu để cấu trúc sao cho cơ cấu ấy có khả năng thúc đẩy sức sản xuất và phân công lao động xã hội hợp lý.
Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay tồn tại 6 thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước;
kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
+ Cơ cấu lãnh thổ:
Cơ cấu lãnh thổ là tương quan tỉ lệ giữa các vùng trong phạm vi quốc gia được sắp xếp một cách tự phát hay tự giác, có chủ định.
Cơ cấu lãnh thổ và cơ cấu ngành có mối quan hệ qua lại với nhau. Cơ cấu lãnh thổ được hình thành và gắn liền với cơ cấu ngành và cùng thể hiện trong mỗi vùng kinh tế.
Trong cơ cấu lãnh thổ có sự biểu hiện của cơ cấu ngành trên một không gian cụ thể. Xu thế phát triển của cơ cấu lãnh thổ thường là tổng hợp, đa dạng với sự ưu tiên của một vài ngành có ưu thế, liên quan đến phân bố dân cư, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng. Trong cơ cấu ngành cũng có bóng dáng của cơ cấu lãnh thổ. Tiêu chuẩn đánh giá cơ cấu lãnh thổ là hiệu quả về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Là sự thay đổi cơ cấu kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác cho phù hợp với môi trường phát triển. Về thực chất, đó là sự điều chỉnh cơ cấu trên ba mặt biểu hiện (ngành, lãnh thổ và thành phần kinh tế) nhằm hướng sự phát triển của cả nền kinh tế vào các chiến lược KT - XH đã được đề ra cho từng thời kì cụ thể. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế giúp cho nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh, vững chắc và có khả năng hội nhập với khu vực và thế giới.
- Cơ cấu theo lao động:
Sự phân chia lao động theo ngành phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia. Ở các nước đang phát triển, lao động chủ yếu hoạt động trong khu vực 1; khu vực 2, 3 còn thấp. Các nước phát triển thì ngược lại, lao động chủ yếu trong khu vực 3, khu vực 1 chiếm tỉ trọng thấp.
- Năng suất lao động:
Năng suất lao động cấp quốc gia được đánh giá bằng GDP trên tổng số lao động đang làm việc trong khoảng thời gian nhất định (thường là một năm) và GDP theo từng nhóm ngành trên tổng số lao động đang làm việc theo từng nhóm ngành tương ứng.
1.1.3.2. Các tiêu chí riêng cho cấp huyện:
- Giá trị sản xuất:
Là kết quả hoạt động của các ngành sản xuất tạo ra các sản phẩm vật chất trong một thời gian nhất định. Giá trị sản xuất theo ngành kinh tế bao gồm: GTSX theo các nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; GTSX của các ngành phân theo thành phần kinh tế ; GTSX của các ngành phân theo vùng lãnh thổ. GTSX theo các nhóm ngành kinh tế là một trong những chỉ tiêu để đánh giá sự phát triển của một nền kinh tế.
- Tốc độ tăng trưởng GTSX:
Là chỉ tiêu đo lường, thể hiện mặt định lượng tăng trưởng kinh tế của lãnh thổ ở quy mô cấp huyện. Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất được tính theo giá so sánh một năm cố định gọi là năm gốc (ví dụ: ở nước ta thường lấy giá so sánh năm 1994).
- Cơ cấu GTSX và sự chuyển dịch cơ cấu GTSX theo ngành kinh tế:
Để đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một lãnh thổ nhỏ (cấp huyện) người ta sử dụng chỉ tiêu cơ cấu giá trị sản xuất thay cho cơ cấu kinh tế. Cơ cấu giá trị sản xuất cho biết quy mô, tỉ trọng các ngành, lãnh thổ trong giá trị sản xuất của toàn huyện. Qua đó xác định được vai trò và trình độ phát triển KT – XH của huyện. Sự chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất cho thấy sự điều chỉnh, chuyển biến của nền kinh tế huyện theo chiều hướng nào, phù hợp hay không phù hợp.
- Năng suất lao động:
Năng suất lao động cấp huyện được đo bằng GTSX trên tổng số lao động đang làm việc và GTSX của từng nhóm ngành trên tổng số lao động làm việc theo từng nhóm ngành.
Mức tăng năng suất lao động phản ánh rõ nét hiệu quả sản xuất của từng ngành và thu nhập của người lao động.