Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế huyện châu thành, tỉnh bến tre, hiện trạng và giải pháp (Trang 35 - 43)

CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH BẾN TRE

2.1. Các ngu ồn lực phát triển kinh tế

2.1.2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

2.1.2.1. Địa hình:

Lãnh thổ huyện Châu Thành được hình thành chủ yếu qua quá trình bồi lắng trầm tích biển và phù sa của sông Cửu Long. Địa hình tương đối bằng phẳng, chênh lệch cao trình giữa vùng thấp nhất với vùng cao nhất chỉ khoảng 50 cm - 60 cm. Độ cao địa hình biến động phổ biến trong khoảng 0,8 m - 1,5 m, trong đó vùng ven sông Tiền có độ cao 1,0 m - 1,2 m và có xu hướng cao dần về phía Đông; vùng ven sông Hàm Luông có độ cao từ 1,3 m - 1,5 m; vùng đồng bằng giữa 2 sông cao 0,8 m - 1,3 m. Về cơ bản có thể phân biệt thành các khu vực địa hình sau:

- Vùng thấp có độ cao dưới 1,0 m bị ngập nước khi triều lên, bao gồm một số diện tích đất ruộng ở lòng chảo xa sông. Do bị ngập nước khi triều lên nên vùng này được bồi tụ phù sa từ các dòng sông lớn hàng năm, đất đai màu mỡ, thích hợp cho canh tác lúa, rau màu và một số loại cây công nghiệp và cây ăn quả.

- Vùng cao có độ cao 1,0 m - 2,0 m, bị ngập nước trong các đợt triều cường tháng 9 - 10 âm lịch, được lên liếp lập vườn (chống ngập). Đây là vùng ít chịu ảnh hưởng của triều cường, thuận lợi cho phát triển các vườn cây như: vườn dừa, vườn trái cây.

Như vậy, địa hình bằng phẳng là điều kiện thuận lợi để Châu Thành phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, kết hợp với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc tạo cảnh quan sông nước đặc trưng có giá trị phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái sông nước - miệt vườn.

Tuy nhiên, ở vùng địa hình thấp thường xuyên bị ngập nước khi triều cường nên đất bị glây hóa mạnh, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng và thủy sản.

2.1.2.2. Đất

Huyện Châu Thành có 3 nhóm đất chính là nhóm đất phù sa, nhóm đất phèn và nhóm đất tác nhân.

Bảng 2.1. Diện tích các loại đất trên địa bàn huyện Châu Thành năm 2011

STT Tên đất Kí hiệu Diện tích (ha) Tỉ lệ (%)

1 Đất phù sa:

- Đất phù sa glây yếu Pg 448,7 1,96

2

Đất phèn:

- Đất phèn hoạt động nông - Đất phèn hoạt động sâu

Sj1 Sj2

1.117 640

4,89 2,80 3 Đất tác nhân:

- Đất lên liếp - Sông rạch

Vp (S) 17.046,86 3785

73,79 15,56

Tổng diện tích toàn huyện 23037,56 100

Nguồn: Chi cục Thống kê huyện Châu Thành

- Nhóm đất phù sa, chỉ có 1 loại là Đất phù sa glây yếu, chiếm 1,96% diện tích, phân bố ở các xã: Giao Long, Giao Hòa, An Phước, An Hóa. Loại đất này có khả năng thoát nước trên bề mặt kém, mực nước ngầm nông, thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến nặng, tỉ lệ sét vật lí thường từ 45% - 60% nên khả năng giữ nước và phân tốt. Đất có khả năng giữ ẩm về mùa khô nhưng thoát nước kém vào mùa mưa. Tầng đất dưới thường xuyên tiếp xúc với mực nước ngầm hoặc ngập nước liên tục do trồng lúa nước và chịu điều kiện yếm khí nên hình thành tầng sét glây. Độ pH biến động trong khoảng từ 4,5 - 5,0. Hàm lượng mùn và nitơ tổng số khá. Kết cấu đất thích hợp cho việc trồng lúa nước. Do loại đất này nằm khá xa ở phía trong bờ đê, không được bồi phù sa từ lâu, hay bồi không đáng kể, lại do trồng lúa nước lâu đời nên đất có những biến đổi về chất. Tầng glây có độ sâu lớn từ 60 - 80cm, thuận lợi cho việc trồng lúa vì đất có khả năng giữ ẩm tốt. Đây là loại đất đến nay vẫn cho hai vụ lúa chính ổn định với năng suất khá.

- Nhóm đất phèn chiếm 7,69% diện tích, là nhóm đất có diện tích lớn thứ hai sau nhóm đất tác nhân (đất phèn lên liếp và sông rạch). Đất phèn ở đây thuộc phụ nhóm đất phèn hoạt động (SJ) đã được hình thành tầng Jarosite (tầng phèn) tầng đất có chứa các ổ phèn màu vàng hoặc vàng rơm, bao gồm 2 loại:

+ Đất phèn hoạt động nông: phấn bố chủ yếu tại các xã Quới Sơn, Giao Long, Phú An Hòa.

+ Đất phèn hoạt động sâu: phân bố tại các xã Hữu Định, Tam Phước, An Hòa, An Hiệp.

Nhóm đất phèn thường có lượng hữu cơ khá cao, chứa nhiều độc tố (SO3, SO42-, Fe2+, Fe3+, Al3+) và rất chua. Các độc tố trong đất phèn rất biến động và thay đổi theo mùa khá rõ rệt. Mùa khô, nhiệt độ cao, không mưa, mực thủy cấp hạ thấp, đất bị khô hạn, làm cho quá trình oxy hóa diễn ra mạnh và độc tố trong đất tăng nhanh. Mùa mưa, nước mưa và nước lũ về rửa trôi các độc tố trong đất và chảy xuống hệ thống kinh rạch làm cho độc tố trong đất giảm đi. Tuy nhiên, độc tố trong hệ thống kênh rạch trong vùng lại cao lên, nhất là sau mùa mưa từ 20 đến 30 ngày. Diện tích đất phèn hoạt động sâu ít hơn đất phèn hoạt động nông.

Hiện nay đất phèn tầng sâu hầu hết đã được đưa vào khai thác sử dụng. Đất phèn tầng nông đang được khai thác trồng lúa và hoa màu, diện tích hoang hóa còn rất ít do công tác thủy lợi trong huyện (khả năng dẫn ngọt và tiêu thủy) được chú trọng đầu tư.

- Nhóm đất tác nhân, bao gồm 2 loại:

+ Đất lập liếp: chiếm 73,79% diện tích, hầu hết là các loại đất phù sa được lên liếp, phân bố trên khắp địa bàn huyện. Đào mương lên liếp để trồng cây lâu năm là hình thức phổ biến ở huyện Châu Thành nói riêng, tỉnh Bến Tre và vùng ĐBSCL nói chung. Tuy nhiên, kiểu lên liếp tùy thuộc vào từng loại đất và mô hình canh tác. Phần lớn đất đai có thành phần cơ giới nặng, mùn và đạm từ khá đến giàu, lân và kali trung bình, độ phì từ khá đến cao, sau khi lên liếp thích nghi cho phát triển kinh tế vườn và các loại rau màu.

+ Sông rạch: chiếm 16,56% diện tích, có vai trò quan trọng trong quá trình bồi lắng phù sa. Đây là nơi đón nhận, dự trữ và cung cấp phù sa cho bờ (liếp) vườn. Với hệ thống sông, rạch chằng chịt đã góp phần cung cấp nguồn phù sa màu mỡ cho vùng đất nông nghiệp của Huyện.

Trong tổng quỹ đất, nhóm đất nông nghiệp có 16.046 ha, chiếm 69,65% diện tích tự nhiên và phần lớn diện tích đất dành cho trồng trọt. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp chiếm 15.978 ha, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản 50 ha và đất nông nghiệp khác -18 ha.

Bình quân đất nông nghiệp/người nông thôn là 971 m2, trong đó có 120 m2 đất cây hàng năm và 850 m2 đất cây lâu năm, thuộc vào loại rất thấp. Đây là nguyên nhân gây khó khăn cho thực hiện các vùng chuyên canh với quy mô lớn cũng như áp dụng hình thức cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, quỹ đất đều được đưa vào khai thác sử dụng, đất chưa sử dụng xem như sắp hết. Nhóm đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu diện tích đất tự nhiên nhưng chỉ số đất nông nghiệp trên đầu người thuộc vào loại thấp do mật độ dân số cao.

2.1.2.3. Khí hậu:

Nằm trong vùng ĐBSCL, huyện Châu Thành chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Khí hậu phân hóa thành hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Mùa mưa có nền nhiệt thấp, mưa nhiều, độ ẩm cao, trùng với gió mùa Tây Nam hoạt động từ tháng V đến tháng XI. Mùa khô có khí hậu nóng (nhiệt độ cao nhất vào tháng II, III) trùng với gió Đông Bắc, kéo dài từ tháng XII đến tháng IV năm sau.

- Nhiệt độ:

Châu Thành có nền nhiệt cao và ổn định quanh năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm 27,10C, tháng cao nhất có nhiệt độ trung bình 28,70C (tháng V) và thấp nhất là 24,10C (tháng XI). Biên độ nhiệt thấp, chênh lệch nhiệt độ tối đa giữa các tháng vào khoảng 3,30C.

Nền nhiệt dồi dào, tổng nhiệt độ trung bình năm tới 9.000 - 9.5000C, bức xạ Mặt Trời khá cao từ 120 - 130 Kcal/cm2/năm. Trong năm thường có 8 - 9 tháng có nhiệt độ trung bình trên 270C (trong đó có 2 tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất trên 300C) và chỉ có 3 tháng nhiệt độ trung bình dưới 240C (không có tháng nào nhiệt độ trung bình dưới 200C). Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, đặc trưng ở huyện là kinh tế vườn.

- Chế độ mưa:

Huyện có lượng mưa thuộc vào loại trung bình thấp của vùng ĐBSCL, với lượng mưa trung bình năm 1.400 - 1.600 mm. Do vậy khả năng xuất hiện hạn đầu vụ và giữa vụ hè thu là thường xuyên.

Lượng mưa phân bố không đều theo mùa và các tháng trong năm, tập trung chủ yếu vào mùa mưa (từ tháng V đến tháng XI) chiếm khoảng 92% lượng mưa cả năm. Mưa nhiều nhất vào các tháng VII, VIII, IX, X và lượng mưa dao động từ 218 mm đến 311 mm. Mưa lớn kéo dài nhiều giờ nếu kết hợp với thủy triều lên sẽ gây ngập một số vùng thấp hoặc những khu vực không có đê bao. Tuy nhiên do nước dâng gây ngập theo thủy triều và trong thời gian ngắn (3 - 4 giờ) nên ít ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi. Mùa khô kéo dài từ tháng XII đến tháng tháng IV năm sau, lượng mưa rất thấp, trung bình khoảng 20 mm, chiếm khoảng 8% tổng lượng mưa cả năm, trong năm thường có 1 - 2 tháng không có mưa.

Do đó vào mùa khô, mưa ít kết hợp với gió từ biển thổi vào đất liền làm cho nước biển xâm nhập sâu vào trong đất liền gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng đất phèn và vùng trồng hoa màu, cây công nghiệp hàng năm, cây ăn trái. Lượng mưa trung bình giữa các năm không đều nhau, có năm lượng mưa tới 2.005 mm (2010), năm lượng mưa thấp nhất chỉ khoảng 1.317 mm (2009). Ngoài ra lượng mưa trung bình những tháng cao nhất và thấp nhất giữa các năm cũng thay đổi.

- Nắng:

Số giờ nắng trung bình khoảng 2.500 – 2.700 giờ/năm. Nền nhiệt cao, thời gian chiếu sáng dài và khá đồng đều giữa các tháng. Trong đó mùa khô số giờ nắng trung bình 6 – 7 giờ/ngày, mùa mưa số giờ nắng ít hơn 5 – 6 giờ/ngày. Số giờ nắng trung bình trong một tháng khoảng 24 ngày. Đây là điều kiện thuận lợi để canh tác nhiều vụ cây trồng trong năm.

- Chế độ ẩm:

Độ bốc hơi ở Châu Thành thuộc loại cao của vùng ĐBSCL, trong các tháng mùa mưa, độ bốc hơi trung bình khoảng 4,2 - 4,6 mm/ngày; các tháng mùa khô khoảng 4,3 - 6,4 mm/ngày. Độ ẩm không khí tương đối cao, trung bình hàng năm khoảng 79,12%. Những tháng có độ ẩm trung bình cao nhất trong năm là tháng VIII, IX, X (86%), tháng có độ ẩm trung bình thấp nhất trong năm là tháng II, III, IV (76%). Độ ẩm cao, nguồn nước phong phú nên rất thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện.

- Chế độ gió:

Châu Thành chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Trong mùa mưa, từ tháng V đến tháng XI, gió Tây - Tây Nam hoạt động mạnh, đến mùa khô hướng gió chuyển từ Bắc đến Đông Bắc, đến cuối mùa khô có hướng Đông đến Đông Nam với tốc độ bình quân 2,0 – 4,7 m/s, có thời điểm gió mạnh nhất đạt 10 – 12 m/s. Trong mùa khô có gió chướng là gió Đông - Đông Bắc xảy ra từ tháng X đến tháng IV năm sau, thường gây tác hại như nước dâng triều, xâm nhập mặn.

- Bão, lũ lụt:

Huyện Châu Thành cũng như các địa phương khác ở vùng ĐBSCL đều nằm ngoài khu vực chịu ảnh hưởng chính của bão nhưng có những năm vào các tháng IX, X, XI cũng chịu ảnh hưởng nhẹ của các cơn bão cuối mùa. Tuy nhiên, những năm gần đây cũng đã ghi nhận được một số cơn lốc có tốc độ gió lớn tại một số khu vực trong huyện, có ảnh hưởng nhất định đến đời sống và sản xuất trên địa bàn.

2.1.2.4. Thủy văn

Nước mặt:

Châu Thành có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, phân bố rộng khắp trên toàn huyện. Do vị trí nằm ở giữa các sông chính của tỉnh Bến Tre nên huyện Châu Thành chịu ảnh hưởng bởi 3 sông lớn là sông Hàm Luông, sông Tiền và sông Ba Lai với chế độ bán nhật triều.

- Sông Tiền (chiếm 10,5% lưu lượng sông Mê Kông) và sông Hàm Luông (chiếm 14% lưu lượng sông Mê Kông) chịu sự chi phối mạnh bởi lũ thượng nguồn sông Mê Kông và thủy triều biển Đông. Lưu lượng nước vào mùa mưa là 3.360 m3/s và mùa khô giảm mạnh còn 829 m3/s. Đây vừa là trục tiêu chính của toàn bộ khu vực vào mùa lũ nhưng cũng đồng thời là trục xâm nhập mặn vào khu vực.

- Sông Ba Lai (dưới 1% lưu lượng): vốn là một phân lưu trực tiếp của sông Tiền, nhưng dòng chày từ sông Tiền đến địa phận xã An Hóa bị phù sa bồi đắp nên ngày càng nông và hẹp. Hiện nay, nguồn nước của sông Ba Lai chủ yếu từ sông Tiền sang, qua kênh An Hóa, bắt đầu từ vị trí ngã tư kênh An Hóa tại xã An Hóa, sông chảy về hướng Đông Nam đổ ra biển Đông tại cửa Ba Lai, nằm giữa hai huyện Bình Đại và Ba Tri.

Do địa hình có nhiều sông rạch chằng chịt, mật độ dày, tạo nhiều thuận lợi cho việc cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp, nhưng cũng gây nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân trong huyện.

Phần phía Tây của huyện có đầy đủ các yếu tố thuận lợi về thủy văn, không bị ảnh hưởng của lũ, không nhiễm mặn và biên độ triều thích hợp cho việc tưới tiêu tự chảy. Khu vực phía Đông của huyện bị ảnh hưởng mặn 1 - 3 tháng vào mùa khô, đặc biệt là xâm nhập mặn từ sông Hàm Luông, là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, nhất là canh tác lúa và cây ăn trái, gây khó khăn cho huyện trong vấn đề cấp nước sinh hoạt. Diện tích ngập úng khoảng 150 ha (vùng

Thành Triệu).

Nhìn chung nguồn nước mặt có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu cấp nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư trên địa bàn huyện. Đây cũng là yếu tố tích cực bù vào hạn chế về lượng mưa thấp và khu vực phía Đông còn bị

nhiễm mặn.

Nước ngầm:

Huyện Châu Thành có 2 tầng nước ngầm:

- Nước ngầm tầng nông ở 2 vỉa 30 – 50 m và 60 – 90 m bị nhiễm phèn trung bình và độ cứng cao, trữ ngọt ở tầng này tương đối phong phú.

- Nước ngầm tầng sâu ở 2 vỉa 290 – 350 m và 410 – 440 m, có lưu lượng khá phong phú, chạy dọc theo quốc lộ 60 dài 1.850 m, nhiễm phèn nhẹ, độ cứng thấp và đảm bảo tiêu chuẩn vi sinh, có khả năng khai thác và xử lý 10.000 – 11.000 m3/ngày đáp ứng cho nhu cầu hệ thống cấp nước của TP. Bến Tre và cho huyện Châu Thành trong tương lai.

Nhìn chung nước sông tự nhiên và nước ngầm đều thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong huyện.

2.1.2.5. Khoáng sản

Châu Thành hầu như không có các loại khoáng sản có giá trị cao, nhất là trữ lượng khoáng sản công nghiệp. Tuy nhiên cũng có một số loại có tính chất vật liệu như cát san lấp,

hiện đang được khai thác tại các xã Phú Túc, Phú Đức và xã Tân Phú. Ngoài ra còn có sét gạch ngói tại xã Hữu Định, Tiên Thủy và đang được khai thác để sản xuất khoảng 3 triệu viên gạch/năm.

2.1.2.6. Tài nguyên sinh vật

Về tài nguyên sinh vật, đáng chú ý nhất là tài nguyên thủy sinh vùng nước ngọt và ngọt pha lợ trên các lưu vực sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Ba Lai tương đối đa dạng.

Đây là điều kiện quan trọng để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản ven sông (lồng bè) ở huyện.

2.1.2.7. Tài nguyên du lịch

Do nằm nơi cửa ngỏ, giữa 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hàm Luông nên trên địa bàn huyện Châu Thành có nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng với những hàng dừa và vườn cây trái xanh quanh năm. Có nhiều xã nằm ven bờ sông Tiền (Tân Phú, Phú Túc, Phú Đức, An Khánh, Tân Thạch, Quới Sơn) ven sông Ba Lai (Phú An Hòa, An Phước, An Hóa), ven sông Hàm Luông (Tân Phú) và các cồn nổi giữa sông Tiền (Cồn Phụng, Cồn Qui, Cồn Tiên) được các sông, rạch nhỏ kết nối và thông với nhau tạo nên cảnh quan rất nên thơ, hữu tình. Đây là tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển du lịch sinh thái sông nước - miệt vườn.

Ngoài tiềm năng du lịch sinh thái, Châu Thành còn là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Các giá trị truyền thống được lưu lại thông qua các hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật như: Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tân Thạch (xã Tân Thạch); Khu lưu niệm liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Ơn (xã Phước Thạnh); kiến trúc nghệ thuật của khu du lịch Cồn Phụng, còn gọi là khu Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam (xã Tân Thạch). Bên cạnh các loại hình kiến trúc trên, còn có hệ thống kiến trúc của các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự của các tôn giáo như: chùa cổ Hội Tôn (xã Quới Sơn), kiến trúc tòa thánh cao đài Tiên Thiên (xã Tiên Thủy). Ngoài ra còn có hệ thống bia, tượng đài như: tượng đài Chiến thắng Lộ Thơ (xã Thành Triệu), bia Câm Thù (xã Phú Túc), tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn (xã Phước Thạnh). Về di tích thắng cảnh thì Châu Thành chưa có thắng cảnh nào nổi tiếng, song cũng có những địa danh, những cảnh đẹp thiên nhiên là những di sản văn hóa miệt vườn trên cù lao của huyện được nhiều du khách biết đến là hệ thống các cồn nổi trên sông như cảnh quan thiên nhiên Cồn Phụng, cồn Qui, cồn Tiên trên sông Tiền.

Ngoài hệ thống di tích, Châu Thành còn có nền văn hóa phi vật thể khá đa dạng, đó là các lễ hội, các trò chơi dân, văn hóa nghệ thuật cải lương, văn hóa ẩm thực,… Các lễ hội,

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế huyện châu thành, tỉnh bến tre, hiện trạng và giải pháp (Trang 35 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)