1.2. Cơ sở thực tiễn về phát triển kinh tế
1.2.2. Phát tri ển kinh tế ở tỉnh Bến Tre
Tỉnh Bến Tre nằm ở phần phía Đông của vùng ĐBSCL, có diện tích tự nhiên là 2357,7 km2, phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía Tây và Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh
Trà Vinh, phía Đông giáp biển Đông. Lãnh thổ tỉnh Bến Tre được tạo thành bởi 3 cù lao lớn: cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh. Với địa hình tương đối bằng phẳng, tài nguyên đất phong phú, khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, mạng lưới sông ngòi dày đặc, nguồn tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú và tài nguyên du lịch khá đặc trưng,…
Bến Tre có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế nhất là lĩnh vực nông nghiệp, phát triển giao thông, thủy lợi và du lịch.
Với dân số đông - 1.257.782 người, mật độ dân số khá cao - 533 người/km2 (2011) là nguồn cung lao động dồi dào cho các ngành kinh tế địa phương.
Hiện nay, nền kinh tế của Bến Tre đang phát triển nhanh và đạt được nhiều thành tựu. Tổng sản phẩm nội tỉnh liên tục tăng. Năm 2011, GDP của tỉnh là 29.783,7 tỉ đồng (giá thực tế), tăng gấp 5 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 22,27%/năm trong giai đoạn 2006 – 2011, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL và cả nước.
Về cơ cấu kinh tế, năm 2011 ngành nông – lâm – thủy sản chiếm 50,76%, công nghiệp - xây dựng chiếm 16,57% và dịch vụ chiếm 32,68%. Như vậy, ngành nông – lâm – thủy sản trong cơ cấu GDP của tỉnh vẫn chiếm tỉ trọng cao hơn so với vùng ĐBSCL và cả nước, còn công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chiếm tỉ trọng thấp hơn. Trong giai đoạn 2001 – 2011, tỉ trọng ngành công nghiệp – xây dựng tăng 3,73% và dịch vụ tăng 12,17%, còn tỉ trọng ngành nông – lâm – ngư nghiệp giảm 15,89%. Sự chuyển dịch này là kết quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương.
Thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, đến năm 2011 GDP/người đạt 23,6 triệu đồng/người (giá thực tế) tăng 5,2 lần so với năm 2001 (4,5 triệu đồng/người) và cao hơn nhiều so với bình quân chung của vùng ĐBSCL.
1.2.2.2. Các ngành kinh tế:
- Nông – lâm – thủy sản:
Bến Tre có đất phù sa màu mỡ, mạng lưới sông ngòi dày đặc và tiếp giáp biển, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2011, giá trị sản xuất của khu vực 1 đạt 15116,7 tỉ đồng (giá thực tế), chiếm 50,76% giá trị sản xuất của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực 1 khá cao với mức 21,33%/năm trong giai đoạn 2006 – 2011 và đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trong cơ cấu giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản, ngành nông nghiệp chiếm 66,2%, ngành thủy sản chiếm 33,3% còn ngành lâm nghiệp chỉ chiếm 0,5%. Trên địa bàn tỉnh đang tồn tại nhiều hình thức sản xuất nông – lâm – thủy sản khác nhau, trong đó hình
thức kinh tế trang trại và hợp tác xã thủy sản, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hoạt động có hiệu quả nhất và đã tác động tích cực đến sự phát triển chung của nông nghiệp. Hiện nay Bến Tre có 82 trang trại, 101 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác.
- Công nghiệp:
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp tỉnh Bến Tre có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển KT – XH của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng nhanh, năm 2011 đạt 4.934,5 tỉ đồng (giá thực tế) tăng gấp 6,5 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006 – 2011 là 22,37%/năm cao hơn vùng ĐBSCL và cả nước.
Về cơ cấu ngành công nghiệp, năm 2011, nhóm ngành chế biến chiếm tỉ trọng lớn nhất, với 89,38% và có xu hướng ngày càng tăng, nhóm ngành khai thác chiếm tỉ trọng không đáng kể, với 4,91% và có xu hướng giảm, còn nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ, với 5,71%.
Về cơ cấu công nghiệp phân theo thành phần kinh tế: thành phần kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỉ trọng cao nhất và có xu hướng tăng (năm 2006: 54,50%; năm 2011: 60,73%), thành phần kinh tế Nhà nước chiếm tỉ trọng thấp nhất và có xu hướng giảm (năm 2006:
40,74%; năm 2011: 11,38%), còn khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh (năm 2006: 4,77%; năm 2011: 27,89%).
Một số ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh hiện nay là: chế biến thủy sản, chế biến dừa, chế biến thức ăn chăn nuôi, hóa chất, cơ khí, điện tử, thiết bị điện, vật liệu xây dựng, khai thác cát, may mặc – da giầy,…
Hiện nay ở Bến Tre đã bắt đầu hình thành các khu vực tập trung công nghiệp và làng nghề TTCN. Đến năm 2011 toàn tỉnh có 2 khu công nghiệp đang hoạt động (Giao Long, An Hiệp). Theo Quy hoạch thì đến năm 2020 Bến Tre có thêm 5 khu công nghiệp nữa (Phú Nhuận, Phước Long, Thanh Tân, An Nhơn, Thành Thới). Đồng thời, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 14 cụm công nghiệp vừa và nhỏ cùng 18 làng nghề TTCN. Hầu hết các KCN, cụm công nghiệp thường phân bố gần các trục đường giao thông, bến cảng, nguồn nguyên liệu, phân bố đều các huyện, thành phố trong tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Bến Tre thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời tăng cường mối liên kết giữa các tỉnh/thành phố trong vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ.
- Dịch vụ:
Dịch vụ là ngành kinh tế chiếm tỉ trọng cao trong GDP và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế chung của tỉnh Bến Tre. Trong giai đoạn 2001-2011, tỉ trọng của ngành đã tăng từ 20,51% lên 32,68%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2011 đạt 18603,1 tỉ đồng, tăng 5,8 lần so với năm 2001.
Hoạt động ngoại thương tăng trưởng khá nhanh, năm 2011 giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 367,874 triệu USD, tăng 3,8 lần so với năm 2006. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu hàng công nghiệp nhẹ, TTCN và nông nghiệp như: chỉ xơ dừa, hàng dệt may, gạo, cơm dừa nạo sấy, hàng thủy sản… Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Các quốc gia, vùng lãnh thổ chiếm tỉ trọng cao trong xuất khẩu là: Nhật, Trung Quốc, Mỹ, Ai Cập, Hàn Quốc, Đức. Giá trị hàng hóa nhập khẩu cũng liên tục tăng, năm 2011 đạt 120,139 triệu USD, tăng 5,3 lần so với năm 2006. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là vải, phụ liệu dệt may, máy móc thiết bị, giấy các loại. Thị trường nhập khẩu chủ yếu là Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Hung- ga-ri, Đài Loan.
Hoạt động du lịch trong thời quan có nhiều chuyển biến tích cực và dần khẳng định vị thế của mình trong ngành du lịch của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Số lượng khách du lịch tăng nhanh, năm 2011 đạt 743.401 lượt người, tăng 1,5 lần so với năm 2007 (481.128 lượt người). Doanh thu du lịch lữ hành năm 2011 đạt 31,2 tỉ đồng, tăng 3,7 lần so với năm 2007 (8,3 tỉ đồng). Hiện nay, hoạt động du lịch của tỉnh chủ yếu tập trung ở huyện Châu Thành với các hoạt động du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, nghỉ dưỡng và một số điểm du lịch về di tích lịch sử, lễ hội, ẩm thực ở các huyện trong tỉnh như: Khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri), Khu Di tích lịch sử Đồng Khởi (Mỏ Cày Nam), Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định (Giồng Trôm), Tượng đài Đồng Khởi (TP. Bến Tre), đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam (Thạnh Phú), đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm), đình Phú Lễ (huyện Ba Tri), nhà cổ ở xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú), …
Hệ thống giao thông vận tải đang từng bước phát triển, các tuyến đường quốc lộ đi qua tỉnh, các tuyến đường tỉnh, huyện được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế địa phương. Khối lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao. Năm 2011, khối lượng hành khách vận chuyển đạt 39.898 nghìn người, tăng 1,6 lần, khối lượng luân chuyển khách đạt 1.188.600 nghìn người.km, tăng 1,4 lần so với năm 2006 và khối lượng hàng hóa vận chuyển 4710 nghìn tấn, tăng 1,7 lần, khối lượng luân chuyển 473.329 nghìn tấn.km, tăng 1,8 lần so với năm 2006.
Ngành bưu chính viễn thông phát triển nhanh và ổn định, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân trong đời sống và sản xuất. Số thuê bao điện thoại năm 2011 là 1.186.098 thuê bao, tăng 8,6 lần so với năm 2006. Mạng lưới dịch vụ bưu điện được đầu tư và không ngừng phát triển, hiện nay toàn tỉnh có 65 bưu điện phân bố rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh.
Tiểu kết chương 1
Nghiên cứu phát triển kinh tế là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là các nước đang phát triển. Ở nước ta, huyện vẫn được coi là đơn vị cơ bản để phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế huyện có mối quan hệ chặt chẽ và là một mắt xích trong sự phát triển kinh của tỉnh, vùng và quốc gia.
Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá phát triển kinh tế, tuy nhiên các chỉ tiêu quan trọng cho cấp huyện là: GTSX, tốc độ tăng trưởng của GTSX, cơ cấu GTSX và sự chuyển dịch cơ cấu GTSX theo ngành.
Từ thực tiễn phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL và tỉnh Bến Tre, cho thấy muốn tăng trưởng và phát triển kinh tế cần phải huy động, khai thác tổng hợp các nguồn lực. Trong đó nguồn lực vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động, vốn, khoa học kĩ thuật có vai trò quan trọng hàng đầu. Đẩy nhanh tăng trưởng và phát triển kinh tế phải gắn với quá trình CNH – HĐH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng khu vực 2, khu vực 3; khai thác mọi nguồn lực vào quá trình sản xuất và phát huy sự tham gia của các thành phần kinh tế. Sự tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh cần có cơ chế, chính sách phù hợp, chú trọng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật,… và phải chú ý giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.