CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN LƯU
3.3.1. K ết cấu tuyến tính
Kết cấu tuyến tính là kiểu kết cấu phổ biến nhất trong truyện ngắn của Lưu Trọng Lư. Đây là kiểu kết cấu đã “xưa như trái đất”, thường thấy trong hầu hết các tác phẩm tự sự truyền thống. Trong truyện ngắn có kết cấu tuyến tính, các sự kiện được sắp xếp theo trình tự thời gian, đi từ tình thái đầu đến tình thái cuối của câu chuyện. Nhìn tổng quát, có hơn phân nửa số truyện ngắn của Lưu Trọng Lư sử dụng kiểu kết cấu này.
Anh Neo là truyện ngắn có kết cấu tuyến tính rất đơn giản: Chiều tối, anh Neo dẫn bò về. Anh vào nhà, gặp vợ, hai vợ chồng trò chuyện với nhau về việc ông Lý, ông Phó đến đòi tiền. Sau đó hai vợ chồng ăn cơm và tiếp tục bàn tính cách xoay sở. Đương lúc đó thì vợ anh lên cơn đau bụng, tưởng đã tới ngày sinh. Anh liền đi hái một nắm lá ngải cứu rồi về vò lấy nước cho vợ uống. Rồi anh bàn với vợ chuyện bán thằng Cu. Trong lúc vợ anh đau đớn chưa đồng ý thì cơn đau bụng chấm dút. Sự việc kết thúc ở đó. Đọc truyện
ngắn, chúng ta thấy các sự việc diễn ra liên tục trong một thời gian ngắn, tạo nên một tình cảnh đầy thúc bách, bức bối đối với các nhân vật.
15 truyện ngắn cũng là truyện ngắn có kết cấu tuyến tính đơn giản. Các sự việc diễn ra khá nhanh, bất ngờ nhưng vẫn theo một trình tự không thể khác được: Ông chủ nhiệm tờ báo muốn làm một số báo Tết có nhiều trang hơn số báo thường mà vẫn giá bán thì vẫn như cũ. Ông đến bàn với ông chủ bút. Ông muốn ông chủ bút sáng tác 15 truyện ngắn để đăng trong số báo này.
Ông chủ bút là người không biết viết văn nhưng lại giỏi về “môn đùa nhả”.
Đến ngày giao bài, ông đem đến cho ông chủ nhiệm một truyện ngắn có tên là 15 truyện ngắn. Lúc đó ông chủ nhiệm “như hóa điên”, nhưng ông vẫn phải cho in. Thế là số báo Tết vẫn có 15 truyện ngắn như đã quảng cáo. Số báo này “bán chạy như tôm tươi” bởi người đọc rất “hài lòng vì số báo ấy cho họ có giấy gói hàng, nên họ cũng chẳng buồn giở báo ra đọc văn” [42, 97]. Câu chuyện kết thúc với sự việc ông chủ nhiệm vui vẻ đến nhà in lãnh tiền hoa hồng. Với hình thức trình bày vấn đề đơn giản nhưng khéo léo và có phần hài hước, tác giả đã nêu lên được một thực trạng: giá trị văn chương – giá trị tinh thần đã bị coi rẽ trong một xã hội thực dụng.
Cô bé hái dâu, Bó lan trắng, Người mua hoa,… là những câu chuyện tình được kể theo trình tự mở đầu – diễn biến – kết thúc. Những câu chuyện này thường rất ít sự kiện; sự kiện chỉ đóng vai trò làm nền cho việc biểu lộ cảm xúc của người kể. Cho nên, diễn biến của câu chuyện cũng chính là diễn biến của tâm trạng, tình cảm: yêu thầm - mơ mộng – buồn khổ, nuối tiếc. Với Lưu Trọng Lư, đó gần như là một quy luật tình yêu không thể khác được.
Những truyện ngắn có kết cấu tuyến tính của Lưu Trọng Lư thường có một điểm nhìn trần thuật là điểm nhìn tác giả hoặc là điểm nhìn nhân vật.
Nói đến điểm nhìn tác giả là nói đến sự trần thuật từ cái nhìn của người đứng quan sát ở một vị trí nào đó, gần như không tham gia vào cốt truyện.
Các truyện ngắn Anh Neo, 15 truyện ngắn, Con chim số lồng, Ly Tao tuyệt vọng, Bó lan trắng, Người mua hoa,… có điểm nhìn như vậy. Tuy nhiên, ở Anh Neo và 15 truyện, tác giả như quan tâm nhiều hơn đến việc miêu tả, phản ánh những sự kiện bên ngoài nên câu chuyện có tính khách quan rất cao.
Trong khi ở Ly Tao tuyệt vọng, Bó lan trắng, tác giả lại hướng nhiều hơn vào miêu tả tâm trạng, cảm xúc nhân vật cho nên câu chuyện giàu sắc thái trữ tình.
Một số truyện ngắn viết về tình yêu như Cô bé hái dâu, Em hãy còn thơ,… có điểm nhìn trần thuật là điểm nhìn nhân vật. Việc nhân vật tự kể lại câu chuyện tình của mình đã chất trữ tình bộc lộ trong những truyện ngắn này thường rất đậm đà.
Cách mở đầu các truyện ngắn có kết cấu tuyến tính của Lưu Trọng Lư khá tự nhiên, linh hoạt. Trong đó, nhiều truyện ngắn được mở đầu bằng cụm từ chỉ thời gian quá khứ: “Kỳ nghỉ hè năm nọ” (Cô bé hái dâu), “Năm ấy”
(Con sáo), “Hôm ấy” (Sầm Sơn vui thú biết bao), “Thuở ấy” (Em hãy còn thơ), “Một buổi sáng” (Bó lan trắng),… Đây là lối vào chuyện truyền thống, khá giống với kiểu “ngày xửa ngày xưa” trong cổ tích. Với cách vào chuyện này, tác giả đã dễ dàng đưa dắt người đọc cùng với mình đi vào thế giới của hồi niệm để cùng chứng kiến và cảm xúc trước những sự việc. Tuy nhiên, một số truyện ngắn lại bắt đầu từ một thời điểm hiện tại, hoặc từ một tình huống đang diễn ra:
- “Hôm nay Liễu dậy sớm hơn mọi ngày, vì là ngày 30, nàng đoán chắc rằng sẽ có khách đến mua hoa sớm” [42, 92].
- “Sau khi giật mình vì những tiếng rao cá ông Táo ngoài phố, ông chủ nhiệm cái tờ nhật báo chạy nhất nước Nam ấy liền sang phòng giấy ông chủ bút đặt tay xuống bàn thật mạnh ra vẻ đắc thắng mà rằng: “Phải làm chơi một số báo Tết chứ, anh em” [42, 96].
So với lối kể chuyện truyền thống thường kéo lùi thời gian vào quá khứ, thì việc hiện tại hóa lời trần thuật mở đầu tác phẩm như trên là sự nét mới trong nghệ thuật kể chuyện. Cách mở đầu này xuất hiện rất nhiều trong truyện ngắn của Nam Cao.
- “Hắn vừa đi vừa chửi” [6, 16].
- “Lão Hạc thổi cái nồi rơm châm đóm” [6, 340].
- “Bà lão ấy hờ con suốt một đêm. Bao giờ cũng vậy” [6, 315].
- “Hắn hút điếu này là điếu thứ ba” [6, 120].
- “Bây giờ thì hắn đã trở thành mõ hẳn rồi” [6, 295].
Việc trần thuật ở thời gian hiện tại tạo cảm giác về cái đang diễn ra cùng sự tham gia của người đọc vào những cảnh đời trong tác phẩm. Với Nam Cao, điều này càng trở nên sâu sắc hơn khi tác phẩm của ông là những chi tiết của cái thường ngày, gần gũi với mỗi người, ai cũng như thấy mình trong đó. Vì thế, những độc thoại, đối thoại nội tâm đã đặt người đọc vào tâm thế đồng thời với chuyện người, chuyện đời trong tác phẩm. Nói cách khác, lối mở đầu này là biểu hiện của kết cấu mở trong truyện ngắn của ông. Còn với Lưu Trọng Lư, so với cách dẫn dắt câu chuyện từ xa đã trở nên quen thuộc, cách mở đầu trực tiếp, đi thẳng vào sự việc này đã tạo ít nhiều tạo được ấn tượng, khiến người đọc không nhàm chán khi đọc truyện ngắn của ông.
Lưu Trọng Lư cũng mở đầu truyện ngắn bằng cách miêu tả không gian.
Trong Chiêm Thành, khung cảnh “xáo trộn lớn” ở xóm Cảo Đa được miêu tả ở đầu tác phẩm đã mở ra trước mắt người đọc một không gian sử thi nhuốm đầy bi thương. Cách mở đầu này rất phù hợp với tính chất của một câu chuyện dã sử, đồng thời đã tạo được một ấn tượng mạnh cho người đọc.
Một số truyện ngắn của Lưu Trọng Lư còn được mở đầu bằng việc giới thiệu trực tiếp nhân vật. Chẳng hạn như trong Ly Tao tuyệt vọng: “Nhà Nho Phan Chí Y đã học hết sách thánh hiền. Nhưng không phải bao giờ thánh hiền
cũng làm cho đồ đệ của mình đắc dụng với đời. Một bầu máu nóng hăm hở mang ra giúp đời, mà rồi sự nghiệp không thành đành tiu nghỉu lui về với cỏ cây non nước. Một tấm lòng băng tuyết đèo thêm một mảnh hồn thơ – nhà nho cũng là thi sỹ - tháng ngày Phan sinh chơi trên dòng Linh Giang (…)”
[42, 39]. Hay trong Cái vò sữa của cô Perette: “Ông Phán của tôi làm ở Sở Phi-năng… Hàm ông thì đã đến Hàn lâm đãi chiếu mà lương ông thì đã ngót trăm bạc. Ông Phán của tôi ước cái gì là được nấy, và cuộc đời đối với ông là một cái nhà mà ông đã giữ được hết tất cả những chìa khóa. Cái nhà ấy, ông muốn bước vào buồng nào cũng được: ông đã bước vào buồng giàu sang, ông đã bước vào buồng quyền quý, ông đã bước vào buồng quyền quý, ông đã bước vào buồng… con cái, ông đã bước vào buồng… ả phù dung; nhưng chỉ trừ có một cái buồng mà không làm thế nào ông Phán của tôi có thể bước vào được, hễ mỗi khi ông thập thò ở ngoài cửa là bị tống cổ ra ngay. Cái buồng ấy là… buồng có hầu non” [42, 114]. Chỉ vài nét khái quát nhưng tác giả đã giới thiệu được những nét cơ bản về nhân vật. Đây là bước chuẩn bị sơ khởi cho người đọc tiếp cận với nhân vật ở phần nội dung phía sau.
Bên cạnh cách mở đầu, cách kết thúc truyện ngắn của Lưu Trọng Lư cũng khá đa dạng. Đa số truyện ngắn có kết cấu tuyến tính của Lưu Trọng Lư có cách kết thúc quen thuộc, tức điểm cuối của trần thuật trùng với điểm cuối của cốt truyện. Chẳng hạn như ở Con chim sổ lồng, câu chuyện về thằng bé Cạc được kể theo trình tự thời gian, bắt đầu từ lúc nó sống cùng bố và dì cho tới lúc nó bỏ nhà ra đi và kết thúc là lúc nó trở về nhà. Như vậy, kết thúc câu chuyện cũng chính là kết thúc quá trình “sổ lồng” của thằng bé. Trong các truyện ngắn Ly Tao tuyệt vọng, Người mua hoa, Bó lan trắng, cái kết thường nói về sự tan vỡ của các mối tình hư ảo, mơ mộng… Khi theo dõi diễn biến sự việc, người đọc hoàn toàn có thể dự đoán được cách kết thúc này của tác giả.
Bên cạnh đó, ở một số truyện ngắn, tác giả có cách kết thúc theo hướng mở, tức câu chuyện đã kết thúc song người đọc có cảm giác như sự việc vẫn còn tiếp diễn. Chẳng hạn, kết thúc Anh Neo, tác giả viết: “Cũng là tốt phước cho thằng Cu lắm, nhưng ngày mai, tiền sưu, tiền ích… ngày mai thằng Xeo vẫn cứ đến…” [42, 62]. Cái kết này buộc người đọc phải tiếp tục suy nghĩ về
“ngày mai” của nhân vật. Đó là một ngày mai còn khốn khổ và bi thảm hơn hiện tại. Điều đó làm cho người đọc càng thêm trăn trở và thương xót cho hoàn cảnh và số phận những người nông dân nghèo trong xã hội cũ. Cuộc đời họ như là một cái vòng đời lẩn quẩn không thể tìm ra lối thoát.
Cái kết của truyện ngắn Cái chết hiếu danh cũng là cái kết mở. Truyện ngắn này có kết cấu tuyến tính khá đơn giản. Chuyện kể vể một cô gái chưa chồng mà đã có mang. Cô quyết tâm tìm đến cái chết để tránh điều tiếng của thiên hạ và để trả thù người tình phụ bạc. Sau khi viết một lá thư tuyệt mệnh để gửi cho các nhà báo, cô rời khỏi nhà để đi đến Hồ Tây tự vẫn. Trên đường đi, cô đã gửi lá thư đó ở một bưu điện. Khi đến Hồ Tây, cô lại không dám nhảy xuống. Cô tiếp tục bắt xe đi lòng vòng, rồi về tới nhà hồi nào không hay.
Thế là cô bước vào nhà, ý định tự vẫn đã bất thành. Đoạn kết tác phẩm, tác giả viết: “Mẹ cô đã yên giấc, nhưng trong phòng cái gì hình như cũng còn thức mà đợi cô. Cô bước vào, mọi vật từ tấm gương cho đến ngọn đèn con đều bĩu môi cười mỉa mai cô một cách chua chát. Duy chỉ có chồng báo, chồng H.N. nhật báo ở trên bàn thì lại hớn hở vui cười:
- Ngày mai chúng em sẽ trân trọng đăng cái tin của chị vào trang nhất.
- Nhưng chị chưa chết mà!
- Chưa chết lại càng thêm lí thú, câu chuyện càng thêm li kì” [42, 69].
Cái kết này buộc người đọc phải phát huy tính sáng tạo và sự tưởng tượng của mình để hình dung và suy đoán những hệ lụy sẽ xảy đến với cô gái
khi lá thư tuyệt mệnh của cô được đăng báo. Từ đó thấy rõ hơn sắc thái châm biếm ẩn trong tiếng cười hài hước của tác giả.
Như vậy, với cách kết thúc mở, người đọc vẫn chưa dừng lại được trước những vấn đề mà tác giả đặt ra dù tác phẩm đã chấm hết. Cách kết thúc này gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ và cảm xúc hơn trước hiện thực cuộc sống, trước nhân tình thế thái.
Truyện ngắn Con sáo, Khỏi truông kết thúc khá bất ngờ. Hai câu chuyện đều bắt đầu bằng sự hồi tưởng của nhân vật “tôi”. Ở Con sáo, nhân vật tôi kể lại một sự việc mà mình đã chứng kiến khi đi trên một chuyến tàu về quê thăm một người bạn. Đó là việc một ông lão la khóc trong đau đớn vì con sáo của ông đột ngột bay mất không trở về. Còn trong Khỏi truông, nhân vật tôi kể lại việc gặp lại một người bạn gái đã nhiều năm xa cách. Trong hơn 3/4 tác phẩm, người đọc hoàn toàn không thấy sự hiện diện của nhân vật người nghe chuyện. Thế nhưng, đến đoạn kết tác phẩm, nhân vật người nghe chuyện đột ngột xuất hiện:
- “Chiếc tàu ấy là đời người. Lão mù ấy là tất cả người ta trên cõi thế.
Con chim sáo ấy là tất cả những gì đẹp đẽ, trẻ trung, béo bở của người ta, mỗi phút cứ mất đi, mà không sao tìm lại được.
Hương Tâm! Sao em lại nay sầu mai tủi về nỗi… hoa tàn, nhụy rữa”
(Con sáo) [42, 87].
- “Bạn tôi kể đến đây, gạt tàn thuốc, im lặng một lúc, rồi lại tiếp:
Anh nghĩ giá trong cơn nhanh chóng điên cuồng ấy, mà chiếc xe chúng tôi đã đâm xuống hố (…) Dầu chồng nàng không hay biết gì chuyện đó, nhưng số phận đã định rằng nàng từ đấy sẽ là người đau khổ đến trọn đời”
(Khỏi truông) [42, 142].
Đọc đến đây người đọc mới nhận ra toàn bộ câu chuyện được kể là nội dung của cuộc đối thoại giữa người kể chuyện với người nghe chuyện – ngôi
thứ hai - tưởng như không có trong truyện. Dưới hình thức đối thoại, người kể đã dễ dàng nói lên suy nghiệm của mình về đời người (Con sáo), về tình yêu (Khỏi truông). Những suy gẫm đó chính là chủ đề tác phẩm. Như vậy, chủ đề tác phẩm đã được phát biểu trực tiếp trong khi người đọc vẫn không có cảm giác bị áp đặt, miễn cưỡng.
Tóm lại, kết cấu tuyến tính là kiểu kết cấu thường gặp nhất trong truyện ngắn Lưu Trọng Lư. Với kết cấu tuyến tính, câu chuyện thường dễ đọc, dễ hiểu. Tuy nhiên, ngay cả khi tưởng như cùng tuân thủ một kiểu cấu trúc, tác giả lại có biến đổi trong việc tổ chức điểm nhìn trần thuật, cách mở đầu, kết thúc tác phẩm, khiến các truyện ngắn có màu sắc khác biệt, bớt đi sự rập khuông, khô cứng, nhàm chán.