Chương 2. MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG NGÔN NGỮ TRÊN MẠNG XÃ HỘI
2.8. Hiện tượng sử dụng các cách nói vần điệu
Một trong những đặc điểm sử dụng ngôn ngữ trên mạng xã hội đó là các cư dân mạng sử dụng những cách nói vần điệu trong khi tham gia mạng xã hội. Bên cạnh những cách nói thuần là vần điệu không có nghĩa nhưng cũng có những cách nói có những lượng nghĩa nhất định. Trong quá trình tìm hiểu
33
nghiên cứu về các cách nói vần điệu trên mạng xã hội, người nghiên cứu đã rút ra được những hiện tượng tiêu biểu sau:
2.8.1. Những cách nói vần điệu dựa trên những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, danh ngôn
Về đặc điểm này có thể thấy trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện nhiều cách nói của giới trẻ như:
- “Thuận vợ thuận chồng… Con đông mệt quá” (Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn)
- “Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ, vô duyên đối mặt cự um sùm”
(Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng) - “Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản” (vạn sự khởi đầu nan) - “Được voi đòi… Hai Bà Trưng” (được voi đòi tiên)
Việc sử dụng cách nói vần điệu dựa trên những câu thành ngữ, tục ngữ, danh ngôn của giới trẻ hiện nay chủ yếu xuất hiện trong những ngữ cảnh giao tiếp nhất định để bày tỏ cảm xúc của bản thân như: Khi bắt đầu một việc gì đó mà gặp nhiều khó khăn sẽ gây ra chán nản thì xuất hiện cách nói là “Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản”, hay khi ai đó có sự đòi hỏi quá nhiều sẽ sử dụng cách nói “Được voi đòi hai bà trưng”,…
Mặt khác, cũng có thể đơn thuần là tạo ra cách nói vui, tạo ra sự vui vẻ khi giao tiếp với bạn bè, thể hiện sự sáng tạo hay phong cách cá nhân. Có thể thấy rõ điều này qua một số trường hợp sau:
- Một điều nhịn là chín điều nhục” (một điều nhị là chín điều lành) - “Cá không ăn muối cá ươn, con không ăn muối… thiếu i ốt rồi con ơi”
(Cá không ăn muối cá ươn,con không nghe lời cha mẹ chăm đường con hư)
34
- “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ… Không đẹp”
(không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm cho mình trở nên đẹp mà thôi)
- “Trúc xinh trúc mọc đầu đình, em xinh em hút thuốc lào càng xinh”
(trúc xinh trúc mọc đầu đình, em xinh em đứng một mình càng xinh)
- “Bầu ơi thương lấy bí cùng… Mai sau có lúc nấu chung một nồi” (bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn)
- “Qua cầu ngả nón trông cầu, cầu bao nhiêu nhịp tốn xăng dầu bấy nhiêu” (qua đình ngả nón trông đình, đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu)
- “Nhà sạch thì mát, bát sạch tốn xà bông để rửa” (nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm)
- “Bạn bè có phúc cùng chia, có họa chốn sạch ở nơi phương nào” (bạn bè có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu)
2.8.2. Những cách nói vần điệu thành thơ
Ở trường hợp này các cư dân mạng có thể sử dụng cách nói vần điệu dựa trên nhưng bài thơ có sẵn hoặc tự làm thành những câu thơ. Thí dụ như:
- “Bước đến nhà em, bóng xế tà Đứng chờ năm phút bố em ra Lom khom phía trước vài con chó Lác đác đằng sau chổi lông gà”
(Bước tới đèo ngang bóng xế tà Cỏ cây chen đá, lá chen hoa Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông chợ mấy nhà)
(Bà Huyện Thanh Quan) - “Mưa đêm lạnh lẽo bụng đói meo
35 Một gói mì tôm bé tẻo teo
Sôi nước, thêm hành pha chanh ớt Gói mì phút chốc đã bay vèo
Trời khuya lưng lửng lòng chưa đã Thêm gói chua cay nấu tiếp theo Tựa gối rung đùi lim dim mộng Ước sao có được đĩa bánh bèo”
(Ao thu lạnh lẽo nước trong veo Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo Sóng biếc theo làn hơi gợn tí Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt Ngõ trúc quanh co khách vắng teo Tựa gối ôm cần, lâu chẳng được Cá đâu đớp động dưới chân bèo)
(Nguyễn Khuyến) - “Chúc nhau sống khỏe như trâu
Sống dai như đỉa, sống lâu như rùa Tiền tài danh vọng từa lưa
Gia đình đầm ấm cho vừa lòng nhau”
- “Chúc người xa xứ bao lâu
Một mùa xuân mới thắm bầu quê hương Dù cho cách trở đôi đường
Quê hương vẫn mãi ngọt đường mía lâu”
Cách nói vần điệu như trên để tạo ra những câu thơ mới phần nào đó cũng thể hiện sự biến đổi sáng tạo, thể hiện tình cảm, cảm xúc lâm thời trong khi giao tiếp. Nhưng chủ yếu mang lại mục đích giải trí, hài hước, gây cười.
36
2.8.3. Những cách nói chỉ thuần là vần điệu, không có nghĩa
Gần đây, trong ngôn ngữ của thế hệ 8X và 9X xuất hiện khá nhiều những cách nói mới, khá thú vị. Đó là những cách nói kiểu như buồn như con chuồn chuồn, im như con chim, chán như con gián, nhỏ như con thỏ, nhục như con trùng trục, thô bỉ như con khỉ, chảnh như con cá cảnh, xấu như con gấu, ác như con tê giác, hồn nhiên như cô tiên, ngu như con Milu, lạnh lùng con thạch sùng, bét nhè con gà què, hết hồn con chồn, dã man con ngan, phê như con tê tê, xinh như con tinh tinh, đơn giản như đan rổ, hồn nhiên như cô tiên…Những cách nói này có mô hình cấu trúc tương đồng với thành ngữ so sánh trong tiếng Việt. Cho nên có thể tạm gọi đây là những thành ngữ so sánh kiểu mới của giới trẻ ngày nay.
Những thành ngữ so sánh của giới trẻ hiện nay có mô hình t như B giống với thành ngữ so sánh truyền thống (từ so sánh “như” có thể được thể hiện rõ ràng trên câu chữ - buồn như con chuồn chuồn, chảnh như con cá cảnh…hoặc
“ẩn” dưới bề mặt câu chữ - lạnh lùng (như) con thạch sùng, dã man (như) con ngan…). Tuy nhiên, về logic nhận thức, dễ thấy những thành ngữ này không giúp người nghe nhận thức rõ ràng về thuộc tính được đem ra so sánh. Nói khác đi thuộc tính t đã không được thể hiện rõ nét ở cái so sánh B. Mối liên hệ giữa t và B ở đây chỉ thuần túy là mối liên hệ về âm thanh. Đó là sự hiệp vần của t và B như vần “uôn” (buồn như con chuồn chuồn), vần “an” (chán như con gián), vần “anh” (chảnh như con cá cảnh), vần “i” (thô bỉ như con khỉ)…
Chính sự hiệp vần này đã làm cho những thành ngữ so sánh mới trở nên thú vị, dễ thuộc và dễ nhớ.
Bên cạnh những cách nói mới theo kiểu thành ngữ so sánh như trên, cũng có hàng loạt những cách nói mới thú vị khác phổ biến trong giới trẻ như ngất trên cành quất, ngất ngây con gà tây, ngon lành cành đào, cướp trên giàn mướp, ăn chơi không sợ mưa rơi, dở hơi biết bơi, đã xấu xí còn gây chú
37
ý, bộ đội phải chơi trội, một khi đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai,ác ôn vùng nông thôn,bó tay con gà quay, tinh tướng ăn khoai nướng, sống đơn giản cho đời thanh thản,tiền không thiếu nhưng chủ yếu là thái độ... Những cách nói này cũng thuần túy mang tính chất về ngữ âm (sự hiệp vần) chứ hoàn toàn không logic về ngữ nghĩa.
Những cách nói vần điệu dựa trên những đặc điểm ngữ âm đã thể hiện sự sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ. Những cách nói được tạo ra do thiên về phương diện ngữ âm (sự hiệp vần) nên rất dễ thuộc, dễ nhớ, chứ không chú ý nhiều về phương diện nghĩa. Mặt khác, nó còn tạo ra cách nói chuyện mới mẻ, hóm hỉnh, hài hước. Nhưng nếu không sử dụng phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp sẽ gây ra sự thiếu tế nhị khi giao tiếp bởi cách nói mang tính khẩu ngữ cao.