Chương 1. MỘT SỐ LÝ LUẬN CHUNG VỀ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC
1.2 Sự cần thiết phải thực hiện vai trò kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
1.2.1 Quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta
- Trước đây, để sớm tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội, nước ta đã chọn mô hình kinh tế cũ mà Liên Xô và các nước Đông Âu sử dụng. Đó là cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp. Cơ chế quản lý kinh tế ấy có những đặc trưng chủ yếu:
+ Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính là chủ yếu, điều đó được thể hiện ở sự chi tiết hóa các nhiệm vụ do trung ương giao bằng một hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh từ một trung tâm.
+ Các cơ quan hành chính kinh tế can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở nhưng không chịu trách nhiệm gì đối với quyết định của mình.
+ Coi thường quan hệ hàng hóa – tiền tệ và hiệu quả kinh tế, quản lý nền kinh tế và kế hoạch hóa bằng chế độ cấp phát, giao nộp sản phẩm, quan hệ hiện vật là chủ yếu do đó hạch toán chỉ là hình thức. Tất cả những điều trên dẫn đến bộ máy quản lý cồng kềnh, có nhiều cấp trung gian và kém năng động dẫn đến đội ngũ quản lý năng lực kém, phong cách thì quan liêu, cửa quyền.
- Sau ngày giải phóng miền Nam, nền kinh tế nước ta cũng tồn tại một lúc cả 3 loại hình kinh tế: Kinh tế tự túc, tự cấp, kinh tế kế hoạch hóa tập trung và kinh tế hàng hóa. Đó là thực tế khách quan tồn tại sau năm 1975, nhưng ngày nay các quan hệ kinh tế đã thay đổi rất nhiều. Việc áp dụng cơ chế quản lý kinh tế cũ vào điều kiện nền kinh tế nước ta dẫn đến tăng trưởng kinh tế không ổn định, sản phẩm trở nên khan hiếm, ngân sách bị thâm hụt nặng nề, thu nhập nền kinh tế không đủ tiêu dùng, tích lũy hàng năm hầu như không có. Đến cuối những năm 1980 giá cả leo thang, khủng hoảng kinh tế đi liền với lạm phát cao làm cho đời sống nhân dân bị giảm sút, thậm chí một số địa phương nạn đói đang rình rập. Nguyên nhân sâu xa về sự suy thoái nền kinh tế ở nước ta là do ta đã dập khuôn một mô hình kinh tế chưa thích hợp và kém hiệu quả. Do vậy tại Đại hội VI của Đảng đã chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và thực hiện chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa sang cơ chế hoạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội VII của Đảng khẳng định: Tiếp tục xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập
trung quan liêu bao cấp, hình thành đồng bộ và vận hành có hiệu quả cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
1.2.2 Cơ chế thị trường và những khuyết tật của nó
“Cơ chế thị trường là cơ chế tự điều tiết của nền kinh tế thị trường do tác động của các quy luật vốn có của nó. Nói một cách cụ thể hơn, cơ chế thị trường là hệ thống hữu cơ của sự thích ứng lẫn nhau, tự điều tiết lẫn nhau của các yếu tố giá cả, cung – cầu, cạnh tranh… trực tiếp phát huy tác dụng trên thị trường để điều tiết nền kinh tế thị trường” [1, Tr.351]. Cơ chế thị trường quyết định những vấn đề cơ bản của nền kinh tế.
Cơ chế thị trường là tổng thể các nhân tố, quan hệ, môi trường, động lực và quy luật chi phối sự vận động của thị trường. Nói đến cơ chế thị trường trước hết là phải nói đến các nhân tố cơ bản cấu thành thị trường là hàng và tiền, mua – bán, cung cầu và giá cả hàng hóa. Nói cơ chế thị trường là nói môi trường cạnh tranh, ở đây diễn ra sự ganh đua, cọ sát giữa các thành viên tham gia thị trường để giành phần lợi cho mình. trong cơ chế thị trường động lực hoạt động của các thành viên là lợi nhuận, lợi nhuận có tác dụng lôi kéo các doanh nghiệp vào lĩnh vực mà xã hội cần và rút khỏi lĩnh vực sản xuất khi xã hội không cần. Cơ chế thị trường dùng lỗ, lãi để quyết định các vấn đề kinh tế cơ bản.
Đặc trưng của cơ chế thị trường là tự vận động theo những quy luật vốn có của nó như: quy luật giá trị, quy luật cung – cầu, quy luật lưu thông tiền tệ.
Các quy luật này có vị trí, vai trò độc lập, xong lại có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau tạo ra những nguyên tắc vận động của thị trường. Việc áp dụng cơ chế thị trường ở các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đã cho thấy những hiệu quả tích cực của nó trong việc phát triển kinh tế. Qua đó có thể khái quát một số ưu điểm của cơ chế thị trường như sau:
- Cơ chế thị trường kích thích hoạt động của các chủ thể kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động tự do của họ. Do đó làm cho nền kinh tế
phát triển năng động, huy động được các nguồn lực của xã hội vào phát triển kinh tế.
- Cạnh tranh buộc những người sản xuất phải giảm hao phí lao động cá biệt đến mức thấp nhất có thể được bằng cách áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, nhờ đó thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng và số lượng hàng hóa.
- Sự tác động của cơ chế thị trường đưa đến sự thích ứng tự phát giữa khối lượng và cơ cấu cảu sản xuất với khối lượng và cơ cấu nhu cầu của xã hội, nhờ đó có thể thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng cá nhân và sản xuất về hàng ngàn, hàng vạn loại sản phẩm khác nhau.
Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó, ngoài những ưu điểm của cơ chế thị trường đối với việc phát triển kinh tế thì cũng ta cũng phải gánh chịu những hậu quả do khuyết tật mang lại như:
- Mục đích của các doanh nghiệp là lợi nhuận tối đa, do đó họ có thể lạm dụng tài nguyên của xã hội, gây ô nhiễm môi trường sống của con người mà xã hội phải gánh chịu, do đó hiệu quả kinh tế - xã hội không được đảm bảo.
Có những mục tiêu xã hội mà dù cơ chế thị trường có những hoạt động tốt nhất cũng không thể đạt được. Sự tác động của cơ chế thị trường đưa đến sự phân hóa giàu nghèo, tác động xấu đến đạo đức con người.
- Một nền kinh tế do CCTT điều tiết khó tránh khỏi những thăng trầm, khủng hoảng kinh tế có tính chu kỳ. Người ta nhận thấy rằng một nền kinh tế hiện đại đứng trước một vấn đề nan giải của kinh tế vĩ mô không một nước nào trong thời gian dài lại có được lạm phát, thất nghiệp thấp và có việc làm đầy đủ. Vì vậy để hạn chế được những khuyết tật thì ngày nay trong thực tế không còn tồn tại cơ chế thị trường thuần túy mà thường có sự can thiệp của Nhà nước.